SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Bên trong “căn cứ” của những người tiên phong đào Bitcoin kiếm tiền

Theo chân nhà báo Joshua Davis của tờ The New Yorker “đột nhập” tổng hành dinh của những người tiên phong khai thác Bitcoin vào thời điểm một đêm ở khách sạn giá 10 BTC.
Avatar
writer
Published Aug 07 2022
Updated Oct 06 2023
12 min read
thumbnail

*Đây là series "monKEY" về quản lý tài chính cá nhân qua những câu chuyện kiếm tiền và mất tiền “lạ đời”.

Nếu bây giờ có 10 BTC trong tay, bạn sẽ mua được gì? Một căn hộ hạng sang ở trung tâm thành phố. Một chiếc Mercedes-Benz hoặc BMW. Vào năm 2011, nếu bạn ở Mỹ và sở hữu 10 BTC, bạn có thể mua thịt bò khô và tất qua mạng, mua máy tính ở một số nhà bán lẻ máy tính, hay bánh falafel từ một nhà hàng. 

Nếu Bitcoin chỉ có thể dùng để mua những thứ “lặt vặt” kể trên, tại sao vào thời điểm nó tròn hai tuổi, những thợ đào tiên phong lại chấp nhận khai thác đồng tiền mới này? Joshua Davis - phóng viên tờ The New Yorker nổi tiếng, quyết định đi tìm câu trả lời.

Niềm tin vào đồng tiền mới

Vào một ngày cuối tháng 8/2011, Joshua biết rằng mình có thể dùng Bitcoin để đặt phòng tại khách sạn Howard Johnson ở Fullerton, California, cách Disneyland mười phút.

“Tôi đã đặt phòng cho mình cùng cô con gái bốn tuổi, và nhận được e-mail từ khách sạn yêu cầu thanh toán 10.305 BTC,” anh kể.

Bản thân Joshua từng nghĩ đến việc đào Bitcoin, thứ mà anh gọi là trò “xổ số” vì hệ thống được thiết lập để khi càng có nhiều người chơi, độ khó để “thắng” được Bitcoin càng cao.

“Vào thời điểm này, sẽ là vô nghĩa đối với tôi để chơi xổ số Bitcoin. Khi Bitcoin mới ra đời, laptop của tôi thỉnh thoảng có cơ hội chiến thắng,” anh nói. “Nhưng giờ đây, sức mạnh tính toán của trò cạnh tranh này đã vượt quá sức mạnh của siêu máy tính hàng đầu thế giới.”

Vì thế, Joshua đã mở tài khoản tại sàn giao dịch Bitcoin Mt. Gox và chuyển 120 USD. Vài ngày sau, anh mua 10.305 BTC chỉ với một lần nhấn nút và dễ dàng gửi chúng đến khách sạn Howard Johnson.

Đây là một giao dịch đơn giản nhưng che giấu đằng sau một phép tính phức tạp. Năm 1971, cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố USD không còn có thể quy đổi thành vàng. Kể từ đó, giá trị của đồng USD chỉ dựa trên niềm tin thuần tuý của con người vào nó.

Chúng ta tin tưởng USD sẽ có giá trị vào ngày mai, vì thế ngày hôm nay chúng ta chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này. Bitcoin cũng tương tự như vậy: bạn phải tin rằng hệ thống sẽ không bị tấn công và Satoshi Nakamoto không đột ngột xuất hiện bằng cách nào đó để cướp đoạt tất cả. 

Một khi bạn tin vào nó, giá thực tế của một đồng Bitcoin -  60 USD hay 60,000 USD? - phụ thuộc vào các yếu tố như: có bao nhiêu thương nhân đang sử dụng nó, bao nhiêu người có khả năng sử dụng nó trong tương lai và liệu chính phủ có cấm nó hay không?

đào coin

Joshua và con gái đến Howard Johnson và gặp Jefferson Kim, tổng giám đốc 28 tuổi của khách sạn, cũng là người bắt đầu khai thác Bitcoin từ hai tháng trước.

“Anh là người đầu tiên từng thanh toán bằng Bitcoin,” Kim nói.

Tại sảnh khách sạn vào một chiều thứ Sáu nóng nực, Kim cho Joshua biết lý do mình gia nhập hàng ngũ thợ đào Bitcoin.

Anh thích thú với ý tưởng tiền tệ được điều chỉnh bởi một tập hợp các quy tắc logic, hơn là những âm mưu bí ẩn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Anh chỉ ra rằng 1 USD ngày nay có thể mua được những thứ mà cách đây một thế kỷ một đồng 5 xu có thể mua được, chủ yếu là vì chính phủ đã in ra quá nhiều tiền. Và anh hỏi, tại sao phải tin tưởng vào loại tiền tệ được hỗ trợ bởi một chính phủ đang mắc nợ 14 nghìn tỷ USD (thời điểm 2011)?

Kim đã chi 1,200 USD cho một máy tính chơi game hiệu suất cao để đào Bitcoin và anh tin mình sẽ kiếm lại được tiền. Vào thời điểm nói chuyện, anh mới chỉ kiếm được 400 USD, nhưng “thật vui khi trở thành người tiên phong”. 

Anh muốn Bitcoin thành công và để điều đó xảy ra, các doanh nghiệp cần phải bắt đầu chấp nhận nó. Và chính Kim đã làm điều này với khách sạn của mình. Tuy nhiên, Kim giấu không nói với mẹ, người thực sự sở hữu nơi này, rằng khách sạn của bà đang chấp nhận Bitcoin:

“Sẽ quá khó để giải thích Bitcoin là gì”.

Sự thật là thậm chí ngay từ những ngày đầu, hầu hết mọi người không chi tiêu số Bitcoin họ mua; họ tích trữ chúng, hy vọng chúng tăng giá. Các doanh nghiệp ngại chấp nhận Bitcoin, vì chúng mới và kỳ lạ — và vì giá trị của chúng có thể biến động dữ dội (Kim ngay lập tức đổi Bitcoin mà Joshua gửi cho mình sang USD để tránh rủi ro đó.) Tuy nhiên, đồng tiền này còn non trẻ và có một số thuộc tính thu hút các thương gia.

Robert Schwarz, chủ sở hữu một doanh nghiệp sửa chữa máy tính ở Klamath Falls, Oregon, bắt đầu bán máy tính lấy Bitcoin để tránh phí thẻ tín dụng cao, mà anh ước tính khiến mình mất 3% mỗi giao dịch. 

“Một ngân hàng gọi cho tôi nói họ có mức phí thấp nhất,” Schwarz kể. “Tôi nói, ‘Không, các anh không hề. Bitcoin mới vậy’.”

Bởi vì việc chuyển Bitcoin không thể hoàn lại, người bán cũng không phải đối phó với các khoản bồi hoàn thẻ tín dụng từ những khách hàng không hài lòng. Giống như tiền mặt, Bitcoin sẽ biến mất khi bạn chia tay nó.

Đào Bitcoin tại kho rác

Chia tay Kim, Joshua đến Glasgow, Kentucky, để tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra như thế nào. 

Trong một thị trấn rải rác những nhà máy đóng cửa và một quảng trường trung tâm với những cửa hàng trống trải, Joshua đến thăm Kevin Groce, một thợ đào Bitcoin 42 tuổi. Các chú của ông điều hành một doanh nghiệp vận chuyển rác và đã để ông “lập căn cứ” tại cơ sở của họ. “Sào huyệt” khai thác Bitcoin của Groce nằm gần bãi đậu xe bẩn thỉu, chật cứng những chiếc xe chở rác bốc mùi hôi thối trong cái nắng mùa hè.

“Tôi thích gọi hoạt động này là một ảo mộng mới,” Groce nói và cười. Ông dẫn Joshua vào một căn phòng tối có một bức tường phủ những chiếc máy tính tự chế cao 1.2 mét với đèn xanh và đỏ nhấp nháy. Các bộ vi xử lý bên trong đã làm việc chăm chỉ đến mức nhiệt độ của chúng tăng lên 170 độ, và nhiệt tỏa ra khắp phòng. 

Mỗi hệ thống là một mớ bòng bong dây nhợ và các bộ phận ráp nối lại với nhau, với một chiếc quạt được gắn băng keo ở trên cùng. Groce đã xây dựng dàn máy này ba tháng trước, với giá 4,000 USD. Chúng tạo ra một lượng Bitcoin ổn định, được Groce đổi lấy USD, trung bình khoảng 1,000 USD/tháng. Ông tin rằng khoản đầu tư của mình sẽ sinh lợi.

Groce chia thời gian làm việc cho trang trại của bố mình, sửa chữa laptop tại một cửa hàng máy tính trong vùng và khai thác Bitcoin. Cha Groce không hiểu sự nhiệt tình của ông đối với loại tiền mới và mong muốn ông tiếp quản trang trại.

“Nếu Bitcoin không gắn liền với một con bò, bố tôi sẽ không nghĩ nhiều về nó,” Groce nói.

Groce đã đính hôn và dự định sử dụng một phần số tiền kiếm được từ Bitcoin để chi trả cho đám cưới ở Las Vegas. Ông cố gắng giải thích với vị hôn thê rằng họ có đủ tiền làm điều đó, nhưng cô nghi ngờ khả năng sinh lời từ dàn thiết bị đào Bitcoin chất đống trong phòng. 

“Cô ấy hay la lối mỗi khi chúng tôi nói về chuyện đó,” Groce chia sẻ.

Tuy nhiên, ông vẫn tự hào về trung tâm tính toán mạnh mẽ mà mình đã xây dựng. Máy móc chạy không ngừng và ông có thể điều khiển chúng từ xa với chiếc iPhone. Việc này cho phép ông cùng một lúc cắt thuốc lá với cha và giám sát hoạt động đào Bitcoin.

Satoshi Nakamoto biết rằng việc cạnh tranh để giành phần thưởng Bitcoin cuối cùng sẽ khiến mọi người xây dựng các cụm máy tính mạnh mẽ như thế này. Thay vì lãng phí nỗ lực đó, Satoshi đã thiết kế phần mềm tận dụng sức mạnh xử lý của những người “chơi xổ số” để xác nhận và xác minh các giao dịch.

Khi những người như Groce cố gắng giành Bitcoin, máy tính của họ được khai thác để phân tích các giao dịch và đảm bảo rằng không ai tiêu một số tiền hai lần (double-spending). Nói cách khác, hoạt động mà Groce đang làm nơi khỉ ho cò gáy này giống như một loại ngân hàng.

đào bitcoin là gì

Groce, tuy nhiên, trông không giống kiểu người mà một ngân hàng lớn nào đó sẽ thuê. Ông thích thức khuya ở trung tâm vận chuyển rác và thả hồn theo những điệu nhạc trên cây đàn guitar. Ông âu yếm đặt tên cho tất cả máy tính của mình, như Topper và Dazzler, và săn sóc chúng như thể chúng là những con vật vừa đoạt giải trong một cuộc thi.

“Tôi lớn lên trong việc vắt sữa bò,” Groce nói. “Giờ thì tôi ‘vắt sữa’ những thứ này.”

Vào mùa hè năm đó, Bitcoin bị tấn công. Dù các hacker không thể phá hủy code của Satoshi nhưng chúng đã làm gián đoạn việc trao đổi và phá hủy các trang web giúp người dùng lưu trữ Bitcoin. Số lượng giao dịch giảm và tỷ giá hối đoái giảm mạnh. Các nhà bình luận dự đoán Bitcoin sẽ “chầu trời”. 

Tuy nhiên, ở Kentucky, Kevin Groce vẫn bình chân như vại. Ông vừa thêm hai hệ thống mới vào hoạt động khai thác Bitcoin tại kho rác và dự định xây thêm hàng tá nữa. Ricky Wells, chú của ông và đồng sở hữu doanh nghiệp kinh doanh rác, đã đề nghị đầu tư 30,000 USD, mặc dù ông không hiểu Bitcoin hoạt động như thế nào.

“Tôi chỉ là một tên khốn thích rủi ro và tôi biết thứ này đang làm ra tiền,” Wells nói. “Thêm nữa, những thứ này nóng kinh khủng, chúng sẽ sưởi ấm cả tòa nhà vào mùa đông này”.

Với Groce, Bitcoin là một phát triển không thể tránh khỏi của tiền tệ. Mọi người ngày càng ít sử dụng tiền in, ông nói. Người tiêu dùng cần thứ gì đó như Bitcoin để thế chỗ.

“Nó giống như tám bản nhạc sẽ được chuyển từ băng cassette sang đĩa CD và sau đó là MP3,” ông nói thêm.

Mặc dù bạn bè và hầu hết người thân đều thắc mắc về sự nhiệt tình của ông, Groce vẫn không giấu giếm sự tự tin ​​của mình. Ông thích mặc một chiếc áo phông do chính tay mình thiết kế có dòng chữ “Triệu phú Bitcoin” được dát vàng trên ngực. Ông thừa nhận rằng mọi người chế nhạo ông vì điều đó.

“Vị hôn thê của tôi liên tục nói thà tôi chỉ là một triệu phú già bình thường,” ông kể. “Nhưng có lẽ ngày nào đó điều đó sẽ thành hiện thực, nếu những hệ thống này vẫn tiếp tục chạy ngon lành.”

Có lẽ nếu vẫn giữ Bitcoin đến giờ, Groce không những trở thành triệu phú, mà là tỷ phú.

Đọc thêm: “Kiếm tiền bằng cách đi bộ nghe sao dễ quá, nhưng tôi vẫn đâm đầu vào”

RELEVANT SERIES