SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Chính sách tài khóa là gì? Hiểu về chính sách tài khoá trong 1 phút

Khi tăng trưởng kinh tế quá “nóng” hoặc trì trệ, chính phủ sẽ áp dụng chính sách tài khóa để điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Vậy chính sách tài khóa là gì? Có những loại chính sách tài khóa nào?
Avatar
trangtran.c98
Published Mar 11 2024
Updated Apr 24 2024
7 min read
thumbnail

Chính sách tài khóa là gì? 

Chính sách tài khóa là các chính sách được chính phủ ban hành liên quan đến thuế và chi tiêu công. Mục tiêu là giúp ổn định giá trị tiền tệ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có hai loại chính sách tài khóa mà chính phủ sử dụng để quản lý nền kinh tế là: 

  • Chính sách tài khóa mở rộng: còn được gọi là chính sách tài khóa thâm hụt, tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế, nhằm kích thích nền kinh tế.
  • Chính sách tài khóa thắt chặt: còn được gọi là chính sách tài khóa thu hẹp, giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, nhằm hạn chế lạm phát và ổn định kinh tế.

Cả hai loại chính sách này đều là công cụ quan trọng hỗ trợ chính phủ trong việc điều chỉnh nền kinh tế.

phân biệt các loại chính sách tài khóa
Phân biệt chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt
advertising

Chính sách tài khóa được triển khai như thế nào?

Chính sách tài khóa được triển khai thông qua hai công cụ chính là thuế và chi tiêu công. Mỗi công cụ có vai trò riêng biệt trong quá trình điều chỉnh nền kinh tế.  

Thuế

Thuế là số tiền mà chính phủ thu từ người dân và doanh nghiệp. Thuế có thể bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế quan và các loại thuế khác. 

Về cơ bản, có thể chia thành:

  • Thuế trực thu (direct tax): là loại thuế đánh trực tiếp lên thu nhập hoặc tài sản của cá nhân/doanh nghiệp. Loại hình thuế này giúp giảm bất bình đẳng kinh tế thông qua việc áp thuế cao hơn cho người có thu nhập cao hơn, điều chỉnh khoảng cách giàu nghèo, tạo ra một xã hội bền vững hơn. Ví dụ: Thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, thuế thu nhập doanh nghiệp… 
  • Thuế gián thu (indirect tax): là loại thuế được áp đặt trên giá trị của hàng hóa/dịch vụ. Người tiêu dùng cuối phải trả loại thuế này. Loại hình thuế này giúp điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân. Ví dụ: Thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu… 

Chính phủ có thể điều chỉnh mức thuế lên hoặc xuống để ảnh hưởng đến mức độ tiêu dùng và đầu tư của người dân & doanh nghiệp.

Giảm thuế thường nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư, trong khi tăng thuế có thể được sử dụng để kiểm soát lạm phát hoặc tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

Đọc thêm: Cách nhận biết lạm phát thông qua chỉ số CPI 

Chi tiêu công

Chi tiêu công là hoạt động chi tiêu của chính phủ, bao gồm hai loại chính là:

  • Chi mua hàng hóa và dịch vụ: Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng như xây dựng và bảo trì hạ tầng như đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… Dịch vụ công như dịch vụ y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, an ninh công cộng… Và mua sắm thiết bị và vật tư cho cơ quan chính phủ. Loại chi tiêu này thường được thực hiện thông qua các hợp đồng mua sắm công, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
  • Chi chuyển nhượng/chuyển giao: Bao gồm các khoản thanh toán cho cá nhân/tổ chức như trợ cấp xã hội cho người già, người nghèo… Trợ cấp thất nghiệp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Hoặc hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp quan trọng. Chi chuyển nhượng mặc dù không trực tiếp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ, nhưng loại chi tiêu này đóng góp vào sự ổn định của nền kinh tế thông qua cung cấp mạng lưới an sinh xã hội.

Thông qua việc tăng chi tiêu công, chính phủ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra việc làm và tăng cầu hàng hóa dịch vụ. Ngược lại, giảm chi tiêu công có thể giúp kiểm soát nợ công và hạn chế lạm phát.

Đọc thêm: Trần nợ công là gì? Ảnh hưởng của trần nợ công đến nền kinh tế

thâm hụt ngân sách nhà nước
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của chính phủ tăng dần qua các năm

Chính sách tài khóa được dùng để làm gì? 

Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô. Mục tiêu của chính sách tài khóa nhằm:

  • Kích thích tăng trưởng kinh tế: Chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tiêu dùng. Gói kích thích kinh tế của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 là ví dụ điển hình. Chính phủ Mỹ đã tăng chi tiêu công và giảm thuế để kích thích nền kinh tế, dẫn đến sự phục hồi kinh tế trong những năm sau đó.
  • Giảm tỷ lệ thất nghiệp: Tăng chi tiêu cho các dự án công có thể tạo ra việc làm, giảm thất nghiệp. Chương trình "New Deal" của Tổng thống Franklin D. Roosevelt trong thập kỷ 1930 nhằm giảm thất nghiệp sau cuộc Đại Suy Thoái, thông qua việc tăng chi tiêu công cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác.
  • Kiểm soát lạm phát: Một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách tài khóa là kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá cả hàng hóa và dịch vụ không tăng quá nhanh. Đức, trong những năm 2000, đã áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt để kiểm soát lạm phát, bằng cách giảm chi tiêu công và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).
  • Tái phân phối thu nhập: Nhằm giảm bất bình đẳng và hỗ trợ những người có thu nhập thấp trong xã hội, thường thực hiện thông qua thuế tiến bộ (người có thu nhập cao đóng thuế với tỷ lệ cao hơn). Các quốc gia Scandinavia (như Thụy Điển, Na Uy, và Đan Mạch) sử dụng hệ thống thuế tiến bộ và chi tiêu lớn cho phúc lợi xã hội để giảm bất bình đẳng và hỗ trợ công dân.
  • Ổn định kinh tế vĩ mô: Chính phủ có thể giảm thiểu tác động của các chu kỳ kinh tế trong các thời kỳ suy thoái hoặc tăng trưởng nhanh để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nhiều quốc gia đã tăng chi tiêu công đáng kể (ví dụ: trợ cấp trực tiếp cho người dân, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp) để giảm thiểu tác động của sự kiện này lên nền kinh tế.

Chính sách tài khóa là một công cụ mạnh mẽ trong tay chính phủ để định hình nền kinh tế, đạt được tăng trưởng bền vững, công bằng xã hội.

Đọc thêm: Chính sách tiền tệ là gì? Ảnh hưởng của chính sách nới lỏng và thắt chặt tiền tệ lên thị trường Crypto

RELEVANT SERIES