SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Crypto Startup Playbook: Cẩm nang cho các Crypto startup

Cẩm nang cho các startup muốn dấn thân vào lĩnh vực Crypto
Avatar
Duy Nguyen
Published Nov 01 2020
Updated May 23 2023
42 min read
thumbnail

Thị trường Crypto hiện vẫn đang ở giai đoạn còn rất non trẻ và những người biết tận dụng cơ hội sẽ có khả năng lớn đạt được những lợi ích mà bản thân không thể ngờ tới.

Bài dịch hôm nay từ Haseeb Qureshi - nhà đầu tư của Dragonfly Capital, một VC được rất nhiều khen ngợi trong giới startup, sẽ chia sẻ, đưa ra hướng đi và lời khuyên của anh cho những ai quan tâm đến việc tạo ra một startup trong thị trường Crypto. Hy vọng đây sẽ là cẩm nang đi theo bạn để đạt được mục tiêu của mình. 

Thân ái !!

Tôi là một crypto VC. Điều đó nghĩa là dành cả ngày nói chuyện với các chủ doanh nghiệp crypto, nghe ý tưởng và đánh giá sản phẩm. Điều đầu tiên mà bạn có thể nhận ra là trong ngành công nghiệp này là hầu hết mọi người đều đang thổi phồng về nó. (Điều này áp dụng với cả tôi và đặc biệt là các founder).

Thị trường Crypto chuyển động với tốc độ chóng mặt khi so sánh với các ngành khác, nhưng không có một khuôn mẫu cụ thể nào để mô tả việc chúng tôi đang làm. Không thể biết được thị trường này sẽ phát triển đến đâu, tiêu chí chính xác để định giá một công ty, những thông số nào cần chú trọng hoặc xem liệu các sản phẩm có thực sự đáng giá hay không. 

Không có một IPO hay một câu chuyện được xác thực nào về sự thành công trong ngành này ngoại trừ Bitcoin. Điều này dẫn đến việc những founder và nhà đầu tư phải tự mình đưa ra phán đoán khi họ bắt đầu. Và như một kết quả không thể tránh khỏi, bạn có thể thấy rất nhiều công ty kỳ lạ trong thị trường crypto.

Vì vậy tôi quyết định viết bài viết này để cho mọi người có một hướng đi trong việc xây dựng một crypto startup. Tôi đã làm việc trong một crypto startup và chính bản thân cũng là một co-founder, nhưng những lời khuyên sau đây chủ yếu là từ quan sát nhiều công ty thành công hơn trong lĩnh vực này. 

Bài viết sau sẽ không hướng dẫn bạn từng li từng tí về những việc bạn cần làm, không có một tài liệu nào trên thế giới có thể hướng dẫn chi tiết cách xây dựng một công ty. Nhưng tôi có thể chỉ ra một hướng đi mà tôi đã tổng hợp được từ thành công của rất nhiều startup khác.

Bắt đầu thôi nào.

Trước khi xây dựng một crypto startup 

Trước khi xắn tay áo và bắt đầu ngay công việc, hãy hỏi bản thân: Bạn đã thực sự hiểu về crypto để bắt đầu xây dựng một công ty về crypto chưa?

Khi tôi nảy ra ý tưởng crypto startup đầu tiên, tôi nhận ra bản thân quá thiếu hiểu biết về hệ sinh thái blockchain. Tốn khá nhiều thời gian để tôi thấy sự thiếu hiểu biết của mình và nhận ra ý tưởng đầu tiên mà tôi có tệ đến mức nào!

Nếu như bạn không thực sự quen thuộc với crypto, với văn hóa, với sản phẩm và lịch sử của ngành này, tôi khuyên bạn nên dành thời gian để học trước. Cách nhanh nhất để học là tham gia vào một crypto startup khác. Lăn lội và học hỏi từ thực tế là phương pháp giáo dục tuyệt vời nhất ở bất cứ lĩnh vực nào. Đây chính xác là những gì tôi đã làm tại 21 (hiện tại là Earn.com).

Ngấu nghiến những quyển sách, đi giao lưu, cập nhật tin tức mới, trải nghiệm công nghệ và hòa mình vào với cộng đồng.

Bây giờ khi đã quen thuộc với lĩnh vực này và đã tích lũy được một vài kinh nghiệm. Điều tiếp theo trước khi bắt đầu xây dựng một crypto startup: Bạn có hiểu biết về kỹ thuật không?

Nếu câu trả lời là không, bạn sẽ phải cần một co-founder biết kỹ thuật nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm có giá trị. Crypto yêu cầu một nền tảng kỹ thuật tốt, và  sẽ rất khó để được góp vốn nếu như chỉ có một mình bạn làm founder. Và đương nhiên cách tốt nhất để tìm những co-founder là đã cùng làm việc với nhau ở một startup khác, và tin vui là bạn đã làm điều này rồi.

Khi tập hợp một đội, tổ hợp tốt nhất là từ những người bạn của bạn, hoặc là từ những người mà bạn đã từng làm việc cùng. Hãy nhớ rằng lý do đứng đầu trong việc thất bại của một công ty là mâu thuẫn giữa những founder. 

Nếu như bạn chưa xây dựng một lòng tin đủ lớn với những co-founder của mình, sẽ rất khó để mọi chuyện có thể đi theo một chiều hướng tốt, để có thể gắn bó với nhau và cuối cùng là xây dựng một công ty tuyệt vời.

Không cần phải nhảy thẳng vào việc xây dựng một công ty  ngay! Đừng vội hợp tác trước khi bạn có đủ tín nhiệm với đối phương và ngược lại. Thay vào đó bạn và co-founder có thể bắt đầu từ một vài dự án nhỏ hoặc hỗ trợ cho những dự án khác trước. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được cách làm việc cùng nhau và liệu mọi thứ có ổn không trước khi theo đuổi một mục tiêu lớn hơn.

Câu hỏi cuối cùng mà bạn cần đặt ra là: Vì sao bạn muốn xây dựng startup này? Vì tiền tài? Danh vọng? Hay là vì thế giới cần điều đó, và bạn muốn tạo ra một dấu ấn gì đó cho bản thân, cho cộng đồng và cho thế giới này?

Một lời khuyên chân thành: Những startup bị hấp dẫn bởi đồng tiền rất ít khi thành công. Tôi cũng không biết tại sao, có lẽ đồng tiền không mang ra được những điều tốt đẹp nhất trong bản thân mỗi con người. 

Mặt khác, những startup được thúc đẩy với mong muốn thay đổi thế giới sẽ là những người đứng vững cuối cùng khi mọi chuyện khó khăn. Khi bạn thực sự mong muốn và nỗ lực với một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó.

Hãy nhớ như in điều này!

(Note: từ nãy đến giờ, tôi vẫn chỉ nhắc lại hầu hết các lời khuyên xây dựng một startup thông thường, nếu điều này vẫn còn mới với bạn, một lời khuyên là bạn nên xem tài liệu của YC startup school).

Khi bạn đã xong những bước trên và sẵn sàng để xây dựng một crypto startup. Đến lúc bước vào giai đoạn lên ý tưởng.

Giai đoạn lên ý tưởng? Nhưng tôi đã có ý tưởng rồi mà!

Không. Bạn sẽ phải suy nghĩ ra nhiều ý tưởng, bởi vì với ý tưởng đầu tiên của bạn, thứ lỗi cho tôi vì phải nói thắng, nó chắc sẽ tệ lắm. Mà không, nó chắc chắn sẽ tồi tệ. Cần rất nhiều thời gian để tìm ra được một ý tưởng hay trong ngành này.

Blockchain rất phức tạp, khó hiểu và có rất nhiều điều mà chúng ta không biết. Xa hơn nữa, các blockchain hoàn toàn là những platform mở - điều này có nghĩa là bất kỳ ai trên thế giới đều có thể phát triển một sản phẩm crypto cạnh tranh với bạn. 

Điều này nghĩa là những ý tưởng hay và dễ hiểu đều đã được thử qua. Nếu bạn có một ý tưởng nào đó, nó có lẽ đã được thử trước đây, hoặc nó quá tệ để được thử.

Những ý tưởng tốt rất hiếm. Để nảy ra một ý hay cần một thời gian dài sàng lọc và lựa chọn.

Ý tưởng

Có một câu nói trong thung lũng Silicon: “Ý tưởng không đáng một xu cho đến khi bạn bắt tay vào thực hiện nó”. Như hầu hết các lời khuyên dành cho các startup, nó tuyệt vời không phải vì nó đúng, nó tuyệt vời vì nó hữu dụng.

Trong thực tế, ý tưởng đóng vai trò rất quan trọng. Một ý tưởng không tốt, dù cho có thực hiện tốt như thế nào đi nữa, cũng chỉ uổng phí thời gian.

Vậy làm thế nào để tìm ra một ý tưởng hay? Cách tốt nhất là tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ lĩnh vực mà bạn đang định dấn thân vào. Balaji Srinivasan gọi việc này là “mê cung ý tưởng”.

Một Founder tuyệt vời là người có khả năng dự đoán được con đường nào sẽ dẫn đến thành công và con đường nào sẽ dẫn đến vực thẳm. 

Một người Founder yếu kém sẽ chạy luôn đến cảnh cổng mê cung của “lĩnh vực phim ảnh, nhạc, chia sẻ file, P2P” mà không biết một chút gì về lịch sử của lĩnh vực đó, những người chơi trong mê cung đó, những thất bại trong quá khứ và những công nghệ sẽ giúp họ phá vỡ bức tường và thay đổi những định kiến về lĩnh vực đó”.

Đầu tiên hãy trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của bạn trước khi bắt đầu cuộc hành trình ở mê cung đó. Hứng thú với xây dựng một DEX? Một mô hình kinh doanh cho vay? Một hệ thống market making? Một cơ chế layer 2? 

Chắc chắn những thứ đó có lịch sử của mình, bạn cần phải hiểu được những người chơi trong mê cung, kể cả những người thành công và thất bại từ đó có thể vẽ cho mình tấm bản đồ thoát khỏi mê cung đó. Mô hình kinh doanh đó tạo ra thu nhập bằng cách nào? Ai là khách hàng của họ? Làm cách nào để nổi bật? Điểm đặc biệt nào khi dẫn tới sự thành công của họ?

Nếu như bạn vẫn chưa biết mình nên chọn mê cung nào trong số hàng trăm ngàn mê cung, hãy thử cách này: Nhắm mắt lại và tưởng tượng xem Crypto sẽ thay đổi như thế trong vòng hai năm tới? 

Đừng tạo ra một platform layer 2 hoặc một platform smart contract nữa - đã có những con người nhận ra vấn đề đó từ vài năm trước rồi, và tất nhiên bây giờ họ đã dẫn trước bạn quá nhiều. Bạn thậm chí còn không ở trong chứ đừng nói là bị bỏ lại phía sau cuộc đua. 

Bạn cần phải suy nghĩ xem điều gì sẽ trở nên đáng giá trong tương lai khi sản phẩm của bạn đã đủ lông đủ cánh. Điều này cần phải có một tầm nhìn và sự quyết đoán với tương lai phát triển của crypto. 

Thế giới lúc đó sẽ thay đổi như thế nào, điều gì sẽ tạo ra nhu cầu cho sản phẩm của bạn? Có thể lúc đó chúng ta đã có những sản phẩm layer 1 thông lượng cao, có thể lúc đó nhiều tài sản từ thế giới thật sẽ được tokenized hoặc có thể lúc đó sự tương tác giữa các blockchain và sản phẩm đã rất phát triển - bất kể là điều gì, bạn đều phải nhìn vào tương lai và tập trung vào dự án mà thị trường sẽ cần.

Mặt khác, có một vài mê cung mà tôi gần như chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục thảm hại, mọi doanh nghiệp tham gia chúng gần như sẽ không có một tương lai tươi sáng.

Những thứ tôi sắp liệt kê được cấp vốn từ hồi ICO bùng nổ, nhưng bây giờ hầu hết sẽ không nhà đầu tư nào sẽ để ý tới. Vì một lý do nào đó, những ý tưởng này vẫn thỉnh thoảng được đề xuất. Dưới đây là một vài ví dụ như thế (nếu bạn có ý tưởng tương tự trong này, tôi sẽ rất vui mừng nếu bạn chứng minh được tôi sai):

Một đồng stablecoin mới được backed bởi một fiat: Trừ khi bạn là Facebook hay JPMorgan, lý do đây là một ý tưởng tồi đơn giản vì có quá nhiều stablecoin ở thời điểm hiện tại để bạn có thể cạnh tranh và nổi bật. Kể cả khi Tether gặp sự cố, sẽ có một hàng dài stablecoin được backed bởi fiat với một nền tảng phân phối mạnh mẽ sẵn sàng thế chỗ.

Một đồng stablecoin phi tập trung mà khác biệt một chút với những thiết kế thông thường: (Khác nhau ở cơ chế thế chấp, thuật toán,..) Đã quá muộn để bắt đầu từ vạch xuất phát, các đồng stablecoin phi tập trung đang tồn tại không tạo nên nhu cầu đủ mạnh để có thể bảo đảm trước những đối thủ cạnh tranh. Các nhà đầu tư cá nhân đã cho thấy sự không hứng thú với những thay đổi trong thiết kế của stablecoin (lý do rất đơn giản - chúng đều có chung một mức giá).

“Bitcoin-killers”. Xin lỗi vì phải nói thẳng, nhưng Bitcoin đã đá hết tất cả những thứ mà xưng là “Bitcoin killer” ra khỏi cuộc chơi rồi. Lý do vì sao Bitcoin là vua liên quan rất ít đến công nghệ, vì vậy cạnh tranh với Bitcoin về công nghệ là một điều không khôn ngoan.

Chưa nói đến Bitcoin, cánh cổng cho “Ethereum killers” cũng đang khép lại rất nhanh, và nhìn chung tôi nghĩ những dự án có ý tưởng như thế sẽ rất khó để gây vốn nữa. Hiện tại đã có khoảng 10 dự án chuẩn bị cho ra sản phẩm và hệ thống ứng dụng trong vòng hai năm tới, trừ khi bạn có lợi thế phân phối ra thị trường hiệu quả, nếu bây giờ bắt đầu bạn có lẽ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Blockchain cho X. X có thể là quảng cáo, dầu, gas, chuối, bất kì một thứ gì. Đó sẽ là một khuôn mẫu đã xảy ra với “mạng xã hội cho X”, hay “Uber cho X” - hầu hết những thứ đó đều không cần thiết và không thành công trong việc giải quyết vấn đề mà họ hướng tới. Nhất là khi bạn muốn kiếm tiền bằng việc thêm token cho việc thanh toán với cái mô hình kinh tế tí hon này.

Để tôi đi sâu vào phần này hơn, vì tôi biết rằng sẽ có nhiều founder có ý tưởng với một vài biến thể của ý tưởng trên.

Blockchain lúc đầu được phát triển để giải quyết vấn đề tạo ra một đồng tiền phi tập trung. Rất nhiều người trong đó có tôi, mặc định rằng công nghệ blockchain sẽ giúp giải quyết những vấn đề phức tạp khác nhau.

Cho tới lúc này, cái lý tưởng đó có vẻ hoàn toàn sai lầm. Tôi chưa thấy một blockchain nào được ứng dụng ở gần như bất cứ một lĩnh vực gì ngoại trừ tiền và quyền sở hữu.

Tôi không nghĩ rằng việc này là ngẫu nhiên hoặc chỉ là vấn đề chung của những người đi đầu. Mà có lẽ rằng rất ít những vấn đề phức tạp có thể được giải quyết chỉ bằng mỗi công nghệ

Việc không chịu hợp tác và chỉ nhìn vào phần nổi của hệ sinh thái dẫn đến suy nghĩ “này, tôi cá là blockchain sẽ giải quyết được vấn đề này đấy.” Bản thân tôi đã nhìn thấy hàng trăm startup đưa ra những giải pháp kiểu như vậy. 

Sau khi xem xét kỹ hơn, gần như chắc chắn rằng chỉ mỗi blockchain không sẽ không thể giải quyết được vấn đề đó. Thường thì những startup này không hiểu lý do vì sao các những người trong lĩnh vực của họ lại không chịu hợp tác (bởi những người đang nắm trong tay thị phần lớn không có lý do gì phải hợp tác với nhau).

Ngoài ra, rất nhiều “blockchain cho X” đang cố gắng nhóm mọi người vào một quy chuẩn chung. Nhưng rất tiếc, việc này không liên quan tới những đặc tính nổi bật của blockchain.

Credit: xkcd

Tính toàn cầu, không cần cấp quyền (permissionless), đồng tiền có thể lập trình thực ra vẫn còn khá mới mẻ. Chúng là lý do chúng ta tạo ra blockchain từ lúc đầu, và cho đến bây giờ chúng có lẽ là lý tưởng duy nhất mà chúng ta có thể làm với công nghệ này. Tôi khuyến khích bạn tìm kiếm theo hướng đó, vì tôi tin tưởng rằng hầu hết các đột phá trong lĩnh vực này sẽ được phát triển dựa trên những nền tảng này.

Phát triển cho những người dùng chưa tồn tại. Tôi thấy điều này ở khắp mọi nơi. Rất khó để có thể phát triển một sản phẩm cho những người dùng thậm chí còn chưa từng tồn tại. Nó tương tự như việc phát triển các app IOS trước khi có iphone vậy

Điều này có thể mở rộng đến cả những doanh nghiệp trong Fortune 100. Họ không sử dụng blockchain. Đúng, tôi biết họ nói họ có sử dụng. Nhưng mà không đâu, họ chỉ chạy vài thử nghiệm trong phòng phát triển của mình. 

Điều này tương tự với điện toán đám mây vào năm 2004: Hiện tại, blockchain là một từ lóng để những người đam mê công nghệ thích thú, nhưng vẫn còn quá sớm để những công ty đưa ra quyết định dịch chuyển hạ tầng của mình. 

Hãy bỏ qua những tập đoàn lớn lúc này và chờ đợi họ ứng dụng blockchain trong khoảng từ 5 đến 10 năm nữa (Note: Nếu bạn làm việc ở trong các công ty Fortune 100 mà ứng dụng blockchain trong sản xuất một cách có ý nghĩa, tôi sẽ rất mong được lắng nghe).

Bạn có thể tranh luận là: Crypto còn mới và rất tiềm năng! Nó sẽ thay đổi thế giới! Nó sẽ tạo ra một thế giới mới và hoàn toàn thay đổi những chuẩn mực xung quanh đồng tiền! Và những khách hàng của tôi sẽ đến từ đó!

Được thôi. Nhưng tất cả những công ty crypto tuyệt vời ngày nay đều được xây dựng trên cơ sở có một ai đó muốn sử dụng sản phẩm của họ. Những người đó có thể là một nhóm nhỏ: Cypherpunks, ETHheads, những crypto trader, … Nhưng đừng để mắc cái bẫy xây dựng một cái gì đó cho một cộng đồng thậm chí còn chưa tồn tại.

Cách tốt nhất để đánh cược cho xu hướng tương lai là xây dựng một cái gì đó mà bạn tin sẽ phát triển cho một lượng khách hàng nhỏ hiện tại. Đừng cố tưởng tượng khách hàng mà thậm chí chưa tồn tại và gán họ vào viễn cảnh tương lai. Bạn sẽ có kết cục là phát triển một sản phẩm không người sử dụng, không feedback, không biết được bạn có thực sự đang phát triển hay không. Với một startup, đó như địa ngục.

Phát triển dựa trên những crypto influencer. Đây cũng là một sai lầm thường gặp của những crypto startup. Ở hầu hết các lĩnh vực, nếu như bạn phát triển một sản phẩm mà các influencer thích, hàng triệu khách hàng sẽ theo sau. Nhưng crypto là một nơi kỳ lạ - sở thích của những crypto influencer không đại diện được nhiều cho những người dùng crypto.

Nếu tách ra khỏi những crypto influencer, hầu hết người bình thường sẽ nghĩ rằng những người sử dụng crypto là những gã hoang tưởng luôn chạy node và không bao giờ tin tưởng để crypto trên các sàn. 

Nhưng thực tế, điều này chỉ miêu tả một bộ phận rất nhỏ những người dùng crypto. Hầu hết người dùng crypto đều giữ các đồng coin của họ trên sàn, không biết đọc một dòng code và chưa bao giờ nghe về trường phái kinh tế Áo (Austrian economics). Họ chỉ quan tâm đến kiếm tiền và UX tốt hơn là sự phi tập trung.

Xây dựng ở một nơi mà luật pháp hạn chế quyền hạn của bạn: Nếu như bạn đang xây dựng một thứ gì đó mà dính dáng tới luật pháp (vấn đề mà hầu hết dự án crypto đang đối mặt trong thời điểm hiện tại), hãy cẩn thận. 

Quyền hạn bạn có trong việc xây dựng công ty ảnh hưởng rất lớn. Nếu như bạn đang phát triển một sản phẩm toàn cầu, có nghĩa những nơi như Hồng Kông, Singapore, Thụy Điển sẽ rất tuyệt vời để bạn xây dựng công ty. Ngược lại, nếu bạn xây dựng công ty ở thành phố New York, bạn sẽ hoang phí một đống tiền cho mấy tay làm luật để họ không làm phiền bạn.

Điều này không có nghĩa là không có công ty thành công ở New York, những ý tôi là bạn nên cân đo giữa chi phí và lợi ích. Nếu như bạn đang muốn xây dựng một cái gì đó trong giới giao dịch, DeFi, hoặc cố gắng phát triển thành một công ty toàn cầu (như mục tiêu của hầu hết người trong lĩnh vực crypto), cân nhắc thật kĩ về vấn đề liên quan đến luật lệ. 

Hầu hết các doanh nghiệp không chú ý nhiều đến điều này, nhưng tối ưu quyền hạn ở bất kỳ nơi nào mà bạn muốn làm việc sẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất ảnh hưởng đến tương lai công ty.

Nói đi cũng phải nói lại, đừng sợ luật pháp! Có thể đó sẽ là trở ngại khi bạn bắt đầu, nhưng đó cũng sẽ là con hào bảo vệ bạn sau khi bạn đã thành lập công ty. Nhưng phải nhớ một điều, bạn không thể dùng hết tất cả số tiền cho luật sư để bào chữa cho việc kinh doanh của bản thân khi thậm chí bạn còn chưa có việc kinh doanh để bào chữa.

Một khi ý tưởng của bạn đã được hình thành chi tiết, đã đến lúc mở rộng nó thành một kế hoạch tuyệt vời hơn.

Kiểm chứng ý tưởng

Bây giờ căn bản bạn đã biết mình đang làm gì, đã đến lúc để kiểm chứng ý tưởng đó. Tham dự những buổi giao lưu liên quan, tham gia hackathon. Nói chuyện với những chủ doanh nghiệp. Hãy kể cho họ về những điểm hay trong ý tưởng của bạn và nhận những lời góp ý từ họ (cố giấu diếm ý tưởng của bản thân là một sai lầm to lớn).

Xây dựng một mô hình. Trưng bày nó cả online lẫn offline và ở cả hackathon. Thu hút sự chú ý từ mọi người, khiến họ thích thú với sản phẩm của bạn. Rất nhiều những dự án crypto tuyệt vời được xây dựng theo cách đó - InstaDapp được phát triển đầu tiên tại một hackathon (tên nguyên bản là CryptoPay) và  BitMEX ra mắt bản “alpha” trước khi được góp vốn.

Dành càng nhiều thời gian càng tốt để nói chuyện với người dùng của bạn, tìm hiểu về những điều khiến họ khó chịu, sản phẩm nào họ đang dùng và những thứ mà sản phẩm đó còn đang thiếu. Để đến giờ phút này thì tôi tin bạn chắc cũng đã biết khách hàng thật sự của mình là ai rồi. Họ là những nhà đầu cơ, trader, người dùng DeFi, sàn giao dịch?

Nếu bạn đang làm về một thứ gì đó hàn lâm hơn (như công nghệ chuyên sâu, một blockchain mới,...) sẽ khó khăn hơn để có đánh giá từ người dùng. Trường hợp đó, bạn nên nói chuyện nhiều với những nhà công nghệ và các dự án muốn xây dựng trên nền tảng của bạn. Các lời góp ý về thiết kế sẽ ít giá trị ở giai đoạn này. Phần lớn bạn sẽ phải tự thân thiết kế và xây dựng sản phẩm của mình.

Gọi vốn! (Hoặc không)

 

Hãy coi như ý tưởng của bản đã được kiểm chứng và bạn bây giờ tràn đầy tự tin ý tưởng đó đáng giá để xây dựng kinh doanh.

Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là: Tôi có cần phải gọi vốn không? Thông thường, câu trả lời là: KHÔNG! Nếu như việc làm ăn của bạn không cần một nguồn vốn quá lớn, hoặc không quá tốn kém để làm sản phẩm mẫu và khởi chạy nó, thì tôi khuyên bạn không nên gọi vốn. 

CoinMarketCap, phần mềm tổng hợp về crypto lớn nhất hiện nay, được bắt đầu như một dự án phụ của một kỹ sư khi anh ta làm việc toàn thời gian tại một công ty phần mềm ở New York - không có một đồng nào từ các quỹ truyền thống. Bây giờ CoinMarketCap là một tên tuổi mà ai cũng biết trong làng crypto.

Nhưng có nhiều công ty cần vốn gấp (để có thể đi đầu và đánh bại các đối thủ) và sẽ cần gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Nếu đó là bạn, thì bạn sẽ cần biết một vài điều sau để thực hiện gọi vốn.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một website. Nếu như bạn đang làm việc liên quan đến kỹ thuật, bạn cũng sẽ cần whitepaper. (Vì sao cần whitepaper? Vì cả ngành công nghiệp crypto đều sùng bái Bitcoin và Ethereum và tất nhiên có whitepaper đã thành quy chuẩn. Khá ngu ngốc, nhưng tốt nhất đừng đi ngược đám đông vào lúc này).

Website của bạn rất quan trọng. Nó phải bao quát được những gì mà bạn đang làm (ngạc nhiên thay là rất ít người làm được điều đó). Nó cũng phải bao quát cách thức hoạt động của dự án. Là một nhà đầu tư nếu tôi có thể chỉ ra những điểm yếu rõ ràng, hạn chế mà bạn không nói, điều này sẽ không cho tôi sự tự tin rằng bạn đang hiểu rõ hệ thống của mình.

Trang web của bạn cũng cần phải có tokennomic (những tác động kinh tế đến token - cách mà token của bạn được sử dụng và giá trị của nó). Đồng thời bạn cũng cần một kế hoạch go-to-market (đánh vào thị trường) một cách khả thi. “Cứ xây đi và người dùng sẽ đến” không còn là một khái niệm thuyết phục nữa khi dự án crypto của bạn đang phải cạnh tranh với hàng ngàn đối thủ khác nhau.

Bạn cũng cần phải định giá công ty mình nữa. Điều này không cần trong website nhưng bạn nên biết giá trị của công ty khi cuộc nói chuyện xảy đến. Với những giai đoạn thỏa thuận đầu tiên, việc này có thể làm được thông qua so sánh. 

Nhìn vào những dự án có tốc độ phát triển như nhau, chất lượng sản phẩm như nhau, nhắm vào cùng một thị trường và được gọi vốn cùng một lúc, làm thế nào để định giá? (Đừng so sánh với những dự án được gọi vốn từ 2017, đó là một thị trường hoàn toàn khác và đừng mong sẽ có một mức định giá giống nhau).

Bây giờ khi bạn đã có một trang web hợp lý, đã đến lúc liên lạc với một VC thật sự.

Làm sao để có thể móc nối với các VC? Câu trả lời là qua mạng lưới của họ, có nghĩa là bạn cần được ai đó giới thiệu. Có thể là thông qua một VC khác, hoặc lý tưởng hơn thông qua một doanh nghiệp mà VC đó đã làm việc cùng. (Đó là lý do networking là một kỹ năng không thể thiếu của bất kỳ một founder nào).

Đừng mong chờ vào việc họ sẽ tự đến với bạn trong một hội thảo nào đó, và đừng dùng LinkedIn. Tôi thực sự chưa thấy một VC nào trong lĩnh vực này đầu tư thông qua việc nhận email trừ khi VC đó đã quen thuộc với dự án. 

Bởi vì crypto là nền công nghiệp toàn cầu, VC đó có thể tình cờ nhận được sự liên lạc nào đó từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, rất nhiều trong số đó là lừa đảo, và không có một cách nào để có thể đi chi tiết vào từng dự án. 

Hầu hết các VC trong thung lũng Silicon sẽ khuyên bạn có một warm intro (đã quen biết sẵn), và điều càng đúng hơn cho các VC trong lĩnh vực crypto.

Nhưng nếu bạn được giới thiệu, bạn có thể bớt được bước này và tiến nhanh hơn tới việc gọi vốn.

Và cuối cùng, khi gọi vốn, bạn sẽ muốn đặt ra một hạn chót cho việc gọi vốn của mình - vừa để tạo tính cấp bách vừa để nói lên rằng bạn đang rất nghiêm túc với công việc (và cũng bởi vì các VC rất bận rộn và họ sẽ muốn chèn bạn nhiều nhất có thể nếu như bạn để họ làm vậy). 

Việc đặt hạn chót cũng giúp bạn, một founder đỡ tốt thời gian. Nếu thật sự tâm huyết với việc mình làm bạn sẽ chỉ muốn gọi vốn thật nhanh và quay lại xây dựng tiếp việc kinh doanh.

Vậy bạn nên gọi vốn từ đâu? Đầu tiên phải lưu ý bạn đang gọi vốn cho giai đoạn nào của công việc. Bạn phải chắc chắn số vốn bạn cần đi cùng với số vốn bạn gọi.

 16zCrypto và Paradigm là những quỹ crypto tuyệt vời, nhưng họ đều quá lớn và viết những tấm séc trị giá $500K không đáng với thời gian bỏ ra vì nó chỉ có giá trị nhỏ hơn 0.2% portfolio của họ. 

Nhưng những quỹ nhỏ hơn như Dragonfly Capital hoàn toàn sẵn sàng để viết cho bạn những tấm séc trị giá $250K đến $500K. Và cũng có những nhà đầu tư thiên thần luôn tìm chủ động tìm kiếm cơ hội và sự trợ giúp từ người thân cũng sẽ rất giúp ích cho bạn trong những giai đoạn đầu tiên.

Đánh giá những nhà đầu tư bằng cách nói chuyện với những chủ doanh nghiệp đã làm việc với họ là một điều cần làm. Đặc biệt là trong crypto, việc nhận tiền từ bất kì ai sẵn sàng ném cho bạn không phải là một ý hay.

 “Đồng tiên ngu dốt” và “đồng tiền khôn” có một tác động rất lớn trong lĩnh vực crypto. Đã có rất nhiều câu chuyện về các nhà đầu tư đá đít founder, kiện công ty, chặn vòng gọi vốn tiếp theo. Bạn muốn tìm một nhà đầu tư thật sự hiểu bạn đang xây dựng cái gì và sẽ đồng hành cùng bạn trong một thời gian dài.

Nhưng có một sự thật đáng buồn là các chủ doanh nghiệp thường nghĩ đơn giản rằng cứ chọn các VC có xếp hạng cao để gọi vốn. Nhưng đây là một cách hiểu hoàn toàn sai. Gọi vốn không phải là vấn đề về thứ hạng, mà là vấn đề có làm việc được cùng với nhau không. 

VC lựa chọn bạn nếu như bạn phù hợp với portfolio của họ, Có thể họ đã có tỉ trọng lớn về mảng các sàn giao dịch, hoặc họ có hứng thú với những điều liên quan đến DeFi, hay là họ không có đủ tỷ trọng cho các platform smart contract, những điều đó sẽ quyết định bạn có phù hợp với một VC nào đó hay không. Thêm vào đó, nếu họ đã biết bạn từ trước, họ sẽ dễ dàng đầu tư vào bạn hơn là một ai đó mà họ không quen biết (hoặc một ai đó họ không muốn làm việc cùng).

Vì vậy một lời khuyên dành cho bạn khi nói chuyện với những nhà đầu tư: đừng cố gắng tối đa việc định giá, nhất là trong những giai đoạn đầu tiên. Tôi biết nghe lời khuyên này từ một nhà đầu tư có vẻ không hợp lý cho lắm, nhưng bạn sẽ phải nghe đi nghe lại điều này đó. 

Việc định giá nhất là trong những giai đoạn đầu tiên, không quan trọng bằng việc bạn tìm được một đối tác phù hợp. Hãy đặt một mục tiêu phát triển toàn diện và phù hợp cho công ty, không quá tham lam khi gọi vốn và hứa hẹn đến những mục tiêu quá xa vời. Nếu bạn thành công, bạn sẽ được nhiều hơn vào lúc sau, chứ không phải ở những giai đoạn đầu tiên này.

Và một điều nữa cũng đáng nhắc đến: gọi quá nhiều vốn là một câu thần chú dẫn đến vực thẳm cho công ty. Chúng ta đều biết những dự án ICO lớn được gọi quá nhiều vốn, để rồi founder ở đó, ngồi trên số tiền mà không biết mình phải dùng để làm gì, đưa vào dự án thì sẽ không còn hợp lý. 

Và đương nhiên, số tiền bạn gọi không phải là tiền trên trời - nó không phải là những con số sẽ hiện lên trong tài khoản bạn vào phút cuối. Nó nằm trong quỹ công ty để xây dựng công việc kinh doanh của bạn. 

Khi không có một hướng đi rõ ràng, kết quả mà thường dẫn tới là sự có mặt của chính quyền và kiện tụng. Và tin tôi đi, đó không phải là nơi mà bạn muốn hướng tới đâu.

Nếu như bạn chỉ muốn gọi vốn thông thường, cơ chế thỏa thuận của bạn nên học theo những startup tài chính thông thường. Còn về việc gọi vốn thông qua token, có một sổ tay riêng dành cho việc này.

Hướng dẫn gọi vốn thông qua token

 

Rất nhiều việc đã được làm để cấu trúc việc gọi vốn thông qua token trong crypto. Nói chung, các phương thức SAFT (hợp đồng cổ phần tương lai theo token) đang được ưa dùng khi so sánh với việc cấp vốn để nhận những quyền lợi liên quan. (Ví dụ: Các cổ đông sẽ được nhận luôn token khi công ty được thành lập). 

Nhưng hầu hết các nhà đầu tư crypto tốt đều có thể làm được cả hai cách. Thảo luận thật kỹ với nhà đầu tư của bạn đồng thời hợp tác với bên tư vấn pháp lý.

Bạn nên nghĩ thật cẩn thận về việc phân phối token (token distribution). Một vài luật ngầm là bạn không nên để đội phát triển nhiều hơn 15-20% tổng cung token, và không quá 30% với các nhà đầu tư. Nếu như các VC sở hữu nhiều hơn số đó, coin của bạn nguy cơ sẽ bị gắn mác “ VC coin” Bạn sẽ phải phân phối đa dạng hơn thế.

Một hướng khác sẽ đi đến ngõ cụt, một vài founder sẽ bán quá ít token của họ. Bằng cách bán một phần rất nhỏ của mạng lưới với giá càng cao càng tốt, họ mong điều này sẽ tối đa quyền sở hữu và kiếm về một khoản tiền lớn trên giấy tờ. Đây là một sai lầm rất, rất lớn. Nhắc lại theo tôi - token 👏 không 👏 phải 👏 là 👏 vốn.

Mục tiêu của việc phân phối token là phân phối chúng càng nhiều càng tốt. Tại sao? Bởi vì các token cần phải mang tính toàn cầu, phi tập trung và có giá trị. Nói cách khác token trở nên đáng giá nhờ việc phân phối. 

Bạn sẽ là một người chủ đầy quyền lực nếu sở hữu 80% cổ phần công ty, nhưng sở hữu 80% lượng token sẽ chỉ khiến token đó vô giá trị. Bạn nên thấy hào hứng khi phân phối token đó ra vì điều đó sẽ tăng giá trị lên hơn nhiều.

 Bạn có nên xây dựng một quỹ tài trợ? Bạn nên làm điều đó ở đâu? Sự liên hệ giữa quỹ tài trợ và công ty sẽ như thế nào?

Dù rất muốn trả lời câu hỏi này nhưng thực tế vẫn chưa có một hình mẫu thực sự thành công nào để liên hệ. Trong ngắn hạn, tôi đã thấy gần như tất cả đều thất bại và còn quá sớm để nói một hướng đi nào thực sự là tốt. 

Tôi đã thấy rất nhiều mô hình và chúng sẽ ngày càng được cải thiện trong tương lai. Cách tốt nhất là bạn nên nói chuyện với nhà đầu tư, doanh nghiệp bạn tin tưởng và phác thảo một phương hướng tiếp cận tốt mà bạn sẵn sàng mạo hiểm với nó.

Go to market

Go to market, phân phối token, có rất nhiều thứ quan trọng nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua trong crypto.

Làm sao để bạn thu hút được người dùng lúc ban đầu? Kênh phân phối nào bạn có thể sử dụng? Những chương trình hoặc cách thức nào sẽ được sử dụng để thu hút người dùng mới? Chi phí phải trả để có được khách hàng mới là bao nhiêu? Cần bao lâu để lấy lại số vốn bạn đã dùng để thu hút khách hàng mới? 

Bạn nên có một kế hoạch chắc chắn hơn là “quảng bá thông qua những influencer” hay “market making”. Để thành công, bạn cần sáng tạo.

Khi bạn làm token, bạn cũng cần nghĩ xa hơn về cách phân phối chứ không phải chỉ nhìn vào các nhà đầu tư từ trước đó. Và rất tiếc phải nói rằng, đây cũng không phải một vấn đề đơn giản.

Các ICO từng là tiêu chuẩn, nhưng hiện nay chúng ngày càng ít được sử dụng hơn. CoinList cho bạn tiếp cận được với những nhà đầu tư được công nhận, nhưng rất nhiều trong số đó chỉ chăm chăm kiếm lợi từ token của bạn, để làm việc với một VC cũng yêu cầu nhiều bước để vượt qua. 

Earn cho phép bạn phân phối token đến người dùng Coinbase trong khi giảng giải cho họ về sản phẩm của bọn, nhưng đó cũng không phải chìa khóa giải quyết vấn đề.IEO khá là lằng nhằng phụ thuộc vào địa điểm mà bạn tổ chức, nhưng họ cho bạn phân phối coin đến nhiều người dùng toàn cầu hơn (nhưng phải chắc rằng mọi chuyện hợp pháp, nhất là đối với khách hàng Mỹ). 

Airdrop cũng là một cách, nhưng tôi không biết một dự án có non-fork coin nào thành công thông qua airdrop cả. Có một vài cách tiếp cận khá sáng tạo như Handshake airdrop cho những tài khoản Github và Stellar airdrop đến người dùng Keybase, nhưng có một sự thật đáng buồn là hầu hết các airdrop không bao giờ được nhận.

Nếu bạn đang xây dựng một dự án thuần crypto, hãy cho code của bạn mã nguồn mở. Một khi bạn post dự án, nếu như bạn thực sự có mong muốn hướng đến sự phi tập trung, đây là điều tiên quyết. 

Bạn phải mang cộng đồng và trong vòng tròn nơi bạn đang xây dựng, và họ sẽ không thể tin tưởng nếu họ không thể tham gia vào sự phát triển của dự án. Bạn cũng sẽ muốn dần dần tách công ty của bạn ra khỏi vị trí trung tâm của việc điều hành kinh doanh nếu có thể. 

Các model tốt để học hỏi là Maker, Cosmos và Ethereum. Cosmos nói riêng đã có rất nhiều phương pháp tuyệt vời để ra mắt mạng lưới mới. Bug là điều không thể tránh khỏi của mọi phần mềm, nhưng bạn sẽ phải hạn chế tối đa chúng trong môi trường thực tế nơi có hàng loạt đối thủ cạnh tranh chỉ trực chờ để thế chân bạn.

Không giống Internet, crypto mang tính toàn cầu từ khi mới bắt đầu. Điều đó có nghĩa là không quan trọng công ty bạn thành lập ở đâu, bạn cuối cùng phải xây dựng một đội ngũ toàn cầu để thích nghi với tình hình thế giới. 

Cho dù bạn ở Mỹ, Châu Âu hay Châu Á, bạn sẽ muốn sự hiện diện của mình ở khắp bản đồ địa lý để có thể xây dựng một ý thức hệ và biết được nhu cầu của các cộng đồng khác nhau. Sẽ là không đủ khi bạn chỉ tập trung vào khu vực sinh sống của mình.

Credit: Chappius Hader (lưu ý: bảng trên không có Trung Quốc, nước mà có khi số lượng những crypto trader còn nhiều hơn Bắc Mỹ)

Cuối cùng, luôn nhớ phải liên tục cải thiện UI/UX, đây có lẽ là tiền tuyến quan trọng nhất của crypto, và tôi nghĩ rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ nổi bật nhờ chú trọng vào trải nghiệm người dùng hơn là công nghệ cốt lõi. 

Có một phương thức giao tiếp rõ ràng với người dùng là một điều hết sức quan trọng và đó sẽ là những thứ tạo thiện cảm với crypto nói chung và dự án của bạn nói riêng.

Phát triển sản phẩm! Thu hút người dùng! Thuê những con người tuyệt vời! Lặp lại những điều này!

Đến lúc này, có lẽ tôi đã không còn lời khuyên chung nào dành cho bạn nữa. Công ty của bạn sẽ có những nhu cầu và thử thách riêng, và sẽ phụ thuộc vào bạn và những người sát cánh cùng bạn để giải quyết.

Cho dù là lúc nào, cho dù là ở đâu trong hành trình này. Tôi hy vọng đây sẽ là một cuốn sổ tay hữu ích để giúp bạn đi đúng hướng trong con đường này. Và tôi mong chờ được thấy những sản phẩm mà bạn sẽ mang lại trong tương lai!

Thân ái !!!

RELEVANT SERIES