SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Crypto Index là gì? Tiềm năng đầu tư Index trong DeFi

Crypto Index là gì? Các chỉ số Index ở thị trường tài chính truyền thống (CeFi) và tài chính phi tập trung (DeFi) khác nhau như thế nào? Liệu đầu tư Index trong DeFi có tiềm năng hay không?
Avatar
bdapnews
Published Mar 08 2021
Updated Apr 18 2023
22 min read
thumbnail

Hiện nay, hầu như các mảng hoặc lĩnh vực ở nền tài chính truyền thống từ việc vay mượn, gửi tài sản nhận lãi suất tiết kiệm, hoặc đầu tư các trái phiếu, cổ phiếu, tài sản tổng hợp đều đã có trên thị trường tài chính phi tập trung. 

Tương tự như vậy với Index, đây là một mảnh ghép cũng quan trọng trong thị trường tập trung và nó cũng đã hiện diện trên thị trường Crypto mặc dù chưa nổi bật. 

Anh em hãy cùng mình tìm hiểu sâu hơn về mảng Index này lấy cốt lõi từ thị trường truyền thống và đánh giá tình trạng của Index trên thị trường Crypto là như thế nào nhé! 

Bắt đầu nào! 

Index ở thị trường tài chính truyền thống (CeFi)

Chỉ số Index là gì?

Ở thị trường tài chính truyền thống, chỉ số hay Index là một phương pháp để theo dõi hoạt động của một nhóm tài sản theo cách chuẩn hóa. Các chỉ số thường đo lường hiệu suất của một rổ chứng khoán nhằm tái tạo một khu vực nhất định của thị trường. Các chỉ số trên thị trường tài chính thường được sử dụng làm điểm chuẩn để đánh giá hiệu quả hoạt động của một khoản đầu tư.

Cách định giá các chỉ số Index 

Việc định giá của các chỉ số Index sẽ được tính từ giá của các lớp tài sản cơ sở (underlying assets). Một số chỉ số Index có giá trị dựa trên trọng số vốn hóa thị trường, trọng số doanh thu, trọng số thả nổi và các trọng số cơ bản khác. Trọng số là một phương pháp điều chỉnh tác động riêng lẻ của các loại hàng hóa trong một chỉ số index.

Các loại hình chỉ số Index tiêu biểu ở CeFi

Có 2 loại hình chỉ số index thường gặp ở nền tài chính truyền thống là 

  • Thị trường cổ phiếu chứng khoán. 
  • Thị trường trái phiếu. 

Các loại hình index nổi tiếng ở thị trường tài chính truyền thống như 3 chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm:

  • Chỉ số S&P 500: Viết tắt cho Standard & Poor's 500 Index, đây là một chỉ số lấy trọng số vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch công khai hàng đầu ở Hoa Kỳ. 
 
  • Chỉ số Nasdaq Composite Index: Chỉ số giá trị vốn hóa thị trường của hơn 3.000 cổ phiếu phổ thông được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, biên lai ký quỹ của Mỹ (ADR), và ủy thác đầu tư bất động sản (REIT), cùng những thứ khác. Đây là chỉ số thị trường dựa trên phạm vi rất rộng và có mức độ phổ biến rất lớn.
 
  • Chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA): Hay còn gọi là Chỉ số Dow 30, tức là chỉ số thị trường chứng khoán của 30 công ty có vốn hóa lớn nhất được giao dịch trên 2 sàn chứng khoán Mỹ là New York Stock Exchange và Nasdaq.
 

Các chỉ số cũng có thể được tạo để đại diện cho một phân đoạn địa lý của thị trường, chẳng hạn như các chỉ số theo dõi các thị trường mới nổi hoặc chứng khoán ở Vương quốc Anh và Châu  Âu. FTSE 100 là một ví dụ về chỉ số như vậy.

Không chỉ gói gọn các chỉ số trong thị trường chứng khoán mà còn có nhiều chỉ số ở các lĩnh vực khác như thị trường trái phiếu. Chỉ số thị trường trái phiếu là một phương pháp đo lường hiệu quả đầu tư và các đặc điểm của thị trường trái phiếu. Bloomberg US Aggregate Bond Index - Chỉ số Trái phiếu Tổng hợp của Bloomberg Hoa Kỳ là các tiêu chuẩn chung cho thị trường trái phiếu Mỹ. 

Ý nghĩa của các chỉ số

Ý nghĩa của các chỉ số thị trường khác nhau (market indexes) nhằm giúp các nhà đầu tư có thể:

  • Theo dõi được các chuyển động của thị trường ở tầm vĩ mô. 
  • Ngoài ra, các chỉ số khác có các đặc điểm cụ thể hơn có thể được tạo ra để giúp các nhà đầu tư tập trung vào các trọng tâm thị trường ở phạm vi hẹp hơn (vi mô).

Đo lường các dữ liệu kinh tế hoặc tài chính ở tầm vĩ mô lẫn vi mô như lãi suất, lạm phát hoặc sản lượng sản xuất, thị trường chứng khoán, trái phiếu v.v. 

  • Các chỉ số Index còn được xem là điểm chuẩn để làm thước đo đánh giá tình trạng sức khỏe của một thị trường tài chính. 

Chẳng hạn như 3 chỉ số Nasdaq, S&P 500 hay Dow Jones sẽ cho ta biết được tình hình chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Vì các chỉ số này là bao gồm nhiều số liệu của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ với các trọng số được tính toán khác nhau mà thôi. 

  • Đóng vai trò là điểm chuẩn để đánh giá hiệu suất lợi nhuận của danh mục đầu tư có thể bao gồm các quỹ tương hỗ (Mutual Funds) hay các quỹ trao đổi (ETF), v.v. 

Các giới hạn của chỉ số Index ở thị trường CeFi

Các hạn chế của chỉ số Index ở thị trường tập trung là:

  • Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không thể đầu tư trực tiếp vào các chỉ số mà phải mua thông qua các quỹ bao gồm các quỹ tương hỗ Mutual Fund và các quỹ thuộc sàn giao dịch Exchange-Traded Fund (ETF). Sau đó, nhà đầu tư sẽ giao dịch dưới dạng các quỹ chỉ số và người dùng sẽ phải trả phí cho bên thứ 3 hỗ trợ giao dịch. 
  • Một rào cản khác cũng có thể nói đến chính là có sự khác biệt về địa lý lẫn pháp lý giữa các quốc gia khiến công dân ở 1 nước khác (Ví dụ: Việt Nam) rất khó có thể tiếp cận nhằm giao dịch các chỉ số ở thị trường Mỹ - nơi có luật pháp chặt chẽ và có những hạn chế về việc giao dịch xuyên quốc gia.  
  • Yếu tố về minh bạch của các chỉ số ở thị trường tài chính truyền thống vẫn có thể có những sai số nhất định đến từ các yếu tố chủ quan như con người. Một ví dụ điển hình nhất là trong thời kỳ nền kinh tế tài chính về mảng nhà đất tại Mỹ năm 2008. 
 

=> Sự kiện này làm bật lên tính thiếu tính minh bạch của các số liệu (có thể bao gồm cả chỉ số Index) ở Mỹ. Và hệ quả nghiêm trọng là cả nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào khủng hoảng. Dĩ nhiên, khi nền kinh tế chiếm phần lớn tỷ trọng toàn cầu bị khủng hoảng thì các nền kinh tế nhỏ hơn hoặc có liên kết chặt chẽ sẽ không ít nhiều bị ảnh hưởng.

Chỉ số Index ở thị trường tài chính phi tập trung DeFi

DeFi Pulse Index - Cái tên tiêu biểu trong mảng Index

DeFi Index Pulse (DPI) là một rổ chỉ số được phát triển bởi Index Co-op (DAO sinh ra với mục đích thỏa mãn nhu cầu giao dịch Index) kết hợp với Set Protocol nhằm giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường Crypto thông qua hình thức Index có thể đa dạng hóa danh mục, tùy chỉnh khẩu vị rủi ro bằng cách đầu tư vào 1 chỉ số theo dõi 14 dự án “blue chip” (các dự án có TVL, vốn hóa hay doanh thu lợi nhuận nằm top đầu).

DeFi Pulse Index là một trong số những chỉ số Index được tạo ra bởi Index Co-op. Ngoài ra, Index Co-op còn cung cấp thêm các chỉ số như:

  • $MVI: Metaverse Index (chỉ số theo dõi giá các dự án Metaverse).
  • $ETH2X-FLI: Index Coop - ETH 2x Flexible Leverage Index (chỉ số theo dõi giá ETH với mức đòn bẩy 2x).
  • $BTC2X-FLI: BTC 2x Flexible Leverage Index (chỉ số theo dõi giá BTC với mức đòn bẩy 2x).
  • Data Economy Index hay Bankless DeFi Innovation Index với các trọng số đo đạc khác nhau. 

Như mình đã đề cập, các chỉ số sẽ được sinh ra tùy vào các phương pháp đo trọng số mà bên cung cấp muốn để phục vụ nhu cầu người dùng. 

Với DPI, họ định vị mình là một dự án tiên phong và cũng đặt tâm thế xây dựng dự án làm tiêu chuẩn cho ngành nên phương pháp chọn tokens của DPI lấy trọng số dựa trên 4 yếu tố với các yêu cầu cao như sau:

  • Descriptive: Tất cả các token trong một chỉ số phải hiện diện trên mạng lưới chính của Ethereum và chủ nhân sở hữu các dự án đó không thể được thay đổi.
  • Traction: Mức độ phổ biến của các dự án được liệt kê trong 1 rổ chỉ số phải cao và được người biết biết đến cũng như tính ứng dụng của dự án cao. Ngoài ra, dự án đó phải có tuổi dự án trên 180 ngày để bảo đảm mức độ cam kết với cộng đồng. 
  • Supply: Tokenomics của dự án phải được thiết kế để có thể dự đoán trước được mà không mang lại rủi ro cao cho các nhà đầu tư thụ động (một dạng như đầu tư lâu dài). 5% tổng cung phải được lưu thông sẵn để có lượng thanh khoản ban đầu. 
  • User Safety: Các tokens (dự án) muốn được list trên một chỉ số Index phải được audit bởi các tổ chức uy tín hoặc được xác nhận bởi bên thứ ba chuyên về bảo mật cũng như đã có mặt ở thị trường lâu và cộng đồng đủ lớn. 
 

Bối cảnh ra đời của mảng Index trên thị trường DeFi

Crypto là một ngành có độ biến động lớn, tuy nhiên với sự góp mặt ngày càng lớn đến từ các tổ chức lẫn các nhà đầu tư truyền thống, đơn cử như sự góp mặt của quỹ BlackRock. BlackRock là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới quản lý số tài sản 6,84 nghìn tỷ đô la vào tháng 6/2019. Việc tay chơi lớn như vậy tham gia thị trường Crypto thì các tổ chức nhỏ hơn không có lí do nào để không cùng tham gia miếng bánh còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá này.  

Chắc chắc họ đều sở hữu những đội ngũ bao gồm các chuyên gia với khả năng phân tích được những tiềm năng của thị trường DeFi với cốt lõi là nền tảng blockchain.

DeFi hội tụ đủ những yếu tố về công nghệ và tỉ lệ rủi ro lợi nhuận đủ hấp dẫn để họ chọn là điểm đến. Tuy Crypto hay DeFi là thị trường có độ biến động lớn nhưng song hành với nó cũng đem đến nhiều cơ hội về lợi nhuận. Và Index là một trong số chúng với độ biến động ở mức có thể chấp nhận được nhưng lợi nhuận lại tốt hơn nhiều so với thị trường truyền thống. 

Số liệu cho thấy, tỉ suất lợi nhuận trung bình hằng năm - AAR (Average Annuallized Returns) của chỉ số S&P 500 tính từ năm 1926 đến cuối năm 2021 chỉ rơi vào khoảng 10.49% (theo Investopedia). Khi so số liệu này với DeFi Pulse Index, thì chỉ số Crypto Index này sở hữu hiệu suất lợi nhuận cao nhất trong 1 năm đạt 154.7%

Tất nhiên là không thể so trực tiếp như vậy vì khác nhau ở quy mô của 2 thị trường. Tuy nhiên, một tỉ lệ như vậy cho một khoản đầu tư vào các chỉ số là thật sự hấp dẫn cho những nhà đầu tư nắm bắt được thời cơ này.  

Một trong những dự án làm về Index đầu tiên là Index Co-Op, đây là bên đã phát hành ra DeFi Pulse Index - lá cờ đầu của mảng và dự án đã được sinh ra vào khoảng tháng 9/2020 cũng tức là thời kì trước sự bắt đầu của thế hệ vàng son của mảng DeFi vào khoảng tháng 3-5/2021. 

Do đó, trong suốt quãng thời gian đó sự phát triển của DPI cũng đã rất tốt do việc hưởng lợi từ dòng tiền tập trung vào các sản phẩm DeFi cho đến tháng 5/2021. Sau đó, dòng tiền đã được chuyển hướng sang các trend khác thu hút dòng tiền hơn thì mảng Index bị tác động chung cùng mảng DeFi sẽ bị rút vốn theo vì Index không phải là phân khúc trụ cột của mảng DeFi như DEX, thanh khoản, lending. 

Sự khác nhau giữa chỉ số Index ở thị trường CeFi và DeFi

Sự khác biệt giữa các chỉ số Index ở hai thị trường tài chính CeFi và DeFi nằm ở vấn đề công nghệ và các đặc điểm cơ bản liên quan đến blockchain. Ngoài ra, sự khác biệt giữa chỉ số ở hai thị trường còn đến từ các yếu tố như sự hạn chế và quy mô khác nhau ở mỗi thị trường.

Đặc điểm của Crypto Index

Khác với các chỉ số ở thị trường tài chính tập trung, các chỉ số index ở thị trường DeFi sẽ có một số ưu điểm nổi trội hơn về mặt công nghệ, tính đúng đắn của số liệu, v.v.

Cụ thể, chỉ số Index ở trong thị trường Crypto sẽ có những đặc điểm sau: 

  • Thừa hưởng các đặc tính của công nghệ blockchain khi các chỉ số này được triển khai trên bất kì lớp Layer 1 nào. Về các tính năng như khả năng kết hợp (composability), tốc độ thực hiện giao dịch nhanh, chi phí thấp, thông tin minh bạch và bảo mật. 

Ví dụ: Nếu quỹ chỉ số của 5 công ty công nghệ hàng đầu thế giới tạo 1 chỉ số trên Solana, những người giao dịch chỉ số này sẽ có thể giao dịch dựa trên niềm tin vào giá của các tokens thuộc rổ chỉ số này sẽ tăng lên, với chi phí thấp và thao tác đơn giản nhanh gọn. Điều này giúp giảm thiểu được chi phí cho bên thứ 3 như cách các nhà giao dịch phải trả cho bên trung gian để có thể giao dịch. 

Giao dịch Index trên thị trường DeFi sẽ giảm bớt các chi phí như phí trung gian, phí giao dịch, v.v. 

  • Có thể tạo ra bất kì một rổ chỉ số nào mà không cần thông qua các cơ quan pháp luật phức tạp như ở thị trường tài chính tập trung. Mà thay vào đó, các Indexes này sẽ được đề xuất và được thông qua bởi hình thức bỏ phiếu voting.
  • Giảm rủi ro khi đầu tư nhiều tokens riêng lẻ. Việc các tokens trong thị trường biến động như Crypto có thể tăng giảm hơn 50%/ ngày là điều diễn ra khá thường xuyên nên việc đầu tư vào một chỉ số đại diện cho nhiều token riêng lẻ sẽ giúp các nhà giao dịch giảm thiểu được rủi ro hơn. 
  • Lợi nhuận gộp: Thậm chí người dùng có thể swap hoặc cung cấp thanh khoản bằng các chỉ số - indexes đó vào các pools trên các AMM như Uniswaps hay SushiSwap và người dùng khi mua chỉ số đó (vd: DPI) dưới dạng token là đã nhận lợi nhuận từ việc đầu tư quỹ chỉ số này và sẽ có thể lấy token đó đi add thanh khoản để nhận thêm lợi nhuận. 
 
  • Có thể giao dịch chỉ số ở quy mô cá nhân mà không cần đầu tư vào quỹ chỉ số.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách hiệu quả với một portfolio tự động rebalance (trên DeFi Pulse Index)

Anh em tham khảo thêm mô hình hoạt động của Index Co-op bên cung cấp DPI: Mô hình hoạt động của Index Co-op!

Công dụng của Crypto Index

  • Phục vụ nhu cầu người dùng nếu họ muốn đầu tư vào một mảng cụ thể nào đó trong thị trường đang tăng trưởng hoặc họ muốn đầu tư nhiều tokens trong cùng 1 phân khúc nhưng e ngại việc mua từng loại tokens ở trên các chains khác nhau với chi phí gas bất cân xứng hoặc thậm chí là đắt đỏ. 
  • Loại bỏ các thủ tục mua bán các rổ chỉ số này ở những nước không được hỗ trợ,.. 

⇒ DeFi giải quyết được điều này vì về cơ bản DeFi về bản chất là nền tảng chính không biên giới. Vì thế, những nhà đầu tư ở các nước khác nhau đều có thể mua quỹ chỉ số ở các nước có luật pháp chặt chẽ như ở Mỹ hay bất cứ đâu. 

⇒ Điểm mạnh của Crypto Index khi biên giới không còn là rào cản. Tuy nhiên, không phải vì không có tổ chức luật pháp đứng sau nên đầu tư vào các chỉ số này không an toàn. Bởi vì để token của dự án được add vào một chỉ số như DPI cần được đánh giá và xem xét kỹ những yếu tố để bảo vệ nhà đầu tư và quá trình xét duyệt có thể lên đến hằng tháng. 

  • Phương pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư, tùy chỉnh mức độ rủi ro cho các nhà đầu tư. 

Tổng quan thị trường Crypto Index

Tổng quan thị trường Crypto Index đang có 32 chỉ số Index theo dõi các ngóc ngách của thị trường (theo Coingecko). Cụ thể hơn, mảng DeFi Index đang có 16 chỉ số với tổng vốn hóa vào khoảng 177 triệu đô. Trong đó, chỉ riêng 2 chỉ số top 2 đã chiếm 74% tổng vốn hóa của mảng này với DeFi Pulse Index (38%) và Index Coop - ETH 2x Flexible Leverage Index. 

Tại sao mảng Index vẫn chưa được chú trọng?

Index, một mảng với hơn 1 năm tuổi trong thị trường Crypto vẫn chưa được chú trọng vì những rào cản, khó khăn hiện tại đã kiềm chân các nhà đầu tư như sau: 

Nhà đầu tư cá nhân chủ yếu vào thị trường với mục đích kiếm lợi nhuận cao từ biến động lớn

Crypto là một thị trường có độ biến động lớn (giao động trong khoảng 10-100% trên một ngày đối với Bitcoin hay những đồng coins có vốn hóa lớn.

Điều này khác so với những thị trường tài chính truyền thống giống như TT chứng khoán Việt Nam dao động trong khoảng 10-30% và thị trường chứng khoán Mỹ là khoảng 1-6% đã là những con số khá lớn rồi. 

Số liệu này cho thấy người dùng đến với thị trường Crypto đa phần là các nhà đầu tư ưu sự mạo hiểm, rủi ro lớn song hành với lợi nhuận lớn. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản chất của các chỉ số là hình thức đầu tư với ít rủi ro hơn. 

Nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với thị trường có nhiều rủi ro như Crypto 

Các nhà giao dịch vẫn chưa có đủ lòng tin và vẫn lo ngại những rủi ro tiềm ẩn của thị trường Crypto và khả năng cao là vẫn còn kiếm lợi nhuận ổn từ thị trường CeFi. 

Một số nhà giao dịch chỉ số chuyên nghiệp vẫn đang kiếm lợi nhuận tốt từ thị trường tài chính truyền thống và họ chưa sẵn sàng ở một thị trường mà vẫn còn nhiều rủi ro từ những việc lỗi giao thức, scam, nhiều hình thức lừa đảo nằm ngoài khả năng quản lý của họ như trên thị trường Crypto.  

Việc các nhà lập pháp Mỹ và trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn phát hành luật để quản lý thị trường này nên các nhà đầu tư vẫn rất e ngại tham gia vì quyền lợi của họ không thể được đảm bảo và bảo vệ. 

Ví dụ: Việc một số vụ hack trên thị trường gần đây nhất như OpenSea, hay một số vụ rugpull của Magic Eden, v.v. 

Rào cản gia nhập khó 

Như anh em cũng biết, đầu tư Crypto đã khó, việc học để biết cách sử dụng thành thạo những sản phẩm trong thị trường Crypto và blockchain còn khó hơn rất nhiều. Điều này dẫn tới một nhận định rằng rất có thể một số nhà giao dịch chỉ số nhỏ lẻ vẫn chưa hứng thú và chưa trang bị đủ kiến thức để tham gia một cách tự tin vào mảng Index trong thị trường Crypto. 

Tiềm năng phát triển và dự phóng của mảng Crypto Index

Nếu để so sánh mảng Index trên 2 thị trường tài chính để đưa được con số chính xác nhằm dự phóng cho sự phát triển của Index trên Crypto là thật sự khó vì không có con số thống kê cụ thể vì bản chất Index là một thị trường có thể bao gồm nhiều dự án/tài sản ở các thị trường tài chính lớn khác như chứng khoán, trái phiếu hay dầu, v.v. 

Tuy nhiên, hãy thử dùng quy mô của riêng chỉ số Dow Jone để so sánh vì cả 2 cùng hiện có khoảng 30 dự án. Vốn hóa thị trường của chỉ số Dow Jone này là xấp xỉ 10.1 triệu tỷ đô (31/1/2022), còn con số này của thị trường Crypto Index chỉ là 177 triệu đô. 

So sánh như vậy là khá khập khễnh, tuy nhiên, một khi thị trường Crypto dần được chấp nhận hơn, các rủi ro như các rào cản mình có đề cập được giảm thiểu tối đa thì có thể mảng Index Crypto có thể đón nhận sự dịch chuyển người dùng từ thị trường tài chính truyền thống sang. 

=> Cơ hội và dự địa phát triển của mảng Index vẫn còn lớn nếu theo chiều dài thời gian cùng sự trưởng thành của toàn bộ thị trường Crypto và blockchain nói chung. 

Phải giải quyết được bài toán về việc lỗi smart contracts, bị khai thác, hacked hay tính bảo mật phải được nâng cao ở mức như thị trường CeFi. 

=> Chỉ khi đạt được trạng thái này, các ưu điểm khác của việc giao dịch Index trên thị trường DeFi mới phát huy hết tác dụng và làm nền tảng để mảng này có thể phát triển trong tương lai.  

Kết luận

Như vậy là mình đã cung cấp cho anh em những thông tin và kiến thức về chỉ số (Index) và sự khác nhau giữa loại hình đầu tư này trong cả 2 thị trường truyền thống và trên DeFi. Mong anh em nhận được nhiều insights từ bài viết và đúc rút cho mình được những sự suy nghĩ và nhận định về mảng Crypto Index này nhé! 

RELEVANT SERIES