Điều gì tạo nên một dự án Web3 thành công?
Tổng quan về Aggregation Theory
Lý thuyết tập hợp (Aggregation Theory) được phát triển bởi Ben Thompson vào năm 2015 nhằm giải thích cho sự thành công của các nền tảng (platform/ aggregator) trong giai đoạn bùng nổ của Internet.
Theo Ben, chuỗi giá trị của một sản phẩm bao gồm ba vai trò chính: nhà cung cấp (supplier), nhà phân phối (distributors) và người dùng cuối (consumer/ user). Trong đó, các công ty hay các ứng dụng sẽ đóng vai trò là nhà phân phối (distributor) ở giữa
Để thành công trong một thị trường thị trường nhất định, các công ty phải thoả mãn một trong hai điều kiện sau:
- Độc quyền một trong ba vai trò trên
- Tích hợp được hai trên ba vai trò trong chuỗi giá trị của mình.
Lấy thập niên 2000s với sự bùng nổ của Internet làm mốc, chúng ta cùng xem xét Aggregation Theory qua hai giai đoạn thị trường khác nhau.
Giai đoạn tiền Internet
Ở giai đoạn tiền Internet, các công ty tập trung cạnh tranh thông qua việc độc quyền ở vai trò phân phối hoặc tích hợp vai trò phân phối với nhà cung cấp. Ví dụ như:
- Các nhà xuất bản sách hay báo chí (distributor) giành lợi thế thông qua các nguồn content chất lượng (supplier).
- Các công ty taxi (distributor) sẽ cạnh tranh thông qua nguồn tài xế dồi dào (supplier).
Có thể thấy, các công ty thành công trong giai đoạn tiền Internet chủ yếu cạnh tranh thông qua tích hợp vai trò distributor với supplier.
Giai đoạn bùng nổ Internet
Tuy nhiên, chiến lược trên dần thay đổi trong giai đoạn bùng nổ của Internet vào thập niên 2000s với hai biến chuyển lớn:
- Lợi thế từ vai trò phân phối đã dần mất đi do khả năng tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn thông qua Internet.
- Chi phí phân phối (distributor) giảm xuống bằng 0 do quá trình số hoá và tự động hoá. Từ đó, cho phép công ty dễ dàng mở rộng tệp user ở quy mô lớn với chi phí thấp.
Ví dụ về ngành công nghiệp báo chí, Internet khiến cho mọi nguồn thông tin có được truy cập dễ dàng trên website. Chi phí phân phối (distributor) các nguồn thông tin online gần như bằng 0 so với việc in báo giấy. Từ đó, công ty có thể dễ dàng mở rộng tệp user không giới hạn thông qua Internet.
Như vậy, bước vào giai đoạn bùng nổ của Internet, lợi thế cạnh tranh của các công ty (distributor) đã dịch truyền từ việc tích hợp với supplier sang tích hợp với user. Nói cách khác, công ty nào đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn sẽ có lợi thế trong giai đoạn hiện tại.
Quá trình phát triển của công ty dưới lăng kính Aggregation Theory
Theo lý thuyết bên trên, sự thành công của các nền tảng bắt đầu từ việc xây dựng trải nghiệm sản phẩm tốt (UX), từ đó tạo ra tệp người dùng của mình và sau cùng thu hút ngược lại các supplier.
Phần bên dưới, chúng ta cùng điểm qua một số tên tuổi công ty công nghệ lớn thành công với Aggregation Theory.
Các công ty công nghệ web2
Netflix:
- Netflix bắt đầu thu hút người dùng với trải nghiệm xem phim được cá nhân hoá (UX) với tệp thư viện phim khổng lồ.
- Khi đó, chi phí phục vụ thêm một khách hàng mới gần như bằng 0 do xây dựng và mô đun hoá được một thư viện phim thông qua Internet.
- Khi tệp người dùng ngày càng lớn và doanh thu càng cao, Netflix có thể tự sản xuất các series phim riêng và mua lại được các bản quyền phim chất lượng (supplier).
Uber
Uber cũng bắt đầu thu hút khách hàng thông qua trải nghiệm đặt xe chất lượng như cho phép người dùng biết trước đặc điểm xe, chi phí, lộ trình di chuyển, rating của tài xế. Trải nghiệm này giúp thu hút được một lượng lớn người dùng so thay vì trải nghiệm đặt xe truyền thống.
Khi số lượng user đủ lớn, các tài xế xe (supplier) sẽ lựa chọn Uber do tệp khách hàng ổn định và đông đảo. Từ đó, tạo ra một hiệu ứng mạng lưới Uber.
Netflix và Uber là hai ví dụ trong Aggregation Theory. Cả hai đều thay đổi ngành công nghiệp của mình từ việc phát triển dựa trên supplier (supply-driven flywheel) sang hướng xây dựng mối quan hệ với người dùng (demand-driven flywheel) trong giai đoạn bùng nổ của Internet.
Các dự án web3
Các nền tảng web3 cũng sở hữu cấu trúc tương tự như dự án web2 với việc kết nối giữa supplier và user. Mô hình này có thể được tìm thấy ở nhiều hình thái khác nhau trong thị trường web3 như:
- Capital aggregator platform: kết nối giữa LPs (supplier) và user;
- Service aggregator platform: kết nối giữa các dapp và user;
- Interface aggregator platform: kết nối giữa các các dịch vụ web3 và user.
Với Aggregation Theory, ta có thể thấy những đặc điểm thành công tương tự trong thị trường Web3:
Uniswap - DEX
Mô hình DEX cũng được cấu tạo bởi ba vai trò chính:
LPs (supplier) => DEX platform (distributor) => Swapper (user)
Thông thường các DEX sẽ tập trung thu hút thanh khoản (LPs) thông qua các chương trình khuyến khích như airdrop hay yield farming. Tuy nhiên, hướng tiếp cận chỉ thu hút thanh khoản ở thời gian đầu và không thể phát triển lâu dài nếu không giữ chân được user.
Uniswap được xem là một trong những case study thành công nhất theo Aggregation Theory. Hiện tại, dapp này đang sở hữu gần 6 tỷ USD TVL, gần 3 triệu user hàng tháng với 59.77 tỷ USD khối lượng giao dịch, theo số liệu của Token Terminal ngày 12/06/2024.
Sự thành công của Uniswap đến từ:
- UI đơn giản với người dùng Web3. First mover với cơ chế AMM Dex cho phép người dùng dễ dàng sử dụng thay vì cơ chế order book (EtherDelta).
- UX luôn được upgrade qua từng version. Bản cập nhật V3 với mô hình CLMM là một bước tiến mới giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn cho user.
Hiện tại, Uniswap không ngừng nâng cấp sản phẩm của mình với những tính năng mới như Hook hay UniswapX (Uni v4), đồng thời giữ chân được tệp user với UI/UX thân thiện. Từ đó, thu hút ngược lại các LPs với doanh thu ổn định khối lượng giao dịch từ user.
MetaMask - non-custodial Web3 Wallet
Chuỗi giá trị của Wallet bao gồm ba thành phần chính:
Features (Supplier) <=> Wallet (Distributor) <=> User
Metamask cũng bắt đầu từ việc mở rộng tệp user thông qua UI/UX thân thiện ở giai đoạn 2020. Khi thị trường DeFI bùng nổ vào thời điểm 2020-2021, MetaMask nhanh chóng ra mắt tính năng mới như Swap, Bridge, Custom RPC, ... biến mình trở thành một superapp cho người dùng Web3. Sự tiện lợi trên trên đã biến Uniswap trở thành một top-of-mind trong ngành với 30 triệu user hàng tháng vào Q4 2023.
Khi sở hữu tệp người dùng ổn định, MetaMask có thể phát triển những tính năng riêng của mình hay thậm chí thu hút các non-EVM wallet có thể xây dựng trên wallet này (MetaMask Snap).
Qua hai case study của Uniswap và Metamask, hai yếu tố chính góp phần tạo nên sự thành công chính là UI/UX đơn giản và liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm. Nhìn rộng ra, cả hai ứng dụng đều đem tới cho người dùng những lợi ích về tính tiện dụng (convenience benefit) thay vì mục đích đầu cơ ngắn hạn. Theo như Aggregation Theory, cả hai đều phát triển từ việc xây dựng mối quan hệ bền vững với end user (demand-driven).
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi thế riêng biệt của hai dự án trên, như first mover, có mối quan hệ thân thiết và sự hỗ trợ lớn từ phía Ethereum foundation. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của Ethereum cũng góp phần tạo nên sự thành công của Metamask và Uniswap.
Mở rộng lăng kính
Sau giai đoạn uptrend 2020-2021, các dự án đang dần thay đổi chiến lược phát triển, từ việc cạnh tranh với nhau thông qua các incentive program( supply-driven) sang mở rộng ra bên ngoài thị trường Web2 nhằm thu hút những user thực sự. Các blockchain như Solana, Base, Ton đều có những chiến lược riêng biệt giúp xoá nhoà đi khoảng cách giữa Web2 và Web3 thông qua việc tập trung vào trải nghiệm người dùng cuối.
Một xu hướng nổi lên gần đây, khi các dự án Web3 sở hữu được tệp người dùng riêng của mình sẽ phát triển thành một blockchain riêng, cụ thể là Rollup-Specific Application, nhằm tận dụng hiệu ứng mạng lưới và thu hút thêm nhiều giá trị.
Một số dự án nắm được một lượng lớn thanh khoản thông qua chương trình Point như Liquid Restaking đang mở rộng các vai trò của mình ra nhằm giữ chân người dùng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hãy tập trung vào những giá trị bền vững và trải nghiệm người dùng.
Đọc thêm về Application-Specific Chain tại đây.
Những hạn chế của Aggregation Theory trong Web3
Aggregation Theory chỉ ra rằng các nền tảng nên phát triển từ mối quan hệ với user trong giai đoạn bùng nổ của Internet. Dẫu vậy, vẫn có những hạn chế khi áp dụng lý thuyết trong bối cảnh của thị trường Web3.
Đầu tiên, khó tạo dựng mối quan hệ bền vững với user so với thị trường Web2 bởi hai yếu tố đến từ bản chất của thị trường là (1) mở nguồn mở và (2) tính đầu cơ cao của thị trường, khiến cho user dễ dàng dịch chuyển sang các dự án có cơ hội đầu tư cao hơn (low switching cost).
Một số ví dụ như vampire attack từ Sushi Swap với UniSwap, Convex Finance với Curve Finance, Blur với Open, hay một số dự Liquid Restaking sử dụng Point program ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, phần lớn trải nghiệm người dùng vẫn hạn chế trên không gian Web3 khiến cho việc mở rộng ở quy mô lớn như Web2 trở nên khó khăn. Bắt nguồn việc, người dùng phải chịu phí mạng lưới, rủi ro về bảo mật cũng như sự phân mảnh trong trải nghiệm sử dụng. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, các hạn chế của web3 hiện tại chứng tỏ lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ và cần thời gian để trưởng thành hơn. Đây cũng chính là cơ hội để các dự án, công ty khởi nghiệp tìm giải pháp và phát triển, chiếm lĩnh thị trường.
Vậy điều gì tạo nên một dự án Web3 thành công?
Sự thành công của một dapp Web3 bao gồm rất nhiều yếu tố như trở thành first hoặc early mover, team và công nghệ xịn, chiến lược airdrop và tokenomic hiệu quả ... Tuy nhiên, để một dự án phát triển bền vững đòi hỏi dự án phải xây dựng được mối quan hệ với user cũng như đem lại giá trị thực sự cho họ.
Các dự án kỳ lân trong Web2 phải trải qua rất nhiều chu kỳ và vấp ngã trước khi tiến đến sự thành công như ngày hôm nay. Ta hoàn toàn có thể tin tưởng các dự án Web3 cũng có thể trở thành một chú kỳ lân tiếp theo khi các bài toán về trải nghiệm người dùng được giải quyết.