SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Cách phân tích chỉ số, dữ liệu on-chain BTC & ETH

Chỉ với những chỉ số On-chain cơ bản, anh em hoàn toàn có thể phân tích và dự phóng được dòng tiền của BTC, ETH và toàn thị trường Crypto. Tìm hiểu tại đây.
Avatar
ducdinh
Published Jun 09 2021
Updated Jul 06 2023
16 min read
thumbnail

Như anh em đã biết, BTC và ETH là hai đồng Coin có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường Crypto. Do đó việc phân tích On-chain hai đồng này để theo dõi cũng như dự phóng dòng tiền của thị trường có ý nghĩa rất lớn.

Tuy nhiên, như khi anh em truy cập vào một số Website mình đã đề cập trong bài viết trước về dữ liệu On-chain, có thể thấy có rất nhiều các chỉ số khác nhau được cung cấp. Điều này có thể khiến anh em gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân tích.

Do đó trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho anh một số công cụ cũng như chỉ số cơ bản, đơn giản mà hiệu quả (và hoàn toàn FREE) được sử dụng để phân tích dữ liệu On-chain BTC & ETH.

Và đồng thời, đội ngũ Coin98 Insights cũng sẽ triển khai phân tích On-chain BTC và ETH vào mỗi đầu tuần để cung cấp cho anh em những góc nhìn, cũng như dự phóng xu hướng Market trong thời gian tới.

Tại sao phải thực hiện phân tích On-chain BTC & ETH?

Trước khi đi vào phần chính thì mình sẽ Recap nhanh cho anh em về tầm quan trọng khi thực hiện phân tích On-chain BTC & ETH. Về cơ bản, dữ liệu On-chain sẽ giúp anh em:

  • Có được thông tin chính xác và khách quan.
  • Theo dõi được các hành vi trên thị trường.
  • Là một công cụ mạnh trong việc dự phóng và đưa ra quyết định đầu tư.

Hai đồng coin dẫn dắt thị trường

Vốn hoá của cả thị trường Crypto là 1.6 nghìn tỷ USD, trong đó riêng vốn hoá của BTC và ETH đã lên tới gần 1 nghìn tỷ (chiếm tới 60% Market Cap toàn bộ thị trường). Vì thế sức ảnh hưởng lên thị trường là rất lớn.

Hơn nữa, Bitcoin ngoài việc là một đồng vốn hoá lớn (chiếm khoảng hơn 40% vốn hoá thị trường) thì còn là một loại tài sản thế chấp ở trên nhiều nền tảng DeFi. Do đó, khi BTC đột ngột giảm giá thì có thể dẫn đến giao thức thanh lý ở trên các nền tảng được thực hiện. 

Và điều này dẫn đến một hậu quả là:

  • Vốn hoá thị trường giảm (do sự giảm giá của BTC).
  • TVL trên các nền tảng DeFi cũng giảm từ đó kéo theo sự giảm giá của tất cả các token nền tảng này.
  • Tâm lý thị trường hoảng loạn bán tháo.

Như anh em có thể thấy, khi giá cả của BTC biến động thì sẽ dẫn đến toàn bộ thị trường Crypto chao đảo.

Khi giá cả BTC có sự sụt giảm khoảng 50% từ mức đỉnh thì cũng sẽ dẫn đến mức giảm gần như tương tự với vốn hoá của thị trường Crypto.

Điều này cũng xảy ra tương tự với ETH. Do đó việc phân tích dữ liệu On-chain của BTC & ETH sẽ giúp anh em dự phóng trước được dòng tiền trên thị trường để đưa ra những quyết định hiệu quả hơn.

Các Website cung cấp các dữ liệu On-chain 

Dưới đây là một số Website cung cấp nhiều thông tin On-chain của BTC và ETH anh em có thể tham khảo:

  • The Block: Ở mục Data, anh em có thể tiếp cận được với nhiều dữ liệu như khối lượng giao dịch Spot, Future, hay lượng Bitcoin, Ethereum ra vào các sàn giao dịch. Cũng như thông tin về Stablecoin đang ở trên Blockchain nào, …

  • Crypto Quant: Công cụ rất hay được sử dụng khi phân tích dữ liệu On-chain BTC hay ETH. Website cung cấp các dữ liệu từ cơ bản như BTC ra vào sàn giao dịch đến các chỉ số On-chain chuyên sâu.

  • Glassnode: Cung cấp khá nhiều thông tin liên quan đến dữ liệu On-chain của BTC.

  • Whalebot Alert: Channel telegram cảnh báo các hoạt động của cá voi.
  • Và rất nhiều các công cụ khác có thể kể đến như Whalemap Chart, Into the Block,…

Công cụ mình recommend anh em nên sử dụng thường xuyên đó là Crypto Quant, do chỉ cần Sign In vào là anh em có thể truy cập được rất nhiều dữ liệu On-chain và hoàn toàn Free.

Đối với Glassnode thì dù có những tính năng cũng như chỉ số phân tích chuyên sâu nhưng phải trả phí và đôi khi cũng sẽ làm anh em khó khăn trong việc lựa chọn do các chỉ số phân tích là quá nhiều (và đôi khi cũng không quá cần thiết đến chúng).

Ngoài ra, Coin98 Finance Labs cũng đã phát triển sản phẩm giúp anh em có thể Tracking ví trên nhiều Blockchain khác nhau đó là Coin98 Portfolio.

Hiện tại, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở tính năng Tracking. Tuy nhiên trong v2 sẽ hứa hẹn nhiều tính năng tiện dụng hơn nữa để giúp anh em trong việc phân tích On-chain.

Để có thể sử dụng Coin98 Portfolio hiệu quả, anh em có thể tìm đọc bài viết: Coin98 Portfolio là gì? Hướng dẫn sử dụng hiệu quả các tính năng hay nhất

Nguồn dữ liệu On-chain BTC

Ở phần này mình sẽ đi sâu vào giới thiệu cho anh em những công cụ khá đơn giản mà hiệu quả và một số Case Study áp dụng thực tế.

Số lượng BTC ở trên các sàn giao dịch (BTC: All Exchanges Reserve)

Ý nghĩa: Thông thường khi xu hướng BTC ở trên các sàn giao dịch gia tăng, thì đây là dấu hiệu cho việc có áp lực bán lớn có khả năng sắp xảy ra. 

Data này anh em có thể theo dõi tại đây.

Đường màu đỏ là dữ liệu về lượng BTC trên tất cả các sàn giao dịch và đường màu đen thể hiện giá BTC. Theo logic thông thường 2 đường này sẽ đi ngược xu hướng nhau, tuy nhiên nếu có trường hợp cùng xu hướng thì anh em nên chú ý (Mình sẽ phân tích kỹ ở phần sau của bài viết).

Dòng tiền BTC trên các sàn giao dịch (BTC Exchanges Netflow)

Ý nghĩa: Đây là dữ liệu cung cấp cho anh em thông tin về việc hiện tại thì đang BTC đang được nạp lên hay rút ra khỏi sàn giao dịch:

  • Thông thường khi BTC được nạp nhiều lên sàn (cột màu đỏ hướng lên) thì là dấu hiệu cho việc sắp có lực bán diễn ra và ngược lại.
  • Anh em cũng cần chú ý đối chiếu chỉ số Netflow với diễn biến giá. Khi BTC được nạp lên sàn nhiều mà giá cả vẫn tăng thì đây có thể là dấu hiệu sắp có điều chỉnh diễn ra. Ngược lại, khi giá cả giảm mà BTC lại rút ra nhiều thì có khả năng là dấu hiệu “gom hàng” của các cá voi.

Anh em có thể theo dõi chỉ số này tại đây.

Indicator này cũng được sử dụng như Exchanges Reserve, thông thường sẽ có ngược xu hướng với giá cả, và cần chú ý khi diễn ra cùng xu hướng.

Như hình trên thì anh em có thể thấy, tuy giá cả có xu hướng giảm nhưng BTC lại đang có dấu hiệu rút ra khỏi sàn giao dịch (cột màu đỏ có xu hướng đi xuống). Đây là một dấu hiệu tốt hỗ trợ giá cả.

Dữ liệu về các BTC Miners

Miners đóng vai trò như Ngân hàng trung ương trong thị trường này do họ những người cung BTC ra thị trường.  

Để có nhiều số liệu về Miners thì anh em có thể truy cập vào phần Miner Flows trên Crypto Quant để xem được nhiều chỉ số hơn.

Tuy nhiên theo mình, với dữ liệu sơ cấp thì anh em chỉ cần quan tâm tới chỉ số BTC: All Miners Outflow là đủ.

Ý nghĩa: Cột màu đỏ thể hiện cho việc khối lượng BTC được thợ đào bán ra thị trường. Cột này càng cao chứng tỏ thợ đào đang bán càng nhiều. Anh em có thể hiểu chỉ số này như sau:

  • Khi thợ đào bán ra nhiều thì chưa hẳn là xấu. Do thợ đào họ cũng là những nhà kinh doanh, nên họ chỉ bán khi họ có lời hoặc họ rất cần chi phí để duy trì máy móc thiết bị.
  • Khi thợ đào bán ít thì dẫn đến nguồn cung BTC ra thị trường giảm làm áp lực bán giảm bớt.

Tóm lại, để phân tích chỉ số này của thợ đào thì sẽ phức tạp hơn các chỉ số bên trên một chút và cần anh em phải có cái nhìn khách quan. 

Như anh em có thể thấy trên hình, trong suốt thời gian từ tháng 3 đến nay, thợ đào hoạt động ít hơn hẳn, đây là điểm tích cực cho giá cả khi nguồn cung từ thợ đào khó có khả năng gây ra áp lực bán mạnh.

Và thêm một điểm cần chú ý đó là trong đợt tăng trưởng vừa rồi, thợ đào chỉ bán khi xu hướng tăng diễn ra rất mạnh. Rất có thể trong tương lai khi thợ đào bán mạnh trở lại thì sẽ là một chỉ báo cho một đợt tăng trưởng mạnh tiếp theo.

Dữ liệu On-chain liên quan đến thị trường CeFi

Đây là các dữ liệu về BTC trên thị trường CeFi (tài chính tập trung), một số chỉ số anh em có thể theo dõi đó là dữ liệu về:

  • BlockFi Reserve: Đây là một ứng dụng Lending giúp anh em có thể kiếm được Yield khi lưu trữ trên đó. Khi lượng BTC lưu trữ trên ví của BlockFi tăng thì đó là dấu hiệu tích cực cho giá và ngược lại.
  • Grayscale BTC Holding: Đây là chỉ số để xem xu hướng nắm giữ của quỹ sở hữu nhiều BTC hàng đầu như thế nào.
  • GBTC Premium: Để giải thích kỹ cơ chế thì khá phức tạp, do đó anh em chỉ cần hiểu đơn giản là khi chỉ số dương (>0%) chứng tỏ nhiều người đang fomo mua vào BTC và ngược lại khi chỉ số âm.

Dữ liệu liên quan đến thị trường CeFi là khá rời rạc nên khó có nguồn nào có thể tổng hợp đầy đủ. Nhưng anh em không cần lo lắng vì khi thực hiện phân tích On-chain BTC trong các số On-chain Microscope tới thì thông tin này sẽ được đội ngũ Coin98 Insights hệ thống lại đầy đủ và chính xác nhất cho anh em.

Một số các chỉ số khác

Ngược với dữ liệu sơ cấp, đây là các dữ liệu On-chain đã được qua xử lý cũng như tính toán để có thể đưa ra được những góc nhìn khác sâu hơn về các dữ liệu On-chain của BTC.

Mình có thể cung cấp cho anh em một số chỉ số khá đơn giản và dễ sử dụng như sau:

  • Puell Multiple: Đây là chỉ số để đo lường xem liệu doanh thu hiện tại của thợ đào đang lớn hơn hay nhỏ hơn so với trung bình 365 ngày vừa qua (thông tin cụ thể anh em có thể tham khảo tại đây). Theo Crypto Quant thì khi chỉ số này chạm mốc 0.5 thì thị trường đã đạt đáy và có dấu hiệu đạt đỉnh khi chạm mốc 4.
  • Stablecoin Supply Ratio (SSR): Được tính đơn giản bằng cách chia Market Cap của Bitcoin cho Market Cap của Stablecoin. Khi chỉ số này giảm, chứng tỏ trên thị trường đang có nhiều Stablecoin so với BTC và có thể tạo ra lực mua. Và ngược lại khi chỉ số này tăng thì là biểu hiện của việc lực mua sẽ giảm đi và có thể là dấu hiệu điều chỉnh.
  • MPI: Chỉ số này biểu hiện hoạt động của các thợ đào, MPI càng cao chứng tỏ xu hướng bán của thợ đào đang diễn ra mạnh và ngược lại.

Trên đây là những công cụ cũng như chỉ số khá đơn giản và hiệu quả khi anh em thực hiện phân tích On-chain BTC.

Case Study 

Ở phần này, mình sẽ phân tích một Case Study khi sử dụng dữ liệu On-chain để nhận ra một số điểm bất thường của BTC.

Đây là dữ liệu về số lượng BTC ở trên sàn giao dịch.

Như anh em thấy chỉ với một công cụ đơn giản là theo dõi số lượng BTC trên sàn giao dịch, chúng ta đã nhận ra điểm bất thường:

  • Ở cả 3 đợt điều chỉnh trước thì dù giá giảm nhưng BTC vẫn được rút ra khỏi các sàn giao dịch (Điều này là ngược lại với giả thiết mình đưa ra ở bên trên).
  • Khi có đợt điều chỉnh lần thứ 4 anh em có thể thấy tuy giá tăng nhưng BTC lại được đem lên trên sàn rất nhiều. Chứng tỏ là một dấu hiệu bất thường có thể khiến giá giảm trong tương lai.
  • Và kết hợp với phân tích kỹ thuật thì anh em hoàn toàn có thể thoát vị thế của mình tại mức giá trên 50,000 của BTC và tránh được cú điều chỉnh mạnh của thị trường vừa rồi.

Nguồn dữ liệu On-chain ETH

Đối với ETH thì các dữ liệu On-chain sơ cấp anh em cần theo dõi (cũng như phương pháp theo dõi) giống hệt như đối với BTC.

Tuy nhiên ở Crypto Quant sẽ không có đầy đủ những chỉ số về ETH để anh em phân tích giống như BTC. Ngoài những dữ liệu để phân tích On-chain giống với BTC, thì khi phân tích ETH cần theo dõi thêm những Data sau.

ETH 2.0 Staking 

Để phục vụ nâng cấp mạng lưới thì các ETH Staker sẽ phải thực hiện Staking trong vòng 1 - 2 năm, và khi càng nhiều ETH được Stake thì sẽ làm giảm Supply Side đi trong một khoảng thời gian khá dài.

Một số chỉ số về ETH 2.0 Staking cần theo dõi:

  • ETH 2.0 Staking Rate: Để xem hiện tại có bao nhiêu % Tổng cung của ETH được mang đi staking, chỉ số này càng cao thì càng tích cực đến giá của ETH.
  • New Depositors: Nếu lượng New Depositors càng cao thì chứng tỏ rằng mọi người càng tin tưởng vào ETH 2.0 dẫn đến tăng Demand Side của ETH lên.

Đây là dữ liệu On-chain về New Depositors mình thu thập được từ Crypto Quant, như anh em có thể thấy dù giá giảm nhưng lượng New Depositors lại có xu hướng tăng lên. Cho thấy cộng đồng có niềm tin rất lớn vào ETH cũng như xu hướng Staking và nắm giữ trong dài hạn gia tăng.

ETH Institutional Adoption

Trong suốt đợt tăng trưởng từ năm 2020 đến bây giờ, có thể nhận thấy xu hướng các nhà đầu tư tổ chức từ thị trường CeFi đổ dòng vốn vào Crypto ngày càng nhiều. Và ngoài tài sản được coi là “Vàng điện tử" Bitcoin, thì nhiều thông tin cho thấy các nhà đầu tư tổ chức trong thời gian gần đây lại tỏ ra hứng thú với ETH hơn là BTC.

Cùng với việc phát triển Ethereum 2.0, đề xuất EIP-1559 có thể khiến ETH giảm phát cũng như tiềm năng to lớn của DeFi thì ETH dường như là một khoản đầu tư hấp dẫn hơn BTC.

Về dữ liệu trong việc các tổ chức đầu tư nắm giữ bao nhiêu, xu hướng mua ETH nhiều hơn BTC diễn ra như thế nào,… thì hiện nay mình chưa thấy nguồn dữ liệu thống kê chính xác và đầy đủ. 

Tuy nhiên, trong tương lai khi đội ngũ Coin98 Insights thực hiện phân tích On-chain đối với ETH thì những dữ liệu này sẽ được cung cấp đầy đủ và chính xác nhất có thể cho anh em.

Lời kết

Với vị thế là hai đồng có vốn hoá lớn nhất trên thị trường Crypto thì việc phân tích On-chain để dự phóng được xu hướng dòng tiền của BTC & ETH là rất quan trọng.

Hiện nay có rất nhiều công cụ cũng như chỉ số được sử dụng trong việc phân tích dữ liệu On-chain tuy nhiên lại quá phức tạp, tốn nhiều chi phí và có thể mang lại hiệu quả không cao. 

Do vậy, mình luôn tin rằng “Simplicity is the ultimate sophistication”, chỉ cần sử dụng thành thạo các công cụ ở bên trên đi kèm với kiến thức nền tảng vững chắc và những kỹ năng phân tích thông tin trên thị trường là anh em hoàn toàn có thể dự phóng được xu hướng và đưa ra được những quyết định đúng đắn.

Hẹn gặp lại anh em trong những bài viết tiếp theo!

RELEVANT SERIES