SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Justin Sun là ai? Người xây dựng TRON trên thành công và tranh cãi

Justin Sun, CEO của TRON và BitTorrent, là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất không gian crypto.
Avatar
writer
Published Oct 14 2022
Updated Apr 23 2024
13 min read
thumbnail

Gõ từ khoá “Justin Sun mua lại Huobi” trên mạng, sau 0.3 giây Google sẽ trả về khoảng 3,450 kết quả. Justin Sun - người sáng lập blockchain TRON, đang là cái tên “nóng” trong giới tiền điện tử sau khi Wu Blockchain đưa tin anh là người đứng đằng sau việc mua lại sàn giao dịch tiền điện tử Huobi.

Đây không phải lần đầu tiên founder trẻ tuổi của TRON “nổi như cồn” trên mạng xã hội. Từ trước đến nay, Justin vốn đã nổi tiếng với những hành vi gây tranh cãi trên Twitter và trong không gian crypto - “một chín một mười” khi so với Do Kwon, người sáng lập blockchain Terra. Tuy nhiên, với những nỗ lực của mình, anh được xem là một trong những doanh nhân năng động nhất lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Justin Sun là ai?

Justin Sun, 32 tuổi, là CEO của TRON và BitTorrent, và cũng là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất không gian crypto.

Anh tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, và là người sáng lập nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ và tiền điện tử. Trước khi thành lập TRON vào năm 2017, Justin bắt đầu ở Thung lũng Silicon với công việc tại Ripple Labs và sau đó tung ra Peiwo - ứng dụng trò chuyện nổi tiếng của Trung Quốc.

Có thể nói, mỗi bước đi trên con đường sự nghiệp của Justin dường như đều gắn liền với thành công và tranh cãi.

justin sun là ai
advertising

Từ đứa trẻ thiếu tình thương đến kẻ khao khát thành công

Theo Global Coin Research, Justin Sun sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Thanh Hải và lớn lên ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Mẹ anh là phóng viên báo địa phương, còn cha anh làm việc trong phòng quy hoạch thành phố.

Cha mẹ Justin ly hôn khi anh mới 8 tuổi, mẹ anh sang Ý và tái hôn. Ngay sau đó, Justin được xếp vào học trong trường nội trú. Trong thời gian này, anh trở nên xa cách với gia đình, anh xem sự cô đơn và thiếu tình thương từ cha mẹ là động lực để đạt đến thành công. Từng có lúc Justin muốn trở thành bậc thầy của GO - trò board game lâu đời của Trung Quốc. Rõ ràng, ngay từ sớm, Justin Sun đã muốn trở nên thành công rực rỡ.

Justin tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh với bằng Cử nhân Lịch sử vào năm 2011. Tại Trung Quốc, anh từng lãnh đạo một nhóm những người theo chủ nghĩa tự do ngầm và chỉ trích sự lãnh đạo của nhà trường và sinh viên.

Năm 2013, anh lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania (UPenn) về Kinh tế Chính trị, chuyên về Nghiên cứu Đông Á. Từ thời đi học, Justin đã nổi tiếng là một kẻ chuyên gây rắc rối trong trường, ví dụ như cố ý trả lời các bài kiểm tra tiếng Anh bằng tiếng Trung.

Xuất phát là một sinh viên khoa nhân văn, Justin từng muốn trở thành một nhà văn, vì anh nghĩ rằng những bí mật của tiến bộ xã hội nằm trong tâm trí của các nhà sử học và nhà văn. Tại UPenn, anh đã khởi xướng một tạp chí trực tuyến có tên là “New Youth”. Tạp chí này bị “tố” là đạo văn nhưng Justin đã kịch liệt phản đối. Sau này, anh thấy nếu muốn thay đổi thế giới, anh phải trở thành một doanh nhân.

Năm 2015, đích thân Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã chọn Justin là một trong ba mươi sinh viên đầu tiên của Đại học Hupan - một trường kinh doanh ở Trung Quốc do ông thành lập. Justin là sinh viên duy nhất thuộc thế hệ “millennials” (những người sinh từ 1981-1996) tốt nghiệp trường này vào năm 2018.

“Ông trùm” Alibaba cũng từng là một nhân vật gây tranh cãi trong giới kinh doanh Trung Quốc trong một thời gian khá dài, và có vẻ Justin Sun cũng đang đi theo con đường của người đàn ông này.

Dùng học phí đại học để đầu tư Bitcoin

Justin là một nhà đầu tư Bitcoin từ sớm, anh nổi tiếng với việc dùng học phí đại học để mua Bitcoin từ năm 2010-2012.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, công việc đầu tiên của Justin là làm cho Ripple Labs tại Thung lũng Silicon, sau đó anh trở thành người đứng đầu Ripple tại Trung Quốc. Chính dự án này là nơi giúp Justin tiếp cận sự phi tập trung và thế giới công nghệ.

Khi ở Trung Quốc vào năm 2014, Justin ra mắt Peiwo (Callme), ứng dụng trò chuyện trực tuyến bằng giọng nói lớn nhất nước - thành công ghép đôi hơn 4 tỷ cuộc trò chuyện. Ứng dụng này của Justin (cùng với những app tương tự khác) sau đó đã bị cấm ở Trung Quốc vì thúc đẩy tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa.

Ba năm sau khi xây dựng Peiwo, Justin dấn sâu hơn vào thế giới tiền điện tử.

TRON - bản copy của Ethereum?

Vào năm 2017, anh thành lập TRON trên mạng chính của Ethereum. TRON được tạo ra như một nền tảng phi tập trung dựa trên blockchain, cho phép người dùng dễ dàng chia sẻ nội dung giải trí kỹ thuật số. Nói tóm lại, TRON hướng đến việc phi tập trung toàn bộ internet.

Để tài trợ cho dự án đầy tham vọng này, TRON Foundation đã tiến hành một đợt ICO trên Binance, huy động được 70 triệu USD. Ngoài việc huy động được một số tiền đáng kể, Justin đã chọn lựa thời điểm không thể tốt hơn  — việc bán token được hoàn tất một ngày trước khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm ICO khét tiếng.

Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, Changpeng Zhao (CZ) - CEO của Binance, nhờ những mối quan hệ của mình đã biết về lệnh cấm này và  “mách nước” cho Justin.

Trên mạng TRON, người dùng có thể sử dụng TRX để mua nội dung trên phần mềm. TRX ban đầu nằm trên mạng chính của Ethereum, nhưng nó đã trở thành token riêng vào năm 2018 khi TRON rời đi để xây dựng mạng chính của mình. Nhiều người cho rằng đồng tiền này cực kỳ giống với Ethereum, và code của giao thức cũng bị cho là đạo nhái.

Chính Justin cũng từng tranh cãi với Vitalik Buterin, người sáng lập Ethereum, trên Twitter rằng khả năng của TRON vượt xa Ethereum. Đáp lại, Buterin đã cáo buộc Justin sao chép whitepaper của Ethereum, một cáo buộc vẫn theo suốt dự án cho đến ngày nay.

Mặc dù những lùm xùm này, TRON được định vị là công ty hàng đầu trong lĩnh vực blockchain ở Trung Quốc. Justin đã nhanh chóng thiết lập quan hệ đối tác với một loạt công ty lớn, bao gồm nhà cung cấp phần cứng và phần mềm video Trung Quốc Baofeng (được gọi là “Netflix của Trung Quốc”) và oBike, công ty chia sẻ xe đạp lớn nhất ở Singapore.

Tìm hiểu thêm: Thông tin chi tiết về tiền điện tử TRON (TRX)

Người muốn mở chiếc hộp Pandora - BitTorrent

Justin timeline

Năm 2018, Justin mua lại BitTorrent, nền tảng chia sẻ tệp lớn nhất trên thế giới, với giá 126 triệu USD. Mục tiêu của việc mua lại này là biến 100 triệu khách hàng hoạt động hàng tháng của BitTorrent trở thành người dùng TRX — giá của TRX đã “bay tung nóc” sau khi thương vụ mua lại được công bố.

Một năm sau, BitTorrent tung ra token riêng (BTT) trên blockchain TRON. Dưới định hướng phát triển của Justin, BitTorrent cũng đã phải hứng chịu tranh cãi từ mọi góc độ. Nền tảng này là nỗ lực của Justin để đưa nội dung của web tối (dark web) ra ánh sáng.

Tìm hiểu thêm: Thông tin chi tiết về tiền điện tử BitTorrent (BTT)

BitTorrent đã có một sản phẩm gọi là BT Live - thứ mà Justin muốn trở thành một chiếc hộp Pandora trên internet, bất chấp những mặt xấu và mặt tốt nhất của nó. Rõ ràng, chàng trai trẻ đã có một tầm nhìn lớn về việc xuyên thủng “Vạn lý Tường lửa” của Trung Quốc thông qua bản chất phi tập trung của BitTorrent. Tuy nhiên, BT Live đã không trở thành hiện thực sau một cuộc đối đầu giữa Justin và những người sáng tạo.

Tờ The Verge đã thuật lại cuộc gặp gỡ li kì giữa Justin và các giám đốc điều hành cấp cao của BitTorrent ở Bắc Kinh. Trong căn phòng họp ốp kính, Justin đứng phía đầu bàn phát biểu và tự gọi mình là “Mao Chủ tịch”. Anh gọi các giám đốc điều hành này là “những vị trướng của mình”, và cùng nhau, họ sẽ tiêu diệt các đối thủ. Khi Justin kết thúc, CEO của BitTorrent đã nói: “Không phải tất cả các tướng của Mao đều bị giết sao?” Và Justin xác nhận: “Đúng, đúng”.

Huỷ buổi ăn trưa trị giá 4.5 triệu USD với Warren Buffett

Không ai thu hút được nhiều báo giới như Justin đã làm trong vụ ăn trưa với Warren Buffett.

Vào năm 2019, người sáng lập TRON “nổi ầm ầm” với việc đã trả 4.5 triệu USD để có cơ hội dùng bữa trưa với nhà đầu tư huyền thoại kiêm CEO của Berkshire Hathaway - Warren Buffett. Buffett đã tổ chức những bữa trưa tương tự như thế này hàng năm trong nhiều thập kỷ. Tất cả số tiền thu được từ hoạt động này sẽ được chuyển đến tổ chức từ thiện Glide Foundation.

Justin cũng đã lên tiếng mời Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo khác trong ngành cùng đến ăn trưa. Tuy nhiên, hai ngày trước “giờ G”, anh đã hoãn nó lại vì “lý do sức khỏe”.

Việc hủy bỏ này của Justin đã vấp phải sự chỉ trích và chế giễu rộng khắp trong cộng đồng TRON, đặc biệt là ở Trung Quốc. Có tin đồn rằng Justin không thể rời Trung Quốc do “lệnh cấm xuất cảnh” của chính phủ. Tuy nhiên, TRON Foundation đã phủ nhận những tuyên bố này, nói rằng Justin đang điều trị sỏi thận tại nhà ở San Francisco.

Cuối cùng, Buffett - người chỉ trích Bitcoin cứng rắn, cũng đã gặp Justin tại một câu lạc bộ riêng ở thành phố quê hương của Buffett, Omaha, Nebraska, vào tháng 1/2020. Ngoài những nhân vật tên tuổi khác, cuộc gặp gỡ này còn có sự tham gia của Chris Lee - Giám đốc tài chính Huobi.

Huobi - mua hay không mua, nói một lời thôi

Tháng 11/2019, Justin cho biết mình nằm trong nhóm nhà đầu tư đã mua lại sàn giao dịch Poloniex từ công ty fintech Circle. Trước đó anh đã phủ nhận: “Tôi đang không mua bất cứ thứ gì cả”.

Người ta cho rằng Justin đang sử dụng lại “chiêu bài” này với Huobi. Sau khi Wu Blockchain đưa tin anh là người thực sự đứng sau bức màn nhung để mua lại sàn giao dịch với sự hậu thuẫn của FTX, Justin đã phủ nhận lần hai: “Trong tương lai, chúng tôi có thể có cơ hội mua Huobi, nhưng không phải lúc này.” Anh cho biết mình chỉ là một trong năm cố vấn thuộc ban cố vấn toàn cầu của Huobi.

Tuy nhiên, dù chưa có kế hoạch chính thức, Justin có nói về khả năng sẽ đưa Huobi trở lại Trung Quốc, nếu quốc gia này cho phép giao dịch tiền điện tử trở lại.

Vào tháng 9/2021, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền điện tử, đẩy phần lớn các sàn giao dịch, bao gồm cả Huobi, ra khỏi đất nước. Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia này cấm crypto.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi lệnh cấm mới nhất của Trung Quốc xóa sổ toàn bộ hoạt động khai thác Bitcoin hợp pháp ở nước này, Justin vẫn “lạc quan” về tình hình tiền điện tử ở Trung Quốc. Anh nói: tiền điện tử là một “xu hướng trên toàn thế giới” mà không thể bị cô lập.

Huobi hiện đã có dấu ấn trên khắp châu Á và có thể sẽ mở đường sang châu Âu và Nam Mỹ. Nhưng để sàn giao dịch có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, Justin cho biết Huobi cần kéo traction cho đồng HUSD - stablecoin của sàn được back bởi USD. Theo Justin thì một trong những lĩnh vực trọng tâm của anh sẽ là biến USDD, stablecoin thuật toán anh tạo ra, trở thành một trong những “stablecoin thanh toán” trên Huobi.

“Trong ba tháng tới, chúng tôi có thể sẽ niêm yết tất cả các đồng tiền pair với USDD trên Huobi,” Justin cho biết.

Tìm hiểu thêm: Thông tin chi tiết về USDD

Lời kết

Dù yêu hay ghét Justin Sun, không thể phủ nhận rằng anh là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất không gian crypto. Quả thật, những lời phê bình nhắm vào Justin không phải vô căn cứ, thậm chí một nhân viên cũ còn gọi anh là một thiên tài bất hảo không ai có thể ngăn cản. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu Justin có thể thực hiện được những mục tiêu lớn lao mà anh đặt ra cho TRON hay không gian tiền điện tử hay không.