Lý do hold NEAR - Quân bài của Coinbase với tiềm năng tăng trưởng mạnh
NEAR Protocol có lẽ không phải là một cái tên xa lạ đối với anh em nữa, khi càng ngày nền tảng này càng phát triển và mở rộng không ngừng. Trong bài viết này, mình sẽ nói về lý do mình hold NEAR, và tiềm năng tăng trưởng của NEAR trong tương lai dựa trên những gì đội ngũ phát triển đã và đang làm.
Giới thiệu về NEAR Protocol
NEAR Protocol là một nền tảng ứng dụng phi tập trung layer 1 được xây dựng theo cơ chế Proof-of-Stake. NEAR Protocol có điểm mạnh so với các đối thủ khác bao gồm khả năng mở rộng cao, chi phí thấp, độ phi tập trung cao.
Trong thời điểm chi phí và tốc độ giao dịch trên Ethereum đang ở mức không còn hợp lý, NEAR Protocol từ khi ra mắt đã được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của Ethereum với chi phí giao dịch thấp hơn 10,000 lần và khả năng mở rộng cao.
Anh em xem thêm về cơ chế Proof-of-Stake tại đây.
Viên ngọc sáng giá NEAR giữa cuộc chiến hệ sinh thái
Bởi NEAR là một token nền tảng, nên để NEAR tăng trưởng thì hệ sinh thái của NEAR phải phát triển, nhiều ứng dụng và nhiều người dùng, từ đó nhu cầu sử dụng NEAR tăng lên.
Để một nền tảng có thể phát triển hệ sinh thái DeFi, có hai thành phần bắt buộc phải có, đó chính là người dùng và nhà phát triển các ứng dụng phi tập trung. Cách thu hút hai thành phần đó về với nền tảng luôn là bài toán đau đầu, cần xử lý khôn khéo.
Theo mình thấy, NEAR Protocol đã rất thành công trong việc thu hút hai thành phần này bằng những bước đi vô cùng bài bản, điều đó sẽ được mình phân tích dưới đây.
Thu hút nhà phát triển
Đầu tiên, mình sẽ nói về việc thu hút các nhà phát triển ứng dụng phi tập trung.
NEAR Protocol đã lựa chọn một cách làm thông minh, đó chính là khởi động Hackathon "Hack the Rainbow "vào tháng 8 năm 2020, và chương trình tài trợ cho các dự án phát triển trên NEAR trị giá 1 triệu đô vào đầu tháng 2 vừa rồi.
Chương trình “Hack the Rainbow” được tổ chức rất bài bản với hai tuần hướng dẫn và hai tuần làm việc, từ đó đã thu hút được 400 người dự thi với 80 dự án mới. Hơn nữa, chương trình tài trợ đang diễn ra được phát động vào tháng 2 vừa rồi còn có ngân quỹ lên tới 1 triệu đô, chắc chắn sẽ còn tiếp tục thu hút được nhiều nhà phát triển cùng nhiều dự án tiềm năng.
Nhưng chỉ giải thưởng và tài trợ cho các nhà phát triển vẫn là chưa đủ, mà họ cũng cần những công cụ hỗ trợ việc phát triển ứng dụng. Bởi vậy, máy ảo EVM và Rainbow Bridge - một cầu nối giữa nền tảng Ethereum và NEAR - đã được triển khai với mục đích giúp đỡ các nhà phát triển và người dùng trên Ethereum có thể tiếp cận NEAR dễ dàng.
Nếu theo dõi sát trang Twitter của NEAR Protocol, anh em có thể thấy máy ảo EVM được nâng cấp liên tục, còn Rainbow Bridge được đội ngũ NEAR vận hành rất bài bản: hỗ trợ sử dụng sản phẩm, thiết kế các công cụ hỗ trợ, và vá lỗi ngay khi phát hiện.
Sự bài bản trong từng khâu triển khai dự án và thu hút nhà phát triển của NEAR thực sự khiến mình yên tâm.
Tiếp theo, anh em hãy cùng mình tìm hiểu xem NEAR Protocol đã và đang làm gì để thu hút người dùng.
Thu hút người dùng
Thu hút người dùng là bài toán rất khó khăn đối với các nền tảng. Vậy NEAR Protocol đã xử lý bài toán này như thế nào?
Đầu tiên, NEAR đang dần hình thành các trụ cột quan trọng của hệ sinh thái DeFi bao gồm các ứng dụng stablecoin, vay/cho vay và sàn giao dịch phi tập trung.
NEAR cũng đang từng bước nâng cấp trải nghiệm người dùng, minh chứng là sự hợp tác gần đây của NEAR và ví Ledger nhằm giúp người dùng Ledger có thể tương tác với các ứng dụng phi tập trung trên NEAR.
Các hoạt động quảng bá cũng đang được tổ chức rầm rộ, ví dụ như chương trình xây dựng cộng đồng của The Sandbox vừa ra mắt vào ngày 24/3, hay chương trình viết bài về NEAR Protocol ở cộng đồng các quốc gia.
Mình đang vô cùng mong ngóng các hoạt động tiếp theo của NEAR, không chỉ bởi các hoạt động này sẽ đẩy NEAR tăng trưởng, mà còn bởi chúng chứng tỏ sự nhạy bén với thị trường và khả năng quảng bá của đội ngũ NEAR trong thị trường tiền điện tử.
Hệ sinh thái NEAR chuẩn bị tăng tốc
Anh em có thể thấy rằng, hệ sinh thái DeFi trên NEAR vẫn còn rất sơ khởi và chưa có phát triển nào quá đáng kể, các mảnh ghép DeFi căn bản nhất cũng chưa xuất hiện.
Hiện tại, các ứng dụng mới chỉ dừng lại ở mức độ căn bản, bao gồm: các trình khám phá như NEAR Explorer; một vài ứng dụng gaming và thị trường dự đoán; hai chợ NFTs, và chưa xuất hiện các dự án stablecoin DeFi, lending và borrowing hay các AMM DEX (các DEX đã xuất hiện từ Hackathon vào tháng 8 năm ngoái, tuy nhiên vẫn còn ở trên Testnet, chưa audit, chưa có kênh Twitter hay kênh truyền thông nào).
Tuy nhiên, khi đối chiếu với những gì đội ngũ NEAR làm và phát triển trong thời gian qua (Rainbow Bridge, Grant Program một triệu đô, hoạt động Marketing,...), mình nghĩ rằng từ trước tới giờ, đội ngũ mới chỉ tập trung vào phát triển các công cụ căn bản nhất cần có cho một hệ sinh thái.
Theo mình, phải đợi tới khi Grant Program trị giá một triệu đô kết thúc hoặc gần kết thúc khoảng giữa năm nay, khi các mảnh ghép DeFi đầu tiên được mainnet, audit và sử dụng, lúc đó cả hệ sinh thái của NEAR sẽ giãn nở với một tốc độ chóng mặt. Anh em hãy cùng mình chờ đợi những bước đi tiếp theo của hệ sinh thái đầy tiềm năng này nhé!
Community Call #13: Hệ sinh thái Near - Bệ phóng vững chắc cho năm 2022 tại đây:
Lời kết
Bài toán thu hút hai thành phần quan trọng nhất của một hệ sinh thái đang được NEAR Protocol giải quyết rất gọn gàng và hiệu quả. Đánh giá được sự tiềm năng và sự chuyên nghiệp của dự án, và là một trong những quân bài DeFi của Coinbase, A16Z và nhiều quỹ đầu tư đình đám khác, mình có niềm tin rất lớn vào tiềm năng tăng trưởng của NEAR.
Anh em có thể xem qua series cập nhật hằng tuần những update của hệ sinh thái NEAR kèm theo những góc nhìn cá nhân về cập nhật đó với NEAR Panorama.
Anh em nghĩ sao về tiềm năng phát triển của NEAR? Hãy comment ở dưới và chia sẻ góc nhìn của bản thân nhé!