Mã OTP là gì? Cách bảo mật mã OTP để tránh bị lừa đảo
Mã OTP là gì?
Mật khẩu dùng một lần, hay OTP (One Time Password) là mã bảo mật được tạo ra để sử dụng cho một lần đăng nhập duy nhất và không thể tái sử dụng được.
Ngoài ra, mã OTP còn được gọi là mã PIN một lần, mã xác thực một lần (one-time authorization code - OTAC) hoặc mật khẩu động. Thời gian hiệu lực của mã OTP thường rất ngắn, chỉ từ 30 giây đến 5 phút (theo Điều 10 Thông tư 35/2016/TT-NHNN).
Mã OTP sẽ được gửi đến dưới dạng mã số có 6 chữ số hoặc ký tự được tạo tự động. OTP đã trở thành phương pháp bảo mật chuẩn toàn cầu cho việc đăng nhập trong các tình huống đặc biệt, như: Kích hoạt thẻ, thanh toán qua ngân hàng, đăng nhập tài khoản, xác nhận giao dịch hợp lệ, nhận dạng thiết bị lạ, khôi phục mật khẩu…
Có nhiều loại mã OTP nhưng trong đó SMS OTP, Voice OTP, Token và Smart OTP là 4 loại phổ biến nhất ở Việt Nam.
- SMS OTP: Theo hãng bảo mật Kaspersky, 74% người dùng Việt Nam thích mật khẩu dùng một lần (OTP) qua SMS cho mọi giao dịch điện tử (năm 2022).
- Voice OTP: Mã OTP dạng giọng nói sẽ được truyền tải qua cuộc gọi điện thoại trực tiếp đến điện thoại di động và không lưu trữ trên thiết bị để đảm bảo an toàn.
- Token: Có hai loại Token chính là Hard Token và Soft Token.
- Hard Token là một thiết bị nhỏ giống như USB nên bạn sẽ dễ dàng mang theo để thực hiện lấy mã OTP. Soft Token là một phần mềm được cài đặt trên máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng để cung cấp mã Token cho bạn khi thực hiện giao dịch.
- Smart OTP: Cũng giống Token nhưng Smart OTP không cần thiết bị vật lý. Mã Smart OTP sẽ tăng cường bảo mật bằng cách sử dụng các yếu tố như vị trí địa lý của người dùng, dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt (Face ID)... Nhờ đó, người dùng dễ dàng lấy mã và giảm thiểu tối đa nguy cơ tài khoản bị tấn công.
- Email OTP: Ngoài 4 loại phổ biến trên, Email OTP cũng thường được sử dụng. Thay vì gửi qua điện thoại như loại SMS, loại này sẽ gửi qua email mà bạn đã đăng ký.
Vai trò quan trọng của mã OTP trong giao dịch tài chính
Theo báo cáo từ Kaspersky, trong năm 2023, gần 10 triệu thiết bị đã bị đánh cắp thông tin đăng nhập thông qua phần mềm độc hại. Tội phạm mạng thường sử dụng thông tin đánh cắp này cho các mục đích bất hợp pháp, chẳng hạn như thực hiện các cuộc tấn công mạng, rút hết tiền trong tài khoản hoặc bán và phân phối thông tin trên các diễn đàn dark web (thị trường ngầm).
Trong bối cảnh đó, mã OTP có vai trò giúp đảm bảo rằng thông tin cá nhân và giao dịch được bảo vệ tốt hơn. Bởi, loại mã bảo mật này được triển khai như một biện pháp xác thực bảo mật hai lớp (2FA - Two-factor authentication) trước khi xác thực giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận và duy trì mức độ bảo mật cao.
Hơn nữa, mã OTP cũng an toàn hơn so với mật khẩu tĩnh, vì chúng không thể tái sử dụng trên nhiều tài khoản và chỉ gửi về duy nhất số điện thoại hoặc email mà bạn đã đăng ký ban đầu.
Đọc thêm: 2FA là gì? Các phương thức xác thực 2FA hiệu quả
Cách lấy mã OTP khi giao dịch
Cách lấy mã OTP trên điện thoại, ứng dụng có thể khác nhau tùy theo ngân hàng hoặc dịch vụ bạn đang sử dụng.
- SMS OTP, Email OTP, Voice OTP: Các dạng mã OTP này sẽ gửi đến bạn dựa trên thông tin đã đăng ý ban đầu. Sau khi nhận, bạn hãy nhập mã OTP để tiến hành xác thực.
- Smart OTP: Sau khi giao dịch trên Mobile Banking/ứng dụng, bạn sẽ được yêu cầu dùng FaceID, vân tay hoặc mã pin. Sau đó, mã Smart OTP sẽ xuất hiện trên màn hình thiết bị trong khoảng 2 phút.
- Thiết bị Token (Hard Token): Khi nhấn nút trên thiết bị Token, mã OTP sẽ xuất hiện trên màn hình. Bạn sẽ nhập mã hiển thị để hoàn tất xác thực.
Nếu không nhận được mã OTP, bạn nên kiểm tra lại kết nối mạng của thiết bị. Trường hợp không biết cách thực hiện, bạn hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để được hướng dẫn chi tiết.
Những lưu ý khi sử dụng mã OTP
Mã OTP được xem là lớp bảo vệ then chốt trong các giao dịch thanh toán. Do đó, bạn cần chú ý một số điểm sau để tránh những rủi ro không mong muốn:
- Nhập ngay mã OTP khi nó được gửi đến: Bởi vì mã OTP có hiệu lực trong thời gian rất ngắn, nếu không nhập ngay, bạn sẽ phải thao tác lại để lấy mã khác.
- Không chia sẻ mã OTP với người lạ: Để tránh lừa đảo, bạn tuyệt đối không được cung cấp OTP cho bất kỳ ai, kể cả những người tự nhận là cơ quan chức năng hay nhân viên ngân hàng.
- Không nhập mã OTP vào các đường link không rõ nguồn gốc: Người dùng có thể bị tấn công giả mạo (Phishing) thông qua các đường dẫn (URL), email, hộp thoại tự động... Chúng sẽ được làm giống như URL/email gốc của nhà cung cấp với tên miền phụ. Ví dụ: coin98.net (thật), xyz.co-in98.net (giả).
- Khóa ngay SMS OTP khi mất điện thoại: Dù có đặt mật khẩu, mã SMS OTP vẫn có nguy cơ sẽ hiện lên màn hình chờ hoặc kẻ lấy trộm có thể bẻ khóa điện thoại để lấy mã.
- Đặt mật khẩu cho điện thoại: Với sự phổ biến của internet banking, điện thoại hiện nay như một chiếc ví thứ hai. Người dùng cần bảo vệ điện thoại bằng cách đặt thêm sinh trắc học để giảm nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân và mã SMS OTP.
Việc sử dụng mã OTP là một bước quan trọng trong việc bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ an ninh mạng. Tuy nhiên, các hành vi đánh cắp thông tin càng ngày càng tinh vi như tấn công MITM (Man-in the-Middle). Do đó, các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm những giải pháp toàn diện hơn, gần đây nhất chính là yêu cầu sinh trắc học để giao dịch ngân hàng.
Đọc thêm: Man-in-the-Middle là gì? Cuộc tấn công mạng dành cho "kẻ thứ ba".