Masternode là gì? Làm thế nào để trở thành Masternode?
Nhiều anh em mới tham gia thị trường tiền điện tử thắc mắc về thực hư xây dựng một nguồn thu nhập thụ động từ việc chạy Masternode. Hay đầu tư vào Masternode sẽ nhân tài khoản của anh em lên nhiều lần.
Hy vọng sau khi đọc bài viết này của Coin98, anh em sẽ có câu trả lời về những điều trên!
Masternode là gì?
Masternode là một full nodes (thường là máy chủ hoặc máy tính cấu hình cao) có nhiệm vụ sắp xếp, xác minh giao dịch trong mạng lưới blockchain. Vì là một full nodes, Masternode còn có chức năng quản trị mạng lưới thông qua việc biểu quyết.
Masternode được sáng kiến và áp dụng bởi dự án Dash (DASH) vào năm 2014 với việc chia tách thợ mỏ (miners) và Masternode sẽ khiến tốc độ giao dịch nhanh hơn. Gần 6 năm sau, thị trường Masternode đã đạt giá trị hơn 1 tỷ đô với hơn 160 đồng coin áp dụng Masternode cho mạng lưới blockchain.
Lưu ý: Không phải blockchain nào cũng có Masternode. Anh em có thể kiểm tra các đồng Masternode tại đây.
Lợi ích và rủi ro của Masternode là gì?
Lợi ích
Đối với người vận hành Masternode: Tạo được một nguồn thu nhập từ việc nhận thưởng nếu trở thành một Masternode.
Đối với dự án: Mạng lưới trở nên bảo mật hơn, vì những người được chọn làm Masternode đều cần lựa chọn kỹ lưỡng.
Rủi ro
Đối với dự án:
- Mạng lưới sẽ trông có vẻ tập trung hơn bởi vì chỉ có một lượng Masternode nhất định có quyền quyết định giao dịch có hợp lệ hay không.
Đối với người vận hành Masternode:
- Có thể bị mất trắng nếu chọn dự án Scam hoặc không thoát hàng trước khi dự án thất bại.
- Có nguy cơ lỗ vốn vì yếu tố lạm phát của token sẽ khiến giá token giảm.
Làm sao để trở thành Masternode?
Thông thường, những dự án áp dụng Masternode sẽ luôn cố định một lượng Masternode trong mạng lưới.
Nếu mạng lưới đã đủ số lượng thì anh em chỉ việc setup và chờ cho đến khi nodes của anh em được bầu chọn làm Masternode mà thôi.
Để trở thành Masternode thì tùy từng dự án mà có các yêu cầu khác nhau, nhưng tựu chung lại có một số yêu cầu tối thiểu như:
- Nắm một lượng coin nhất định.
- Server máy chủ phải đủ mạnh & IP tĩnh.
- Hoạt động 24/7 liên tục không bị gián đoạn bởi bất kỳ lý do nào.
Sau khi được chọn làm Masternode, anh em sẽ nhận được phần thưởng (có thể là block reward và phí giao dịch) cho việc xác minh mạng lưới.
Chính phần thưởng này là cái mà nhiều người bảo là thu nhập thụ động khi chạy Masternode!
Ví dụ:
TomoChain cố định 150 Masternodes cho toàn mạng lưới blockchain của Tomo với yêu cầu tối thiểu phải nắm 250,000 TOMO mới có thể trở thành Masternode. Ngoài ra, anh em cần một server đủ mạnh cùng với IP tĩnh và máy chủ này không được ngắt quãng.
Nếu bị thì đến lượt epoch sau anh em sẽ bị loại khỏi Masternode của Tomo và phải chờ đến khi được voting trở lại. Khi trở thành Masternode, anh em có thể nhận thưởng bằng TOMO.
Điểm khác biệt giữa Masternode & Staking
Nhiều anh em hỏi rằng, việc nắm một lượng đồng coin nhất định chả khác gì với việc staking hay sao? Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Masternode và Staking?
Bản chất việc anh em chạy một Masternode là một hình thức staking, nhưng khó tiếp cận hơn.
Bởi vì:
- Nếu anh em staking thì chỉ cần để coin ở trong ví và nhận thưởng mỗi ngày không cần quan tâm quá nhiều đến việc kỹ thuật như thế nào.
- Thì đối với Masternode, anh em cần: khóa một lượng coin có giá trị khá cao (không được di chuyển ra khỏi ví) và một máy chủ server đủ mạnh, hoạt động liên tục không bị ngắt quãng.
Chỉ riêng việc nắm một lượng coin có giá trị cao thôi cũng đã là một rào cản khá lớn cho số đông.
Vì thế, Masternode có thể nói được dành cho những người holder có ý định nắm giữ đồng coin đó trong một thời gian dài. Đồng thời, họ cũng muốn mạng lưới được an toàn và phát triển.
Masternode có làm token tăng giá?
Trong ngắn hạn: Có.
Trong dài hạn: Chưa chắc.
Bởi vì, ban đầu, Masternode sẽ là một lý do tuyệt vời để giảm nguồn cung của đồng token đó. Theo thuyết cung cầu thì cầu giữ nguyên hoặc tăng và cung giảm thì chắc chắn giá tăng đúng không nào. Nhưng tại sao dài hạn thì chưa chắc, là bởi để một đồng coin tăng trong dài hạn cần rất nhiều yếu tố.
Ví dụ như các yếu tố dưới đây:
Tỷ lệ lạm phát
Khi Masternode vận hành một thời gian sẽ sản sinh ra lạm phát (phần thưởng cho người chạy Masternode), có nhiều dự án có tỷ lệ lạm phát này rất cao để thu hút người chạy Masternode. Dẫn đến lượng token tăng cao nếu nhu cầu sử dụng token đó không cao hơn mức lạm phát sẽ khiến token giảm giá theo thời gian.
Anh em có thể lên Masternode.Online để check tỷ lệ lạm phát của các đồng đang sử dụng Masternode.
Ở cột ROI càng cao sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ lạm phát mỗi tháng của token đó càng cao.
Tầm nhìn và khả năng thực thi của team Dev
Điều này rất quan trọng vì nếu đội ngũ phát triển không có khả năng thực thi những gì họ nói thì dự án rất dễ thất bại. Trong quá khứ đã có nhiều dự án Masternode thất bại nặng nề vì team Dev chỉ vẽ ra mà không thể thực thi được.
Hệ sinh thái của dự án
Hệ sinh thái là chỗ dựa vững chắc cho mục đích sử dụng của token đó. Nếu hệ sinh thái được nhiều người sử dụng thì nhu cầu của token đó sẽ tăng cao.
Cộng đồng hỗ trợ
Cộng đồng là yếu tố quan trọng của bất kỳ dự án nào không chỉ riêng dự án chạy Masternode. Khi muốn chạy Masternode, anh em cũng nên kiểm tra kỹ lưỡng mức độ hỗ trợ của cộng đồng đối với dự án là như thế nào.
Có nên đầu tư Masternode hay không?
Masternode là cuộc chơi của những người vốn lớn, giàu kinh nghiệm trong thị trường, biết cách chọn đúng coin để chạy Masternode.
Nếu bạn là người mới tham gia hoặc vốn nhỏ thì mình nghĩ là không nên đầu tư vào Masternode. Thay vào đó, bạn có thể đầu tư ICO, IEO hoặc trade coin sẽ khỏe hơn. Mình không nói nó dễ hơn mà khỏe cho bạn hơn, đỡ rủi ro hơn nếu bạn có kiến thức đầy đủ.
Lời kết
Sau khi đọc bài này, nếu anh em được ai nói về việc đầu tư Masternode thì anh em nên tránh không nên đụng vào vì tỷ lệ ăn thì ít mà lỗ thì nhiều. Đừng nhìn vào lợi nhuận mà quên mất rủi ro mất trắng nhé!
Nếu anh em có thắc mắc gì thì có thể bình luận ở dưới bài viết. Mình và đội ngũ Coin98 sẽ trao đổi thêm với anh em.
Còn bây giờ, xin chào và hẹn gặp lại anh em trong các bài viết sắp tới.