ai16z: Khi "chợ phiên" tự do đối đầu với "thánh đường" kiểm soát
Sáng lập quỹ a16z: "Áo ai16z này tôi cũng có"
Cuối tháng 10/2024, Marc Andreessen - đồng sáng lập quỹ đầu tư a16z đã đăng lên X cá nhân hình một cô gái do AI tạo mặc chiếc áo phông có dòng chữ ai16z, kèm dòng tweet: "Ê, áo này tôi cũng có nha". Đây là lời đùa của Andreessen trước việc dự án DAO do AI vận hành ai16z ra đời dựa trên cảm hứng từ bản thân ông.
Đùa giỡn nhưng hiệu ứng lan toả là thật. Sau phát ngôn của Andreessen, vốn hóa của ai16z tăng vọt lên gần 100 triệu USD (và đạt hơn 750 triệu USD tính đến thời điểm viết bài).
Nối gót ai16z, các dự án AI Agent đã trở thành "narrative" thịnh hành nhất trong thị trường crypto suốt hai tháng qua. Theo thống kê từ Dune Analytics, AI Agent hiện dẫn đầu về mức độ nhận thức cộng đồng (mindshare) trong 30 ngày gần nhất, trong đó ai16z đứng top 3 bảng xếp hạng mindshare trong khoảng thời gian 7 và 30 ngày qua.
Vào ngày 10/12, Kaito AI thông báo trên X rằng token ai16z đã vượt qua GOAT về vốn hóa thị trường, cho thấy vai trò tiên phong của dự án này với mô hình quỹ đầu tư vận hành bằng AI trong thị trường crypto.
“Với ai16z, chúng tôi không chỉ xây dựng một DAO AI mà còn mở đường cho sự kết hợp mạnh mẽ giữa AI và DeFi, nơi các hệ thống có thể vận hành tự động, linh hoạt và phục vụ con người tốt hơn”, Shaw - nhà sáng lập ai16z chia sẻ trong một buổi phỏng vấn gần đây với Bankless.
Đọc thêm: ai16z - Mô hình AI Agent hoạt động như quỹ đầu tư
ai16z được yêu thích trên Github hơn cả Uniswap
Đằng sau sự bùng nổ của ai16z là Eliza Framework - nền tảng công nghệ cốt lõi cho phép tích hợp nhiều AI Agent và mở ra cơ hội phát triển các dApp độc lập.
Báo cáo “Framework Fortresses” mới đây của Messari cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng mở như Eliza mang lại lợi thế dài hạn, vượt xa các DAO thông thường. Eliza không chỉ là một framework mà còn là “hệ điều hành” thế hệ mới dành cho các AI Agent trên blockchain.
Hiện tại, Eliza Framework đang là repo (kho lưu trữ các file của dự án) thịnh hành nhất trên Github, được “fork” hơn 1,500 lần và có sự đóng góp từ hơn 170 nhà phát triển trên toàn thế giới.
Một yếu tố khác cho thấy sự phát triển của ai16z là dù chỉ mới xuất hiện chưa đầy 2 tháng, số lượng gắn sao (star) trên repo của Eliza đã vượt qua cả Uniswap - giao thức DeFi nổi tiếng ra đời từ năm 2018.
Tuy đang cực kỳ phổ biến, nhưng ai16z cũng đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các dự án đối thủ và áp lực duy trì tính đổi mới liên tục. Để củng cố vị thế, dự án đã hợp tác với Ryze Labs để triển khai chương trình AICombinator, cung cấp quỹ 5 triệu USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI và blockchain.
Mới đây, vào ngày 16/12, Eliza Labs - tổ chức đứng sau ai16z, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng bằng cách hợp tác với Đại học Stanford trong dự án nghiên cứu “Tương lai của Tiền tệ Kỹ thuật số” (Future of Digital Currency Initiative).
Dự án này sử dụng framework mã nguồn mở Eliza để “giải quyết các câu hỏi cơ bản về cách AI Agent có thể thiết lập niềm tin, phối hợp hành động và đưa ra quyết định trong hệ thống tài chính phi tập trung”, Eliza Labs tuyên bố.
Theo giáo sư Dan Boneh và David Mazières từ Stanford, đây là “cơ hội độc nhất để định hình cách các AI Agent sẽ hoạt động trong nền kinh tế số”.
ai16z vs. Virtuals: Cuộc đua giữa "thánh đường" và "chợ phiên"
Trong khi ai16z với nền tảng Eliza Framework thu hút nhiều quan tâm, đối thủ Virtuals của họ cũng đang tạo ra xu hướng mới với mô hình token hóa các AI Agent. Dự án cho phép người dùng hưởng doanh thu từ các token, đồng thời áp dụng các cơ chế như "buy back and burn" (mua lại token để đốt) nhắm giảm phát và tăng giá trị cho token.
Virtuals - với vốn hoá đạt mốc 1 tỷ USD vào cuối tháng 11/2024, áp dụng cách tiếp cận được ví như “The Cathedral” (Thánh đường) - mô hình phát triển có hệ thống, có chủ đích và do đội ngũ phát triển cốt lõi dẫn dắt. Trong khi đó, ai16z và Eliza Framework đại diện cho cách tiếp cận “The Bazaar” (Chợ phiên) - triết lý phát triển phi tập trung và tự do, trong đó tính sáng tạo do cộng đồng nhà phát triển thúc đẩy.
Với framework mở của ai16z, bất kỳ ai cũng có thể thử nghiệm, triển khai và đóng góp vào các AI Agent mà không bị quy tắc ràng buộc.
ai16z và Virtuals đại diện cho hai tầm nhìn khác biệt: một bên tập trung vào tính bền vững và khả năng tương tác lâu dài thông qua cơ sở hạ tầng mở, bên kia nhấn mạnh vào tốc độ tăng trưởng và khả năng tạo ra giá trị kinh tế tức thì từ các AI Agent.
Dù mô hình nào chiếm ưu thế trong dài hạn thì cũng có thể nhận định rằng AI Agent hứa hẹn trở thành nền tảng cốt lõi của các hệ sinh thái phi tập trung trong tương lai.
Ngoài ra, thị trường đang dịch chuyển sự tập trung từ các token AI Agent độc lập sang các token cơ sở hạ tầng như Eliza Framework (ai16z) hay VIRTUAL, theo Chain of Thought.
"Các AI Agent chỉ mới là điểm khởi đầu. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến tương lai nơi AI cùng cộng đồng tạo ra những giá trị hữu hình", Shaw, nhà sáng lập ai16z chia sẻ.
Đọc thêm: Siêu trí tuệ nhân tạo AGI & con người - Tương lai Cyborg đang đến gần?