Anoma - Nền tảng áp dụng công nghệ intent-centric
Anoma là gì?
Anoma là dự án phát triển cơ sở hạ tầng, tích hợp công nghệ intent-centric để đơn giản hóa trải nghiệm trong DeFi. Cách tiếp cận intent-centric giúp Anoma tập trung vào ý định của người dùng, hỗ trợ nhà phát triển tạo ra những dApp thân thiện, loại bỏ các thao tác phức tạp khi người dùng tham gia DeFi.
Cụ thể, dApp được xây dựng trên nền tảng intent-centric cho phép người dùng bộc lộ ý định của mình và hệ thống sẽ tự động tìm cách thực hiện ý định đó thông qua bên thứ ba - solver.
Ví dụ: Thông thường, để swap cặp token A/B sang cặp A/C, người dùng phải thực hiện 2 - 3 lệnh, thông qua những giao thức khác nhau. Đối với cách tiếp cận intent-centric, người dùng chỉ cần bộc lộ ý định: “Tôi muốn swap cặp A/B sang A/C”, solver sẽ tự động thực thi để đáp ứng yêu cầu trên.
Dự án chỉ mới tiết lộ tên ticker token là NAM, ngoài ra những thông tin cụ thể về tokenomics chưa được thông báo.
Kiến trúc hạ tầng của Anoma
Cơ sở hạ tầng Anoma hoạt động dựa trên sự phối hợp của ba loại node chính: node lan truyền ý định (intent gossip node), node khớp lệnh (matchmaking node) và node xác thực (validating node). Mỗi node đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để các giao dịch diễn ra hiệu quả và an toàn.
Intent gossip node: Chịu trách nhiệm thu thập và lưu trữ các "ý định" (intent) của người dùng, tạo thành một mạng lưới lan truyền ý định (intent gossip network). Các node này liên tục trao đổi thông tin với nhau để tìm kiếm các "ý định" có thể kết hợp và chuyển chúng đến matchmaking node.
Matchmaking node (Hay Solver): Có nhiệm vụ tìm kiếm và kết hợp các "ý định" tương thích với nhau trong intentpool, từ đó tạo thành các giao dịch. Solver có thể tùy chỉnh các thuật toán và bộ lọc để ưu tiên các loại giao dịch nhất định, tăng hiệu quả khớp lệnh. Sau khi khớp thành công, giao dịch sẽ được gửi đến validating node.
Điểm mấu chốt trong mô hình này là ý định của người dùng sẽ được gửi đến intentpool. Intentpool là một vùng chứa các ý định chưa được xử lý, khác với mempool trong blockchain truyền thống, intentpool đóng vai trò như một điểm tập trung để các solver truy cập vào và phân tích.
Validating: Chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của các giao dịch và ghi chúng vào mạng. Validating node đảm bảo rằng tất cả giao dịch đều tuân thủ các quy tắc và điều kiện được thiết lập trước.
Tại thời điểm viết bài, Anoma chưa có sản phẩm hữu hình để người dùng tham gia sử dụng. Hiện người dùng có thể tham gia Anoma dưới dạng các validator để kiếm thưởng.
Điểm nổi bật của Anoma
Bên cạnh việc áp dụng mô hình intent-centric, Anoma cũng trở nên nổi bật nhờ ứng dụng một số công nghệ sau:
- Giải pháp Fractal Scaling: Fractal Scaling đề cập đến việc chia nhỏ mạng Anoma thành nhiều fractal instance độc lập, mỗi fractal instance có khả năng tùy chỉnh cao để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể.
Nhìn chung, fractal instance có cách hoạt động tương tự như appchain, giúp Anoma giải quyết vấn đề mở rộng của mạng, từ đó tăng thông lượng tổng thể và cải thiện tốc độ giao dịch cho người dùng.
- Tích hợp giao thức giao tiếp xuyên chuỗi (IBC) để hỗ trợ khả năng tương tác giữa các fractal instance. Nhờ IBC, các fractal instance có thể trao đổi token, dữ liệu và thông tin một cách hiệu quả, bất kể chúng có cấu hình khác nhau.
Điều này cho phép các fractal instance chuyên biệt hóa các nhiệm vụ cụ thể, đồng thời vẫn duy trì khả năng kết nối và tương tác với nhau trong hệ sinh thái Anoma.
- Áp dụng công nghệ ZK-SNARK để đảm bảo tính bảo mật cho người dùng. Thông qua ZK-SNARK, người dùng có thể thực hiện giao dịch một cách ẩn danh, những thông tin về tài sản sẽ được ẩn đi, từ đó bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng.
- Anoma cũng đang thực hiện chương trình airdrop, nơi người dùng có thể tham gia để có cơ hội nhận token từ dự án. Chương trình airdrop của Anoma yêu cầu hai hoạt động chính sau:
- Hoàn thành các nhiệm vụ trên các kênh xã hội của dự án: theo dõi X, thích bài viết trên X, retweet bài…
- Tham gia Discord của dự án và kiếm "role" trong dự án.
Đội ngũ và nhà đầu tư Anoma
Đội ngũ dự án
Dự án Anoma do Heliax phát triển, với hai thành viên sáng lập là Adrian Brink và Awa Sun Yin. Cụ thể:
- Adrian Brink: Trước khi thành lập Heliax, Adrian từng đảm nhận vị trí đồng sáng lập tại Cryptium Labs - hệ thống gồm hơn 500,000 validator được ủy quyền để tham gia bảo mật cho các mạng lưới như Polkadot, Kusama…
- Awa Sun Yin: Từng đóng vai trò researcher của Tendermint, data scientist của Chainalysis…
Nhà đầu tư
Anoma đã trải qua 3 vòng gọi vốn, với tổng số tiền huy động được là 57.75 triệu USD. Cụ thể:
Vòng gọi vốn chưa tiết lộ:
- Thời gian: 31/5/2023
- Số vốn huy động: 25 triệu USD
- Quỹ đầu tư: CMCC Global (dẫn đầu), The Spartan Group, Delphi Ventures…
Vòng gọi vốn chưa tiết lộ:
- Thời gian: 17/10/2021
- Số vốn huy động: 26 triệu USD
- Quỹ đầu tư: Polychain Capital (dẫn đầu), Electric Capital, Maven 11 Capital…
Private Token Sale:
- Thời gian: 17/10/2021
- Số vốn huy động: 6.75 triệu USD
- Quỹ đầu tư: Polychain Capital (dẫn đầu), Coinbase Ventures, Electric Capital..
Dự án tương tự
Dự án được thiết kế theo kiến trúc intent-centric tương tự như Anoma là Aperture Finance, giao thức tập trung vào việc đơn giản hóa trải nghiệm của người dùng trên sàn DEX.