Báo cáo tài chính là gì? Cách phân loại báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin về tình hình tài chính - kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp. Loại tài liệu này được trình bày dưới dạng biểu mẫu theo tiêu chuẩn và quy định kế toán.
Đây là cơ sở quan trọng để phản ánh toàn diện tình hình tài chính của tổ chức/doanh nghiệp. Từ đó giúp chủ sở hữu và các bên liên quan đánh giá tiềm năng lợi nhuận và đưa ra những quyết định phù hợp.
Báo cáo tài chính áp dụng cho tất cả các ngành nghề và loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Các chủ thể này đều có nghĩa vụ lập, nộp báo cáo tài chính chính xác, đúng hạn và tuân thủ các quy định.
Báo cáo tài chính gồm những gì?
Một bản báo cáo tài chính sẽ gồm 4 nội dung chính sau:
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin chi tiết về tài sản, khoản đầu tư, khoản cần chi, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ tại một thời điểm (cuối tháng, cuối quý hoặc cuối năm).
Khi lập báo cáo, tổng giá trị tài sản phải bằng tổng nguồn vốn, đồng thời đảm bảo tính chính xác và phản ánh đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ gồm các yếu tố như: Chi phí, doanh thu, lợi nhuận và thuế. Tài liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu suất kinh doanh (lãi/lỗi) hiện tại và dự báo xu hướng tương lai.
Thông tin trên cũng làm căn cứ cho việc tính toán số tiền thuế mà doanh nghiệp cần nộp trong kỳ hoạt động kinh doanh.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo này thể hiện các dòng tiền ra - vào của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, bao gồm hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Cụ thể:
- Kinh doanh: Thể hiện các dòng tiền liên quan đến sản xuất, kinh doanh như thu/chi tiền cho mua/bán hàng, tiền lương, thuê nhà...
- Đầu tư: Phản ánh luồng tiền từ mua bán tài sản cố định, đầu tư vào công ty con...
- Tài chính: Phản ánh các dòng tiền từ vay nợ, trả nợ và phát hành cổ phiếu.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là nguồn thông tin quan trọng về khả năng tạo ra tiền, thanh toán và sử dụng tiền cho việc đầu tư và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.
Thuyết minh báo cáo tài chính
Tài liệu giải thích cho các 3 báo cáo trên như cơ sở thông tin để lập báo cáo tài chính, chính sách kế toán đã được áp dụng... Nhờ vào bản thuyết minh báo cáo tài chính, người đọc hiểu rõ hơn về tình hình tài chính, luồng tiền của doanh nghiệp và kết quả hoạt động kinh doanh.
Các loại báo cáo tài chính
Có hai cách phân loại báo cáo tài chính phổ biến. Cụ thể:
Theo nội dung phản ánh gồm:
- Báo cáo tài chính hợp nhất: Tổng hợp dữ liệu về sức khỏe tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp gồm công ty mẹ quản lý, các công ty con trong hệ sinh thái, cũng như các công ty liên kết.
- Báo cáo tài chính riêng lẻ: Cho thấy tình hình tài chính và kinh doanh đối với duy nhất một doanh nghiệp cụ thể.
Theo thời điểm lập báo cáo:
- Báo cáo tài chính hằng năm: Lập theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán đủ 12 tháng theo thông báo của cơ quan thuế.
- Báo cáo tài chính giữa niên độ: Lập theo từng quý trong năm tài chính cùng với báo cáo tài chính bán niên.
Báo cáo tài chính được sử dụng để làm gì?
Theo Điều 97 của Thông tư 200/2014/TT-BTC, mục đích của báo cáo tài chính là:
- Cho biết các dữ liệu về dòng tiền, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và người sử dụng trong quá trình ra quyết định kinh tế.
- Thông tin trong bản thuyết minh báo cáo tài chính giải thích thêm về các chỉ tiêu trong: Báo cáo tổng hợp, chính sách kế toán và ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Vai trò của báo cáo tài chính
Dưới đây là 5 vai trò chính của báo cáo tài chính:
- Hỗ trợ đưa ra quyết định tài chính thông minh: Doanh nghiệp có thể đánh giá hiện trạng, rào cản và xu hướng. Từ đó chủ động theo dõi hiệu suất và đưa ra quyết định phù hợp.
- Quản lý nợ hiệu quả: Cung cấp góc nhìn sâu sắc về tài sản và nợ, giúp người quản trị đưa ra cách quản lý khoản vay hiệu quả.
- Đơn giản hóa việc nộp thuế: Đảm bảo chính xác, giảm rủi ro, tiết kiệm thời gian, giảm áp lực tổng thể liên quan đến việc nộp thuế mỗi năm.
- Đảm bảo tuân thủ pháp luật: Báo cáo tài chính đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định của cơ quan nhà nước.
- Phản ánh minh bạch tài chính: Phản ánh trung thực về tài chính doanh nghiệp, từ đó xây dựng lòng tin với nhà đầu tư và khách hàng.
Đối tượng nào hay sử dụng báo cáo tài chính?
Hai nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng báo cáo tài chính bao gồm:
Đối tượng bên trong doanh nghiệp: Bao gồm chủ doanh nghiệp và người quản lý. Họ sử dụng báo cáo tài chính để nắm bắt tình hình công ty và đưa ra các định hướng phát triển.
Đối tượng bên ngoài doanh nghiệp:
- Nhà đầu tư: Đánh giá khả năng tạo ra doanh thu, an toàn vốn đầu tư và khả năng trả lãi.
- Nhà cung cấp, người cho vay: Xem xét khả năng thanh toán và ổn định tài chính để đưa ra quyết định về mở rộng quan hệ tín dụng.
- Các cơ quan chức năng: Kiểm tra mức độ tuân thủ pháp luật và thu thuế của doanh nghiệp.
- Kiểm toán viên: Kiểm tra tính trung thực và hợp lý của thông tin trên báo cáo tài chính.
Quy định về báo cáo tài chính
Một số quy định về thời hạn nộp, mức phạt khi nộp chậm hoặc lập sai báo cáo tài chính:
- Thời hạn nộp báo cáo tài chính là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật (Đối với doanh nghiệp không thuộc Nhà nước).
- Hồ sơ quyết toán thuế phải nộp trong 45 ngày sau quyết định chia tách, hợp nhất và sáp nhập.
- Mức phạt khi nộp chậm, báo cáo sai hoặc không nộp từ 5 - 50 triệu đồng tùy theo hành vi và mức độ vi phạm (Nghị định 41/2018/NĐ-CP).
Tóm lại, báo cáo tài chính là tài liệu không thể thiếu trong hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp. Dựa trên dữ liệu trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của doanh nghiệp, điều này giúp họ đánh giá được cơ hội và rủi ro khi xây dựng chiến lược đầu tư.