Kinh tế vi mô là gì? Vi mô tác động thế nào đến nhà đầu tư?
Kinh tế vi mô là gì?
Kinh tế vi mô nghiên cứu hành vi và quyết định của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp trên thị trường. Lĩnh vực này phân tích cách họ tương tác với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cũng như cách họ quyết định về giá cả và sản lượng hàng hóa, dịch vụ.
Nhờ kinh tế vi mô, nhà quản lý có thể đánh giá cung cầu và điều chỉnh chiến lược để tối ưu lợi nhuận.
Ví dụ:
- Một tiệm bánh ngọt muốn tăng giá các loại bánh đang bán chạy. Họ khảo sát ý kiến khách hàng về mức giá mới và phân tích thị trường cạnh tranh để đưa ra dự đoán liệu khách hàng trung thành có sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn hay không.
- Một nhà hàng muốn đưa ra một món ăn mới và cần quyết định giá bán. Họ nghiên cứu sở thích của khách hàng và so sánh giá với các nhà hàng khác trong khu vực. Liệu khách hàng có chấp nhận mức giá không và giá bán này có cạnh tranh với các nhà hàng khác không?
- Một cửa hàng quần áo đang cân nhắc việc giảm giá một số sản phẩm để tăng doanh số bán hàng. Họ khảo sát khách hàng để biết liệu mức giảm giá này có hấp dẫn không và phân tích xem động thái này có thể ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận tổng thể của cửa hàng.
Đặc điểm của kinh tế vi mô
Kinh tế vi mô cung cấp cái nhìn rõ nét về tâm lý mua hàng của người dùng, chi phí sản xuất, quảng cáo và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, cụ thể:
- Hành vi tiêu dùng của khách hàng: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng như sở thích, tâm lý mua hàng, thu nhập, sự thay đổi giá cả và cách cân đối ngân sách cho các sản phẩm khác nhau.
- Khả năng cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp: Xem xét quy trình sản xuất, năng lực sản xuất và nhu cầu người dân để lý giải cách doanh nghiệp quyết định số lượng sản phẩm tung ra thị trường.
- Chi phí: Có các loại chi phí phổ biến như sản xuất, quảng cáo và lương cho nhân viên... Kinh tế vi mô đánh giá ảnh hưởng của các chi phí này đến giá cả cuối cùng của sản phẩm và cách tối ưu hóa chúng.
- Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp: Kinh tế vi mô phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh như giá cả, chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, marketing... Từ đó, doanh nghiệp nắm rõ vị trí của mình trên thị trường và có biện pháp cải thiện.
Phạm vi của kinh tế vi mô
Theo Wikipedia, phạm vi của kinh tế học vi mô bao gồm:
- Các lý luận cơ bản: Nghiên cứu về cung, cầu, giá cả và cách thị trường hoạt động.
- Hành vi người tiêu dùng: Phân tích cách người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
- Hành vi sản xuất: Xem xét cách các nhà sản xuất quyết định sản xuất, giá cả và phân phối sản phẩm.
- Cấu trúc thị trường: Khám phá các loại cấu trúc thị trường như thị trường cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh độc quyền, thiểu số độc quyền và độc quyền thuần túy.
- Thị trường các yếu tố sản xuất: Xem xét thị trường lao động, vốn và tài nguyên và cách chúng ảnh hưởng đến quyết định sản xuất.
- Vai trò của Chính phủ: Phân tích cách chính phủ can thiệp vào thị trường để cải thiện hiệu quả và bảo vệ người tiêu dùng.
- Giao dịch và lợi ích kinh tế: Nghiên cứu các lý thuyết về trao đổi hàng hóa và dịch vụ và cách chúng ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế.
- Thất bại thị trường: Nhận diện các nguyên nhân khiến thị trường hoạt động kém hiệu quả và đề xuất biện pháp khắc phục.
Xem thêm: Các mô hình và 11 chỉ số kinh tế quan trọng.
Kinh tế vi mô tác động thế nào đến các nhà đầu tư?
- Xác định mô hình doanh nghiệp hiệu quả: Khi nghiên cứu độ co giãn cầu, các nhà đầu tư hiểu rõ khả năng duy trì doanh thu của doanh nghiệp khi giá cả biến động. Từ đó, tìm ra mô hình ít bị ảnh hưởng bởi thay đổi giá.
- Phân tích mối quan hệ giữa các ngành: Đánh giá mối quan hệ phụ thuộc giữa các ngành (ví dụ, sự phát triển/suy thoái của một ngành thường kéo theo các ngành khác liên quan). Dự đoán xu hướng và rủi ro để chọn ngành đầu tư phù hợp.
- Quản lý chi phí vốn: Hiểu rõ các yếu tố chi phí sản xuất và vận hành của doanh nghiệp, bao gồm chi phí cố định và biến đổi. Nhờ đó, đưa ra các quyết định đầu tư khôn ngoan, đảm bảo rằng mọi khoản đầu tư mang lại lợi nhuận phù hợp với mức độ rủi ro.
- Tận dụng tài nguyên nhân lực: Các doanh nghiệp áp dụng chính sách quản lý nhân sự hiệu quả thường có năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn và khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Thuật ngữ thông dụng trong kinh tế vi mô
- Cung và cầu: Cung là dịch vụ, hàng hóa mà người bán cung cấp. Cầu là dịch vụ hoặc hàng hóa mà người tiêu dùng muốn mua.
- Giá cả: Giá cả được xác định bởi sự cân bằng giữa cung và cầu. Nếu cung vượt cầu, giá giảm. Nếu cầu vượt cung, giá tăng.
- Quá trình sản xuất: Nghiên cứu cách thức sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng.
- Chi phí sản xuất: Bao gồm chi phí nhân công, nguyên liệu, lưu kho, vận hành và thuế, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
- Thị trường lao động: Cung và cầu lao động, mức lương, phúc lợi/lương thưởng, điều kiện và môi trường làm việc.
Có thể nói, kinh tế vi mô giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng khả năng cạnh tranh và góp phần phát triển nền kinh tế chung.