Amber avatar
Coin98 Insights
Nơi chia sẻ tất cả những kiến thức Crypto từ cơ bản đến nâng cao, kinh nghiệm đầu tư Bitcoin và các hình thức đầu tư tiền điện tử khác.

Cung cầu là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu

Quy luật cung cầu không chỉ ảnh hưởng tới khâu tiêu thụ hàng hóa mà còn tác động mạnh mẽ đến cả nền kinh tế toàn cầu. Vậy cung cầu là gì? Những yếu tố nào ảnh hưởng tới cung và cầu?
Amber avatar
Anh Long
7 min read
Published May 06 2024
cung cầu là gì

Quy luật cung cầu là gì?

Cung là gì?

Cung là tổng lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà sản xuất sẵn sàng và có khả năng đưa ra thị trường với các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định (không xét tới các yếu tố khác).

Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng, giá cả hàng hóa/dịch vụ cũng tăng lên. Nhà sản xuất sẽ cung ứng thêm để đáp ứng yêu cầu, đồng nghĩa với việc lượng cung tăng và ngược lại. Thành phần của cung gồm:

Cung cá nhân: Là khối lượng các sản phẩm, dịch vụ mà một nhà cung cấp có khả năng và mong muốn bán ra tại nhiều mức giá khác nhau, trong một thời gian xác định trên thị trường.
Cung thị trường: Là tổng lượng cung của các nhà cung cấp trong một ngành hàng.
Tổng cung: Là tổng lượng cung hàng hóa, dịch vụ của cả nền kinh tế, một quốc gia hay châu lục.

Cầu là gì?

Cầu là khả năng/nhu cầu mua của người tiêu dùng đối với một lượng hàng hóa dịch vụ, tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian (không xét tới các yếu tố khác).

Khi giá cả hàng hóa dịch vụ giảm xuống người dùng muốn mua nhiều hơn, điều này khiến lượng cầu tăng và ngược lại. Thành phần của cầu gồm:

Cầu cá nhân: Là nhu cầu, khả năng sẵn sàng mua hàng hóa, dịch vụ tại các mức giá khác nhau của một người tiêu dùng.
Cầu thị trường: Là tổng lượng cầu cá nhân trong một ngành hàng.
Tổng cầu: Là tổng hợp nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ.
cung cầu là gì

Phát biểu về quy luật cung cầu

Quy luật cung cầu mô tả mối quan hệ giữa người bán (cung) và người mua (cầu). Nó thể hiện lượng hàng hóa/dịch vụ nhà sản xuất sẵn sàng bán và người tiêu dùng có nhu cầu mua ở mỗi mức giá nhất định.

Quy luật này giải thích cách thức hoạt động của nền kinh tế, đồng thời xác định giá cả của hàng hóa, dịch vụ. Bất kỳ sự thay đổi nào giữa cung, cầu và giá cả cũng khiến các yếu tố còn lại bị ảnh hưởng.

Nơi nào có giao dịch, nơi đó có sự xuất hiện của mối quan hệ cung cầu. Hai yếu tố cung cầu tưởng như đối lập nhau nhưng lại giúp hình thành nên điểm cân bằng, định hình nên thị trường.

Điểm cân bằng ở đây được hiểu là: Tại đó, lượng hàng hóa, dịch vụ người bán có khả năng và sẵn sàng cung cấp tương ứng với nhu cầu của người mua. Lúc này, giá cân bằng được xác lập, thị trường ổn định không có xu hướng tăng hoặc giảm giá.

advertising

Cung cầu là hai yếu tố nhạy cảm, bởi bất kỳ yếu tố nào tác động cũng sẽ khiến cung cầu có sự thay đổi, dẫn đến việc thị trường phải tìm kiếm một điểm cân bằng mới.

Các yếu tố ảnh hưởng tới cung cầu

Dưới đây là một số yếu tố có ảnh hưởng tới cung cầu trong nền kinh tế:

Chính sách thuế, lãi suất, tiền lương: Thuế, lãi suất cao làm cho lượng cung giảm, khiến cầu thấp đi. Ngược lại, tăng lương lại làm cho nhu cầu, khả năng mua sắm tăng.
Kỳ vọng về tương lai: Sự kỳ vọng về giá cả hàng hóa dịch vụ tăng hoặc giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lực cung cầu.
Công nghệ mới: Làm năng suất tăng khiến lượng cung tăng lên, bên cạnh đó sản phẩm bổ sung thêm tính năng mới sẽ kích thích người tiêu dùng làm tăng lượng cầu.
Giá nguyên liệu: Làm tăng chi phí sản xuất khiến lượng cung giảm xuống hoặc giá sản phẩm tăng lên làm lượng cầu giảm bớt.
Môi trường, thời tiết: Ở điều kiện thuận lợi, lượng cung sẽ tăng lên và ngược lại.
Dân số, thị hiếu: Tăng trưởng dân số khiến lượng cầu tăng, thị hiếu người tiêu dùng cũng  liên tục thay đổi khiến lượng cầu cho các loại hàng hóa dịch vụ thay đổi tương ứng.
Chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp, dịch bệnh: Ba yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, làm cho cung cầu giảm đi rõ rệt.
Lãi suất: Chính phủ hạ lãi suất khuyến khích người tiêu dùng, nhà sản xuất vay mượn để kinh doanh và mua sắm khiến cung cầu tăng và ngược lại.
những yếu tố ảnh hưởng cung cầu

Tác động của quy luật cung cầu tới các chủ thể

Nhà nước

Quy luật cung cầu tác động tới sự điều hành của chính phủ và các chính sách vĩ mô về: Thuế, tiền tệ, hàng hóa... Các biện pháp điều tiết cung cầu giúp giảm lạm phát, tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cân nhắc tác động của cung cầu ảnh hưởng tới an ninh lương thực, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp để can thiệp kịp thời đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.

Doanh nghiệp

Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cả theo cung cầu. Nó tác động tới quyết định tới lượng hàng hóa, dịch vụ và giá họ sẽ cung ứng cho người tiêu dùng.

Đồng thời, cung cầu thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động nhằm tiết kiệm kiệm chi phí đầu vào, nâng cấp sản phẩm thu hút người dùng.

Người dân

Lượng cung hàng hóa cao hoặc thấp khiến giá cả biến động, là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua của người tiêu dùng. Giá cao khiến họ giảm bớt nhu cầu mua sắm.

Bên cạnh đó, sự đa dạng của hàng hóa thay thế khiến nhu cầu của người dân thay đổi liên tục. Điều này tác động đến lượng cung của các loại hàng hóa trên thị trường.

Khái niệm “cung cầu là gì” và những tác động của nó đến nền kinh tế là những kiến thức nền tảng trong kinh tế tài chính. Tìm hiểu và phân tích quy luật cung cầu sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thức hoạt động của thị trường, từ đó hoạch định chiến lược kinh doanh & đầu tư hiệu quả.