Những 'con rồng crypto châu Á' đang trỗi dậy
Hàn Quốc khởi sắc
Hàn Quốc, quê hương của nhà sáng lập Terraform Labs - Do Kwon, người đã thu hút hết sự chú ý của cộng đồng crypto nửa đầu năm 2022 bởi chuỗi sụp đổ mang tên UST - LUNA. Hàng loạt công ty bị phá sản gây thiệt hại lên đến 60 tỷ USD cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Do Kwon bị truy nã khắp nơi với gốc gác Hàn Quốc, điều này khiến người dân xứ sở kim chi từng có một thời gian muối mặt vì ông.
Trong năm 2022, truyền thông xứ Hàn từng tốn không ít giấy mực để nói về sự sụp đổ của đế chế UST-LUNA, một thảm họa tài chính khiến 200,000 người mất tài sản. Khi đó, thị trường crypto Hàn Quốc có quy mô khoảng 17 tỷ USD. SungMo Park - Người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của Polygon Labs tại Hàn Quốc xác nhận về mức độ nhận diện của LUNA sau sụp đổ: “Đến cả ông nội tôi còn biết đến LUNA là gì”.
Nửa đầu năm 2022, nếu người Hàn sôi nổi vì UST - LUNA, thì trong 6 tháng cuối, thị trường crypto của quốc gia này đã phải ngậm ngùi vì chúng. Thị trường crypto Hàn Quốc bị thiệt hại hàng tỷ USD vì Do Kwon.
Đọc thêm: 5 bài học để đời từ sự kiện LUNA
Nhiều người tại Hàn Quốc đã phải bán nhà do tin tưởng Do Kwon. Bởi trong mắt người Hàn Quốc khi đó, Do Kwon là nhà lãnh đạo tài năng đã gây ra tiếng vang trên toàn cầu, điều mà không mấy người tại xứ sở kim chi có thể làm được. Dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng nhà sáng lập Terraform đã từng là kim chỉ nam cho các công ty crypto còn non trẻ tại Hàn Quốc.
Người Hàn khi đó không nghĩ họ có thể vươn ra toàn cầu. Có hai ngôi sao đã làm được điều đó, một phải nói đến BTS (nhóm nhạc nam) và hai chính là Do Kwon
Lloyd Lee, CEO của Hyperithm
Các công ty crypto tại Hàn Quốc đang trong đà phát triển trên đỉnh của LUNA bỗng chốc bị mất rất nhiều tài sản chỉ trong một đêm. Điển hình như quỹ đầu tư Hashed, công ty đã tổn thất khoảng 3 tỷ USD sau thảm họa tài chính mang tên UST - LUNA.
Chính quyền tổng thống Yoon Suk-Yeol trong thời gian tranh cử đã từng ủng hộ crypto, nhưng sau những bê bối của Do Kwon, họ cũng dần kín tiếng. Dù tổng thống Yoon đã từng cam kết hạn chế thuế đối với crypto, nhưng cho đến nay, các quy định về tiền mã hóa tại Hàn Quốc vẫn chưa thân thiện hơn so với trước.
Bởi khi chính quyền đương nhiệm tiếp quản, cũng là thời điểm UST và LUNA sụp đổ. Do đó, chính quyền tổng thống Yoon không thể khẳng định lập trường ủng hộ crypto như đã từng làm lúc tranh cử.
Chính phủ mới không thể tiếp tục công khai ủng hộ crypto, khi vụ UST - LUNA đã xảy ra và người dân đang mất dần tài sản, còn các công ty thì trên bờ vực phá sản. Những vấn đề xã hội này đã xảy ra cùng một lúc
Lloyd Lee, CEO của Hyperithm
Sau biến cố của Do Kwon, Hàn Quốc còn chịu những tác động không nhỏ của vụ sụp đổ đến từ FTX. Điều này thúc đẩy Hàn Quốc phải mau chóng có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư nước này. Đầu năm nay, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, các nhà lập pháp đang soạn thảo Đạo luật Cơ bản về Tài sản Kỹ thuật số, trong đó nhắc đến 17 dự thảo tập trung vào vấn đề việc bảo vệ nhà đầu tư.
Tuy những dự luật chưa được thông qua, nhưng theo CoinDesk, vụ bắt giữ Do Kwon sau thời gian dài truy nã đã giúp crypto quay trở lại tầm ngắm của cơ quan quản lý Hàn Quốc. Qua đó, thúc đẩy quá trình luật hóa cho những vấn đề đã bị trì hoãn từ lâu. Trong tháng 4/2023, một dự thảo luật liên quan đến crypto có thể được bỏ phiếu.
Năm 2022, khi bê bối từ Do Kwon vẫn chưa được giải quyết xong, các vấn đề của FTX lại ập đến. Thị trường crypto có tốc độ chuyển biến chóng mặt, do đó, các dự luật liên quan nên được ban hành cẩn thận dựa theo tình hình thực tế
Yoon Chang-hyun, Thành viên của Quốc hội Hàn Quốc
Thông tin Do Kwon bị bắt đã phần nào chấn an được dư luận Hàn Quốc sau thời gian dài lo lắng. Chính quyền Hàn Quốc mong muốn được xét xử ông chủ của Terraform Labs, trong khi người dân nước này lại hi vọng Mỹ sẽ ra tay để có tính răn đe hơn. Việc Do Kwon phải chịu hình phạt trước pháp luật trong thời gian tới thúc đẩy phần sự ra đời của Dự luật về giao dịch tài sản kỹ thuật số tại Hàn Quốc. Theo ông Yoon Chang-hyun, dự luật có thể được thông qua vào quý 2 năm 2023.
Tuy thông tin Do Kwon bị bắt chưa thể nào xua tan hoàn toàn những cái nhìn tiêu cực về crypto tại Hàn Quốc, nhưng sự lạc quan của các nhà đầu tư ở quốc gia này về thị trường vẫn luôn còn đó. Bất cứ khi nào có những đợt tăng giá, các nhà đầu tư tại Hàn Quốc đều sẵn sàng quay trở lại. Điển hình như trong đợt tăng giá của XRP của Ripple, khối lượng giao dịch của các sàn giao dịch tại Hàn Quốc như UpBit, Bithumb và Korbit đã tăng lên hàng tỷ USD.
Có thể phải cần thêm thời gian để Hàn Quốc quay trở lại đúng quỹ đạo và tạo tiền đề cho những điều luật thân thiện với crypto được ra đời. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ - bộ phận rất quan trọng trong thị trường crypto tại Hàn Quốc đã phần nào lấy lại được tâm lý sau hàng loạt vụ sụp đổ liên tiếp. Do đó, sự phục hồi của crypto tại Hàn Quốc trong thời gian tới xứng đáng được kỳ vọng.
Singapore và Hong Kong tranh đấu đoạt danh hiệu thủ phủ crypto tại châu Á
Thời gian gần đây, Singapore và Hong Kong đang trở thành tâm điểm của crypto tại Châu Á khi có những dấu hiệu tỏ ra thân thiện trong luật pháp về crypto. Mỗi quốc gia có những điểm thu hút riêng đối với từng chính sách của họ.
Tại Hong Kong, giấy phép dành cho sàn giao dịch tài sản crypto (VAPT) đang dần khai mở lộ trình cho các công ty trong thị trường dễ dàng tiếp cận hơn về pháp lý tại đặc khu.
Trước đây, các sàn giao dịch được Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hong Kong (SFC) cấp phép chỉ có thể phục vụ những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác sẽ phải tìm cách sử dụng nhiều sản giao dịch không chính thống. Do đó, thay cho những lệnh cấm đối với các hoạt động cụ thể, các sàn giao dịch chỉ cần xin đăng ký cấp VAPT với Ủy ban Chứng khoán và Tương lai của Hong Kong (SFC).
Sàn giao dịch sẽ trải qua các bước đánh giá và thẩm định về rủi ro người dùng cùng các tiêu chí thẩm định coin/token một cách nghiêm ngặt trước khi được cấp phép. Bên cạnh đó, Hong Kong còn đang thực hiện những nghiên cứu về dự luật stablecoin, dự định sẽ triển khai vào năm 2024. Những nhà làm luật tại Hong Kong tin rằng, hệ thống luật pháp toàn diện và rõ ràng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp chất lượng tìm đến đặc khu.
Thật vậy, dù nghiêm là thế nhưng việc có những chính sách rõ ràng với crypto chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều công ty nước ngoài. Trong bối cảnh các nước như Trung Quốc và Mỹ đang liên tục thực hiện những vụ đàn áp và cáo buộc lên crypto, các công ty đang dần từ bỏ các thị trường lớn để hướng tới những quốc gia thân thiện hơn với tiền mã hóa.
Sau khi những chính sách thân thiện với crypto kể trên được đưa ra, đã có hơn 80 công ty tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới bày tỏ mong muốn được kinh doanh tại Hong Kong. Theo ông Christopher Hui - Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính và Kho bạc Hong Kong, các công ty kể trên trải dài theo nhiều lĩnh vực khác nhau như sàn giao dịch, bảo mật, phát triển cơ sở hạ tầng blockchain…
Christopher Hui, Secretary for Financial Services and the Treasury Bureau, delivers the opening keynote and reinforces HK government’s vision to develop the virtual asset sector in Hong Kong.
— Everest Ventures Group (EVG) (@EVG_Ventures) March 20, 2023
He mentions Web 3 presents a paradigm shift to the internet era. pic.twitter.com/9MGkWOCj0O
Gần đây nhất, sự kiện Hong Kong Web3 Festival với hơn 10,000 người đăng ký đã diễn ra tại đặc khu này, con số cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư và các dự án đối với trung tâm crypto mới nổi của Châu Á.
Trong sự kiện, Changpeng Zhao (CZ) - CEO của Binance đã chia sẻ rằng, ông tin vào dòng tiền trong thị trường crypto sẽ dần chảy về Hong Kong khi các ngân hàng trong khu vực dần hỗ trợ tiền mã hóa. Hiện các ngân hàng tại Hong Kong đã triển khai dịch vụ chuyển crypto và tiền pháp định, tuy nhiên mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ. Mới chỉ có hai sàn giao dịch tại Hong Kong là OSL và HashKey có thể sử dụng dịch vụ kể trên.
Những bước tiến chậm rãi nhưng chắc chắn có thể sẽ giúp Hong Kong củng cố vị thế của đặc khu trong mắt của nhiều công ty crypto trên thế giới. Qua đó, Hong Kong hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến sáng giá và xa hơn là trung tâm crypto hàng đầu châu Á trong tương lai.
Tiền đề để Web3 phát triển là hệ thống tài chính ổn định hướng đến sự an toàn của nhà đầu tư. Qua những sự kiện gần đây, tôi tin rằng mọi người đã nhận ra cần có quy định phù hợp thì mới tạo ra môi trường phát triển bền vững
Paul Chan, Bộ trưởng bộ Tài chính Hong Kong
Khác với Hong Kong, trong một thời gian dài, Singapore là điểm đến lý tưởng để phát triển crypto trong khu vực châu Á, nơi có nhiều quốc gia vẫn còn những hạn chế trong luật pháp về crypto. Nhưng những biến động không mấy tích cực của thị trường trong năm 2022 đã khiến Singapore phải xem xét lại chế độ cấp phép tại quốc gia này. Đặc biệt, khi một trong hai tâm điểm của giới crypto năm 2022, Terraform Labs có trụ sở tại đảo quốc sư tử.
Trong thời gian gần đây, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã có những biện pháp cứng rắn hơn đối với các nền tảng giao dịch, khi cấm họ tiếp thị hoặc quảng bá dịch vụ đến công chúng. Đồng thời, liên tục cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ lẻ về nhiều biến động trong thị trường crypto.
Ngoài ra, trong năm 2023, MAS sẽ đề xuất các biện pháp có thể hạn chế quyền truy cập của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào một số dịch vụ nhất định trong thị trường crypto, do những lo ngại về việc vay mượn tự do để mua tiền mã hóa. Bởi trong năm 2022, những nền tảng cho vay thường xuyên là điểm đến của tin tặc trong thị trường, khiến nhiều người dùng thiệt hại hàng triệu USD.
Trong bài phỏng vấn của Bloomberg với Amber Group về bối cảnh của hai thị trường đang là điểm đến hàng đầu châu Á, bà Annabelle Huang - Quản lý cấp cao của công ty nhận định, vai trò của mỗi nơi đều quan trọng như nhau. Bà cho biết thêm, Amber Group tuy có trụ sở tại Singapore nhưng vẫn duy trì chi nhánh lớn tại Hong Kong, do những chính sách thân thiện và tích cực với crypto tại khu vực này.