Tại sao không tua ngược Ethereum để "cứu" Bybit như DAO Fork năm xưa?

Arthur Hayes khơi lại “hồn ma” DAO Fork
Ngày 21/2/2025, sàn giao dịch Bybit trở thành nạn nhân vụ hack gần 1.5 tỷ USD, được cho là do nhóm hacker Lazarus của Triều Tiên thực hiện. Nhóm hacker vẫn đang chia nhỏ và luân chuyển số tiền qua nhiều ví khác nhau nhằm xóa dấu vết và rửa tiền on-chain.
Sự việc này châm ngòi cuộc tranh luận căng thẳng trong cộng đồng Ethereum: Có nên rollback (đảo ngược) blockchain để thu hồi số tiền bị đánh cắp?
“Anh có ủng hộ rollback blockchain để giúp Bybit không?”, Arthur Hayes - đồng sáng lập BitMEX và cũng là một cá voi ETH, đặt câu hỏi cho Vitalik Buterin. “Từ năm 2016 sau vụ hard fork DAO, với tôi ETH đã không còn là một loại tiền tệ nữa rồi. Nếu trước đây cộng đồng chọn từ bỏ tính bất khả thay đổi của blockchain, tại sao giờ không làm lại lần nữa?", Arthur Hayes nói.

Rollback blockchain không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn đòi hỏi đồng thuận từ toàn bộ mạng lưới. "Đây không phải quyết định của riêng một cá nhân (như Vitalik), vì blockchain không hoạt động theo cách đó. Quan trọng là quá trình thảo luận và xem cộng đồng muốn gì", Ben Zhou - CEO Bybit, nói.
Rollback không phải chủ đề xa lạ đối với cộng đồng Ethereum. Năm 2016, cộng đồng này đối mặt khủng hoảng lớn khi DAO (Decentralized Autonomous Organization) của Ethereum bị hack, cho phép kẻ tấn công rút đi một lượng lớn ETH.
DAO khi đó đã huy động được 60 triệu USD với mục tiêu đầu tư vào các dự án công nghệ. Sự cố DAO bị hack đã tạo ra cuộc tranh luận gay gắt và cuối cùng dẫn đến quyết định hard fork blockchain Ethereum.
Kết quả là Ethereum bị tách thành hai chuỗi riêng biệt. Một bên là Ethereum (ETH) - nơi tài sản được khôi phục như ban đầu, và bên còn lại là Ethereum Classic (ETC) - giữ nguyên trạng thái blockchain với số ETH bị đánh cắp nằm trong DAO.
“Rollback Ethereum là điều không thể”
Tim Beiko - nhà phát triển cốt lõi của Ethereum, thẳng thừng bác bỏ ý tưởng rollback sau vụ hack Bybit, khẳng định đây là điều “bất khả thi về mặt kỹ thuật”. Theo ông, vụ hack này hoàn toàn khác so với các sự cố trước đó như DAO hack 2016 hay lỗi Bitcoin 2010, và một đợt rollback sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước.
Beiko nhấn mạnh vụ hack này không phải do lỗi trong giao thức Ethereum mà xuất phát từ chính Bybit. “Hacker đã khai thác lỗ hổng trong giao diện giao dịch, khiến người dùng nghĩ giao dịch hợp lệ trong khi thực tế thì không”, ông nói. “Vì blockchain Ethereum không có lỗi, cũng không vi phạm quy tắc gì nên không có lý do nào để thực hiện rollback”.
Ông cũng chỉ ra rằng, khác với vụ DAO hack năm 2016 với số tiền bị khóa trong hợp đồng thông minh suốt một tháng, hacker trong vụ Bybit đã rút ETH ngay lập tức và nhanh chóng tẩu tán qua nhiều ví, khiến việc truy vết và đóng băng tài sản gần như không thể.
Ethereum giờ đây đã phát triển hơn rất nhiều so với thời điểm 2016. Hệ sinh thái không chỉ bao gồm ETH mà còn có DeFi, stablecoin, cầu nối cross-chain và nhiều ứng dụng tài chính phức tạp. Beiko cảnh báo rằng “bất kỳ thay đổi trạng thái nào, dù được cộng đồng chấp nhận, cũng sẽ gây hiệu ứng domino cực kỳ khó kiểm soát”.
Nếu rollback xảy ra, mọi giao dịch diễn ra sau vụ hack sẽ bị xóa sổ, bao gồm cả giao dịch mua bán trên sàn, swap trên DEX, hay thậm chí giao dịch rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Nhiều giao dịch diễn ra trên các hệ thống bên ngoài blockchain và chúng không thể bị đảo ngược một cách đơn giản như trên Ethereum. Do đó, rollback có thể gây hỗn loạn toàn bộ hệ sinh thái, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào Ethereum.
Beiko cũng nhắc lại sự cố Bitcoin năm 2010, khi một lỗi kỹ thuật đã khiến blockchain “in" thêm 184 tỷ BTC. Khi đó, Satoshi Nakamoto phải đưa ra bản vá phần mềm và rollback blockchain về block 74637. “Tuy nhiên, khi sự cố năm 2010 xảy ra, Bitcoin vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi, do đó hoạt động rollback được triển khai dễ dàng”, ông nói.
"Chỉ có thần kinh mới nghĩ đến rollback Ethereum"
Không chỉ bị Tim Beiko bác bỏ, đề xuất rollback Ethereum còn vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng.
“Nếu có thể tua ngược blockchain mỗi khi có sự cố, vậy ETH còn ý nghĩa gì?”, Weso - CTO CAP Labs, nói. Trong khi đó, Jean Rausis - đồng sáng lập SMARDEX, phát biểu: “Ý tưởng rollback thật lố bịch. Bạn có tua lại toàn bộ mạng Visa hay Mastercard chỉ vì một giao dịch gian lận không?”.
Marcin Kazmierczak - đồng sáng lập RedStone, chung quan điểm với Tim Beiko: “Hard fork có thể khả thi trên lý thuyết nhưng thực tế không thể xảy ra. Ethereum bây giờ khác xa năm 2016 - hệ thống đã lớn mạnh và phức tạp hơn”.
Quit - Phó Chủ tịch Blockchain tại Yuga Labs, cho rằng hậu quả của một đợt rollback sẽ nghiêm trọng hơn con số 1.5 tỷ USD rất nhiều. “Hàng nghìn người vô tội sẽ mất tiền, hàng nghìn người khác sẽ nhận được số tiền họ không đáng có. Ethereum giờ là nền tảng của DeFi và lớp thanh toán của vô số rollup. Bạn không thể tua ngược cả một hệ thống phức tạp như thế”, ông nói.
Kevin Rusher - nhà sáng lập giao thức cho vay RAAC, cũng cho rằng về mặt kỹ thuật, rollback sẽ phá hỏng blockchain. Về mặt tư tưởng, nó sẽ xoá bỏ toàn bộ tính trung lập mà Ethereum đã dày công xây dựng. Trong khi đó Anthony Sassano - nhà sáng lập The Daily Gwei nói chỉ có thần kinh mới nghĩ đến chuyện rollback Ethereum.
“Đảo ngược Ethereum về trước vụ hack Bybit là đòn giáng mạnh vào nguyên tắc bất khả thay đổi của blockchain. Nếu chúng ta chấp nhận rollback, điều gì ngăn cản những lần tiếp theo? Hôm nay là một vụ hack, ngày mai có thể là can thiệp mang tính chính trị", Maria Carola - CEO sàn StealthEx, cảnh báo.
Bybit tự cứu mình
Sau vụ hack, Bybit đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tổn thất và tìm cách thu hồi số tiền bị đánh cắp. Sàn giao dịch công bố chương trình thưởng lên đến 10% giá trị số tiền bị đánh cắp, tương đương 140 triệu USD, dành cho các hacker mũ trắng giúp thu hồi tài sản.
Paolo Ardoino - CEO của Tether, thông báo công ty đã đóng băng 181,000 USDT liên quan vụ hack. Trong khi đó, Gracy Chen - CEO Bitget, khẳng định sàn giao dịch sẽ chặn mọi giao dịch từ các ví có liên quan đến nhóm hacker Lazarus.
Theo Lookonchain, Bybit đã nhận về 446,870 ETH (trị giá khoảng 1.23 tỷ USD) từ các khoản vay, tiền gửi của cá voi, Bybit cũng mua ETH để bù vào số tài sản bị đánh cắp.
Đến hiện tại, Ben Zhou tuyên bố Bybit đã hoàn toàn bù đắp số ETH bị mất và sẽ sớm công bố báo cáo bằng chứng dự trữ (proof-of-reserve) được kiểm toán, sử dụng cây Merkle để chứng minh tài sản khách hàng vẫn được bảo toàn theo tỷ lệ 1:1.
Đọc thêm: "Giải phẫu" nguyên nhân vụ hack Bybit: Khi cha chung không ai khóc