Vụ Rug-pull lịch sử của nữ hoàng crypto OneCoin
*Đây là series "WordStory" giải thích các thuật ngữ trong crypto qua những câu chuyện nổi bật.
Vào ngày 1/7, một thành viên của Baller Ape Club đã bị Bộ tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc đánh cắp 2.6 triệu USD từ nhà đầu tư trong một âm mưu gian lận bán NFT. Những thành viên của dự án này đã huy động được hơn 130 triệu USD từ các nhà đầu tư, và ngay sau khi những NFT đầu tiên được mở bán, họ đã đóng cửa dự án và “cao chạy xa bay” cùng toàn bộ số tiền.
Theo tờ Bloomberg, đây là vụ rug-pull NFT lớn nhất từng bị chính quyền sờ gáy, nhưng Baller Ape Club chỉ là một trong vô vàn những vụ “kéo thảm” trong thế giới crypto.
Rug-pull: Trò chơi kéo thảm và những cú ngã đau điếng
Kể từ khi tiền tệ xuất hiện, con người đã luôn ôm giấc mộng làm giàu sau một đêm. Trong lịch sử tài chính, vàng, hoa tulip và chứng khoán có thế chấp đều đã trở thành những phương tiện được các nhà đầu tư vội vàng lựa chọn. Và bây giờ đến lượt tiền điện tử với các đồng coin và NFT.
Điểm qua những dự án crypto tiêu biểu, người ta có cảm giác rằng thị trường chỉ có vài chục đồng coin, nhưng theo trang web Token Sniffer, con số thực tế là gần 70,000. Có khoảng 100 đồng coin được tạo ra mỗi ngày, và kết cục hầu hết những đồng tiền này đều trở thành con rối trong các vở kịch rug-pull được diễn đi diễn lại kể từ lúc crypto mới ra đời.
Rug-pull là một trò lừa đảo phổ biến trong không gian tiền điện tử, nói đến việc nhà phát triển hoặc người sáng tạo quảng bá một dự án phát hành đồng coin mới hay NFT và sau đó biến mất cùng với tiền của nhà đầu tư. Thuật ngữ “rug pull” xuất phát từ cụm từ “pulling the rug out from underneath” (kéo thảm từ bên dưới), và đúng như hình ảnh gợi ra từ nghĩa đen của từ này, nhà đầu tư khi bị rug-pull chỉ biết ngã chỏng vó trong ngơ ngác. Việt Nam cũng có một phiên bản kéo thảm khá tương tự là “qua cầu rút ván”.
“Rug pull phổ biến trong DeFi vì chỉ cần biết chút ít kỹ thuật, bất kì ai cũng có thể tạo ra các token mới trên blockchain Ethereum một cách dễ dàng với chi phí rẻ, sau đó niêm yết chúng trên các sàn DEX mà không cần phải qua bước audit mã,” đại diện Chainalysis cho biết.
Nữ hoàng bị truy nã
Dù không gian tiền điện tử ngày càng xuất hiện những tay lừa bịp đại tài nhưng vẫn chưa có ai có thể soán ngôi người sáng lập OneCoin, Ruja Ignatova - nữ hoàng kéo thảm của crypto với cú lừa trị giá 4 tỉ USD. Tháng 7 vừa rồi, FBI đã thêm Ignatova vào danh sách 10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất (Ten Most Wanted Fugitives). Đây là “danh hiệu” thường dành cho các thủ lĩnh băng đảng, những kẻ khủng bố và giết người bị tình nghi. Trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden từng góp mặt trong danh sách này.
Trở về năm 2016, tại nhà thi đấu Wembley của London, Ruja Ignatova, được mệnh danh là “Cryptoqueen” bước lên sân khấu trong chiếc váy dài màu đỏ lấp lánh, hứa hẹn đồng tiền điện tử OneCoin của mình sẽ tiếp quản thế giới và trở thành một “Bitcoin killer”.
OneCoin thành công vang dội chưa từng thấy, nhưng chỉ một năm sau, Ignatova biến mất không dấu vết trong một vụ rug-pull được cho là lớn nhất lịch sử. Kể từ đó cô trở thành mục tiêu truy bắt của các nhà chức trách ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Ignatova “khơi gợi lòng nhân đạo ở mọi người, hứa hẹn rằng OneCoin sẽ thay đổi cuộc sống của những người không thể tiếp cận với ngân hàng,” Damian Williams, một luật sư Hoa Kỳ nói. “Và cô ta đã tính đường đi nước bước cho kế hoạch của mình, tận dụng hoàn hảo tâm lý đầu cơ điên cuồng trong những ngày đầu của tiền điện tử”.
Tuy nhiên, kế hoạch của Ignatova là “cuỗm tiền bỏ trốn và đổ thừa cho người khác,” cô viết cho một người đồng sáng lập vào năm 2014, theo các tài liệu của tòa án.
Các vết nứt xung quanh OneCoin bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2016, khi Thụy Điển, Latvia, Na Uy, Croatia, Ý và Bulgaria - nơi OneCoin đặt trụ sở chính - bắt đầu thêm dự án vào danh sách cảnh báo về các hoạt động gian lận. Các vụ kiện bắt đầu đổ về nhanh chóng.
Ignatova lo sợ rằng lực lượng thực thi pháp luật sẽ tóm gáy cô và thậm chí đặt máy nghe trộm trong căn hộ của anh bạn trai người Mỹ của cô. Sau khi phát hiện ra anh ta thật sự đang hợp tác với FBI, cô bắt đầu lên kế hoạch bỏ trốn.
Ruja Ignatova, pictured in the above wanted poster, is seen giving a speech at the OneCoin’s Wembley Arena event for investors pic.twitter.com/ggx5NazryM
— US Attorney SDNY (@SDNYnews) June 30, 2022
“Cô ta ngay lập tức đáp chuyến bay từ Bulgaria đến Hy Lạp với một vệ sĩ, và không đem theo bất kì hành lý nào. Người vệ sĩ quay lại, nhưng Ignatova thì không. Không ai biết tin tức cô ta kể từ đó,” Williams nói.
Ignatova biến mất vào tháng 10/2017, và chính trong tháng đó cô bị bồi thẩm đoàn liên bang Hoa Kỳ truy tố và lệnh bắt giữ cô được ban hành. Người sáng lập OneCoin bị buộc tội thực hiện hành vi gian lận điện tử và gian lận chứng khoán. Cộng tất cả các tội danh, nếu bị bắt, Ignatova sẽ phải ngồi “bóc lịch” vài chục năm trong tù.
Số phận của OneCoin cũng không sáng sủa hơn người sáng lập nó là bao. Sau khi Ignatova trốn thoát, công ty được để lại cho anh trai cô, Konstantin Ignatov, và nó nhanh chóng lụn bại sau khi anh bị FBI bắt giữ vào năm 2019.
FBI hiện đang treo thưởng 100,000 USD cho những ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ “nữ hoàng crypto” Ignatova.
Tại sự kiện năm 2016 ở London, cô nói rằng: “Tôi đã được báo chí đặt cho rất nhiều danh hiệu, và có lẽ danh hiệu hay nhất là 'Bitcoin killer' ".
Giờ đây, Ignatova có thể thêm danh hiệu “kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất” vào danh sách này.