NFT là gì? NFT có phải là 1 kênh đầu tư tiềm năng?
NFT là gì?
NFT (Non-fungible token) là loại token có tính độc nhất được mã hoá trên blockchain, đại diện cho các tài sản thực hoặc kỹ thuật số như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, video, chứng chỉ, vật phẩm game, meme...
Mỗi NFT là duy nhất, có giá trị riêng và không thể hoán đổi cho nhau, hoạt động như bằng chứng xác thực quyền sở hữu của người dùng trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Ví dụ: Các token thông thường như BTC là một loại fungible token, người dùng có thể dễ dàng giao dịch một BTC lấy một BTC khác, bởi chúng có bản chất và giá trị tương đương với nhau.
Mặc khác, một vé tham gia concert của The Weeknd sẽ là một loại non-fungible token, vì chúng đại diện cho những chỗ ngồi có giá trị khác nhau trong concert và mỗi chỗ ngồi là duy nhất.
Đặc điểm của NFT
NFT có những thuộc tính nổi bật như:
- Tính độc nhất: Mỗi NFT là duy nhất. Kể cả khi người khác tạo ra nhiều bản sao chép có cùng hình ảnh (hoặc tập tin) với NFT đó, chúng vẫn có ID riêng biệt và khác với bản gốc.
- Tính vĩnh cửu: Sự tồn tại của các NFT là vĩnh viễn cùng với các thông tin lưu trữ trong token đó, như tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu...
- Có thể kiểm chứng: NFT thực chất là các dòng code được lập trình trên mạng blockchain. Do đó, thông tin về tác giả gốc của NFT sẽ luôn kiểm chứng được, bất kể tác phẩm đã qua mua bán bao nhiêu lần và thuộc sở hữu của bao nhiêu người đi chăng nữa.
- Không cần cấp phép (permissionless): Tuỳ thuộc vào tính chất của mạng blockchain mà NFT được tạo ra sẽ có đặc điểm này. Nếu NFT được tạo trên một blockchain mở, NFT đó cũng có thể được truy cập tùy ý mà không cần cấp phép.
- Tính sở hữu: Những người sở hữu NFT có toàn quyền quyết định sở hữu, kiểm soát và sử dụng NFT đó dưới mọi hình thức, bao gồm mua bán, stake, farm…
NFT Token hoạt động như thế nào?
Người dùng (hoặc các dự án) có thể phát hành NFT trên mạng Ethereum bằng cách triển khai hợp đồng thông minh. Qua đó xác định chức năng của hợp đồng dựa trên việc áp dụng các chuẩn token phổ biến cho NFT, bao gồm:
- ERC-721: Với mỗi NFT mới, nhà phát triển phải triển khai một hợp đồng thông minh mới, điều này gây lãng phí tài nguyên và tốn công xây dựng.
- ERC-1155: Đây là phiên bản cải tiến hơn so với ERC-721. Nhà phát triển có thể tạo ra cả fungible và non-fungible token trong 1 hợp đồng thông minh duy nhất, đồng thời số lượng token trên một hợp đồng là không giới hạn.
Tương tự, trên mạng BNB Chain sẽ sử dụng chuẩn BEP-721 và BEP-1155.
Hợp đồng thông minh có thể tạo NFT và gán quyền sở hữu cho người dùng, bằng cách lập đồ thị và xác định địa chỉ ví cụ thể chứa NFT đó. Mỗi NFT sẽ có một ID riêng và liên kết với siêu dữ liệu liên quan nhằm đảm bảo rằng NFT đó là duy nhất.
Những giá trị của NFT
Giá trị của NFT hiện nằm ở 3 mặt chính:
- Giá trị bảo chứng dựa trên tài sản thực hoặc kỹ thuật số. Ví dụ: Nếu USDT, USDC được bảo chứng bằng USD thì NFT được bảo chứng bằng tài sản trong game. Càng nhiều người chơi game và mua tài sản, giá trị và độ hiếm của NFT càng tăng.
- Giá trị ứng dụng trong việc lưu trữ tài sản và đảm bảo sự tín nhiệm của người tạo. Cho đến nay, NFT đã được hưởng ứng và ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau (âm nhạc, mỹ thuật, thể thao…), những người có sức ảnh hưởng tạo NFT và kêu gọi người dùng mua chúng. Theo đó, giá trị của NFT cũng sẽ tăng lên theo mức độ tín nhiệm giữa hai bên.
- Giá trị kỳ vọng: Thể hiện sự mong chờ của người mua rằng giá NFT sẽ tăng lên trong tương lai. Đồng thời, sự phát triển của NFTFi cho phép người sở hữu stake, farm… các NFT của họ để nhận được phần thưởng. Điều này giúp tăng tính tiện ích và cơ hội kiếm lợi nhuận thêm từ NFT.
Tuy nhiên, người dùng cần hiểu rằng phần lớn ứng dụng của NFT là các vật phẩm dùng để sưu tầm, điều khác biệt là nó được mã hoá và hoạt động thông qua mạng lưới blockchain.
Do đó, việc định giá NFT cũng giống như việc định giá một món đồ quý trong thực tế, và dựa trên góc nhìn, quan điểm, sở thích và gu thẩm mỹ của mỗi người.
Ví dụ: Điển hình là tác phẩm “Everydays: The First 5,000 Days” của Winkelmann. Ông đã thu thập 5,000 hình ảnh khác nhau để mô tả mỗi ngày và kết hợp thành một hình ảnh duy nhất. Khi tác phẩm được mang đi đấu giá dưới dạng NFT, nó đã bán được với giá lên đến 69.3 triệu USD.
Ứng dụng của NFT là gì?
Dưới đây là ứng dụng của NFT trong các lĩnh vực cụ thể:
Nghệ thuật (Art NFT)
Đây là loại NFT đại diện cho một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được mã hoá và có thể xác minh tác giả, chủ sở hữu một cách đơn giản. Bên cạnh đó, họ có thể dễ dàng tạo và bán NFT dựa trên tác phẩm của mình ở các NFT Marketplace, thay vì phải đăng ký tham gia vào các phòng trưng bày hay buổi đấu giá gây mất thời gian và tốn kém chi phí.
Ví dụ: Các tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập NFT mang tên “The Currency” của Damien Hirst, ông đã tạo ra các NFT là phiên bản kỹ thuật số của 10,000 bản vẽ vật lý độc đáo và bán trên OpenSea.
Âm nhạc (Music NFT)
Music NFT đại diện cho quyền sở hữu hoặc những trải nghiệm liên quan đến âm nhạc. Ví dụ như tham gia sự kiện, buổi hoà nhạc (concert), họp fan…
Các NFT này sẽ được tạo ra bởi nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ… bằng cách mint một token trên blockchain và mở bán cho những người hâm mộ. Người nắm giữ NFT sẽ có những lợi ích đặc quyền, ví dụ như vị trí VIP trong buổi hoà nhạc, có chữ ký độc quyền và ăn tối với thần tượng…
Mặc khác, thông qua việc phát hành NFT trên các nền tảng blockchain, nghệ sĩ có thể kiếm tiền bản quyền trực tiếp từ tác phẩm nghệ thuật của mình, thay vì phải chia sẻ doanh thu với các bên thứ ba (như Spotify, Apple Music, Youtube…) như trong thị trường truyền thống.
Đọc thêm: Sự phát triển của NFT Music
Trò chơi (Gaming NFT)
Là các NFT liên kết với các tài sản kỹ thuật số trong những trò chơi trực tuyến, có thể kể đến như nhân vật, trang phục, thiết bị, vũ khí, bản đồ, nhạc, bộ sưu tập… hoặc bất cứ tài nguyên gì được sử dụng trong môi trường gaming.
Người chơi có thể thu thập các NFT trong game và có toàn quyền sở hữu, kiểm soát chúng. Không một ai (kể cả nhà phát triển game) có thể lấy hoặc chiếm nó từ bạn, trừ khi bạn giao dịch mua bán NFT với người khác.
Gaming NFT là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của NFT, đặc biệt là sau sự bùng nổ của Axie Infinity năm 20, tựa game blockchain mô phỏng trò chơi Pokemon GÓ với mô hình Play-to-Earn. Axie Infinity cho phép người chơi:
- Tìm kiếm, thu thập các NFT Pokemon và cho chúng chiến đấu với nhau.
- Giao dịch NFT và kiếm lợi nhuận dưới dạng token AXS.
Đọc thêm: 5 bước đánh giá dự án và đầu tư NFT Gaming hiệu quả.
Metaverse
Thế giới ảo Metaverse được tạo nên từ mạng internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất.
Trên thực tế, việc cung cấp trải nghiệm metaverse đòi hỏi sự phát triển vượt bậc về mặt công nghệ và chắc hẳn phải rất lâu sau này chúng ta mới có thể trải nghiệm một metaverse thật sự.
Tuy nhiên, nhiều dự án game đã được xây dựng trên blockchain và dựa trên ý tưởng về metaverse, hay còn gọi là game metaverse. Trong đó, người chơi có thể tự tạo ra thế giới riêng của mình, đồng thời sở hữu các tài sản gaming NFT và trao đổi mua bán chúng trên NFT Marketplace để kiếm tiền.
Một số dự án game metaverse dựa trên công nghệ blockchain như Otherside, Decentraland, The Sandbox…
Danh tính (Identity NFT)
Danh tính phi tập trung (decentralized identity - DID) là khái niệm chỉ việc người dùng có toàn quyền sở hữu và kiểm soát thông tin định danh của họ thông qua mạng lưới blockchain.
Các NFT danh tính sẽ đại diện cho các thông tin giúp định danh một cá nhân, ví dụ như họ tên, email, địa chỉ ví, thông tin KYC… Người sở hữu NFT có thể tuỳ ý chia sẻ thông tin với người dùng (hoặc nền tảng) khác hoặc thu hồi quyền truy cập khi cần thiết.
Việc ứng dụng NFT vào hệ thống quản lý danh tính cũng giúp tăng tính bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng, bởi các thông tin sẽ được mã hoá, lưu trữ trên mạng blockchain và loại bỏ sự can thiệp của một bên trung gian thứ ba.
Tìm hiểu thêm: OneID - Giải pháp danh tính multi-chain của Ninety Eight.
Ứng dụng khác
Ngoài ra, còn có một số ứng dụng khác của NFT như:
- Ảnh đại diện (PFP NFT): Loại NFT cho phép người dùng có thể sử dụng để làm ảnh đại diện của hồ sơ cá nhân. Một bộ sưu tập PFP NFT sẽ bao gồm nhiều hình ảnh NFT có cùng chủ đề và nhân vật, sự khác nhau sẽ nằm ở trang phục, biểu cảm, đặc tính, màu sắc...
- Tên miền (Domain Name NFT): Loại NFT đại diện cho địa chỉ ví của người dùng bằng cách liên kết với tên miền riêng biệt. Họ có thể tuỳ ý đặt tên cho địa chỉ ví theo định dạng mà dự án yêu cầu. Ví dự như Ethereum Name Service cho phép người dùng đặt tên cho địa chỉ ví có đuôi .ens, ví dụ như “vybui.ens”.
- Thẻ thành viên (Membership NFT): Loại NFT cung cấp quyền truy cập vào các cộng đồng để được trải nghiệm trực tiếp hoạt động nào đó, ví dụ như đá bóng, học tập, tham gia hội nhóm trên Discord, hội nghị…
- Meme NFT: Các meme được mã hoá thành NFT trên mạng blockchain. Điển hình là hình ảnh “Disaster Girl” của Zoë Roth được token hoá dưới dạng NFT và bán với giá 500,000 USD. Số tiền thu được cuộc bán đấu giá được dùng để chi trả cho khoản vay sinh viên của cô và quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Cách tạo & mua bán NFT
Về cơ bản, việc tạo và mua bán NFT trên các blockchain sẽ bao gồm 4 bước:
Bước 1: Xác định tệp tin (file), chọn blockchain (như Ethereum) và NFT Marketplace (Opensea) để tạo NFT. Có rất nhiều loại t có thể trở thành NFT, ví dụ như hình ảnh (JPG, PNG), âm thanh (MP3), video, gif…
Bước 2: Tạo ví Ethereum để truy cập vào NFT Marketplace và nạp một lượng token ETH để làm phí tạo NFT trên mạng Ethereum.
Bước 3: Kết nối ví với NFT Marketplace. Sau khi kết nối, người dùng có thể truy cập tất cả tính năng cần thiết dùng để tạo ra, mua và bán NFT.
Bước 4: Tải tệp tin lên nền tảng và điền các thông tin cần thiết như tên NFT, mô tả (description), số lượng… và bắt đầu mint ra NFT đó, đồng thời trả phí mint NFT bằng ETH.
Sau khi mint NFT, người dùng có thể đăng bán NFT trên NFT Marketplace đó một cách công khai.
Xem thêm: Sở hữu NFT của riêng bạn chỉ với 5 bước trên Coin98 Super Wallet.
Kiếm tiền từ NFT
Hình thức kiếm tiền phổ biến và từng gây sốt trong thị trường NFT là Play-to-Earn (thường được ứng dụng trong các dự án game), mô hình này cho phép người dùng kiếm tiền từ việc chơi game và thu thập NFT để bán trên các NFT Marketplace. Một số dự án nổi bật sử dụng mô hình này bao gồm: Axie Infinity, The God Unchained, CryptoKitties…
Cùng với sự phát triển của NFT, thị trường NFTFi (hay NFT Finance) ra đời nhằm tạo ra nhiều trường hợp sử dụng hơn cho NFT, cho phép người dùng kiếm lợi nhuận từ NFT. Nhiều dự án ra đời nhằm cung cấp dịch vụ cho người nắm giữ NFT như:
- NFT Marketplace: Nền tảng cho phép tạo và giao dịch mua bán NFT. Ví dụ: Opensea, X2Y2, LooksRare, Rarible…
- NFT Lending: Nền tảng cho phép vay tiền điện tử bằng cách thế chấp NFT. Ví dụ: BendDAO, NFTFi…
- NFT Liquidity Management: Nền tảng quản lý thanh khoản NFT, hoặc cho phép người mint NFT đại diện cho việc cung cấp thanh khoản. Ví dụ: Uniswap V3, Visor Finance…
- NFT Fractionalization: Nền tảng giúp chia nhỏ 1 NFT thành nhiều phần khác nhau, cho phép cộng đồng sử dụng, đầu tư chung. Dự án nổi bật: Fractional.art…
- NFT Launchpad: Nền tảng để ra mắt, mở bán NFT lần đầu đến cộng đồng. Ví dụ: MagicEden, NFTB…
- NFT Perpetual: Nền tảng cho phép giao dịch NFT phái sinh. Dự án nổi bật: NFTPerp...
Trong tương lai, thị trường NFT Finance có thể ra mắt nhiều dự án hơn và kết hợp giữa nhiều mảng với nhau.
Tìm hiểu thêm: NFTFi - Mang thế giới tài chính vào NFT
Câu hỏi thường gặp về NFT (Non-fungible token)
Tại sao phải mua NFT thay vì chụp hoặc sao chép tác phẩm nghệ thuật đó?
Người dùng có thể chụp lại các tác phẩm nghệ thuật và sở hữu nó như một bản sao chép từ hình ảnh NFT. Tuy nhiên, nó không phải là bản thật, không có giá trị và người dùng cũng không được xác thực quyền sở hữu.
Ngược lại, vì NFT là phiên bản mã hoá duy nhất, lưu trữ giá trị và toàn bộ thông tin liên quan đến tác phẩm. Do đó, việc mua và nắm giữ NFT trong ví đồng nghĩa với việc người dùng được xác thực là chủ sở hữu thật sự của tác phẩm đó.
Non-fungible Token có phải tiền điện tử (crypto) không?
NFT là loại token có tính non-fungible (không thể thay thế), còn tiền điện tử là các token mang tính chất fungible (có thể thay thế). Ví dụ về Bitcoin và vé concert của The Weeknd đã cho thấy rõ sự khác biệt giữa NFT và crypto.
Một NFT có thể được sở hữu cùng lúc bởi nhiều người hay không?
Đối với hầu hết NFT, chỉ có một người có quyền sở hữu một NFT. Quyền sở hữu sẽ được chuyển nhượng khi họ bán NFT cho người khác.
Tuy nhiên, các dự án NFT Fractionalization ra đời đã giải quyết được nhu cầu đó. Chúng chia nhỏ một NFT ban đầu thành nhiều phần, cho phép nhiều người sở hữu một NFT cùng lúc và góp phần tăng tính thanh khoản cho NFT đó.
Tìm hiểu thêm: Dự án NFT kiếm tiền như thế nào?