Seal: Trải nghiệm testnet giao thức Seal trên hệ Sui

Seal là gì?
Seal là dự án tập trung vào việc cung cấp dịch vụ quản lý bí mật phi tập trung (Decentralized Secrets Management - DSM), giải quyết các yêu cầu bảo mật liên quan đến dữ liệu nhạy cảm, khóa riêng tư, API keys và các thông tin bí mật khác, với tệp người dùng chính là các nhà phát triển.
Về bản chất, DSM Seal cung cấp là phương pháp thay thế cho việc lưu trữ thông tin bí mật tập trung, vốn tiềm ẩn rủi ro về một điểm lỗi duy nhất. Seal tận dụng công nghệ blockchain để phân tán việc quản lý các dữ liệu này, từ đó tăng cường đáng kể tính bảo mật và khả năng chống chịu các cuộc tấn công.

Điểm khác biệt chính của Seal so với các giải pháp bảo mật dữ liệu dựa trên blockchain hiện có là khả năng ứng dụng rộng rãi. Trong khi nhiều giải pháp hiện tại thường chỉ phù hợp cho các trường hợp sử dụng cụ thể, chẳng hạn như quản lý khóa cho ví điện tử, Seal hướng đến việc cung cấp một khung kỹ thuật DSM mang tính tổng quát, có thể tích hợp và áp dụng cho các loại ứng dụng và hệ thống khác nhau.
Tại thời điểm viết bài, Seal chưa tiết lộ thông tin tokenomics. Bài viết sẽ cập nhật ngay khi có thông báo.
Tại sao Seal được phát triển?
Nhu cầu về khả năng truy cập dữ liệu an toàn là yếu tố then chốt cho sự phát triển của các ứng dụng Web3. Tuy nhiên, khi nhìn vào các giải pháp hiện tại lại một số thách thức đáng kể.
Một mặt, các nhà phát triển Web3 có thể tìm đến các dịch vụ quản lý khóa và mã hóa từ thế giới Web2 (như AWS KMS hay Google Cloud KMS). Mặc dù đã được chứng minh hiệu quả trong môi trường tập trung, chúng lại đi ngược với bản chất phi tập trung và tự chủ của Web3.
Hơn nữa, việc tích hợp các giải pháp Web2 vào kiến trúc Web3 có thể phức tạp và không được tối ưu hóa cho cơ sở hạ tầng blockchain, đôi khi còn làm phát sinh các vấn đề về hiệu suất và chi phí.
Mặt khác, các giải pháp mã hoá Web3 chuyên biệt thường chỉ đáp ứng một số trường hợp sử dụng hạn chế (ví dụ: mã hóa ví, giao thức DeFi..). Cách tiếp cận này có thể hoạt động hiệu quả trong phạm vi hẹp mà chúng được thiết kế, nhưng lại thiếu đi tính tổng quát và linh hoạt cần thiết cho sự đa dạng của các ứng dụng Web3.
Nhận thấy những hạn chế của các giải pháp sẵn có, dự án Seal được phát triển nhằm cung cấp một giải pháp bảo mật tổng quát. Bên cạnh đặc điểm chính là tính phi tập trung, Seal được thiết kế để có thể tùy chỉnh và thích ứng với nhiều trường hợp sử dụng khác nhau trong Web3, từ lưu trữ dữ liệu đến quản lý quyền truy cập nội dung và bảo mật thông tin liên lạc.

Đồng thời, nền tảng cũng cung cấp bộ công cụ và cơ sở hạ tầng cần thiết để các nhà phát triển có thể tích hợp Seal vào dự án một cách linh hoạt và dễ dàng.
Kiến trúc hạ tầng của Seal
Kiến trúc Seal tập trung vào các dịch vụ backend ngoài chuỗi, đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra khóa giải mã dựa trên danh tính người dùng và cung cấp khóa mã hóa công khai tương ứng.
Điểm nổi bật là Seal cho phép ứng dụng tùy chọn triển khai cơ chế mã hóa ngưỡng t trên n. Ngưỡng t trên n có nghĩa là khóa giải mã được chia thành n phần và phân tán đến n dịch vụ backend. Để giải mã dữ liệu, Seal SDK cần thu thập tối thiểu t phần khóa từ t dịch vụ backend, sau đó tái tạo khóa giải mã ban đầu.
Cơ chế này đảm bảo không một backend đơn lẻ nào nắm giữ toàn bộ khóa, và kẻ tấn công cần kiểm soát ít nhất t dịch vụ để truy cập khóa. Quá trình giải mã diễn ra tại phía máy khách thông qua Seal SDK, tương tác với backend ngoài chuỗi, đảm bảo dữ liệu nhạy cảm chỉ được giải mã trên thiết bị của người dùng, tăng cường quyền riêng tư và bảo mật.
Tóm tắt mô hình hoạt động như sau:
- Dữ liệu được mã hóa bằng khóa công khai (do backend cung cấp).
- Quyền truy cập và giải mã dữ liệu được kiểm soát bởi chính sách Seal trên chuỗi.
- Người dùng giải mã dữ liệu cục bộ bằng khóa dựa trên danh tính thông qua Seal SDK, tương tác với backend.
Tham gia testnet Seal
Tại thời điểm viết bài, Seal đang triển khai bản testnet trên mạng Sui. Nền tảng khuyến khích người dùng tham gia trải nghiệm để có cơ hội nhận thưởng. Quy trình như sau:
Truy cập ứng dụng Seal Testnet và thực hiện kết nối ví tiền mã hoá SUI. Sau đó, người dùng faucet token testnet Sui để sử dụng token testnet làm nhiệm vụ.

Lưu ý: Người dùng có thể sử dụng ví SUI đã từng thực hiện hoạt động stake trên mạng Sui trước đó để tăng tỷ lệ trúng thưởng.
Quay trở lại nền tảng Sui, người dùng truy cập tính năng Seal Example App. Tại tính năng này, hiện đang có hai nhiệm vụ để người dùng trải nghiệm:

- Allowlist Example: : Tính năng này yêu cầu người dùng tạo tên và danh sách những người được phép truy cập vào nội dung. Các bước như sau:
- Thêm tên muốn đăng ký, chọn tính năng Manage và dán địa chỉ ví SUI vào ô tương ứng
- Tại mục Walrus service: chọn Walrus.space
- Đăng tải tệp hình ảnh bất kỳ và chọn thêm liên kết tệp vào mạng Sui
- Chọn tính năng mã hoá tệp và đăng tải lên Walrus: Encrypt & upload to Walrus
- Chọn liên kết tệp với Sui: Associate file to Sui object

- Subscription Example: Tính năng này mô phỏng việc tạo một dịch vụ dựa trên đăng ký để truy cập nội dung. Để trải nghiệm, thực hiện các bước sau:
- Điền các giá trị 1-5-10 vào trường Price in Mist và 1-60 Subscription duration in minutes.
- Nhập tên đã tạo ở mục Allowlist Example và chọn Create Service để hoàn tất.

Đội ngũ và nhà đầu tư Seal
Seal chưa thực hiện vòng gọi vốn trực tiếp, tuy nhiên dự án được phát triển bởi Mysten Labs, đội ngũ xây dựng Sui và Walrus. Mysten Labs được hậu thuẫn gần 300 triệu USD từ những quỹ đầu tư như Binance Labs, Coinbase Ventures, Circle Ventures…
Dự án tương tự
Dự án tương tự như Seal có thể kể đến Walrus, giải pháp lưu trữ dữ liệu trên Sui, cho phép người dùng có thể ghi nhận hình ảnh, file PDF... vĩnh viễn trên blockchain.