Các vật phẩm sưu tập vật lý có tốt hơn NFT?
Trong những năm gần đây, công nghệ blockchain xuất hiện và đã giúp mở rộng thị trường sưu tập với NFT (Non-fungible token - token không thể thay thế). Thông qua blockchain, NFT đã giải quyết nhiều vấn đề mà các nhà sưu tập phải đối mặt với vật phẩm ngoài đời thực.
“Tôi nghĩ khía cạnh sưu tập của NFT có thể làm đảo lộn hoàn toàn ngành công nghiệp về nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh”.
Mark Cuban - tỷ phú người Mỹ nổi tiếng, chia sẻ trong số podcast mang tên The Quest.
Những thứ chúng ta được cầm trên tay
Với những món đồ sưu tập vật lý, chúng ta có thể cầm trên tay. Ngoài ra, chủ sở hữu vật phẩm có thể nhìn, cảm nhận và thậm chí ngửi chúng nếu muốn. Các vật phẩm trong bộ sưu tập vật lý như đồ chơi, xu cổ, tem…đều sở hữu những đặc điểm độc đáo cùng tính ứng dụng của riêng chúng. Điều đó tạo nên sức hút và kích thích ham muốn sở hữu của nhà sưu tập. Ví dụ như những tấm thẻ bài Pokémon hay Yu-Gi-Oh! quen thuộc của thế hệ 9x, các đặc điểm trên chúng (hình ảnh, lỗi in ấn, độ hiếm, công năng…) tạo nên giá trị riêng và có tính sưu tập cao.
Bỏ ngoài tai nhiều quan điểm cho rằng, việc đầu tư vào thẻ bài là lãng phí và vô bổ. Đã có không ít nhà sưu tập đang nắm trong tay “cục vàng” khi sở hữu thẻ bài hiếm trị giá hàng chục tỷ đồng. Những thẻ bài hiếm từ đó trở thành loại tài sản vô cùng giá trị.
the real star of Wrestlemania — my 1/1 PSA 10 Pikachu Illustrator that I purchased for $5,275,000, officially setting the Guinness World Record for “most expensive Pokémon trading card sold at a private sale” pic.twitter.com/nrAyvrytCB
— Logan Paul (@LoganPaul) April 4, 2022
Nhiều người còn nhận ra giá trị của những vật phẩm cổ và hiếm nên tìm mọi cách nâng niu mọi thứ bản thân đang sở hữu. Chủ của các vật phẩm trên hy vọng chúng sẽ mang lại giá trị lớn trong tương lai. Do các dấu tích của thời gian hằn lên cổ vật nói chung mang lại giá trị, sức hút và cảm nhận riêng cho mỗi người, điều mà NFT hiện tại không thể nào có được. Đặc biệt đối với những tác phẩm của nghệ sĩ từ nhiều thế kỷ trước như Leonardo da Vinci hay Vangogh. Giá trị của những tác phẩm hội họa đó đã không còn dừng lại ở giới hạn vật chất nữa.
“Tiền có thể kiếm còn tranh thì không thể vẽ lại được”.
Nhà môi giới nổi tiếng William Acquavella.
Ngoài ra, bộ sưu tập vật lý hữu hình hơn NFT. Chúng có thể được người dùng chiêm ngưỡng trực tiếp, chạm và cảm nhận những thứ mà NFT chưa thể truyền tải một cách trọn vẹn. Với các yếu tố trên, nhiều người cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn với những gì NFT mang lại.
NFT cho người dùng thêm trải nghiệm mới
Nổi lên kể từ năm 2020, NFT đã đưa người dùng crypto đến một chân trời mới, nơi các nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo. NFT đã và đang được thực nghiệm trên nhiều lĩnh vực từ vật phẩm game, chứng chỉ, mỹ thuật cho đến định dạng âm thanh, video… Trong thế giới blockchain, NFT có thể biến hóa từ mọi thứ. Giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của nhà sáng tạo.
Với sự xuất hiện của NFT, các nghệ sĩ hay nhà sáng tạo nội dung đã có thêm nhiều cách kiếm tiền và xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
“Ngoài những cơ hội mới, NFT giúp các nghệ sĩ ít tên tuổi phân phối tác phẩm của họ rộng rãi hơn”.
Paris Hilton - ngôi sao nhạc Pop
Tương tự vật phẩm ngoài đời thực, NFT mang đến giá trị riêng do tính độc quyền, giới hạn và ứng dụng của từng token. Dựa theo những đặc điểm trên cùng sức nóng của thị trường, đã có những bộ sưu tập NFT được định giá rất cao và đem lại lợi nhuận "khủng"cho nhà sáng tạo. Có những tác phẩm giá trị chỉ vài chục đô như logo hay ảnh đại diện, nhưng cũng có tranh NFT được định giá lên đến hàng triệu đô. Điển hình như tác phẩm “Everydays: The First 5,000 Days” từng được định giá hơn 89 triệu USD.
“NFT sẽ tạo ra thời kỳ nghệ thuật Phục Hưng tiếp theo”.
Changpeng Zhao (CZ) - CEO Binance
Đã có những ý kiến trái chiều về tính ứng dụng và giá trị của NFT. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, NFT chỉ là bong bóng do chính các ông lớn tạo ra, nhằm tăng giá trị token của dự án.
“Hình ảnh kỹ thuật số đắt đỏ của những con khỉ hẳn sẽ giúp cải thiện đáng kể thế giới này”.
Bill Gates mỉa mai BAYC tại sự kiện ở California, Mỹ.
Khi đến với tay người sưu tập, NFT được họ trải nghiệm với nhiều cách thức khác nhau, phụ thuộc vào loại hình token đó. Tuy chưa thể đem lại những cảm nhận thực tế, kích thích đầy đủ mọi giác quan như những bộ sưu tập vật lý, nhưng NFT cũng có nhiều đặc điểm nổi bật đáng được ghi nhận:
Bảo mật cao và xác thực nhanh chóng
Khác với các sản phẩm vật lý có thể giả mạo, tính độc nhất của NFT khi tạo lập trên blockchain giúp chúng không thể bị thay đổi hoặc làm giả.
Một trong những nguyên nhân khiến đồ sưu tập vật lý vẫn phổ biến là do mọi người thích tính độc quyền từ chúng mang lại. Cảm giác độc quyền từ lâu đã trở thành yếu tố quan trọng quyết định hành vi của nhà sưu tập. Tuy nhiên, việc xác thực để đảm bảo tính độc quyền (độ thật giả, hư hại...) của sản phẩm vật lý tốn kha khá thời gian chờ đợi. Ví dụ như để xác minh một bảo vật, nhà sưu tập cần gửi món đồ đó đến dịch vụ xác thực chuyên nghiệp và đợi chuyên gia kiểm định.
Với các token trong bộ sưu tập NFT, lịch sử của tài sản dễ dàng xác thực trên công nghệ chuỗi khối. Thông qua việc sử dụng blockchain explorer, bất cứ ai cũng có thể biết bộ sưu tập NFT đó được tạo khi nào, bởi ai và số lượng token hiện có.
Giảm thiểu thiệt hại và bền bỉ theo năm tháng
NFT hoàn toàn được giao dịch trên blockchain nên không có hao tổn do vận chuyển gây ra. Sản phẩm vật lý chắc chắn sẽ bị hao mòn chung theo thời gian, bất kể người chủ bảo quản chúng tốt như thế nào. Còn NFT được tạo ra trên blockchain nên không thể bị nhăn, bẩn, trầy xước hay hao mòn theo năm tháng.
Tuy nhiên đặc tính này có thể là điểm trừ với NFT, khi chúng không sở hữu được sự tô điểm của thời gian mà các sản phẩm vật lý mang lại.
Mint đơn giản, không giới hạn hình thức
Chỉ cần có internet, bất cứ ai và ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể mint NFT dễ dàng thông qua những thao tác đơn giản. NFT không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nghệ thuật, đồ vật trong game…chúng ta có thể token hóa nhiều thứ và đem lại giá trị cao. Ví dụ như Jack Dorsey - nhà sáng lập Twitter đã NFT hóa dòng tweet đầu tiên của mình và được trả giá hàng triệu USD.
just setting up my twttr
— jack (@jack) March 21, 2006
Giá trị của NFT không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính, chúng còn hỗ trợ những nhà sáng tạo nội dung thông qua việc lưu trữ bản quyền kỹ thuật số. Qua đó, NFT tạo ra muôn vàn cách sử dụng khác nhau và dần đặt một chân vào thế giới thực.
Cầu nối thế giới kỹ thuật số và đời thực?
Khi nhắc đến NFT, hầu hết ai cũng đều nghĩ chúng được đặt trong khuôn khổ blockchain. Nhưng liệu NFT có thể trở thành sản phẩm vật lý không? Khi trong thời gian gần đây, NFT được mint có thể gắn liền với một vật thể. Từ đó, đề cao tính ứng dụng của NFT trong thế giới thực.
NFT sẽ không đóng vai trò cạnh tranh với các sản phẩm sưu tập vật lý. Các công ty sản xuất hoặc phát hành có thể tận dụng NFT như một cách để số hóa quyền sở hữu các sản phẩm sưu tập. Nhà sản xuất có thể liên kết số series sản phẩm của họ hoặc kết nối mặt hàng thực với NFT bằng công nghệ NFC (Near-Field Communications - Kết nối gần) hoặc mã QR. Qua đó, hỗ trợ xác minh sản phẩm được liên kết và theo dõi lịch sử của chúng.
NFT cũng có thể gắn vai trò như tấm thẻ thông hành để trải nghiệm những dịch vụ mà chúng đại diện cho. Thông qua tư cách thành viên được gắn trên NFT, nhà phân phối dịch vụ có thể kiểm soát đặc quyền mà chúng sở hữu. Ví dụ như bán vé hoặc những cơ hội gặp mặt và bữa ăn chung với người nổi tiếng, NFT đang trở thành cầu nối cho việc chuyển đổi trải nghiệm trực tiếp.
Nhiều NFT thuộc dự án nổi tiếng như Bored Ape Yacht Club hay Doodles cũng giúp cho chủ nhân của chúng tham dự các bữa tiệc hoặc buổi gặp mặt độc quyền. Người dùng thường được yêu cầu xác minh quyền sở hữu của một NFT cụ thể và vé mời sẽ được airdrop về ví. Như trong hội nghị VeeCon của doanh nhân Gary Vaynerchuck, người tham dự cần có VeeFriends NFT trong ví crypto và xuất trình vé mời đã được airdrop tại cửa.
Dù chưa thế chạm đến mọi giác quan trong thế giới thực như những bộ sưu tập vật lý, nhưng chúng ta cũng thấy được sự phát triển của NFT đang phần nào tác động đến thế giới xung quanh.
“Sẽ có ngày bạn sở hữu những chiếc ô tô của riêng mình và một phiên bản NFT cho chúng”.
Tom Bilyeu - CEO của Impact Theory Studios
Điển hình như việc NFT đã được ứng dụng để quy đổi các sản phẩm thực tế. Vào tháng 10/2022, NFT ván trượt của Azuki đã được định giá hàng triệu USD, khi chúng có thể quy đổi sang một chiếc skateboard ngoài đời thực.
The results of the Azuki Golden Skateboard auction are in.
— Azuki (@AzukiOfficial) October 23, 2022
After 24H+ of fierce bidding (especially in the final moments), we have our top 8 Golden Skateboard auction winners. Let’s extend our warm & heartfelt congratulations to the winners!
Thread below 🧵 pic.twitter.com/SxAOjhVTVn
Hay gần đây, công ty Horizon của Nhật đang dự tính phát hành những NFT có lưu trữ thông tin mùi hương có thể phát được 5 lần mỗi token thông qua thiết bị chuyên dụng.
NFT đang phát triển và tạo được chỗ đứng nhất định trong cuộc sống của mọi người trên thế giới. Đối với nhiều người, NFT là phát kiến tuyệt vời. Nhưng sẽ có ý kiến cho rằng, NFT quá trừu tượng và chúng không truyền tải được quyền sở hữu thực sự đối với tác phẩm nghệ thuật hoặc các vật phẩm sưu tập khác.
Sẽ còn nhiều thứ phải làm với NFT để chúng có thể chạm tới mọi góc cạnh mà các bộ sưu tập vật lý mang lại. Nhưng dù cho ở bất cứ loại hình nào, chúng ta đều cần nghiên cứu thật kỹ trước khi đầu tư để tránh nhận về sự thất vọng không đáng có.