Tại sao MicroStrategy liên tục mua Bitcoin?
Liệu MicroStrategy chỉ đang đơn thuần mua Bitcoin, chờ tăng giá và bán, hay còn vì mục đích nào hơn thế nữa?
MicroStrategy và hành trình trở thành công ty nắm giữ Bitcoin lớn nhất thế giới
Liên tục mua vào Bitcoin
Trong “kỷ nguyên tiền rẻ" giai đoạn COVID-19, MicroStrategy đã thực hiện một trong những quyết định táo bạo nhất lịch sử công ty, đó là phát hành trái phiếu và huy động 1.5 tỷ USD để mua 22,005 Bitcoin. Đây cũng là công ty duy nhất tại thời điểm này vay mượn tiền để mua Bitcoin. Tính đến tháng 4/2024, MicroStrategy đã bỏ ra tổng cộng 7.54 tỷ USD để mua 214,400 Bitcoin ở mức giá trung bình 35,180 USD.
Xét về tình hình tài chính, họ đang nợ. Cụ thể, số tiền mà công ty đã vay là 3.62 tỷ USD, gấp 1.5 lần tổng giá trị vốn chủ sở hữu của công ty. Bên cạnh đó, MicroStrategy còn có lợi nhuận ròng âm 85 triệu USD, lợi nhuận trước lãi vay và thuế âm 292 triệu USD. Thậm chí công ty cũng không thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông - một trong những dấu hiệu thể hiện công ty đang gặp khó khăn tài chính.
Dù vậy, tất cả những điều này không ngăn cản được MicroStrategy tiếp tục mua thêm Bitcoin, trở thành công ty nắm giữ Bitcoin nhiều nhất thế giới với 226,331 Bitcoin, tính đến tháng 6/2024.
Lợi nhuận từ giá Bitcoin tăng
Nhờ việc liên tục DCA ngay cả khi giá BTC tăng hay giảm, hiện tại mức giá mua vào Bitcoin trung bình của MicroStrategy đang là 36,990 USD, thấp hơn gần một nửa so với giá Bitcoin hiện tại là 65,000 USD (cuối tháng 7/2024, thời điểm viết bài). Công ty đang lời khoảng 4.29 tỷ USD chỉ từ việc mua Bitcoin. Mức lợi nhuận này cao hơn số nợ mà công ty đang có là 3.62 tỷ USD.
Thế nhưng, từ khi bắt đầu mua Bitcoin đến nay, MicroStrategy chưa hề bán một đồng Bitcoin nào, dù giá Bitcoin từng đạt đỉnh mới nhiều lần. Có lẽ, việc mua Bitcoin ở giá thấp và bán Bitcoin ở giá cao không phải là mục tiêu chính của MicroStrategy. Việc này liên quan gì tới mô hình hoạt động tạo ra lợi nhuận của họ?
Tại sao MicroStrategy liên tục mua vào Bitcoin?
Thực sự thì dưới sự dẫn dắt của Michael Saylor, MicroStrategy đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết. Trước tiên, chúng ta cùng xem xét mô hình kinh doanh liên quan tới cổ phiếu MSTR.
Biến cổ phiếu MSTR thành một loại “tiền tệ"
Việc bán cổ phiếu MSTR cho nhà đầu tư và thu về USD, MicroStrategy có nguồn vốn liên tục giúp công ty này mua vào Bitcoin. Cách làm này cho phép các nhà đầu tư truyền thống tiếp cận gián tiếp Bitcoin thông qua việc sở hữu cổ phiếu MSTR. Ở góc độ nhà đầu tư, MSTR như 1 loại bảo chứng cho việc sở hữu BTC của họ. Còn với MicroStrategy, MSTR giống như loại "tiền tệ" trong mô hình kinh doanh của họ.
Thông qua cách làm này, MicroStrategy dần trở thành doanh nghiệp sở hữu Bitcoin lớn nhất thế giới (theo thống kê của Bitcointreasuries).
Dù không chi trả cổ tức, các cổ đông của MicroStrategy và các ngân hàng, tổ chức tài chính, nhà đầu tư truyền thống vẫn rất vui vẻ đầu tư vào MicroStrategy để nhận về cổ phiếu của doanh nghiệp được mệnh danh là “Doanh nghiệp nắm giữ nhiều Bitcoin nhất thế giới" này.
Một số tổ chức tài chính có sức ảnh hưởng lớn thực hiện mua và nắm giữ cổ phiếu MSTR là Vanguard, BlackRock, iShares, Fidelity…
Lần gần nhất, MicroStrategy đã huy động được 700 triệu USD thông qua việc bán trái phiếu chuyển đổi. Điều đặc biệt là thời hạn tới 2032 với mức lãi suất thấp chỉ 2.25% và có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu MSTR khi đáo hạn. Việc này có nghĩa là, điều nhà đầu tư thực sự mong muốn là tăng số lượng MSTR sở hữu.
Lý do thực sự đằng sau việc mua BTC
Đầu tiên chúng ta cùng xem xét lại một số số liệu liên quan.
- Giá BTC đã tăng 6.1 lần từ lần đầu tiên họ mua BTC (tháng 8/2020, mức giá khoảng 11,650 USD) so hồi tháng 3/2024 khi BTC đạt đỉnh $71,400.
- Lượng cổ phiếu MSTR lưu thông tăng từ 9.6 triệu (tháng 8/2020), lên 17.1 triệu tính đến tháng 7/2024. Mức tăng tương ứng khoảng 78%.
- Giá MSTR cũng tăng từ 120 USD mỗi cổ phiếu lên mức 1,900 USD. Tương ứng mức tăng 15.8 lần.
- Tổng vốn hoá thị trường của MSTR tăng từ 1.31 tỉ USD (tháng 8/2020) tăng lên 30.2 tỉ USD (tháng 3/2024). Tương ứng mức tăng 23 lần.
Như vậy, trong khi giá BTC chỉ tăng hơn 6 lần, thì vốn hoá MSTR tăng tới 23 lần (nhờ vào giá tăng và số lượng lưu thông MSTR tăng). Dựa vào đó họ có thể bán ra để duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ đáo hạn.
Tới đây, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra cách hoạt động trong mô hình này của MicroStrategy: Họ muốn huy động càng nhiều USD càng tốt để dùng nó mua vào BTC, tăng số lượng Bitcoin sở hữu. Song song với việc này, họ bán ra cổ phiếu MSTR với mức giá và vốn hoá còn cao hơn nhiều.
Tất nhiên, mô hình này cũng tồn tại rủi ro, khi giá BTC giảm xuống và lòng tin của nhà đầu tư mất đi, có thể khiến MSTR giảm về ngưỡng thanh lý. Tuy nhiên, nó đã đi qua được chu kỳ downtrend của thị trường năm 2020, 2022-2023.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư vào Bitcoin, thị trường crypto cũng tăng lên qua từng chu kỳ. Và đặc biệt kỳ vọng của họ càng được củng cố khi danh hiệu công ty đại chúng nắm giữ nhiều Bitcoin nhất vẫn là MicroStrategy.
Tạm kết
Dùng MSTR để đổi lấy USD, sau đó mua Bitcoin, MicroStrategy đã gián tiếp neo giá MSTR theo BTC. Hay nói cách khác, họ dùng đô la (được in ra vô hạn) để mua vào Bitcoin (số lượng có hạn) và liên tục pha loãng MSTR để bán cho nhà đầu tư dù ở bất kỳ mức giá nào. Việc này còn tiếp tục làm được cho tới khi: còn BTC để mua vào (năm 2140), nhà đầu tư tin tưởng vào vị thế của MicroStrategy - một công ty nắm giữ nhiều BTC nhất.