Kế hoạch mua Bitcoin của Tether có biến họ thành Do Kwon thứ hai?
Tích luỹ Bitcoin và quá trình “phi USD hoá”
Giống như một người theo chủ nghĩa tối đa Bitcoin ngoan đạo, Tether đang tích luỹ những đồng Bitcoin của riêng mình. Nhà phát hành stablecoin USDT lớn nhất gần đây đã tiết lộ thông tin đó trong một bài đăng blog, thông báo họ sẽ “thường xuyên” mua Bitcoin để xây dựng “rương chiến tranh” (war chest) với lợi nhuận thặng dư.
Động thái này theo sau một chứng thực tài sản (attestation) đầy lạc quan được thực hiện bởi BDO Italia - nằm trong top 5 công ty kế toán, cho thấy trong quý đầu tiên của năm, Tether đã kiếm được 1.48 tỷ USD lợi nhuận. “Dự trữ vượt mức” của công ty đã tăng gấp đôi lên 2.4 tỷ USD.
Với kế hoạch mua Bitcoin, được công bố khoảng một tuần sau attestation, Tether đã gia nhập hàng ngũ những tổ chức khổng lồ đang tích trữ Bitcoin. Đáng chú ý, MicroStrategy, công ty công nghệ giao dịch công khai sau gần hai năm DCA Bitcoin, giờ đây về cơ bản giao dịch như một quỹ ETF Bitcoin cửa sau, và họ đang tiến gần đến việc sở hữu khoảng 1% tổng nguồn cung Bitcoin.
Tether hiện đang nắm giữ hơn 52,000 Bitcoin - một trong những treasury Bitcoin lớn nhất trong số các tập đoàn, và họ có kế hoạch chi 15% “lợi nhuận hữu hình từ hoạt động kinh doanh” để mua nhiều Bitcoin hơn. Chiến lược đầu tư “thận trọng” của công ty cũng bao gồm một khoản đầu tư lớn vào vàng (không có thông tin đây có phải self-custodied hay không).
Mặc dù Tether không tuyên bố rõ ràng, kế hoạch mua Bitcoin của họ có thể được xem là nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc với đồng USD. Ngày nay, người ta thường nói về “phi đô la hóa” hoặc quá trình mà các quốc gia (và ở mức độ thấp hơn là các công ty) giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, do lòng tin của mọi người vào các chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ đang giảm dần.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang (cơ quan quản lý chính sách tiền tệ) bị mắc kẹt giữa việc dập tắt lạm phát và nguy cơ bắt đầu một cuộc suy thoái mới, trong khi Quốc hội Mỹ (chính sách tài khóa) bị mắc kẹt trong cuộc tranh luận về “trần nợ công” có nguy cơ thực sự làm Kho bạc Mỹ vỡ nợ. Và điều này có thể khiến cả thế giới tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Nhìn vào bức tranh hiện tại, có thể thấy: Circle, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Tether, đang “đa dạng hóa” việc nắm giữ trái phiếu của Kho bạc Mỹ (thường được xem là “không rủi ro” cho quá trình xây dựng danh mục đầu tư) vào thị trường lending/borrowing ngắn hạn (“repo” market). Cả hai tổ chức phát hành stablecoin đều thẳng thừng tuyên bố họ đang giảm sự phụ thuộc vào “tiền gửi ngân hàng thuần túy” trong bối cảnh làn sóng phá sản ngân hàng ở Mỹ. Do đó, mặc dù trong thông cáo báo chí của công ty, Paolo Ardoino - CTO của Tether - chỉ nhắc đến sức mạnh của Bitcoin và nỗ lực của công ty trong việc “trở nên phù hợp với công nghệ mới”, động thái này cũng ngầm chỉ ra những điểm yếu của đồng USD.
Tất nhiên, không có vấn đề gì trong những hoạt động này. Tether là công ty tư nhân và có thể làm những gì họ muốn bằng tiền của mình. Như Austin Campbell, cựu quản lý danh mục đầu tư của Paxos, người từng điều hành stablecoin BUSD khi nó trị giá khoảng 22 tỷ USD, cho biết:
Nếu họ mua Bitcoin bằng lợi nhuận và xem đây là một biện pháp bảo vệ, thì nó chỉ là một cách để họ đầu cơ về giá Bitcoin và không có gì đặc biệt gây hại
Austin Campbell
Miễn là công ty không hoán đổi Bitcoin lấy tiền mặt hoặc tài sản dự trữ giống tiền mặt, chẳng hạn như trái phiếu của Kho bạc Mỹ, và đảm bảo USDT luôn có thể quy đổi 1:1 thành USD, thì mọi việc đều ổn. Chính Tether cũng đã nói rằng họ chỉ sử dụng lợi nhuận để mua Bitcoin.
Do Kwon thứ hai?
Nhưng tình hình vẫn có thể khiến một số người nhột nhạt. Đáng chú ý là Tether đang tiếp tục công bố các chứng thực tài sản sau khi Tổng chưởng lý New York phát hiện rằng công ty “đôi khi” nói dối người dùng về bản chất các khoản dự trữ của mình. Tuy nhiên, hiện tại, Tether đang tận hưởng những ngày tươi đẹp. Họ được hưởng lợi từ sự hợp lưu gần đây của các sự kiện bao gồm giá Bitcoin tăng nhẹ, sự biến động của crypto nói chung và những vụ bank run giúp củng cố niềm tin vào kho lưu trữ giá trị thay thế như stablecoin. Nhưng không ai biết chắc những ngày nắng đẹp sẽ kéo dài bao lâu.
Ngay cả khi gạt sang một bên khả năng Tether bị cơ quan quản lý sờ gáy, những động thái gần đây của họ vẫn có gì đó lấn cấn. Daniel Kuhn của CoinDesk liên tưởng hành động của Tether với việc Do Kwon, người đứng sau stablecoin thuật toán UST sụp đổ, đã nói: “Bên cạnh Satoshi, chúng tôi sẽ là bên lớn nhất trên thế giới nắm giữ Bitcoin”. Theo Daniel, việc sử dụng một tài sản có tính biến động cao để xây dựng quỹ dự phòng rủi ro có vẻ là một nước đi thiếu thận trọng. Do Kwon, nếu bạn vẫn còn nhớ, đã lên kế hoạch mua 10 tỷ USD giá trị Bitcoin như một lá chắn phòng thủ, vào thời điểm cỗ máy LUNA/UST phức tạp của anh ta trị giá hơn 80 tỷ USD.
Đọc thêm: Do Kwon là ai? Người đứng sau đế chế Terra sụp đổ trong vài ngày
Tất nhiên, Tether và Kwon sở hữu các mô hình kinh doanh và rủi ro hoàn toàn khác nhau - có một đại dương khác biệt giữa stablecoin thuật toán và không thuật toán. Trong khi UST bị rơi vào “vòng xoáy tử thần” do dùng tiền điện tử để tạo ra thứ đại diện cho tiền fiat, Tether hoạt động hơi giống một ngân hàng. Tether nhận tiền từ nhà đầu tư và đúc một lượng stablecoin tương đương, sau đó đầu tư số tiền đó và giữ lại lợi nhuận. Miễn là ít nhất họ duy trì số tiền dự trữ tương đương với số USDT còn lại để quy đổi, đây vẫn là con ngỗng đẻ trứng vàng.
Cũng có ý kiến cho rằng những kế hoạch mua Bitcoin như thế này chính là lý do mà các nhà phát hành stablecoin cần được pháp luật điều chỉnh. Ví dụ, Liên minh châu Âu vừa thông qua các quy tắc yêu cầu các tổ chức phát hành phải duy trì dự trữ nghiêm ngặt. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ dường như bị chia rẽ về cách giải quyết vấn đề - về cơ bản để các tổ chức phát hành tự điều chỉnh.
Có hơi bất thường không khi chúng ta vừa phát hiện Tether đang nắm giữ Bitcoin và vàng, thì ngay lập tức họ “tăng tính minh bạch” bằng cách thêm “các danh mục bổ sung” đó vào báo cáo của mình? Do tầm quan trọng của USDT đối với thị trường crypto, có lẽ người dùng không những cần biết các quyết định đầu tư của công ty, mà còn phải có quyền kiểm soát các quyết định này.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua Bitcoin bằng tiền mặt dư thừa có thể sẽ không ảnh hưởng đến người dùng USDT (dù nó có khả năng mang lại lợi ích cho những người nắm giữ Bitcoin). Để kế hoạch mua Bitcoin này trở thành thảm họa, phải có rất nhiều yếu tố gặp trục trặc cùng một lúc. Vì thế, thật khó hiểu khi Do Kwon từng tấn công đồng USD, tuyên bố rằng “tiền phi tập trung” của anh (vốn được peg bằng tiền pháp định!) sẽ vượt mặt đồng tiền dự trữ của thế giới.
Tương tự, việc Tether dùng Bitcoin như một lá chắn bảo vệ đã ngầm thừa nhận tính rủi ro trong chính sản phẩm stablecoin của họ. Thực sự nếu đồng USD đi đời, sẽ khó để bất kỳ một lượng Bitcoin nào có thể cứu được công ty. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, Tether chỉ cần nhận tiền từ người dùng và bảo đảm việc quy đổi diễn ra trơn tru - và họ có thể đầu tư chênh lệch ở bất cứ nơi nào mình muốn.