Việt Nam bị Trump áp thuế 46%: Cả thị trường giảm mạnh

Thị trường giảm sau đòn thuế quan của Trump
"Việt Nam có những nhà đàm phán tuyệt vời, người dân cũng tuyệt vời luôn. Họ yêu mến tôi, tôi cũng yêu mến họ. 46% thuế nha", Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế suất đối ứng cho Việt Nam và các quốc gia khác tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào lúc 16:00 ngày 2/4/2025 (giờ Washington D.C.).
Mức thuế quan mới này gây sửng sốt cho những người tin Việt Nam sẽ hưởng lợi dưới thời Trump lên nắm quyền.
Một bất ngờ khác là Trung Quốc - "cái gai" trong mắt Trump lại chỉ chịu mức thuế suất 54%. Trong khi đó, những quốc gia Đông Nam Á khác - bên cạnh Việt Nam, vốn có mối quan hệ "bình thường" với Mỹ, lại chịu mức thuế suất cao ngất ngưởng, chẳng hạn Cambodia 49% và Lào 48%. Các quốc gia khác cũng chịu mức thuế thấp nhất từ 10% trở lên.

Ngay sau thông báo, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh: chỉ số Dow giảm 0.61%, S&P giảm 1.69% và Nasdaq Composite giảm mạnh nhất với 2.54%, theo Nasdaq. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng giảm hơn 3% sau giờ giao dịch, phản ánh lo ngại về thương chiến toàn cầu.
Thị trường tiền mã hoá cũng không nằm ngoài làn sóng bán tháo. Giá Bitcoin giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần, khoảng 82,526 USD vào ngày 2/4/2025, sau đó phục hồi nhẹ lên 83,590 USD vào ngày 3/4/2025, theo CoinGecko.

Các đồng altcoin khác như Ethereum (ETH), Solana (SOL), Dogecoin (DOGE), XRP… cũng ghi nhận mức giảm giá đáng kể. Tổng vốn hoá thị trường từ mức xấp xỉ 2.9 nghìn tỷ USD lúc 2:00 sáng ngày 3/4/2025 đã giảm xuống còn 2.7 nghìn tỷ USD vào 10:00 sáng ngày 3/4/2025 (giờ Việt Nam).
Trump tuyên bố chính sách thuế quan mới này là bước đi quyết liệt nhằm thực hiện cam kết "America First" và bảo vệ sản xuất nội địa. Tuy nhiên, phát biểu của Trump: "Đây là tuyên bố độc lập kinh tế của chúng ta. Việc làm và nhà máy sẽ quay trở lại nước Mỹ như các bạn đang chứng kiến" dường như trái ngược với tình hình ảm đạm ở thị trường truyền thống lẫn crypto.
Để đề ra mức thuế suất đối ứng cho các nước, Trump đưa ra cái gọi là nguyên tắc "có đi có lại" trong thương mại quốc tế. Động thái này nhằm đáp trả các rào cản thương mại mà Trump cáo buộc các quốc gia khác đang áp dụng, khiến Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa 1.2 nghìn tỷ USD.
Theo đó, mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 5/4/2025. Tiếp theo, từ ngày 9/4/2025, một loạt mức thuế "có đi có lại" cao hơn sẽ hiệu lực đối với hơn 60 quốc gia mà Mỹ cho là đang gây ra mất cân bằng thương mại trầm trọng.
Đọc thêm: Donald Trump: một tay nhuộm đỏ, một tay thổi xanh thị trường
Bịa số ra để tính thuế
Tuy nhiên, phương pháp tính thuế đối ứng của Trump bị gọi là "thiếu logic" và "hoàn toàn vô lý". Trump không dựa trên các phân tích về thuế suất và rào cản phi thuế quan như công bố, mà áp dụng một công thức đơn giản: lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia rồi chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó sang Mỹ.

Ví dụ, Mỹ có thâm hụt thương mại 17.9 tỷ USD với Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ là 28 tỷ USD. Lấy 17.9 : 28 = 64% và Trump tuyên bố đây là mức thuế mà Indonesia áp lên hàng hoá Mỹ. Từ đó cũng lý giải con số cao ngất ngưởng 90% mà Trump nói là Việt Nam áp lên hàng hoá Mỹ.
"Mức thuế mà các quốc gia khác được cho là đang áp lên hàng hoá Mỹ chỉ là những con số bịa đặt", James Surowiecki - nhà báo kinh tế của The New Yorker nói. "Hàn Quốc - quốc gia có hiệp định thương mại với Mỹ, không hề áp thuế 50% lên hàng hoá xuất khẩu từ Mỹ. EU cũng không áp mức thuế 39%".
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese chỉ ra rằng Mỹ đang xuất siêu sang Australia với tỷ lệ 2:1, và nếu áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” như Trump tuyên bố, mức thuế đúng ra là 0%, chứ không phải 10%. “Đây không phải hành động của một người bạn”, Albanese nói.
Cách suy nghĩ của Trump về thuế cho thấy Trump không hiểu rằng trong các mối quan hệ, đôi khi bạn có người mua lẫn người bán và cả hai đều có lợi. "Tôi không ra quán mua cơm sườn và đòi người bán phải mua lại thứ gì đó của tôi. Việt Nam bán hàng cho Mỹ, Mỹ mua hàng của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi", một người dùng X bình luận.
Nhìn rộng ra, thuế quan - bản chất là công cụ mang tính lũy thoái, sẽ tạo gánh nặng tài chính không cân xứng cho tầng lớp lao động và trung lưu thông qua việc đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao. Đây là một nghịch lý so với mục tiêu hỗ trợ các đối tượng này mà chính sách các quốc gia thường hướng đến.
Thị trường crypto nên khóc hay cười?
Các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tác động của thuế quan mới đối với thị trường tiền mã hoá. Phe lạc quan cho rằng về lâu dài, các biện pháp thuế quan có thể mang lại lợi ích cho Bitcoin nói riêng và crypto nói chung.
Zach Pandl - Trưởng phòng Nghiên cứu tại Grayscale, cho rằng chính sách thuế mới có thể làm suy yếu vai trò thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu, tạo điều kiện cho các tài sản thay thế như Bitcoin nổi lên như tài sản tiền tệ toàn cầu.
"Chính sách thuế quan mới có thể mở đường cho tiền mã hoá - đặc biệt là Bitcoin, trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như vàng", Omid Malekan - giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Columbia, có chung quan điểm.
Chính sách thuế quan mới có thể mở đường cho tiền mã hoá - đặc biệt là Bitcoin, trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như vàng
Malekan lý giải rằng khi các đối tác thương mại tìm kiếm giải pháp thay thế cho các giao dịch dựa trên đồng đô la Mỹ để tránh thuế, tài sản không chịu sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào như Bitcoin có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn.
Ở phía ngược lại, trong ngắn hạn, nhiều người dự đoán thị trường crypto sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá do tâm lý không chắc chắn và e ngại rủi ro của nhà đầu tư tăng cao.
Ngoài ra, thuế quan cao có thể tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác tiền mã hoá. Việc áp thuế lên các mặt hàng công nghệ - đặc biệt là chip ASIC có nguồn gốc từ Trung Quốc, có nguy cơ đẩy chi phí phần cứng khai thác lên cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của thợ đào, đặc biệt tại Mỹ. Điều này có thể buộc thợ đào kém hiệu quả hơn phải rời thị trường, làm gia tăng tình trạng tập trung hoá.
"Ngành công nghiệp khai thác Bitcoin phụ thuộc hoàn toàn vào chip máy tính ASIC từ Trung Quốc", Alexander Blume, CEO của Two Prime Digital Assets, nói.
"Việc tăng thuế đối với các sản phẩm này sẽ khiến chi phí sản xuất của thợ đào tăng cao và doanh nghiệp của họ ít lợi nhuận hơn. Do đó, cổ phiếu của các công ty này có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ không phải người Mỹ".

Phản ánh lo ngại này, giá cổ phiếu của các công ty khai thác tiền mã hoá lớn như Core Scientific, MARA, Riot Platforms và Hive Digital cũng đã ghi nhận sự sụt giảm.
Trong lúc đó, sau khi công bố chính sách thuế quan mới, Trump rời Vườn Hồng khi dàn nhạc đang chơi bài “God Bless America” (Cầu Chúa ban phước cho nước Mỹ).