Andre Cronje tái xuất với Sonic: "Đừng phát minh lại bánh xe"

“Chúng tôi đang phát triển blockchain Sonic với tốc độ trên 10,000 giao dịch mỗi giây và thời gian xác nhận giao dịch (finality) dưới một giây”, Andre Cronje – CTO Sonic Labs, nhấn mạnh. “Chúng tôi muốn mang đến cho nhà phát triển khả năng mở rộng vượt trội và bảo mật tốt”.
Từ kẻ hoài nghi đến "tín đồ"
Andre Cronje đến với crypto theo cách không giống ai. Ban đầu ông hoài nghi, thậm chí thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. “Tôi đã nghĩ đây hoàn toàn là lời nói dối”, ông nói.
Chính sự nghi ngờ đó thúc đẩy Andre bắt tay đánh giá mã nguồn (code review), tỉ mỉ kiểm tra tuyên bố các dự án crypto đưa ra. Ông muốn vạch trần thứ mình cho là "vớ vẩn", nhưng càng đào sâu ông càng nhận ra tiềm năng thực sự của blockchain và dần bị thuyết phục.
Triết lý của Andre xoay quanh việc kết nối tài chính truyền thống với DeFi. “Tôi từng tư vấn cho một số cơ quan chính quyền về ETF, có lúc tư vấn cho các quỹ đầu tư trong việc nắm giữ tài sản giao ngay”, ông nói. Andre cũng nghiên cứu cách ứng dụng các mô hình tài chính quen thuộc (như điểm tín dụng) vào DeFi để mở ra cơ hội cho vay thế chấp thấp và phát triển các công cụ tài chính mới.
Nếu trước đây, thị trường theo đuổi “tính phi tập trung thực sự", thì hiện tại Andre nhận thấy dự án crypto cần mô hình kinh doanh bền vững hơn. Điều này nghĩa là dự án hoạt động như doanh nghiệp thực thụ có cấu trúc pháp lý rõ ràng, tuân thủ quy định và tích luỹ giá trị để tiếp tục phát triển. Chính sự chuyển biến trong suy nghĩ này đã đưa Andre đến với Sonic.
Sonic khởi nguồn từ một dự án nội bộ trong hệ sinh thái Fantom. Ban đầu, Sonic được xem như phiên bản nâng cấp của Fantom, nhưng khi Andre Cronje tập hợp được một đội ngũ chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên sâu, dự án dần phát triển theo hướng riêng.
Thay vì tuyển lập trình viên blockchain thông thường, Andre tìm kiếm người sở hữu kiến thức sâu rộng về các mảng đặc thù như mã lệnh máy ảo (VM op codes) hay lập chỉ mục cơ sở dữ liệu (database indexing).
Mọi người tốn quá nhiều thời gian để tái phát minh bánh xe. Chúng ta nên học hỏi từ những ngành đã giải quyết vấn đề này trong hàng chục năm qua
Bằng cách mời các chuyên gia bên ngoài giới crypto, Andre muốn tận dụng tri thức sẵn có để ứng dụng vào những bài toán đặc thù của blockchain. “Mọi người tốn quá nhiều thời gian để tái phát minh bánh xe. Chúng ta nên học hỏi từ những ngành đã giải quyết vấn đề này trong hàng chục năm qua”, ông nói.
Ban đầu, Sonic tập trung tối ưu hóa khả năng xử lý giao dịch song song trên EVM, với mục tiêu tăng tốc độ thực thi. Đội ngũ thử nghiệm nhiều phương pháp để "tìm ra cách tối ưu nhất nhằm xử lý giao dịch nhanh nhất có thể".
Tuy nhiên, khi giáo sư Bernard Schulz – một chuyên gia về máy ảo, tham gia dự án, chiến lược của Sonic bắt đầu thay đổi. Sau khi Schulz và đội ngũ của ông thực hiện các phân tích hiệu suất chuyên sâu, họ nhận ra việc tối ưu hóa cơ sở dữ liệu có thể mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Chính cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đã định hình kiến trúc của Sonic.
Những điểm đột phá của Sonic
Sonic sử dụng phiên bản EVM được tối ưu, giúp đảm bảo khả năng tương thích với các hợp đồng thông minh trên Ethereum nhưng vẫn tăng tốc độ thực thi. Điều này cho phép nhà phát triển tận dụng kỹ năng Solidity sẵn có và triển khai ứng dụng dễ dàng hơn.
Thay vì sử dụng hệ thống lưu trữ truyền thống, Sonic tùy chỉnh cơ sở dữ liệu để phù hợp với việc thực thi EVM và op codes, từ đó cải thiện đáng kể tốc độ đọc, ghi và xử lý dữ liệu.
Bên cạnh công nghệ, Sonic cũng có những thay đổi mang tính chiến lược để thu hút nhà phát triển. Một trong số đó là cơ chế chia sẻ phí giao dịch – thay vì bị đốt hoặc bị blockchain thu hồi, 90% phí sẽ được hoàn trả cho các dApp tạo ra chúng. Điều này giúp các dự án trên Sonic có thêm nguồn doanh thu.
“Vừa có thể phát triển dApp, vừa nhận lại 90% tổng phí mình tạo ra – chắc chắn mọi người đều muốn điều này”, Andre nói. Michael Kong – CEO Sonic Labs, so sánh mô hình này với YouTube – nơi nhà sáng tạo nội dung được chia sẻ doanh thu từ quảng cáo.
Đặc biệt, Sonic còn hiển thị bảng xếp hạng theo chỉ số sử dụng, giúp dự án nắm được thành tích của nhau một cách trực quan hơn. “Nếu dApp của bạn đang đứng thứ 10, còn đối thủ xếp hạng 8, chắc chắn bạn sẽ muốn vươn lên”, Michael Kong nói. “Mô hình này tương tự bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store”.
Ngoài ra, Sonic Gateway là một phần quan trọng của hệ sinh thái Sonic, giúp người dùng chuyển tài sản giữa Sonic và các blockchain khác một cách nhanh chóng và an toàn. Ở giai đoạn đầu, cầu nối này sẽ tập trung kết nối với Ethereum – nơi đang nắm giữ phần lớn tài sản trong thị trường crypto.

Michael Kong nhấn mạnh rằng Sonic Gateway hoạt động theo mô hình phi tập trung, do các validator của mạng lưới kiểm soát thay vì một tổ chức tập trung. Điểm đặc biệt của Sonic Gateway là cơ chế "fail-safe", giúp giảm thiểu rủi ro khi chuyển tài sản qua các blockchain.
Hệ thống này tạo ra "witness proof" (bằng chứng xác nhận) trên blockchain gốc (như Ethereum) mỗi khi tài sản được bridge sang Sonic. Nếu có sự cố xảy ra với Sonic hoặc cầu nối, người dùng vẫn có thể dùng bằng chứng này để rút tài sản về blockchain gốc mà không bị mất mát.
So với các giải pháp như Optimistic Rollup – vốn có thời gian rút tài sản lên đến 7 ngày, Sonic Gateway có tốc độ nhanh hơn nhiều: chuyển tài sản từ Ethereum sang Sonic chỉ mất khoảng 10 phút, trong khi chiều ngược lại mất tối đa 1 giờ. Người dùng có thể chọn chế độ chuyển tiền nhanh từ Ethereum sang Sonic với mức phí 2.5 USD, giúp giao dịch được xử lý ngay lập tức.
Ý tưởng phát triển cầu nối riêng Sonic Gateway có thể xuất phát từ sự cố cầu Multichain vào năm 2023, khiến 120 triệu USD “bốc hơi” khỏi Fantom (tiền thân của Sonic) – một bài học lớn về việc phụ thuộc vào cầu nối tập trung của bên thứ ba.
Đọc thêm: Multichain bị hack, người dùng Fantom thiệt hại nặng
Nền tảng cho thế hệ dApp mới
Andre Cronje đang xây dựng nhiều sản phẩm DeFi mới cho Sonic, đáng chú ý là Protection markets và LevX. Protection markets cung cấp giải pháp bảo hiểm on-chain, cho phép người dùng tạo vault thế chấp và tối ưu hóa lợi nhuận từ tài sản nhàn rỗi. Trong khi đó, LevX là nền tảng giao dịch spot có đòn bẩy, giúp nhà giao dịch tiếp cận thị trường với tỷ lệ ký quỹ linh hoạt.

Tốc độ xử lý cao và chi phí giao dịch thấp khiến Sonic trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án game blockchain. Andre cho biết một số trò chơi vận hành hoàn toàn on-chain đã bắt đầu xuất hiện trên Sonic, bao gồm RPG Adventure, Fate Kingdom và S4.
Với độ trễ thấp và khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây, Sonic đặc biệt phù hợp với các tổ chức giao dịch chuyên nghiệp. Michael Kong tiết lộ rằng nhiều nhóm giao dịch tần suất cao đã bày tỏ quan tâm đến Sonic do lo ngại về sự thiếu ổn định của các blockchain hiện tại.
“Nhiều mạng lưới có thể bị chậm hoặc gián đoạn trong những thời điểm quan trọng, các hệ thống giao dịch tần suất cao (HFT) không thể chấp nhận điều này”, ông nói.