Axie thay đổi Tokenomics - Kết thúc báo trước của Play-to-EARN Games?
Giới thiệu Axie Infinity
Axie Infinity do CEO người Việt - Nguyễn Thành Trung phát triển. Trò chơi trên nền tảng Blockchain (NFT Gaming) được xây dựng trên Ronin Network.
Trong Axie Infinity, người chơi sẽ thu thập và nuôi dưỡng những sinh vật tưởng tượng có tên Axie. Tương tự như khi chơi Pokémon GO, anh em có thể làm nhiệm vụ để nhận thưởng, lập đội chiến đấu, mua & bán các Axie với các người chơi khác,...
Axie được phát triển từ năm 2018, và dần dần, dự án đang dẫn đầu khi mở ra 1 xu thế mới Play to Earn, thu hút hàng trăm nghìn người chơi trên toàn thế giới.
Tại sao chúng ta lại nên quan tâm Axie Infinity?
Là người đầu tiên phát triển mô hình game Play-to-Earn trên blockchain và đạt được thành công rất lớn, Axie Infinity như cây đại thụ, là tiêu chuẩn cho các game khác phát triển và cải tiến theo.
Rất nhiều cơ chế hay ho trong trò chơi của Axie Infinity đã được sao chép qua các game khác, ví dụ như tính năng chiến đấu, các chế độ PVE, PVP, nhiệm vụ hàng ngày (daily quest), mô hình 2 token AXS (token đầu tư) - SLP (token thưởng), tính năng guild, scholarship,...
Anh em quan tâm đến thị trường GameFi, ít nhiều chắc chắn cũng đã gặp những tính năng/ cơ chế trên ở những trò chơi P2E được phát triển ở giai đoạn sau này như My DeFi Pet, Star Atlas, HappyLand, Thetan Arena, Cyball,...
Do đó, có thể thấy tác động của Axie Infinity là rất lớn, các tính năng game, roadmap, hướng phát triển của Axie gần như là tiêu chuẩn cho các game khác phát triển theo, bởi họ đã có quá nhiều kinh nghiệm trong ngành này (phát triển từ năm 2018), thậm chí họ cũng đã trải qua giai đoạn downtrend 2018-2020.
→ Việc theo dõi những thay đổi của Axie sẽ giúp anh em có thể nắm trước những thay đổi rất có thể sẽ đến với thị trường GameFi sắp tới.
Tham khảo thêm: Top 5 dự án NFT Game Play To Earn nổi bật
Thực trạng GameFi hiện nay
Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu các dự án GameFi hiện đang hoạt động như thế nào.
Rất nhiều dự án GameFi đang theo mô hình dual-token của Axie Infinity:
- Governance token (AXS, POLIS, THG,...): Token dành cho các nhà đầu tư, không tham gia quá nhiều vào trò chơi Axie Infinity, nhưng capture value 1 phần từ sự phát triển trong trò chơi, có nguồn cung giới hạn.
- Rewards token (SLP, ATLAS, THC,...): Token dành cho nhóm người chơi P2E (player), tham gia sâu sắc vào nền kinh tế trong trò chơi (mua thú cưng, mua vật phẩm, phí nâng cấp,...) và được thưởng cho người chơi trong game, có nguồn cung vô hạn.
Việc phát triển 2 token với 2 nền kinh tế riêng biệt giúp các dự án GameFi hạn chế được mâu thuẫn lợi ích giữa 2 nhóm nhà đầu tư và người (người muốn mua giữ, người muốn bán).
Tuy nhiên, dù sao SLP và AXS vẫn cùng nằm trong 1 dự án, nên vẫn có sự tương tác giữa 2 token này, anh em có thể xem qua hình ảnh dưới đây.
Tìm hiểu thêm: Phân tích mô hình hoạt động của Axie Infinity
Thực tế, mô hình này hoạt động khá hiệu quả trong Uptrend, lấy ví dụ từ Axie Infinity: Khi thị trường tăng, người chơi tăng mạnh, nhu cầu mua AXS và SLP cao, đẩy giá AXS và SLP. Khi lượng người chơi đủ nhiều và bão hòa, số lượng token reward SLP được mint liên tục, giá giảm, tuy nhiên không ảnh hưởng gì nhiều đến AXS, AXS thậm chí còn tăng trưởng tiếp lên mức $180.
Tuy nhiên, trong downtrend, mọi thứ rất khốc liệt, AXS token chia 3 từ đỉnh (cũng gần tương tự như token khác), nhưng SLP giảm tới 30 lần từ đỉnh, đối với những người chơi P2E, đặc biệt là các scholars (người chơi thuê và nhận 1 phần lợi nhuận) đây là 1 điều rất đáng buồn.
Vào thời điểm trước khi Axie Infinity cập nhật bản mới nhất, một ngày 1 người chơi Axie có thể kiếm được trung bình từ 75 - 200 SLP, đây mức giá trong tháng 1/2021 vào khoảng $0.012/ SLP, thì số tiền người chơi kiếm được vào khoảng $0.9 - $2.4/ngày, quá ít ỏi. So với thời hoàng kim của trò chơi, họ có thể kiếm $20 - $30/ngày, thậm chí là $50 và có mức thu nhập hàng tháng khoảng $600-$900.
Không như các nhà đầu tư, những người chơi game luôn muốn bán SLP kiếm được bởi họ cần tiền để trang trải cuộc sống, chơi game P2E như là 1 công việc hơn là để giải trí và đầu tư, do đó, hàng ngày, 200M - 400M SLP được mint ra và tạo áp lực bán trên thị trường, SLP được burn không đủ nhiều, chỉ khoảng 40M- 60M, vậy nên giá giảm mạnh là điều dễ hiểu.
Đây không chỉ là tình trạng của Axie Infinity mà còn là tình trạng cung của các dự án P2E sử dụng mô hình dual token, mô hình lạm phát rewards token cao giúp người chơi P2E kiếm được lợi nhuận không phải là cách tốt ưu nhất về dài hạn, đặc biệt trong downtrend, nếu tình hình này vẫn tiếp tục, người chơi không chịu được áp lực kinh tế và sẽ rời bỏ trò chơi, khi đó Governance token chắc chắn cũng bị ảnh hưởng.
⇒ Cần có 1 sự thay đổi để cải thiện tình hình này, mục tiêu của sự thay đổi nên là:
- Phân bổ lợi ích hợp lí giữa các nhóm đối tượng.
- Giảm sự lạm phát reward token.
- Hướng đến sự phát triển bền vững của trò chơi.
Những thay đổi lớn trong bản cập nhật mới nhất của Axie?
Axie Infinity đã có 2 bản cập nhật lớn gần đây và đều có những tác động lớn đến trò chơi, đó là bản cập nhật Season 20 và Origin.
Nếu anh em là người chơi những những tựa game RPG (tựa game nhập vai) thì chắc cũng đã quen với các bản cập nhật, các bản cập nhật giúp trò chơi trở nên mới lạ, hay còn gọi là thay đổi “meta game”, điều này giúp người có những trải nghiệm mới, thay đổi lối chơi để phù hợp với meta.
Bản cập nhật Season 20
Bản cập nhật Season 20 tác động rất lớn đến người chơi trong Axie Infinity, cụ thể có những cập nhật chính như sau:
- Ngừng phần thưởng SLP trong chế độ chơi với máy PVE.
- Ngừng phần thưởng SLP trong nhiệm vụ hàng ngày.
- Cấu trúc phần thưởng bảng xếp hạng Arena sẽ có thay đổi lớn (phần thưởng SLP sẽ ít hơn và phần thưởng AXS sẽ tăng rất nhiều).
- Người chơi hay sẽ kiếm được nhiều phần thưởng hơn, nhiều chơi kém sẽ kiếm được ít hơn.
- Làm lại cơ chế năng lượng trong trò chơi, giúp người chơi dễ kiếm năng lượng hơn và tăng nhu cầu mua các Axie yếu.
- Những người chơi có điểm MMR < 800 sẽ được +1 SLP/ 1 trận thắng, điều này giúp những người chơi có kĩ năng thấp có động lực để chơi game hơn.
MMR là điểm đo kĩ năng của bạn trong game, điểm MMR càng cao chơi game thắng bạn sẽ nhận được nhiều SLP, đồng thời cuối mùa giải người chơi cũng sẽ nhận càng nhiều phần thưởng.
Khoan bàn tác động của bản cập nhật này đến các game thủ như thế nào, hãy xem kỹ các số liệu và xem lí do tại sao Axie lại làm như vậy.
Có thể thấy, bản cập nhật này có 1 sự tác động rất lớn đến trò chơi, điểm nổi bật đó là hạn chế tối đa sự lạm phát của SLP bằng việc ngưng phần thưởng SLP từ 2 cơ chế PVE và daily quest, điều này chắc chắn sẽ giảm lượng SLP được mint ra thị trường.
Theo thống kê trong tháng 11 của Axie Infinity, trung bình mỗi ngày có hơn 288 Triệu SLP token được mint ra mỗi ngày, trong đó: 16% lạm phát SLP đến từ Daily Quest, 40% đến từ PvE, 44% đến từ PvP.
Theo cập nhất mới nhất, thì có đến 56% SLP được mint ra mỗi ngày sẽ mất đi, đây là 1 con số khá lớn, và sẽ chỉ còn khoảng 126 triệu SLP được mint ra mỗi ngày.
Có nhiều lí do để Axie thực hiện việc giảm phát SLP này, đầu tiên là về phần thưởng trong PvE, anh em có thể thấy, phần thưởng PvE gần tương đương với phần thưởng trong PvP, điều này đã đi xa ra định hướng ban đầu của game Axie Infinity:
- Phần thưởng phải được dùng để khuyến khích các hoạt động trong game phát triển hơn.
- Để có được phần thưởng, người chơi phải có kỹ năng, và dùng kỹ năng để đạt được thay vì đạt được nó một cách quá dễ dàng.
Chỉ như vậy, Axie Infinity mới tạo ra một môi trường game đúng nghĩa và phát triển bền vững.
Phần thưởng cho chế độ PvE mục đích ban đầu là để người chơi làm quen với trò chơi, tuy nhiên điều này đã diễn ra lâu hơn dự kiến, và tạo ra 1 thói quen không tốt cho người chơi mới -> Họ chỉ tập trung chơi các chế độ dễ PvE và daily quest để kiếm tiền, và chơi nhiều account dễ cùng lúc, thay vì tập trung chơi tốt.
Về Daily Quest, mục đích là để khuyến khích người chơi có thói quen chơi mỗi ngày, tuy nhiên Daily Quest gây ra lạm phát cũng rất lớn, hơn 45 M SLP mỗi ngày, bằng với số lượng SLP được burn từ hoạt động Breeding, do đó, việc lạm phát này cũng không ổn định.
Việc loại bỏ 2 cơ chế thưởng thu hút người chơi nhất trong game chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng người chơi Axie, dự án gọi đây là “viên thuốc đắng” nhưng họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ rủi ro nào.
Bản cập nhật Origin
Bản cập nhật Season 20 tập trung vào token economy, thì bản cập nhật Origin là tập trung vào game, với những thay đổi về đồ họa, hiệu ứng trong game, cốt truyện,... đem lại nhiều trải nghiệm mới cho người chơi.
Rất nhiều thay đổi về cơ chế chiến đấu trong game, anh em có thể đọc thêm tại đây.
Trong đó, có 2 cơ chế nổi bật nhất:
Đầu tiên, Axie Infinity sẽ có các mức rank xếp hạng tương tự đồng, bạc, vàng, kim cương,... như trong các game Liên minh hay Liên Quân thay vì xếp hạng theo số thứ tự từ 1-999 như trước: Bảng xếp hạng rank chắc chắn sẽ giúp game thú vị hơn khi người chơi có 1 mốc để phấn đấu và đạt được.
Thứ hai, Axie Infinity ra mắt các Axie Starter miễn phí, hay còn gọi là ra bản Free-to-Play, để người chơi mới tiết kiệm chi phí trải nghiệm trò chơi, các Axie Starter được phép tham gia mọi chế độ, kể cả PvP, tuy nhiên người chơi sẽ không được nhận thưởng.
Tóm lại
Sứ mệnh của Axie Infinity là tạo ra 1 trò chơi hấp dẫn, vui vẻ, đồng thời có các phần thưởng có người chơi trong game. Để đảm bảo sứ mệnh đó, Axie đã có 1 số thay đổi chính như sau:
- Giảm lượng lạm phát SLP trong game, loại·bỏ phần thưởng SLP trong PvE và daily quest, hướng người chơi tập trung vào chế độ PvP.
- Một vài cơ chế giảm phát SLP cũng sẽ có trong thời gian tới.
- Tăng phần thưởng AXS trong game, vì cho rằng cộng đồng game thủ xứng đáng nhận nhiều AXS hơn.
- Thay đổi cơ chế thưởng tựu chung sẽ là: người chơi có kĩ năng cao sẽ được nhiều phần thưởng hơn, người chơi có kĩ năng thấp sẽ rất khó kiếm và kiếm được rất ít SLP.
- Phát triển đồ họa game cho game hấp dẫn hơn, lập bảng xếp hạng theo các mức rank để nâng tính cạnh tranh.
- Người chơi mới bây giờ sẽ có ít rào cản gia nhập game, vốn bỏ ra ít, ngoài ra còn nhận được các Axie Starter miễn phí để trải nghiệm game.
Thế nào là 1 game tốt?
Với những thay đổi trên của Axie, có thể thấy Axie Infinity đang hướng tới trở thành 1 Game thực thụ như thị trường truyền thống.
Trước giờ Axie Infinity vẫn là game, nhưng lần này có gì khác? Định nghĩa về Axie Infinity trước giờ là 1 Play-to-Earn game, nhưng có thể thấy phần Earn đang dần biến mất, thay vào đó họ tập trung vào mục “Play” nhiều hơn, rõ ràng nhất là việc Axie đang dần học theo các game truyền thống: Đồ họa đẹp, có bảng xếp hạng theo các mức rank, tăng phần thưởng các giải đấu,...
Game Play-to-Earn trước giờ vẫn hay được gọi vui là Pay-to-Earn, khi người chơi phải bỏ ra 1 số tiền lớn để tham gia vào trò chơi, khi Axie bỏ dần phần “Earn”, họ cũng hạ thấp phần “Pay” lại, giá của mỗi Axie bây giờ chỉ khoảng $100u, ngoài ra, người chơi mới vào còn được nhận các Axie Starter miễn phí, rào cản vào game đã thấp đi rất nhiều.
Hướng đi bây giờ của Axie Infinity rất rõ ràng, Axie đã chọn từ “Play” trong “Play-to-Earn”, còn từ “Game” trong “GameFi”, hiện tại vẫn chưa bỏ hẳn nhưng Axie đang dần đi xa 2 chữ Earn và Finance.
Vậy hướng đi của Axie Infinity liệu có đúng?
Earn và Finance rõ ràng luôn là những thứ hấp dẫn con người, chúng ta làm mọi thứ vì 2 chữ đó, có thể nói các Game Blockchain sẽ không thể phát triển nhiều và rộng khắp như hiện nay nếu như không có phần “Earn”.
Tuy nhiên, ở 1 góc độ nào đó, có thể thấy mục Earn trong Play-to-Earn giống như Liquidity Mining trong DeFi vậy.
Có thể thấy Liquidity Mining và Earn trong P2E đang làm được 2 ý đầu về mục đích của dự án: Thu hút 1 lượng lớn người chơi và khuyến khích họ sử dụng sản phẩm ban đầu.
Còn việc tạo được thói quen và tìm kiếm người dùng thực sự, 2021 đã chứng minh Liquidity Mining không phải là 1 cách hiệu quả, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng, khiến dự án không vực dậy được. Cũng giống như các chương trình khuyến mãi vậy, thứ giữ chân anh em tiếp tục sử dụng là Chất lượng nội tại của sản phẩm.
Về Game, Chất lượng nội tại của 1 sản phẩm game là đồ họa, nội dung trò chơi, các tính năng độc đáo, cộng đồng game thủ,... đây mới thực sự là những thứ giúp Game phát triển bền vững về lâu dài.
Vậy Axie Infinity đã là 1 game tốt hay chưa?
Việc Axie Infinity quyết định giảm phần thưởng (cắt chương trình khuyến mãi), cho thấy Axie Infinity đã tự tin về độ hay và hấp dẫn trong game của mình.
Có những cập nhật mới, những hướng đi mới giúp game thủ hứng thú với trò chơi hơn.
Nhưng như vậy liệu đã đủ?
Trước giờ Axie Infinity vì có phần Earn đã né được sự cạnh tranh với các Game truyền thống, các Game Blockchain phần lớn cạnh tranh với nhau ở mục Earn. Khi bỏ phần Earn đi, Axie Infinity rõ ràng sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và cạnh tranh trực tiếp về “sản phẩm Game” với các công ty Game truyền thống.
Nếu anh em là 1 game thủ, anh em sẽ chọn bên nào?
Cá nhân mình là 1 người cũng thích chơi game, và mình nghĩ rằng Axie Infinity chưa đủ hấp dẫn mình. Sau cùng, Sky Mavis là công ty vừa là game, vừa làm cơ sở hạ tầng blockchain, họ không thể so sánh với những công ty Game hàng chục năm kinh nghiệm trên thị trường như Nintendo, Ubisoft, Epic Games,...
Nhưng Axie Infinity cũng có rất nhiều điểm mạnh khác
- Axie là Game Blockchain thuộc hàng TOP hiện nay.
- Axie có kinh nghiệm trong việc phát triển game Blockchain.
- Cơ sở hạ tầng của game Axie là tốt nhất hiện nay.
- Axie có cộng đồng game thủ lớn hàng đầu.
- Axie có nhiều đối tác là các Guild lớn trên thị trường.
- Axie có tiềm lực tài chính mạnh.
- Các giải đấu trên Af xie vẫn đang có giải thưởng cao.
Vậy Axie cần làm gì để phát triển và cạnh tranh với Game truyền thống?
Game được phát triển trên Blockchain vẫn có những lợi thế nhất định so với game truyền thống, lợi thế lợi nhất là những Game blockchain có tính tương tác với nhau, vật phẩm trong game là các tài sản thực - các NFT, token, có thể đem mua bán trao đổi dễ dàng, tham gia cung cấp thanh khoản, cho vay,... đồng thời NFT cũng có thể sử dụng trong nhiều nền tảng khác nhau -> Game Metaverse thực sự.
Điều này sẽ rất khó xảy ra với game truyền thống, bởi việc chia sẻ dữ liệu giữa 2 công ty game là rất khó.
Vậy nên cái Axie Infinity cần là 1 bên tư vấn chiến lược để phát triển game, 1 bên thuần về game và hiểu rõ về thị trường này, có thể là 1 trong các công ty hàng đầu hiện nay trên thị trường.
Game + Blockchain là một hình thức mới, đem lại nhiều trải nghiệm game mới lạ cho người chơi. Với tiềm lực của mình, Axie Infinity chắc chắn sẽ làm được.
Play-to-Earn sẽ kết thúc? Thay vào đó là Skill-to-Earn?
Bây giờ chúng ta bàn 1 chút về tác động của sự kiện này đến thị trường Game.
Axie Infinity trước giờ luôn là đầu tàu và là tiêu chuẩn cho các Game phát triển, Axie đã chọn phát triển Game và bỏ dần mục Earn, liệu các Game khác cũng sẽ như vậy? Liệu Play-to-Earn sẽ kết thúc?
Ở bảng so sánh trên, anh em có thể thấy Play-to-Earn giống Liquidity Mining, nhưng có 1 điểm khác, người chơi phải bỏ ra công sức nhiều để làm quen và chơi trò chơi, nói cách khác, việc chơi game yêu cầu phải có kiến thức nếu anh em đổi từ game này sang game khác và cần có thời gian làm quen, không giống như Liquidity Mining, anh em có thể nhanh chóng Farm từ bên này sang bên khác, và chỉ yêu cầu 1 lượng kiến thức cơ bản.
Dưới đây là hình ảnh về thời gian chơi game để đạt level 98 - ở mức có kĩ năng của trò chơi Slayer, người chơi cần phải bỏ ra tổng cộng hơn 300 giờ chơi.
Rào cản ban đầu để người dùng chơi game là lớn hơn, do đó phần Earn trong Play-to-Earn cũng quan trọng hơn, ít nhất, nó phải được kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định để người chơi làm quen với game. Vậy nên, mình cho rằng Play-to-Earn sẽ không kết thúc nhanh như các chương trình Liquidity Mining, ít nhất phải kéo dài vài tháng hoặc hết trong năm 2022 này.
Hơn nữa, ngoài Axie Infinity, rất ít game có thể tự tin nói rằng mình là Game tốt, khi bỏ phần Earn vẫn có người chơi, một số game khá tốt hiện nay có thể kể đến như Star Atlas, Sandbox,... nhưng số đó là rất ít. Vì vậy, phần Earn vẫn sẽ đóng 1 vai trò quan trọng giúp giữ người chơi trong giai đoạn các game vẫn còn đang phát triển.
Dù sao, Game Blockchain chỉ mới phát triển gần đây và bùng nổ vào 2021, vẫn còn quá sớm để nói các Game có thể cạnh tranh với các công ty Game với hàng chục năm kinh nghiệm làm game.
Phát triển hoàn toàn về Game cũng không phải là hướng đi duy nhất để các dự án P2E có thể tiếp tục phát triển. Nhìn sang thị trường DeFi, thay vì bỏ chương trình Liquidity Mining, nhiều dự án đã thay đổi cơ chế Thưởng/ Incentives cho người dùng, ví dụ khóa phần thưởng trong vòng 6 tháng - 1 năm (như xSUSHI, yPRT,...) hay yêu cầu người dùng phải trung thành với dự án (như veCRV- model rất thịnh hành hiện nay).
Các dự án Game có thể thay đổi cách Earn như vậy để tiếp tục phát triển và tránh được lạm phát cao, đồng thời cũng chọn lọc được những người chơi trung thành hơn.
Vai trò của các Guild Game trong tương lai?
Một vấn đề nữa mình muốn đề cập, bởi nó cũng chịu ảnh hưởng từ đợt thay đổi Tokenomic của Axie Infinity, đó là các các Guild Games.
Thời gian trước, rào cản để các game thủ tham gia vào thị trường P2E rất khó khăn, họ phải bỏ ra 1 số tiền rất lớn mới có thể chơi được, đó là lí do vai trò của các Guild rất lớn:
- Guild cung cấp vốn ban đầu cho người chơi.
- Guild là nơi giúp các nhà đầu tư lớn đầu tư vào game mà không cần phải chơi game.
- Guild đem tới 1 lượng lớn người chơi cho các Game.
- Guild hướng dẫn người chơi mới cách chơi game.
- Guild phát triển cộng đồng game mạnh và gắn kết hơn.
Axie luôn là game có nhận được lượng Scholarship từ các Guild vì độ phổ biến cũng như lợi nhuận của Axie cũng ở mức cao, thanh khoản cao.
Nhưng từ nay, Axie lại tập trung vào chất lượng người chơi thay vì số lượng người chơi như ngày xưa, điều đó đòi hỏi các Guild cũng phải thay đổi theo để phù hợp với Game.
Trong 5 vai trò quan trọng của Guild ở trên, 3 vai trò đầu liên quan đến đầu tư sẽ mất dần đi ý nghĩa (tất nhiên sẽ không mất hẳn), Guild trong tương lai sẽ tập trung vào các hướng dẫn người chơi, và huấn luyện người chơi trở thành người chơi tốt, đầu tư cho người chơi những vật phẩm tốt trong game, khi đó người chơi mới kiếm được nhiều tiền cho Guild.
Điều này làm mình liên tưởng đến các tổ chức Game nổi tiếng như Team Liquid, OG, Fnatic, Team Secret,... họ thành lập các đội tuyển gồm những tuyển thủ thuộc hàng TOP trong game để tham gia đi đấu các giải lớn với phần thưởng lớn. Ngoài ra, họ cũng đầu tư cùng lúc nhiều Game thay vì tập trung vào 1 Game.
Guild Games trong tương lai rất có thể sẽ đi theo hướng này, trở thành 1 tổ chức Esport, ngoài ra Guild Games vẫn có thể cung cấp các scholarship cho các game khác ngoài Axie khi mà phần Pay-to-Earn vẫn còn khá cao, và vẫn sẽ là một cộng đồng cho các game thủ.
Đây là hướng phát triển song song, theo số lượng và cả theo chất lượng, do đó yêu cầu các Guild Games phải có cấu trúc DAO rõ ràng để có hoạt động tốt.
Nhận xét và kết luận
Trên đây là toàn bộ phân tích của mình về lần thay đổi Tokenomics của Axie Infinity, còn anh em, anh em nghĩ sao về sự thay đổi lần này?
TLDR:
- GameFi là một trong những xu hướng rất phổ biến trong 2021, tuy nhiên, sự phát triển nào cũng cần có điều chỉnh, và cần thay đổi để bứt phá, Axie Infinity, một lần nữa, là dự án tiên phong thực hiện điều này.
- Bản cập nhật mới nhất tập trung vào việc giảm phần thưởng SLP (-56%) và tăng phần thưởng AXS, hướng người chơi đến chế độ PvP để tăng kĩ năng.
- Bản cập nhật cũng có thay đổi lớn về đồ họa, hiệu ứng,... giúp tăng trải nghiệm game. Axie Infinity đã quyết tâm trở thành 1 game thực thụ - cạnh tranh với các game truyền thống.
- Play-to-Earn tương tự như Liquidity Mining trong DeFi nhưng sẽ kéo dài lâu hơn, các dự án P2E có thể học tập DeFi để thay đổi cách Earn bền vững hơn.
- Nếu các Game thay đổi, vai trò của Game Guild cũng sẽ thay đổi theo để phù hợp với các Game.