SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Binance "giải cứu" FTX: Toàn cảnh drama Binance, FTX, Alameda (Phần 2)

Cùng Coin98 Insights cập nhật và phân tích những diễn biến mới nhất trong vụ “lùm xùm” xung quanh FTX, Alameda và Binance với bài viết này.
Avatar
ducdinh
Published Nov 09 2022
Updated May 18 2023
17 min read
thumbnail

Sau bài viết toàn cảnh drama giữa Alemda, FTX và Binance, các sự kiện quanh vụ việc này được đẩy lên một mức độ mới, với việc Bankman-Fried (SBF) "cầu cứu" CZ. Trong một thời gian ngắn, cả thị trường crypto đã chứng kiến một sự biến động vô cùng lớn. Đâu sẽ là hồi kết của sự kiện này?

Key Insights:

  • Mặc dù SBF và Caroline ra sức làm dịu thị trường, tình hình vẫn không mấy khả quan. Tiêu biểu là việc FTT thủng mốc hỗ trợ 22 USD - giá mà Caroline từng thông báo là sẽ mua toàn bộ FTT của Binance thông qua OTC.
  • Tình hình rút tiền của FTX vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu và cuối cùng rủi ro “bank run” đã diễn ra, FTX phải thông báo ngừng rút tiền.
  • Sự kiện đã gây tác động dây chuyền lên cả thị trường khi BTC, ETH, FTT cùng rất nhiều token liên quan đã có sự biến động lớn trong thời gian ngắn.
  • SBF buộc phải nhờ đến sự can thiệp từ CZ (mua lại toàn bộ FTX), thương vụ này đang được xúc tiến.
  • Tuy vậy các rủi ro vẫn tồn tại khi có khả năng M&A sẽ không được hoàn tất.
  • Đây là sự kiện lớn khiến chính phủ Mỹ có nhiều khả năng phải can thiệp vào.
binance giải cứu ftx
Dòng thời gian của toàn bộ “drama" giữa CZ và Sam (cập nhật đến ngày 9/11)

Sàn FTX ngừng hoạt động rút tiền

Mặc dù trước đó SBF cùng Caroline - CEO của Alameda đã tweet trấn an thị trường rằng họ đã sắp xếp ổn thoả các giao dịch nhưng tình hình vẫn ngày một tệ đi.

Thông tin này chưa đủ để thuyết phục thị trường rằng FTX vẫn ổn. Chỉ trong vòng 72 giờ có tổng cộng hơn 6 tỷ USD lượng tài sản bị rút ròng khỏi sàn giao dịch.

Tình hình ngày càng tệ thêm khi giá của FTT xuống khỏi mốc 22 USD. Đây là mốc mà Alameda đã thông báo rằng họ sẽ mua lại số lượng FTT từ CZ thông qua hình thức OTC để củng cố niềm tin về thanh khoản của FTX.

FTT còn được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay nợ, do đó thị trường giả định rằng việc FTT giảm giá sẽ gây tác động dây chuyền.

Theo tài khoản @HsakaTrades, một KOL lớn của thị trường crypto, đã có tới 140 triệu USD được market maker sử dụng để "đặt tường" phòng thủ FTT tại mức giá 14 USD, nhưng số tiền này vẫn là chưa đủ.

Giá FTT tiếp tục lao dốc và tình trạng hoảng loạn thực sự đã xảy ra. Khi thông tin dừng rút tiền của FTX chưa chính thức được công bố, một số KOL đã đưa tin rằng họ không thể rút tiền trên sàn giao dịch này.

Và cuối cùng, toàn bộ nghi vấn về thanh khoản của FTX đã được sáng tỏ sau khi họ đưa ra thông báo ngừng hoạt động rút tiền.

ftx ngừng rút tiền
FTX tạm ngừng hoạt động rút tiền. Nguồn: Coindesk

Đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề này?

Với các sàn giao dịch chứng khoán nằm dưới sự điều chỉnh của luật pháp, trong trường hợp sàn bị phá sản, số lượng tài sản trong tài khoản của người dùng vẫn sẽ không bị ảnh hưởng. Nói cách khác, sàn giao dịch chứng khoán có chức năng môi giới và lưu ký nên không thể có rủi ro “bank run”.

Về phần FTX, tuy có mô hình hoạt động như một đơn vị môi giới (giống với sàn chứng khoán) nhưng khi người dùng rút tiền, hiện tượng “bank run” lại diễn ra. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thông tin chính thức chưa được đưa ra, nhưng khả năng cao nguyên nhân bắt nguồn từ:

  • Khả năng FTX cho Alameda vay (do SBF sở hữu cổ phần lớn ở cả hai tổ chức này) và các tài sản thế chấp có chất lượng thanh khoản kém dẫn tới rủi ro nợ xấu.
  • Tiền của người dùng trên sàn giao dịch được đem cho vay nên khi họ rút ồ ạt, sàn không đủ tiền dự trữ để trả.
  • Và rất nhiều nguyên nhân khác bắt nguồn từ sự không minh bạch cùng các mối quan hệ phức tạp xung quanh SBF và hệ sinh thái của FTX.

Rất nhiều dự án bị ảnh hưởng

Sự mất ổn định của Alameda và FTX trước tiên đã tạo ra áp lực bán với token FTT, do FTT được sử dụng làm thế chấp và việc SBF sở hữu hệ sinh thái khổng lồ. Chính vì thế, việc Alameda và FTX mất thanh khoản đã kích hoạt tác động dây chuyền lên toàn bộ thị trường.

Dự án Swim Protocol (thuộc hệ sinh thái Solana) đã thông báo dừng hoạt động. Mặc dù không công bố rõ nguyên nhân nhưng rất có thể họ đã bị quỹ Alameda Research tác động. Quỹ Alameda có sức ảnh hưởng lớn và cung cấp thanh khoản cho nhiều dự án trong hệ.

Trong bối cảnh FTX thiếu hụt thanh khoản, Alameda đã phải rút thanh khoản từ nhiều nơi khác nhau để về hỗ trợ cho FTX, không chỉ ở các dApp mà còn ở các sàn như Kucoin.

MIM - stablecoin cho phép mint dựa trên cơ sở thế chấp FTT cũng chịu tình trạng depeg, vì cộng đồng lo ngại tài sản thế chấp sẽ giảm giá trị và khó thanh lý trong bối cảnh hiện tại.

Một ví dụ khác cho tác động dây chuyền này là việc một “cá voi” lớn trên Solana đang gặp rủi ro bị thanh lý vị thế nợ SOL lên đến hơn 50 triệu USD. Áp lực bán trong khi thanh khoản mỏng. Chưa kể sẽ có thêm một lượng lớn SOL được unstake vào ngày mai (10/11).

Do Alameda đã "nhúng tay" vào rất nhiều dự án crypto (208 dự án theo thống kê từ Cryptorank) nên việc họ gặp khó khăn về thanh khoản có tác động trực tiếp đến các dự án khác. 

Nguồn: cryptorank

Cộng đồng BitDAO đã dậy sóng vì lo sợ Alameda sẽ bán BIT để cứu “đứa con” FTT. Họ đã yêu cầu Alameda chứng minh việc quỹ vẫn còn nắm giữ BIT, nếu không họ cũng sẽ thanh lý tất cả FTT trong quỹ của BitDAO. May mắn là CEO của Alameda đã chứng minh được rằng họ chưa bán BIT nên viễn cảnh trên đã không xảy ra.

Binance "giải cứu" FTX

Trước áp lực quá lớn và cũng để đảm bảo tính ổn định của thị trường, ngày hôm qua dường như SBF đã cố gắng liên lạc với rất nhiều bên để "cầu cứu" và cuối cùng "đau đớn" đưa ra thông báo nhờ Binance can thiệp.

Cụ thể, CZ cũng đã tweet xác nhận rằng Binance đang làm việc để định giá và mua lại toàn bộ sàn giao dịch FTX. Tuy nhiên, thương vụ này sẽ không liên quan đến FTX US và Alameda. Hiện tại, LOI (Letter of Intent) cũng mới đang ở dạng kế hoạch, chưa được chính thức ký kết nên CZ cũng thông báo rằng thương vụ này có thể bị huỷ bỏ bất cứ lúc nào.

Việc mua lại này đảm bảo người dùng có thể rút tài sản của mình và giúp ổn định thị trường crypto. Tuy nhiên, thương vụ cũng sẽ khiến Binance chịu các gánh nặng tài chính mà FTX đã tạo ra như:

  • Các khoản tiền của người dùng bị kẹt lại trên FTX.
  • Các khoản "nợ xấu" (có thể có) mà FTX cho Alameda vay thế chấp bằng các tài sản có chất lượng thanh khoản thấp.
  • Và còn rất nhiều thứ trong "bóng tối" về mối quan hệ phức tạp của SBF với nhiều tổ chức khác chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, nếu thương vụ này thành công, Binance sẽ có cơ hội nhận được nhiều lợi ích như:

  • Lượng người dùng hoạt động tích cực, khả năng tiếp cận các đối tác và tệp khách hàng mới.
  • Cơ sở hạ tầng của FTX.
  • Sở hữu các công ty mà FTX đã mua trước đó như Blockfolio, LedgerX, Liquid...
Các thương vụ mua lại và sáp nhập của FTX

Việc CZ mua lại FTX cũng khiến thị trường đặt ra câu hỏi về sự "độc tôn" của Binance trong tương lai, vì một trong những đối thủ lớn nhất của họ đã "ngã ngựa".

Việc FTX "đầu hàng" Binance cũng cho thấy rằng SBF đã sử dụng hết các nguồn lực nhưng không thể cứu sàn giao dịch của mình. Nếu Binance thành công mua lại FTX, FTT sẽ trở nên vô giá trị vì Binance đã có BNB, điều này dẫn đến việc giá FTT rớt thảm xuống vùng 4 USD .

Trong bất kỳ thị trường nào, việc một cá nhân/tổ chức chiếm thế độc quyền đều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của toàn bộ thị trường đó, ở đây là crypto.

Sau này, các thế lực centralized (tập trung) khác nếu muốn vượt mặt Binance thì đây dường như sẽ là điều không thể, vì ở thời điểm hiện tại vũ trụ của Binance đã quá lớn, chưa kể họ còn liên kết với nhiều quỹ "top" đầu có tài chính mạnh nhất thị trường.

Chính vì thế, để có thể chiến thắng Binance và phá bỏ thế độc tôn của họ, con đường duy nhất là hướng về giá trị của tầm nhìn phi tập trung, bao gồm việc phát triển các sản phẩm tài chính phi tập trung, mạng xã hội phi tập trung, quỹ đầu tư phi tập trung...

Có như vậy các dự án mới có thể thu hút người dùng bằng giá trị mà họ mang lại, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng trong thị trường crypto bên cạnh các “ông lớn” như Binance.

Quá trình Due Diligence còn nhiều rủi ro

Due Diligence chưa hoàn tất

Như đã đề cập ở trên, hiện mới chỉ có các thông báo về việc sẽ triển khai thương vụ này, còn M&A vẫn chưa hoàn tất, do đó nhiều rủi ro liên quan vẫn còn tồn tại.

CZ cũng khẳng định Binance có quyền rút khỏi thoả thuận bất cứ lúc nào:

Dưới đây là những rủi ro tiềm tàng:

  • Đã có những nghi vấn được đưa ra về việc "chiếc hố" của FTX còn sâu hơn những gì chúng ta tưởng tượng khi Binance đi sâu vào xem xét các giấy tờ để thực hiện thương vụ.
  • Đây có thể là cơ sở để CZ huỷ bỏ việc mua lại FTX.
  • Ngoài ra, còn có những tin đồn xung quanh Alameda như việc họ vẫn còn đang nắm giữ rất nhiều token khác nhau, điều này đặt ra rủi ro họ sẽ “bán tháo” chúng để bổ sung thanh khoản (danh sách các ví của Alameda được cộng đồng tìm ra).

Các token khác mà chúng ta cần theo dõi sát trong sự kiện này (theo tài khoản @lookonchain)

Quan trọng nhất, nếu thương vụ không được xúc tiến thành công thì người dùng đang còn tiền tồn đọng trên FTX sẽ gặp khó khăn trong việc rút tiền hoặc có thể sẽ chịu tổn thất.

Sự can thiệp từ chính phủ

Có thể xem quy mô của sự kiện này còn lớn hơn các sự kiện trong quá khứ như Terra, Three Arrows Capital, Celsius… do vậy, chính phủ Mỹ đã vào cuộc với thông báo: “CFTC sẽ tiến hành theo dõi thương vụ”.

Dưới rủi ro Binance có thể chiếm vị thế độc tôn, quyền lợi của người dùng bị ảnh hưởng và các nguy cơ gây bất ổn cho thị trường Mỹ, việc chính phủ Mỹ theo dõi hoặc thậm chí có những can thiệp là điều cần thiết trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, sự kiện này làm nảy sinh nhu cầu cần phải có những khuôn khổ luật để điều chỉnh hoạt động của các sàn giao dịch, kiểm soát các rủi ro, vì họ có thể dùng tiền của người dùng để cho các tổ chức khác vay hoặc có những sản phẩm đòn bẩy rủi ro hệ thống.

Cập nhật ngày 12/11/2022, Sam đã chính thức từ chức CEO của FTX, FTX và Alameda Research đã nộp đơn phá sản.

Các bài học cần rút ra

Bài học được chính CZ rút ra từ sự kiện này:

  • Không bao giờ sử dụng token bạn đã tạo ra để làm tài sản thế chấp.
  • Không vay nếu bạn điều hành một doanh nghiệp tiền điện tử không sử dụng vốn một cách "hiệu quả".
  • Có nguồn dự trữ lớn đảm bảo thanh khoản.

Vòng gọi vốn gần đây nhất của FTX có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư tài chính truyền thống như BlackRock hay Softbank, nhưng họ cũng không thể can thiệp để ngăn chặn rủi ro xảy ra.

Khi sự kiện “bank run” diễn ra, họ cũng không tham gia "giải cứu" FTX dù sở hữu nguồn lực tài chính và các mối quan hệ lớn hơn Binance rất nhiều. Điều này cho thấy hoặc việc cứu FTX là vô nghĩa hoặc họ vẫn chưa hiểu rõ cách các doanh nghiệp crypto hoạt động để đưa thêm vốn vào, hoặc đơn giản là việc này quá rủi ro.

Sự "sụp đổ" của đế chế FTX có thể sẽ khiến các nhà đầu tư trên thị trường tài chính truyền thống thay đổi góc nhìn về lợi nhuận/rủi ro của crypto, từ đó sẽ làm hạn chế nguồn vốn thúc đẩy crypto phát triển.

Qua đó cũng có thể thấy rằng, các nhà phát triển crypto phải có nền tảng sản phẩm vững chắc mới có thể tồn tại, họ không thể dựa vào những nhà đầu tư CeFi chưa hiểu rõ về crypto.

Việc minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các dự án, cũng rất quan trọng. Một khi thông tin chưa được minh bạch, rủi ro vẫn tồn tại và chúng ta cần xem xét, tính toán để phân bổ nguồn vốn của mình.

Lời kết 

FTX cùng Alameda Research là những tổ chức lớn trong thị trường crypto. Hơn nữa, họ còn có sự hậu thuẫn của rất nhiều các thế lực trong giới tài chính truyền thống. Tuy vậy các quy trình về quản trị rủi ro không tốt cũng như tham vọng quá lớn của họ đã gây ra sự bất ổn cho toàn bộ thị trường.

Ngoài ra, dưới góc độ nhà đầu tư cá nhân trong một thị trường đầy biến động như crypto, chúng ta cần biết rõ về tình trạng tiền của mình: chúng đang ở đâu và đang được sử dụng vào mục đích gì? "Phải biết giữ tiền trước khi kiếm được tiền".

Nếu sắp tới có thêm các diễn biến quan trọng, đội ngũ Coin98 Insights sẽ cố gắng cập nhật tới các bạn trong thời gian sớm nhất.

RELEVANT SERIES