SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Bank run là gì? Bank run trong crypto có thật sự đáng sợ?

Bank run ảnh hưởng tiêu cực tới ngân hàng, gây rủi ro cho hệ thống tài chính và có thể là toàn bộ nền kinh tế. Trong một số trường hợp, các sự kiện bank run có thể khiến thị trường tài chính chao đảo. Tìm hiểu về hiện tượng Bank run tại đây!
Avatar
ducdinh
Published Nov 03 2022
Updated Mar 26 2024
14 min read
thumbnail

Bank run là gì?

Bank run (rút tiền hàng loạt) là hiện tượng khách hàng đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng thương mại hoặc các định chế tài chính, do lo ngại ngân hàng đang trong hoàn cảnh khó khăn hoặc có thể phá sản trong tương lai gần.

bank run là gì

Do ngân hàng sử dụng cơ chế dự trữ một phần (partial reserve), trong sự kiện bank run, ngân hàng sẽ không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của tất cả khách hàng cùng một lúc (vì số tiền đó đã được đem cho vay), họ mất khả năng chi trả và thậm chí là mất cả khả năng thanh toán.

Trong sự kiện bank run, ngân hàng thương mại phải bổ sung tiền mặt trong kho dự trữ để tăng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu rút tiền. Có thể kể đến một số phương pháp như bán tài sản, vay nợ ngân hàng khác hoặc ngân hàng trung ương…

Một số nguyên nhân khiến khách hàng của một ngân hàng đồng loạt rút tiền:

  • Ngân hàng đó kinh doanh thua lỗ, các khách vay của họ không có khả năng trả nợ tạo ra rủi ro đối với tiền gửi của khách hàng (vì tiền gửi của khách hàng được đem cho vay).
  • Các sự kiện kinh tế lớn gây ra sự đổ vỡ dây chuyền (ví dụ cuộc khủng hoảng bong bóng nhà đất năm 2007-2008).
  • Do tin đồn thất thiệt gây hoang mang.

Vậy tại sao ngân hàng phải luôn dự trữ một phần? Cơ chế dự trữ này hoạt động như thế nào trong hệ thống ngân hàng thương mại? Cùng tìm hiểu trong phần dưới đây.

advertising

Tổng quan về hệ thống ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là gì?

Ngân hàng thương mại là một tổ chức tài chính với nhiều nghiệp vụ khác nhau, nhưng chủ yếu hoạt động với vai trò cầu nối giữa người thừa vốn và người thiếu vốn (hoạt động huy động và cho vay).

Theo đó, ngân hàng thương mại sẽ có nhiệm vụ huy động tiền để đem cho vay, sau đó thu lợi từ chênh lệch giữa lãi suất tiền huy động và lãi suất cho vay. Từ đó, ngân hàng thương mại đảm bảo nguồn lực trong nền kinh tế được phân bổ hiệu quả hơn và làm động lực cho sự phát triển.

Tiền huy động của ngân hàng thương mại có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: như tiền gửi của khách hàng, phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức tài chính khác…

bank run là gì

Nhìn chung, các hoạt động này của ngân hàng thương mại sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên:

  • Đối với ngân hàng: Tạo ra lợi nhuận từ kinh doanh vốn.
  • Đối với người gửi tiền: Thu lời từ nguồn vốn nhàn rỗi của mình dưới hình thức tiền lãi (lãi suất huy động).
  • Đối với người vay tiền: Ngân hàng đáp ứng được nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh.

Chúng ta sẽ đi sâu hơn về tiền gửi của khách hàng trong chủ đề này:

  • Tiền gửi của khách hàng có thể là tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.
  • Ngân hàng có thể sử dụng khoản tiền này để đem cho vay.
  • Tiền trong tài khoản ngân hàng dù không gửi tiết kiệm (ở dạng điện tử) cũng có thể được đem cho vay.

Cơ chế dự trữ một phần hoạt động như thế nào?

Cơ chế này cho phép ngân hàng thương mại được phép sử dụng một phần tiền huy động (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn của khách hàng) để đem cho vay và tạo ra lợi nhuận.

Như đã lưu ý ở trên, tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng (tức là tiền dùng để chuyển khoản thanh toán hàng ngày) cũng có thể được ngân hàng đem cho vay.

Ngân hàng trung ương có thể quy định mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để đảm bảo thanh khoản, tức là khi có một lượng khách hàng nhất định đến rút tiền thì ngân hàng vẫn có thể đáp ứng được.

Ở một số thời điểm, nếu một ngân hàng thương mại không đủ lượng tiền để đáp ứng quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu, họ sẽ phải vay ngắn hạn từ các ngân hàng/tổ chức tài chính khác hoặc ngân hàng trung ương.

Đối chiếu với thị trường crypto, chúng ta có thể thấy AAVE là dự án nổi bật có mô hình hoạt động giống với ngân hàng thương mại trong thị trường truyền thống.

Tìm hiểu thêm: Phân tích mô hình hoạt động của AAVE.

Hậu quả và giải pháp của ngân hàng khi bank run

Hậu quả

Bank run là sự kiện có thể khiến một ngân hàng lâm vào nguy cơ phá sản nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời.

Do các ngân hàng thương mại có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên việc một ngân hàng sụp đổ có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Nguyên nhân có thể đến từ những lý do sau:

  • Do hiệu ứng lan truyền khiến khách hàng của các ngân hàng khác cũng trở nên lo sợ và đi rút tiền.
  • Do ngân hàng ở trong trạng thái bank run vay nợ và huy động vốn từ nhiều ngân hàng/tổ chức tài chính khác, nên việc bank run xảy ra khiến một ngân hàng có nguy cơ phá sản cũng sẽ khiến tài sản của các ngân hàng khác bị ảnh hưởng theo.

Vì vậy, đối với các sự kiện bank run của các ngân hàng lớn, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời chúng sẽ gây ra rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng và nghiêm trọng hơn là cả nền kinh tế.

Giải pháp

Dựa trên lịch sử các sự kiện bank run trong quá khứ, hệ thống ngân hàng hiện nay đã có nhiều biện pháp cũng như khuôn khổ quản trị rủi ro để phòng tránh sự việc này. Ví dụ, ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc phù hợp để đảm bảo thanh khoản hay thực hiện hiệp ước Basel để các ngân hàng hạn chế rủi ro kinh doanh.

Tuy nhiên, trong trường hợp sự kiện bank run vẫn xảy ra, có một số giải pháp được đưa ra để ngăn chặn và xử lý khủng hoảng như sau:

  • Tạm đóng cửa: Ngân hàng có thể đóng cửa hoặc thực hiện các biện pháp hạn chế rút tiền trong một khoảng thời gian để trấn an khách hàng cũng như tìm cách khắc phục (nếu các rủi ro thực sự xảy ra).
  • Bổ sung thanh khoản: Thông qua việc vay vốn các ngân hàng khác hoặc ngân hàng trung ương, ngân hàng đang chịu rủi ro bank run có thể bổ sung thanh khoản kịp thời cho hệ thống.
  • Các biện pháp về bảo hiểm: Ngân hàng có thể bảo vệ khách hàng bằng cách mua bảo hiểm tiền gửi từ trước, sau đó dựa vào bảo hiểm để trấn an khách hàng và thuyết phục họ không rút tiền khỏi hệ thống.
  • Sự can thiệp của ngân hàng trung ương: Trường hợp xấu nhất xảy là ngân hàng đó bị phá sản, ngân hàng trung ương có thể can thiệp và mua lại. Việc can thiệp này sẽ đảm bảo độ an toàn cho hệ thống ngân hàng và quyền lợi của khách hàng.

Các sự kiện bank run trong lịch sử

Trong thị trường tài chính truyền thống

Trong lịch sử tài chính hiện đại từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chúng ta có thể điểm qua một số sự kiện bank run nổi bật sau:

  • Sự kiện Đại Suy thoái: Vào thời kỳ Đại Suy thoái diễn ra vào năm 1929, thị trường chứng khoán sụp đổ, người dân Hoa Kỳ bắt đầu hoảng loạn, họ không còn tin tưởng ngân hàng và muốn trữ tiền mặt. Những tin tức về việc không thể rút tiền lan truyền ngày càng rộng gây ra rủi ro bank run.
  • Sự kiện khủng hoảng tài chính 2008: Trong cuộc khủng hoảng này, sự kiện bank run tiêu biểu đã diễn ra tại Wachovia Bank và Washington Mutual - tổ chức tài chính lớn thứ 6 tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Cụ thể, hai ngân hàng này chứng kiến hàng chục tỷ USD được khách hàng rút ra trong thời gian ngắn khiến kho dự trữ tiền của họ cạn kiệt.

Đọc thêm Lehman Brothers là gì? Hiểu về cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Sau các sự kiện này, các định chế tài chính lớn như Hoa Kỳ đã đưa ra một số quy định liên quan để bảo vệ người gửi tiền trong ngân hàng, đồng thời cũng để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống tài chính.

Một trong những quy định nổi bật đó là yêu cầu các ngân hàng phải có bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng với hạn mức nhất định. (Vào những năm 1930, FED đã ban hành quy định, theo đó các ngân hàng phải có bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng lên tới 250,000 USD/người).

*FED là viết tắt của Federal Reserve System - Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đóng vai trò là ngân hàng trung ương của quốc gia này. Đây là tổ chức có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất thị trường tài chính toàn cầu.

Trong thị trường crypto

Đối với thị trường crypto, các sự kiện có tính chất giống với bank run cũng đã từng diễn ra.

Thị trường tài chính truyền thống có rất nhiều công cụ và quy định cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đahậu quả. Tuy nhiên, “miền Tây hoang dã” DeFi (tài chính phi tập trung) lại không sở hữu những thứ đó.

Do đó, nếu diễn ra các sự kiện có tính chất giống với bank run, các protocol (giao thức) sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

Vào thời điểm cuối tháng 10/2021, AAVE, Lending Marketplace hàng đầu trên thị trường DeFi đã gặp phải một sự kiện tương tự như bank run.

Theo đó, một địa chỉ ví có kết nối với Justin Sun, nhà sáng lập Tron Foundation, đã đột ngột rút khoảng 4.2 tỷ USD tài sản (giá trị ước tính vào thời điểm đó), tương đương 18% tổng TVL của AAVE khi đó.

aave market
Nguồn: Blockworks

Thiết kế của AAVE khác với ngân hàng thương mại ở điểm là AAVE không thể vay các bên khác để bù đắp thanh khoản. Người dùng chỉ có thể rút tiền khi số tiền chênh lệch giữa pool vay và pool cho vay lớn hơn số tiền họ muốn rút.

Do vậy, sự việc này chỉ có nét tương đồng với bank run chứ không giống hoàn toàn. Thiết kế này của AAVE cũng cho phép protocol tránh được những rủi ro về bank run tồn tại trong thị trường tài chính truyền thống.

Tuy nhiên khi đó, dưới tác động của việc thiếu thanh khoản trong một số pool, điển hình là USDT, người đi vay của AAVE đã phải chịu mức lãi suất lên tới 60%-80% APY trong nhiều giờ.

Trong các sự kiện khiến thị trường crypto giảm mạnh sẽ có rủi ro thanh lý tài sản lớn gây nguy hiểm cho cả người đi vay lẫn protocol.

Bài học cho các crypto builder về bank run

Từ những bài học trong thị trường tài chính truyền thống và case study “bank run” của AAVE kể trên, các crypto builder có thể phát triển các sản phẩm để bảo vệ mình và người dùng, điển hình như bảo hiểm - một ngành vẫn chưa có nhiều “điểm nhấn” trong DeFi hiện tại.

token bank run
Các token thuộc mảng bảo hiểm trong DeFi giao dịch ảm đạm cho thấy sự “mờ nhạt" của mảng này

Sản phẩm bảo hiểm về bank run có thể được thiết kế với mô hình tổng quan như sau:

  • Người dùng trả phí bảo hiểm cho bên cung cấp.
  • Trong trường hợp bank run xảy ra hoặc mức lãi vay tăng cao bất thường (như trường hợp AAVE kể trên), người dùng có thể được đền bù số tiền tương đương hoặc lớn hơn vài lần mức tổn thất.

Bên cạnh bảo hiểm, các Lending Marketplace có thể phát triển các giải pháp giúp người dùng mở khoá thanh khoản của mình trong trường hợp không thể rút tiền (do thiếu thanh khoản).

Thực tế thì AAVE đã có giải pháp tương tự với aToken (token người dùng nhận được khi deposit), tuy nhiên thanh khoản của aToken hiện tại chưa cao.

Trong trường hợp người gửi tiền không thể rút các tài sản như BTC, ETH, LINK… do thiếu thanh khoản (đã bị mượn hết), nhưng lại có nhu cầu rút để bán vì xu hướng sắp tới là giảm. Khi đó, protocol có thể kết hợp với các nền tảng decentralized derivatives (phái sinh phi tập trung) để thiết kế sản phẩm phục vụ nhu cầu này.

Lời kết

Hiện tượng bank run gây ra rủi ro đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, việc phát hiện kịp thời và thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống tài chính là điều tối quan trọng.

DeFi thừa kế rất nhiều nét đặc trưng của thị trường tài chính truyền thống. Do đó, từ mô hình hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và các sự kiện bank run, các crypto builder có thể xem xét và từ đó phát triển nhiều sản phẩm liên quan.

RELEVANT SERIES