Đọc dự án tiếng Anh bằng Google dịch và Cuộc săn Hidden Gems Testnet
Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ về con đường mình đến với crypto và chiến lược mình đã sử dụng để ăn các kèo testnet.
*Bài chia sẻ của Quốc Toress - thành viên cộng đồng Coin98 do Bích Trâm viết lại. Đọc bài viết trước của Quốc về cách feedback hiệu quả cho các dự án testnet: Cuộc chơi Testnet cho người mới: $20K sau một tháng có ảo quá không?
Ăn kèo XRP nhờ... chị Google dịch
Mình biết đến crypto từ năm 2017. Đây cũng chính là thời điểm mình bỏ học đại học khi sắp kết thúc năm thứ hai vì thấy không hợp. Mình ra làm marketing và mày mò tìm hiểu về thị trường crypto. Thời điểm đó ở Việt Nam chưa có nhiều kênh thông tin về lĩnh vực này nên gần như mình phải đọc toàn bộ các dự án bằng tiếng Anh. Nhưng với một người bỏ học Công nghệ thông tin giữa chừng và lớn lên ở một miền quê tỉnh lẻ, tiếng Anh của mình không tốt chút nào.
Nhưng may mắn mình không ngại khó, cái gì không biết thì mình tự học (mình nghĩ có lẽ đây là một trong những lý do khiến mình thành công với testnet). Mình tìm hiểu các thuật ngữ chính trong crypto để nắm đại ý về dự án mình đang đọc, phần còn lại mình bỏ vào Google dịch để hiểu chi tiết hơn. Thời điểm năm 2017, crypto chưa tràn ngập những thuật ngữ DeFi, yield farming, bridge, cross-chain,... như bây giờ, nên việc tự học không quá vất vả.
Nhờ chị Google dịch, mình biết đến Ripple với con XRP. Ripple là dự án đầu tiên làm về dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới, mình thấy tiềm năng nên đã vào XRP ở giá $0.08. Mình bán khi giá tăng lên $0.3 và thành công với phi vụ đầu tư đầu tiên trong thị trường.
Giúp đồng nghiệp thắng kèo ETH
Thấy nhiều người ngại đọc tin tiếng Anh, mình quyết định lập một trang blog về crypto để cập nhật thông tin mới trong thị trường. Ban ngày đi làm, tối về mình lại lọ mọ viết bài, một tay mình lo hết mọi thứ từ nội dung, thiết kế đến cấu trúc trang,... Dù không có nhiều thời gian chăm chút cho trang nhưng nhờ viết bài thường xuyên mà mình hiểu kĩ hơn về crypto và cũng kiếm được tiền ref (giới thiệu người mới) từ các sàn giao dịch.
Trong bối cảnh rất nhiều dự án scam, mình chủ yếu chỉ chơi Top Coin cho an toàn. Mình vào một ít ETH ở giá 400 mấy đô và bán khi giá lên $1K3. Mình cũng giúp một số đồng nghiệp tại công ty marketing của mình kiếm lời với ETH. Chuyện là trong giờ làm thi thoảng mình cũng mở chart ra xem và lướt tin tức, mọi người thấy vậy nên đòi mình lập tài khoản giúp để chơi thử.
Mình đã tìm hiểu kỹ về ETH và thấy vốn hóa của nó chỉ đứng sau BTC nên đã mạnh dạn chỉ cho đồng nghiệp. May mắn là mọi người đều có lời, đặc biệt có một chị kế toán vào nhiều và hold lâu nên lãi mấy ngàn đô.
Ở lâu trong thị trường nhưng hầu hết thời gian mình dành để tìm hiểu các dự án và chỉ mua rất ít coin. Vì vốn ít nên mình rất ngại mạo hiểm đầu tư vào những con mới, khi đã xuống tay thì chắc thắng mới vào. Chính nhờ sự cẩn trọng đó mà mình chưa bị mất tiền hay scam lần nào. Nhưng hành trình crypto phẳng lặng của mình chính thức chấm dứt khi mình biết đến trading.
Mỗi ngày 1 - 2 lệnh Futures là chuyện thường
Gần cuối năm 2019, mình lạc vào group Trader Underground. Ở đây ai cũng trade và chỉ toàn bàn về trade khiến mình bị nhiễm. Mình bắt đầu con đường trading và nghiện ngập lúc nào không hay. (82427) Lúc trade thắng vừa nhanh vừa nhiều mình nghĩ đến lợi nhuận holder vừa lâu vừa bé, nên không hứng thú với việc hold nữa.
Trong khoảng một năm ròng ngày nào mình cũng vào 1 - 2 lệnh, có ngày đánh nhiều thì 3 - 4 lệnh, lệnh nào cũng x10, x20. Nhiều tháng mình lấy tiền lương để vào gồng lỗ vì lúc đó chưa biết Stop Loss là gì. Trading ngốn toàn bộ thời gian của mình. Trong đầu mình lúc đó chỉ có long/short, làm gì cũng nghĩ đến chart, hở tay một tí là lại mở chart ra xem.
Mình vào lệnh như lên đồng, và có đợt thắng liên tiếp trong vòng một tuần. Nhưng rồi thị trường sập, BTC rớt mấy nghìn giá, và trong vòng vài giờ mình bay hết mấy nghìn đô cả tiền vốn lẫn lãi. Lúc nhìn tài khoản cháy không còn gì, mình nhận ra trading không thể nào là con đường kiếm tiền bền vững.
Đầu năm 2021, dịch covid trở nặng khiến mọi công việc đều ngưng trệ. Mình lúc đó ở nhà không có gì làm, cũng không đi ra ngoài được, nên mình mới quyết định dồn toàn bộ thời gian và công sức vào crypto. Nhưng với số vốn hiện tại gần như 0 đồng, mình nên bắt đầu lại từ đâu?
Cuộc chơi testnet cho người vốn 0 đồng
Lúc đó trong các group share rất nhiều kèo retroactive, mình thử tìm hiểu nhưng thấy retro chỉ phù hợp với người dư dả vốn. Mình vốn ít, không có dòng tiền linh hoạt để xoay, nên mình thấy các kèo testnet dường như là vùng đất hứa với những người như mình. Với testnet, cái bạn cần là thời gian và sự tập trung – những thứ mình đang có thừa.
Nhiều người thường lầm tưởng testnet với retroactive - bỏ tiền để dùng thử sản phẩm dự án trong giai đoạn đầu. Nhưng với testnet, bạn trải nghiệm sản phẩm không mất tiền, nên có rất nhiều người tham gia. Vì thế, để có cơ hội nhận phần thưởng, bạn không thể chỉ làm qua loa, chiếu lệ.
Testnet đòi hỏi bạn trải nghiệm sản phẩm ở một tầng sâu sắc với một con mắt quan sát, phân tích để có thể tìm ra lỗi/bug, những điểm còn thiếu/chưa hợp lý và phản hồi lại cho team dự án. Cuộc chơi này tuyệt đối không dành cho những người muốn ăn xổi ở thì. Nếu không bỏ tiền thì bạn phải bỏ nhiều công, chứ còn muốn gì nữa?
Tham khảo thêm: Testnet là gì? 03 bước cơ bản khi làm Testnet
Để bắt đầu cuộc chơi testnet, mình lập một chiến lược bài bản hẳn hoi.
Lọc dự án
Mình vào Medium để tìm khoảng từ 20 - 30 dự án đang có testnet. Mình lướt nhanh các bài này để chọn ra khoảng 3 - 4 dự án tiềm năng nhất.
Tiêu chí chọn là những dự án mình đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng sản phẩm hoặc những dự án thuộc mảng lending, AMM, trading, các sàn DEX,... Đây là những nền tảng chính trong các hệ sinh thái nên có rất nhiều dự án tương tự đi trước để mình tham khảo.
Theo dõi
Trong suốt một tháng mình chỉ tập trung vào 3-4 dự án đã chọn. Mình lập một sheet trên Google để theo dõi các dự án và quản lý những công việc mình làm trong ngày. Đừng ham làm nhiều dự án, làm ít nhưng chất lượng sẽ tăng khả năng bạn nhận được phần thưởng.
Khi nào nên ngừng theo dõi một dự án để chuyển sang cái khác?
- Khi bạn thấy cộng đồng feedback nhiều nhưng team phát triển không xử lý.
- Khi bạn thấy mình đã nắm chắc cơ hội nhận được phần thưởng.
Phân bổ thời gian
Buổi sáng:
- 8 - 9g: Mình kiểm tra tin nhắn trong group Discord testnet của mình để hỗ trợ những bạn làm cùng, hướng dẫn cho người mới hay share những kèo testnet tiềm năng. Group này mình lập ra sau khi thắng những kèo testnet đầu tiên để hỗ trợ những bạn muốn kiếm tiền với testnet. Ngoài ra, có một cộng đồng nhỏ cùng chung mục đích để chia sẻ kiến thức và làm cùng với nhau khiến bạn có động lực và đỡ nản hơn rất nhiều. Hiện tại group có khoảng 800 thành viên.
- 9 - 11g: Mình lướt Twitter và Medium để đọc tin và chọn ra các dự án testnet tiềm năng và lưu lại.
Buổi chiều:
- Trải nghiệm sản phẩm các dự án và feedback lại cho team phát triển.
- Hỗ trợ cộng đồng của các dự án.
- Thiết kế một số hình cho các sự kiện, mini game của các dự án.
Buổi tối: Nếu không đi chơi thì mình sẽ tiếp tục làm những công việc trên.
1 tháng - 2 kèo testnet - $25K
Trong một tháng ròng mình chỉ tập trung vào bốn dự án: Angle Protocol, Cosmostarter, Algofi và Soda.
Angle
Mình thấy Angle được A16Z và những bên khác đầu tư $5M. Team phát triển dự án cũng xử lý các feedback rất nhanh và liên tục cập nhật tính năng mới. Vì thế, mình tham gia testnet của Angle và rất tích cực hỗ trợ cộng đồng của dự án. Kết quả, mình được nhận 8K ANGLE, tương đương $14K.
Một số bạn trong group testnet của mình cũng nhận được 4K ANGLE.
Cosmostarter
Cosmostarter là dự án làm về nền tảng launchpad đầu tiên trên Cosmo mình thấy khá tiềm năng.
Mình vào group trên telegram của Cosmostarter khá sớm nên biết dự án sẽ có suất IDO dành cho thành viên hoạt động tích cực. Thế là mình feedback, trả lời câu hỏi của các thành viên cộng đồng, thiết kế hình ảnh và cả một bộ sticker cho dự án. Mình bỏ ra $250 để mua IDO và nhận về 31K token CSMS.
Tiếp sau đó, mình còn nhận được thêm 30K CSMS vì đã đồng hành và hỗ trợ dự án nhiệt tình ngay từ những ngày đầu. Đồng sáng lập của dự án còn nhắn tin với mình để thông báo rằng tất cả những lần bán IDO tiếp theo của họ mình đều sẽ được tham dự. Tổng số token CSMS hiện tại mình nhận được có giá khoảng $12K, nhưng mình vẫn giữ vì tin giá sẽ tăng trong tương lai.
Algofi
Mình chọn Algofi vì đội ngũ sáng lập và team phát triển của dự án đều là tiến sĩ học ở các trường danh giá. Team cũng rất chịu lắng nghe ý kiến feedback của cộng đồng. Ngoài ra, (56685) Coin98 Insights cũng có đăng một bài chi tiết về hệ sinh thái này nên mình càng tin tưởng hơn.
Khi mình gửi thiết kế đóng góp cho dự án, team Algofi đã đề nghị ký hợp đồng với mình, nhưng vì muốn tăng cơ hội nhận reward (phần thưởng) nên mình đã làm miễn phí tất cả mọi thứ. Với testnet, những bạn có kinh nghiệm về thiết kế hay dev đặc biệt sẽ vô cùng có lợi thế.
Team Algofi thích thiết kế của mình và đề nghị ký hợp đồng
Sau một thời gian làm testnet và hỗ trợ, mình được chọn làm đại sứ cho Algofi.
Soda
Soda đã chiến thắng trong cuộc thi hackathon do Solana tổ chức và team phát triển cũng làm việc rất nhanh. Giao diện của Soda ổn nhưng thiết kế vẫn còn nhiều chỗ có thể cải thiện, nên mình nghĩ dự án này có nhiều đất để mình đóng góp ý kiến. Sau một tháng tham gia testnet và hỗ trợ cộng đồng, mình được Soda chọn làm quản trị cộng đồng.
Với vai trò đại sứ và quản trị cộng đồng tại Algofi và Soda, khi hai dự án trao thưởng, chắc chắn mình sẽ là một trong những người đầu tiên được nhận. Nên giờ mình chỉ yên tâm ngồi chờ tài khoản ting ting thôi.
Lời kết
Testnet thật sự là kèo đổi vị thế dành cho những người vốn ít trong thị trường crypto. Bạn chỉ cần nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức, bạn sẽ nhận lại những phần thưởng lớn đến bất ngờ. Mình đã làm thật, nhận được tiền thật và có thể tự tin khẳng định rằng: Ăn kèo testnet lớn cũng bình thường thôi.