Weekly Insights W38: FED tăng lãi suất, MicroStrategy mua thêm Bitcoin
Kiến thức trọng tâm:
- FED tăng lãi suất 0.75% lần thứ 3 liên tiếp, thị trường crypto biến động mạnh.
- MicroStrategy tiếp tục mua Bitcoin khi giá giảm nhưng với số lượng ít.
- Wintermute bị hack 160 triệu USD và Twitter của CoinCDX bị hacker chiếm dụng.
- Dự án GMX bị thao túng giá gây thiệt hại hơn 500,000 USD. OpenSea mở rộng sang mạng Arbitrum.
- Cardano Vasil Hardfork diễn ra thành công, smart contract được cải tiến giúp việc thực thi nó trở nên rẻ hơn. Nhiều dự án hỗ trợ và xây dựng trên Aptos.
- Hơn 20 dự án gọi vốn với tổng giá trị hơn 350 triệu USD, tập trung vào tất cả các mảng gồm DeFi, Infrastructure, Web3 và CeFi.
Vĩ mô và Crypto tuần 38
FED tăng lãi suất thêm 0.75%
Trong bối cảnh lạm phát cao tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã ra quyết định tăng thêm 0.75% lãi suất cơ bản. Đây là lần thứ 3 liên tiếp FED thông báo tăng lãi suất thêm 0.75%. Hiện tại, lãi suất đang ở mức 3% - 3.25% và FED đang kỳ vọng sẽ chạm 4% vào cuối năm 2022 và hơn 4.5% vào năm 2023.
Giả sử lãi suất cuối năm nay đạt 4% thì FED sẽ phải tăng thêm ít nhất 0.75% vào giai đoạn cuối năm. Do đó, kịch bản lần thứ 4 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0.75% hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, FED sẽ làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất trong những năm tiếp theo nhằm tránh tạo ra bất ổn trong nền kinh tế.
Michael Saylor mua thêm Bitcoin
Trong tuần qua, công ty MicroStrategy tiếp tục mua thêm 301 BTC, nâng tổng BTC nắm giữ lên ~130,000 BTC với giá trung bình khoảng 30,600 USD. Nếu xét BTC ở mức giá 19,000 USD, số Bitcoin mà MicroStrategy nắm giữ đang lỗ khoảng 38%.
Từ lúc giá Bitcoin đạt đỉnh 60,000 USD, đây là lần MicroStrategy mua Bitcoin với số lượng ít nhất. Có thể thấy, công ty này tiếp tục mua thêm Bitcoin khi giá giảm, nhưng số lượng mua thêm ngày càng ít. Công ty MicroStrategy đang “hết tiền” hay đang chờ mức giá Bitcoin thích hợp để mua nhiều hơn?
Sự kiện #Mainnet2022 do Messari tổ chức
Mainnet là một sự kiện hội thảo thường niên do công ty Messari tổ chức. Nội dung sự kiện tập trung vào thị trường crypto, với sự tham gia của nhiều công ty crypto, dự án, nhà phát triển và các nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mọi người tiếp cận với các builder và founder nhằm trao đổi và học hỏi.
Năm nay, hội thảo Mainnet 2022 diễn ra từ ngày 21 - 23/9 và có một số thông tin được các bên tham gia công bố như sau:
- SMS và Saga Mobile sẽ là điểm nhấn sắp tới của hệ sinh thái Solana.
- Có hơn 200 dự án đang được xây dựng trên blockchain Aptos. Venture Capital Jump đã có nhiều hỗ trợ phát triển Aptos và các dự án được Jump đầu tư như Wormhole và Pyth sẽ “đổ bộ” hệ sinh thái này.
- Liên quan tới vấn đề pháp lý tại Hoa Kỳ, CEO của Binance, CZ, cho rằng Hoa Kỳ đang quá bận tâm xếp loại một tài sản là hàng hòa hay chứng khoán, trong khi một số tài sản có tính chất của cả hai. Bên cạnh đó, CZ dự đoán tương lai các DEX sẽ lớn hơn CEX.
Wintermute bị hack và Twitter của CoinDCX bị chiếm đoạt
Trong ngày 20/9, thị trường crypto liên tiếp xảy ra hai vụ hack: Wintermute bị hack 160 triệu USD và Twitter của CoinDCX bị chiếm đoạt.
CEO Evgeny Gaevoy thông báo Wintermute đã bị tấn công, thiệt hại 160 triệu USD nhưng công ty này vẫn còn khả năng thanh toán. Khoảng 90 loại tài sản đã bị đánh cắp trong sự cố, trong đó có hai loại với tổng giá trị từ 1 triệu - 2.5 triệu USD, số còn lại dưới 1 triệu USD.
Sau sự kiện này, CoinDesk thông báo Wintermute vẫn còn khoản nợ 200 triệu USD ở các nền tảng Lending. Chính vì thế, mặc dù CEO Wintermute thông báo họ ổn nhưng các đối tác vẫn nên cẩn trọng.
Trước khi bị hack 160 triệu USD, Wintermute từng gặp sự cố trả airdrop OP cho người dùng vào tháng 5 vừa rồi. Optimism phải cho Wintermute vay 20 triệu OP để khắc phục sự cố. Hiện tại, Wintermute đang trong quá trình thương thuyết với hacker nhằm chiêu dụ kẻ tấn công hoàn trả token.
Các bạn có thể đọc thêm sự cố của Wintermute về Optimism (OP) tại đây.
Có thể thấy, Wintermute góp mặt ở cả 2 vụ hack lớn trong năm 2022, điều này ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Market Maker này. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, Wintermute đều kịp thời thông báo, công khai nhận trách nhiệm và có những phương án xử lý kịp thời.
Cùng ngày, tài khoản Twitter của CoinDCX đã bị hacker tấn công và được sử dụng để đăng các quảng cáo tới trang web giả mạo dự án XRP. Người dùng ấn vào đường dẫn giả mạo có nguy cơ mất tài sản và thông tin cá nhân, vì thế cần đề cao cảnh giác với những trang web khả nghi.
Tổng quan mảng DeFi tuần 38
Dự án GMX bị thao túng giá
Dự án GMX nổi nên trong xu hướng Real Yield (những dự án có doanh thu) và tăng trưởng mạnh ngay cả trong downtrend. GMX có tổng doanh thu và người dùng tăng liên tục từ đầu năm 2022. Đặc biệt, việc GMX tham gia vào chương trình Arbitrum Odyssey đã thu hút thêm nhiều người tham gia, tăng từ 40,000 lên hơn 60,000 người dùng trên GMX.
Ngày 18/9, một người dùng mở các lệnh lớn với cặp giao dịch AVAX/USD trên sàn GMX và đã thành công thu về hơn 565,000 USD nhờ thao túng giá Oracle đưa tới GMX. Hành động này khiến biểu đồ giá của AVAX/USD dao động hình sin tại thời điểm diễn ra các lệnh long/short của trader này.
AVAX/USD có thanh khoản thấp và cơ chế slippage bằng 0 là hai lý do chính dẫn tới việc GMX bị người dùng này thao túng nhằm kiếm lợi nhuận. Hơn 565,000 USD lợi nhuận được rút từ thanh khoản của các GLP holder (người dùng cung cấp BTC, ETH, stablecoin trên GMX để nhận về GLP token).
Đội ngũ GMX thông báo sẽ xem xét giải quyết vấn đề nhằm hạn chế các vụ việc tương tự diễn ra trong tương lai. Có thể thấy việc sử dụng những tính năng như slippage bằng 0 là một điểm thu hút người dùng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro bị khai thác để trục lợi.
Tìm hiểu thêm: Phân tích mô hình hoạt động của GMX
Ngoài ra, Liquid Staking - một nhánh đang phát triển mạnh trong thị trường DeFi cũng chứng khiến sự tham gia của Liquid Collective - Dự án Staking cho tổ chức và tập đoàn. Điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường DeFi? Mời các bạn cùng tìm câu trả lời qua video dưới đây nhé!
OpenSea mở rộng sang Arbitrum
Ngày 23/9, NFT marketplace OpenSea thông báo bắt đầu hỗ trợ giao dịch NFT trên mạng Arbitrum nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nhiều bộ sưu tập NFT trên nền tảng đã bắt đầu giao dịch trên OpenSea như Blueberry Club, Battlefly, Realm, Arbitrum Odyssey NFT.
Arbitrum là Layer-2 blockchain đầu tiên được hỗ trợ trên OpenSea. Có thể thấy đội ngũ phát triển OpenSea dự đoán mảng NFT trên Arbitrum sẽ tăng trưởng. Hơn nữa, sự kiện Arbitrum Odyssey sẽ thu hút người dùng tham gia hệ sinh thái qua việc làm nhiệm vụ để sưu tập NFT nhằm nhận airdrop tới từ đội ngũ Arbitrum.
Đầu tiên, OpenSea có mặt ở Ethereum và thống trị mảng NFT marketplace trên chính nền tảng smart contract lớn nhất này. Tiếp theo, OpenSea lần lượt mở rộng tới blockchain Polygon, Klaytn và Solana. Việc đội ngũ phát triển hướng OpenSea trở thành multichain NFT marketplace là một bước đi đúng đắn khi bối cảnh thị trường crypto có nhiều blockchain.
Tổng quan các hệ sinh thái tuần 38
Cardano Vasil Hardfork thành công
Cardano Hardfork Vasil đã mainnet thành công vào ngày 22/9. Bản cập nhật này sẽ mang tới nhiều cải tiến về hiệu năng của blockchain Cardano. Vào ngày 27/9, ngôn ngữ lập trình smart contract Plutus sẽ có bản cập nhật V2 giúp chi phí thực thi smart contract trở nên rẻ hơn.
Bản cập nhật Vasil đã được cộng đồng Cardano mong đợi từ lâu. Hiện tại, mức ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện này tới giá ADA còn rất nhỏ mặc dù 3 lần Hardfork trước giá ADA đều có phản ứng. Giá ADA đã đi ngang quanh mốc 0.45 USD và 0.5 USD từ giữa năm 2022, cho thấy các nhà đầu tư đang thận trọng trong giai đoạn crypto có xu hướng giảm.
Wormhole và Pyth tham gia hệ sinh thái Aptos
Dự án bridge Wormhole và oracle Pyth thông báo sẽ tham gia hệ sinh thái Aptos, một blockchain mới nổi do các cựu thành viên công ty Meta phát triển. Đặc điểm chung của Wormhole và Aptos là đều được Jump Crypto đầu tư , đây là một venture capital nổi tiếng với việc hỗ trợ Wormhole khi bridge của dự án này bị hack hơn 320 triệu USD.
Hiện tại, Wormhole đang hỗ trợ chuyển tài sản giữa các blockchain như Ethereum, Solana, Avalanche, Polygon và Fantom. Trong khi đó, Pyth sẽ cung cấp data cho các dự án trên Aptos. Có thể thấy, sự dịch chuyển của hai dự án này tới Aptos sẽ củng cố mảng infrastructure của toàn hệ sinh thái.
Mặc dù chưa mainnet chính thức, Aptos đang có một hệ sinh thái bao gồm đầy đủ các mảnh ghép lego từ Infrastructure, DeFi tới NFT/Gaming. Có nhiều dự án mở rộng hỗ trợ Aptos như Wormhole, Pyth, Coin98 Super App… Điều này cho thấy Aptos nói riêng và các blockchain mới nổi nói chung đang thu hút nhiều sự chú ý của người tham gia.
Tổng quan thị trường gọi vốn tuần 38
Tuần qua, thị trường có hơn 20 dự án gọi vốn, với tổng giá trị trên 350 triệu USD. Các dự án được đầu tư chủ yếu ở mảng DeFi và Web3.
Tuần qua, các Venture Capital đầu tư vào hầu hết mọi mảng gồm DeFi, Web3, Infrastructure và CeFi. Số vòng gọi vốn tham gia Series A và Series B trong tuần này khoảng 6 dự án, cao hơn so với tuần trước (4 dự án). Điều này cho thấy ngày càng có nhiều dự án crypto không chỉ dừng lại ở vòng gọi vốn hạt giống (seed).
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu những dự án có vòng gọi vốn nổi bật tuần qua.
Messari gọi 35 triệu USD vòng Series B
Ngày 21/9 trong khuôn khổ hội thảo #Mainnet2022, Messari đã gọi vốn thành công 35 triệu USD vòng Series B. Trước đó, vào tháng 8/2021, công ty này đã gọi thành công 21 triệu USD ở mức định giá 300 triệu USD. Có thể thấy, Messari đã có một quyết định táo bạo khi gọi vốn trong lúc thị trường diễn biến không mấy tích cực.
Vào tháng 8 vừa rồi, Messari đã mua lại Dovemetrics, công ty sở hữu dữ liệu của hơn 8,000 công ty crypto và hơn 3,000 vòng gọi vốn. Điều này cho thấy, đội ngũ công ty Messari đang đẩy nhanh việc phát triển và tận dụng những cơ hội có thể có trong downtrend.
Hiện tại, nền tảng Messari cung cấp nhiều dịch vụ cả miễn phí và trả phí cho khách hàng phổ thông cho tới khách hàng doanh nghiệp. Công ty sử dụng số tiền gọi vốn để tuyển dụng thêm nhân lực phát triển sản phẩm nằm trong Messari như Protocol Metrics và Data Apps.
Sardine gọi hơn 50 triệu USD từ A16z, Visa và ConsenSys
Sardine, dự án crypto chuyên về mảng thanh toán và bảo mật đã gọi hơn 50 triệu USD vòng Series B do a16z dẫn đầu, đây là một venture capital chuyên đầu tư đa ngành. Dự án kết hợp công nghệ AI nhằm giải quyết các vấn đề gian lận trong thanh toán cũng như mở ra một hướng phát triển khi áp dụng cả blockchain và AI.
Bên cạnh sự tham gia của a16z, vòng gọi vốn này của Sardine còn có Visa, Google Ventures, Consensys, Uniswap Labs Ventures… Điều này cho thấy nhiều công ty non-crypto và crypto đều rất quan tâm tới mảng bảo mật và chống gian lận trong thanh toán.
Immunefi gọi 24 triệu USD vòng Series A
Immunefi là một nền tảng bug-bounty nơi người tham gia có thể nhận thưởng bằng cách tìm bug hoặc lỗ hổng bảo mật của các dự án. Trong 2 năm hoạt động, Immunefi đã phân phát hơn 60 triệu USD tiền thưởng cho người tham gia tìm bug của hơn 300 dự án niêm yết trên nền tảng này.
Ngày 22/9, Immunefi gọi vốn thành công 2 triệu USD vòng Series A với sự tham gia của Framework Ventures, Polygon Ventures, Electric Capital, Samsung Next… Số tiền gọi vốn sẽ được dùng để tuyển thêm nhân sự và mở rộng nền tảng.
Bug-bounty không còn quá xa lạ với cộng đồng các nhà phát triển, và trong bối cảnh thị trường crypto đã xảy ra nhiều vụ hack gây thất thoát hàng trăm triệu USD thì Immunefi là một giải pháp tiềm năng.
Lời kết
Tuần qua, thị trường crypto ghi nhận quyết định tăng lãi suất của FED khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Trong khi đó, nhiều công ty và dự án crypto tiếp tục có những bước phát triển, thị trường gọi vốn cũng có chuyển biến tích cực so với những tuần trước đó.
Theo thông tin được công bố, tuần tới sẽ không có sự kiện nào đặc biệt nổi bật nhưng chúng ta nên cẩn trọng với những tin tức xấu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.