Fogo: SVM Blockchain Layer 1 gọi vốn 13.5 triệu USD

Fogo là gì?
Fogo là blockchain layer 1 tương thích với máy ảo SVM, được thiết kế với mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất và khả năng mở rộng của mạng lưới. Để đạt hiệu suất cao, Fogo ứng dụng giải pháp Firedancer của Solana - phần mềm client software, nhằm cải thiện khả năng xử lý giao dịch và hỗ trợ kỹ thuật sharding.

Theo dự án, thời gian tạo khối (block time) của Fogo dự kiến đạt 20 mili giây. Đây là thông số kỹ thuật đáng chú ý khi so sánh với các blockchain hiệu suất cao khác, ví dụ như Sui - hiện có thời gian tạo khối khoảng 390 mili giây.
Tại thời điểm viết bài, dự án chưa tiết lộ thông tin tokenomics. Bài viết sẽ cập nhật ngay khi có thông báo.
Điểm nổi bật trong kiến trúc Fogo
Về công nghệ nền tảng, Fogo kế thừa và phát triển dựa trên những ưu điểm của Solana, bao gồm cơ chế đồng thuận TowerBFT, giao thức Turbine và công nghệ PoH. Tuy nhiên, Fogo không chỉ đơn thuần là bản nâng cấp của Solana mà còn áp dụng những cải tiến kỹ thuật khác, bao gồm:
- Kiến trúc client đồng nhất dựa trên giải pháp Firedancer.
- Kết hợp cơ chế đồng thuận đa vùng (Multilocal Consensus) và Đồng vị trí động (Dynamic Colocation).
- Tập hợp các validator được tuyển chọn.

Các blockchain truyền thống - bao gồm cả Solana, thường áp dụng mô hình client diversity (đa dạng phần mềm), cho phép mạng lưới hỗ trợ nhiều client khác nhau. Mô hình này thường do các đội ngũ độc lập phát triển.
Mặc dù mô hình này sở hữu ưu điểm về tính chống chịu lỗi (fault tolerance) và phi tập trung hóa ở mức độ nhất định, nó cũng tạo ra hạn chế về hiệu suất như: độ trễ giao dịch, thời gian hoàn tất chậm, phức tạp trong việc tối ưu giao thức.
Trong khi đó, Fogo tiếp cận vấn đề hiệu suất bằng cách áp dụng kiến trúc client đồng nhất, thay vì tính đa dạng, từ đó client có những đặc điểm kỹ thuật quan trọng sau:
- Chỉ có một phiên bản client chính thức được công nhận và được tất cả validator node trong mạng lưới Fogo sử dụng.
- Client được xây dựng trên giải pháp Firedancer - bộ phần mềm được thiết kế đặc biệt để đạt hiệu suất cực cao, đặc biệt trong các hệ thống blockchain hiệu suất cao như Solana.
Qua đó, việc sử dụng client hiệu suất cao và đồng nhất trên toàn mạng lưới cho phép Fogo đạt độ trễ giao dịch và thời gian tạo khối thấp hơn đáng kể các blockchain truyền thống.
Thứ hai, để đạt tốc độ giao dịch nhanh hơn và giảm độ trễ so với các blockchain thông thường nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và phi tập trung, Fogo phát triển cơ chế đồng thuận kết hợp: Đồng thuận đa vùng (Multilocal Consensus) và Đồng vị trí động (Dynamic Colocation). Trong đó:
Đồng thuận đa vùng (Multi-local Consensus): Giới thiệu khái niệm phân vùng không gian đồng thuận dựa trên vị trí địa lý của các validator node. Mạng lưới Fogo được phân chia thành nhiều vùng đồng thuận (consensus zones), mỗi vùng tương ứng với một khu vực địa lý cụ thể (ví dụ: châu Á, châu Âu, châu Mỹ).
Trong mỗi vùng đồng thuận, một tập hợp con các validator node chịu trách nhiệm xử lý và xác thực giao dịch cục bộ trong vùng đó, cũng như đạt đến đồng thuận về các khối giao dịch được tạo ra trong vùng. Quá trình đồng thuận trong vùng được thực hiện độc lập và song song với các vùng khác.
Việc phân vùng cho phép mạng lưới mở rộng theo chiều ngang (horizontal scaling) bằng cách thêm các vùng đồng thuận mới khi nhu cầu tăng lên, mà không làm giảm hiệu suất của các vùng hiện có.
Đồng thời, việc các vùng đồng thuận hoạt động song song cho phép mạng lưới xử lý đồng thời nhiều giao dịch trong các vùng khác nhau. Điều này giúp tăng tổng thông lượng giao dịch của toàn mạng lưới..
Đối với cơ chế đồng vị trí động (Dynamic Colocation): Không giống các giải pháp phân vùng tĩnh, Fogo cho phép điều chỉnh linh hoạt ranh giới và thành viên của các vùng đồng thuận dựa trên điều kiện mạng thực tế và phân bố địa lý của các validator node. Hệ thống có thể tự động tái cấu trúc các vùng để đảm bảo rằng các validator node trong mỗi vùng có độ trễ giao tiếp thấp nhất có thể.
Bằng cách đảm bảo các validator node trong vùng có độ trễ mạng thấp, đồng vị trí động giảm thiểu tối đa độ trễ liên lạc trong quá trình đồng thuận cục bộ, giúp thời gian tạo khối và độ trễ giao dịch được cải thiện đáng kể.
Việc giảm độ trễ mạng cũng đồng nghĩa giảm chi phí băng thông và tài nguyên cần thiết cho giao tiếp giữa các validator node, giúp mạng lưới hoạt động hiệu quả hơn về mặt chi phí, đồng thời thời gian tạo khối và độ trễ giao dịch cũng được cải thiện.
Tập hợp các validator được tuyển chọn (Curated Validator Set): Fogo Chain sử dụng một tập hợp validator được tuyển chọn kỹ lưỡng, với cơ chế khuyến khích hiệu suất cao và hạn chế tình trạng slashing nhằm đảm bảo tính ổn định và an toàn của mạng lưới.
Đội ngũ và nhà đầu tư dự án Fogo
Đội ngũ dự án
Đội ngũ dẫn dắt và phát triển Fogo bao gồm những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền mã hóa và tài chính truyền thống, bao gồm:
- Michael Cahill: Đồng sáng lập Fogo. Trước khi đồng sáng lập Fogo, Cahill có hơn 7 năm kinh nghiệm trong vị trí Phó Chủ tịch Kinh doanh Ngoại hối tại Morgan Stanley - tập đoàn tài chính đa quốc gia hàng đầu. Ngoài ra, ông cũng đang đảm nhận vị trí CEO của dự án Pyth Network.
- Douglas Colkitt: Đồng sáng lập Fogo. Bên cạnh vai trò đồng sáng lập tại Fogo Chain, Colkitt còn sáng lập Crocodile Labs - tổ chức tập trung nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến. Ông cũng là nhà sáng lập Ambient Finance.

Nhà đầu tư
Fogo đã gọi vốn thành công số tiền 13.5 triệu USD tại hai vòng, cụ thể:
Public Sale:
- Thời gian: Tháng 1/2025
- Số vốn huy động: 8 triệu USD
- Quỹ đầu tư: Chưa tiết lộ
Seed:
- Thời gian: Tháng 12/2024
- Số vốn huy động: 5.5 triệu USD
- Quỹ đầu tư: Distributed Global và CMS