Nhìn lại đường giá một năm sau Halving: Bitcoin đã trưởng thành

Bitcoin Halving, sự kiện giảm một nửa phần thưởng cho thợ đào diễn ra sau mỗi 210,000 khối, là một trong những cơ chế quan trọng nhất trong thiết kế kinh tế của Bitcoin. Về bản chất, Halving là một cú sốc cung được lập trình trước.
Lý thuyết cho rằng khi lượng cung mới giảm, sự khan hiếm tăng lên sẽ kéo theo giá trị cao hơn, đặc biệt trong một thế giới nơi tiền pháp định có thể bị in vô hạn. Tuy nhiên, hiệu ứng tăng giá của Bitcoin sau Halving không diễn ra trong chân không. Mỗi chu kỳ sau Halving đều phản ánh sự giao thoa giữa cơ chế cung, cầu và bối cảnh kinh tế vĩ mô, tâm lý thị trường cũng như dòng tiền toàn cầu tại thời điểm đó.
Hiệu suất giá qua 4 chu kỳ Halving: Từ huyền thoại đến thực tế
Halving 2012: Sơ khai, khủng hoảng niềm tin và khởi đầu huyền thoại
Vào tháng 11/2012, khi Bitcoin trải qua sự kiện Halving lần đầu tiên, giá Bitcoin chỉ vào khoảng 12 USD. Trong vòng một năm sau, đồng tiền mã hoá này tăng vọt lên hơn 1,000 USD, ghi nhận mức tăng hơn 8,000%.
Đây là chu kỳ tăng giá mang tính huyền thoại, không chỉ vì tỷ suất lợi nhuận phi thường mà còn bởi sự chuyển mình của Bitcoin từ một công cụ thử nghiệm sang một tài sản được chú ý toàn cầu.

Bối cảnh thời điểm đó, kinh tế thế giới vẫn đang chịu dư âm của khủng hoảng tài chính 2008: các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Fed) duy trì lãi suất 0% và bơm thanh khoản ồ ạt nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Môi trường "tiền rẻ" này đã tạo điều kiện cho các tài sản rủi ro nổi lên. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng ngân hàng Síp 2013 đã trở thành bước ngoặt quan trọng: lo ngại việc ngân hàng truyền thống đóng băng và “đánh thuế” tiền gửi, nhiều người châu Âu và Nga đã tìm đến Bitcoin như một nơi trú ẩn tài sản thay thế.
Về hành vi nhà đầu tư, giai đoạn này chủ yếu có sự tham gia của những người tiên phong, giới công nghệ và một số nhà đầu cơ nhạy bén. Thị trường còn nhỏ và kém thanh khoản nên biến động cực lớn.
Trong khi đó, hầu như chưa có tổ chức tài chính truyền thống nào tham gia; nhiều người còn hoài nghi, thậm chí chế giễu Bitcoin. Chính phủ và cơ quan quản lý thời kỳ này cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng, Bitcoin gần như hoạt động trong vùng xám pháp lý.
Halving 2016: Cơn sốt ICO và sự phổ cập toàn cầu
Bốn năm sau, bối cảnh đã thay đổi nhiều. Giai đoạn 2016–2017, kinh tế thế giới tương đối ổn định, tăng trưởng đồng đều. Lãi suất tại các nước phát triển rất thấp (0 - 1%), thanh khoản toàn cầu dồi dào, hỗ trợ môi trường đầu tư mạo hiểm.
Không có biến động kinh tế vĩ mô nào quá lớn vào thời điểm Halving Bitcoin tháng 7/2016; thay vào đó, động lực tăng giá đến từ bên trong hệ sinh thái crypto. Cụ thể, năm 2017 chứng kiến cơn sốt ICO (Initial Coin Offering) trên mạng Ethereum, hàng loạt dự án blockchain gọi vốn bằng cách phát hành token, thu hút hàng tỷ USD từ nhà đầu tư khắp thế giới.

Làn sóng ICO này đã “phổ cập” khái niệm tiền mã hóa đến đại chúng và bơm thanh khoản mạnh vào thị trường, gián tiếp đẩy nhu cầu mua Bitcoin (để tham gia ICO) tăng cao.
Theo báo cáo, chu kỳ này đưa Bitcoin từ khoảng 1,000 USD lên gần 16,000 USD trong vòng 17 tháng, tương đương mức tăng gần 2,000%.
Đọc thêm: ICO 2025: "Bình mới rượu cũ" hay mô hình gọi vốn uy tín?
Halving 2020: Kỷ nguyên của nhà đầu tư tổ chức
Halving tháng 5/2020 diễn ra đúng lúc kinh tế thế giới chao đảo vì đại dịch COVID-19. Tháng 3/2020, thị trường tài chính sụp đổ, Bitcoin cũng giảm mạnh hơn 500%. Để cứu vãn nền kinh tế, các chính phủ và ngân hàng trung ương tung ra gói kích thích chưa từng có tiền lệ: lãi suất giảm về 0%, hàng nghìn tỷ USD được bơm vào hệ thống.
Chính thanh khoản dồi dào và lãi suất cực thấp này đã châm ngòi cho chu kỳ bull-run 2020 - 2021 của Bitcoin.
Sự tương phản rất rõ: nếu như 2017 Bitcoin tăng nhờ dòng tiền bán lẻ, thì 2020 - 2021 được dẫn dắt bởi dòng tiền tổ chức và nhu cầu trú ẩn chống lạm phát. Khi Fed và các ngân hàng trung ương bơm tiền, nhiều nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ bùng lên; Bitcoin với nguồn cung giới hạn 21 triệu trở thành tài sản hấp dẫn để bảo toàn giá trị.
Đặc biệt, sự tham gia của các công ty lớn như MicroStrategy, Tesla và các quỹ đầu tư như Grayscale đánh dấu bước ngoặt: Bitcoin không còn là sân chơi chỉ dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Giá Bitcoin đã tăng từ khoảng 8,600 USD lên gần 69,000 USD trong vòng 18 tháng, với mức tăng khoảng 700%. Cũng trong giai đoạn này, các sản phẩm tài chính như hợp đồng tương lai, quyền chọn, và các nền tảng DeFi phát triển mạnh mẽ, tạo nên một hệ sinh thái đa tầng xung quanh Bitcoin.
Halving 2024: ETF, AI và một chu kỳ trưởng thành
Chu kỳ hiện tại (sau halving 2024) đang diễn ra trong bối cảnh rất khác so với các chu kỳ trước. Thay vì lãi suất 0% và bơm tiền, năm 2023 – 2024 thế giới chứng kiến lạm phát cao và các ngân hàng trung ương (đặc biệt Fed) nâng lãi suất lên mức >5% (cao nhất 15 năm) để kiểm soát giá cả. Thanh khoản hệ thống vì thế trở nên thắt chặt, dòng tiền rẻ không còn dễ dãi như trước
Tuy nhiên, điểm nhấn mang tính bước ngoặt của chu kỳ này chính là sự kiện SEC phê duyệt các quỹ Bitcoin ETF vào đầu năm 2024. Chỉ trong vòng ba tháng, các quỹ ETF này đã thu hút dòng vốn kỷ lục lên tới hơn 50 tỷ USD, một diễn biến chưa từng có tiền lệ, phản ánh sự quan tâm và chấp nhận ngày càng tăng từ giới đầu tư tổ chức và truyền thống.

Dù vậy, dữ liệu ghi nhận đến một năm sau sự kiện Halving 2024 cho thấy, giá Bitcoin chỉ tăng khoảng 30-40%, từ 69,000 USD lên hơn 100,000 USD, một mức tăng trưởng khiêm tốn đáng kể so với hiệu suất cùng kỳ của ba chu kỳ trước đó. Con số này phần nào phản ánh sức ép từ chi phí vốn cao và tâm lý thận trọng của dòng tiền lớn trong bối cảnh vĩ mô mới.
Song song đó, làn sóng AI trỗi dậy, kéo theo mối tương quan mới giữa các token AI và Bitcoin. Nhà đầu tư bắt đầu theo dõi cả xu hướng công nghệ lẫn chính sách vĩ mô để đưa ra quyết định. Thị trường ngày càng phản ứng nhanh, hiệu quả hơn, nhưng cũng ít phi lý hơn. Điều này làm giảm độ kịch tính của các đợt bull-run nhưng đồng thời cũng khiến thị trường trở nên bền vững hơn.
Đọc thêm: Thợ đào Bitcoin chuyển hướng sang AI để ‘sống sót’ sau halving
Halving: La bàn chỉ hướng, không phải bản đồ chi tiết
Nhìn bức tranh rộng hơn, dù Bitcoin có khuôn mẫu tăng lặp lại, nhưng mỗi chu kỳ có sắc thái riêng biệt do hoàn cảnh thay đổi:
Biên độ tăng giảm dần: Như đã phân tích, tỷ lệ tăng giá của Bitcoin sau Halving đang giảm qua từng chu kỳ, từ mức 8,000% (2012 - 2013) xuống khoảng 800% (2020 - 2021) và có thể chỉ còn hai con số phần trăm ở chu kỳ 2024.
ROI giảm dần phản ánh quy mô thị trường lớn hơn (để giá tăng gấp 10 lần ở mức vốn hóa hàng ngàn tỷ USD khó hơn nhiều so với khi vốn hóa nhỏ) và tính hiệu quả tăng lên (giá ít bị định giá sai nghiêm trọng nhờ nhiều người tham gia hơn). Bitcoin đang tiến dần tới trạng thái “trưởng thành”, giống các tài sản truyền thống hơn về mặt tỷ suất.
Thời gian đạt đỉnh biến động: Độ trễ sau Halving không cố định, đã có xu hướng kéo dài hơn ở các chu kỳ gần đây. Chu kỳ 2012 giá đạt đỉnh sau khoảng 12 tháng, 2016 sau 17 tháng, 2020 sau 18 tháng.
Nếu xu hướng này giữ vững, đỉnh chu kỳ 2024 có thể rơi muộn hơn (khoảng 18 tháng hoặc hơn, tức cuối 2025) thay vì chỉ một năm. Tuy nhiên, đây không hẳn là quy luật cứng, tùy thuộc điều kiện thị trường.
Sự khác biệt này một phần do mức độ đón nhận Halving của thị trường: những lần sau, nhà đầu tư kỳ vọng sớm hơn, mua vào Bitcoin trước Halving nhiều hơn (dẫn đến giá tăng trước sự kiện rồi tạm lắng), trong khi lần đầu ít người biết nên hiệu ứng đến muộn.
Ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế vĩ mô: Mỗi chu kỳ Halving diễn ra dưới tình hình kinh tế vĩ mô khác nhau. Hai chu kỳ đầu (2012, 2016) rơi vào giai đoạn tiền rẻ, lãi suất thấp, kinh tế ổn định, thuận lợi cho tài sản rủi ro.
Ngược lại, chu kỳ hiện tại (2024) là lần đầu Bitcoin bước vào Halving khi lãi suất cao và thanh khoản thắt chặt, do đó mức tăng trưởng đã “hụt hơi” hơn hẳn.
Cơ cấu nhà đầu tư và hành vi thị trường: Thành phần và hành vi nhà đầu tư đã thay đổi qua mỗi chu kỳ. Ở 2012 - 2013, thị trường hầu như chỉ gồm những người đam mê công nghệ và một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Đến 2016 - 2017, bắt đầu có nhiều nhà đầu tư cá nhân FOMO và quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia, thị trường mang tính đầu cơ cao.
Sang 2020 - 2021, nhà đầu tư tổ chức và tập đoàn lớn nhập cuộc, đem theo lượng vốn lớn và yêu cầu về hạ tầng giao dịch chuyên nghiệp - thị trường bắt đầu “tập dượt” với việc có các tay chơi lớn, giao dịch phái sinh, quản trị rủi ro.
Chu kỳ 2024 đánh dấu bước tiến xa hơn: sự xuất hiện của ETF Bitcoin cho thấy dòng vốn Phố Wall đã có kênh chính thống để tham gia; bên cạnh đó, vai trò của thuật toán và AI trong giao dịch cũng trở nên rõ nét.
Yếu tố sự kiện bên ngoài: Mỗi chu kỳ chịu tác động bởi những sự kiện lớn khác nhau. Ví dụ, chu kỳ 2012–2013 chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng ngân hàng và các sự kiện như Mt.Gox, hay chu kỳ 2016 gắn liền với sự bùng nổ của ICO… Những sự kiện trên làm mỗi chu kỳ có “câu chuyện” riêng, ảnh hưởng đến dòng tiền và độ mạnh yếu của đà tăng giá.

Tựu trung, Halving vẫn là mốc quan trọng trong chu kỳ 4 năm của Bitcoin. Tuy nhiên, khi thị trường trưởng thành và dòng tiền trở nên chuyên nghiệp hơn, Halving không còn là động lực duy nhất. Nó giống một chiếc la bàn chỉ hướng cho nhà đầu tư nhưng không thể thay thế một bản đồ chi tiết của hành trình.
Thời gian Bitcoin đạt đỉnh và mức tăng cuối cùng khác biệt đáng kể qua các chu kỳ, cần thận trọng khi dự đoán dựa trên quá khứ mà không tính đến hoàn cảnh vĩ mô tương ứng
Như Goldman Sachs nhấn mạnh: “Thời gian Bitcoin đạt đỉnh và mức tăng cuối cùng khác biệt đáng kể qua các chu kỳ, cần thận trọng khi dự đoán dựa trên quá khứ mà không tính đến hoàn cảnh vĩ mô tương ứng”. Do đó, nhà đầu tư không nên rập khuôn kỳ vọng rằng Bitcoin Halving 2024 sẽ tạo ra một đợt tăng giá y hệt 2017 hay 2021, lịch sử vẫn vang chung nhịp điệu nhưng không có nghĩa là lặp lại hoàn toàn.