Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

2025 có phải mùa "uptrend"? Người gật, kẻ lắc

Theo lý thuyết chu kỳ 4 năm, người ta kỳ vọng 2025 sẽ là mùa tăng của crypto. Nhưng với cú sụp đổ "lịch sử" vào đầu năm vừa rồi, niềm tin này đang bị lung lay.
nguyennsh
Published Feb 10 2025
Updated Feb 12 2025
8 min read
thumbnail

Đầu tháng 2/2025, thị trường crypto rơi vào khủng hoảng khi giá BTC giảm mạnh từ 105,000 USD xuống còn 92,000 USD, nhiều altcoin chạm ngưỡng giá thấp nhất mọi thời đại (ATL). Dữ liệu từ CoinGlass cũng cho thấy đây là đợt sụt giảm ghi nhận khối lượng tài sản bị thanh lý trong một ngày lớn nhất lịch sử, với hơn 2.3 tỷ USD "bốc hơi".

Việc thị trường sụp đổ ngay sau nhiều sự kiện tích cực như chính quyền mới của Mỹ tỏ ra thân thiện với crypto, Bitcoin Halving diễn ra, ETF được phê duyệt… là đòn giáng mạnh vào niềm tin của nhiều người. Theo đó, Matt Hougan - CIO của quỹ quản lý tài sản Bitwise, cho rằng chu kỳ 4 năm trong crypto có lẽ không còn tồn tại.

Chu kỳ 4 năm: Từng "đến hẹn lại lên"

Chu kỳ 4 năm của thị trường crypto tương tự như một chu kỳ kinh tế thông thường (business cycle), bao gồm 3 năm tăng trưởng và 1 năm điều chỉnh. Theo lý thuyết, để chu kỳ bắt đầu cần ít nhất một chất xúc tác với vai trò thúc đẩy dòng tiền.

Đọc thêm: Chu kỳ kinh tế là gì? Tìm hiểu 4 giai đoạn trong chu kỳ kinh tế.

Chu kỳ năm 2011 bắt đầu với sự ra đời của các sàn giao dịch quy mô lớn như Mt. Gox, Coinbase…, giúp nhiều người dễ dàng mua và tiếp cận Bitcoin. Khi giá Bitcoin tăng, sự chú ý và dòng tiền cũng bắt đầu đổ vào thị trường.

Cũng theo lý thuyết này, kết thúc chu kỳ thường đi kèm một sự kiện "thiên nga đen", điển hình năm 2014 chấm dứt chu kỳ 4 năm đầu tiên của crypto với sự sụp đổ của sàn giao dịch Mt. Gox. Các chu kỳ tiếp theo diễn ra tương tự:

  • Năm 2015 - 2018: Chu kỳ bắt đầu với sự ra mắt của Ethereum và smart contract vào năm 2015. Chu kỳ kết thúc khi SEC tuyên bố nhiều dự án ICO vi phạm luật chứng khoán và có dấu hiệu lừa đảo.
  • Năm 2019 - 2022: Chu kỳ khởi động với sự bùng nổ của các dự án DeFi (Uniswap, Aave…), trong đó một số giao thức đạt TVL hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022 kết thúc bằng sự kiện chấn động khi hai "đế chế" Terra và FTX sụp đổ, làm tiêu tan hơn 60 tỷ USD của nhà đầu tư.
chu kỳ 4 năm thông thường
Chu kỳ 4 năm của thị trường crypto. Ảnh: Bitwise.
advertising

"Con tàu" crypto không còn theo lộ trình cũ

Sau đợt sụt giảm của thị trường vào ngày 4/2/2025, Matt Hougan của Bitwise cho rằng các mốc thời gian trong crypto đã đổi khác.

Cụ thể, chu kỳ bắt đầu sau chất xúc tác vào tháng 3/2023, khi Grayscale giành chiến thắng trong vụ kiện với SEC liên quan đến Bitcoin ETF. Kể từ thời điểm đó, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của nhiều Bitcoin ETF, góp phần giúp giá BTC tăng trưởng đáng kể.

Tuy nhiên, chu kỳ này lại xuất hiện yếu tố khác biệt so với ba chu kỳ trước. Vào ngày 23/1/2025, Chính phủ Mỹ ban hành quyết định lập “Kho dự trữ tài sản số quốc gia,” chính thức không còn coi crypto là tài sản rủi ro hay mối đe dọa. Động thái này trở thành “đường dẫn” hỗ trợ thị trường crypto hình thành khung pháp lý hoàn chỉnh.

Sự thay đổi từ Nhà Trắng cũng mở đường cho các tổ chức và quỹ đầu tư lớn tiến vào thị trường crypto. Tuy nhiên, Hougan chỉ ra rằng hầu hết các doanh nghiệp tài chính truyền thống không hoạt động dựa trên lý thuyết chu kỳ 4 năm của crypto.

Thực tế, mặc dù Chính phủ Mỹ đã ban hành sắc lệnh "ưu ái" crypto, để xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh cần ít nhất một năm. Khi đó, các tổ chức tài chính lớn ở phố Wall mới có thể tự do tham gia vào thị trường crypto.

"Phố Wall và các tổ chức chính thống giống như con tàu chở dầu khổng lồ, không phải thuyền cao tốc", Matt Hougan chia sẻ trên X.

Phố Wall và các tổ chức chính thống giống như con tàu chở dầu khổng lồ, không phải những chiếc thuyền cao tốc.
Matt Hougan của Bitwise

Theo dự phóng của Hougan, nếu khung pháp lý được hoàn thiện và Phố Wall đổ bộ vào thị trường crypto, năm 2025 sẽ không còn là "uptrend" và 2026 cũng không phải điểm kết thúc chu kỳ. Thay vào đó, chu kỳ lần này có thể kéo dài tới cả thập kỷ, chứ không giới hạn ở phạm vi 4 năm.

Phố Wall không thể định hình chu kỳ crypto

Dưới bài chia sẻ của Hougan, Jonnie King - tài khoản được nhiều nhà sáng lập và dự án crypto theo dõi, phản biện rằng “nhịp đập chính” của chu kỳ 4 năm crypto nằm ở thanh khoản của các tổ chức toàn cầu và chính sách của FED. Phố Wall chỉ giúp tăng tốc độ tăng trưởng của thị trường, chứ không thể tạo ra tác động đủ lớn để định hình một chu kỳ crypto.

Do đó, Jonnie tin rằng chu kỳ 4 năm hiện tại vẫn diễn ra bình thường, "uptrend" sẽ xuất hiện vào năm 2025 và “mùa đông” crypto sẽ đến vào 2026.

Theo Jonnie, bối cảnh vĩ mô năm 2025 đang có bước chuẩn bị tương tự như năm 2017 với chính quyền mới của Mỹ và tỷ lệ lạm phát USD cao bất chấp việc FED tăng lãi suất. Đồng thời, thanh khoản cung tiền toàn cầu (M2 Global Liquidity) cho thấy triển vọng gia tăng, trong khi sức mạnh đồng USD lại có dấu hiệu suy yếu.

Theo VnExpress, vào tháng 7/2024, nợ công Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 35 nghìn tỷ USD, và đến tháng 9/2024, con số này đã tăng lên 36 nghìn tỷ USD. Về chi phí lãi vay, Chính phủ Mỹ đã chi hơn 1,000 tỷ USD để trả lãi cho khoản nợ quốc gia.

Như vậy, cả nợ công và chi phí lãi vay của Mỹ đều đang ở mức rất cao. Để khắc phục hệ quả này, Jonnie dự phóng FED sẽ cắt giảm lãi suất nhằm giảm chi phí nợ cho chính phủ Mỹ, thậm chí trong bối cảnh đồng USD có khả năng lạm phát cao (hơn năm 2017) do các yếu tố địa chính trị (chiến tranh) và thương mại.

Tiếp theo đó, đồng USD vào năm 2025 có khả năng suy yếu tương tự như giai đoạn năm 2017, khi Donlad Trump bắt đầu tăng thuế nhập khẩu. Điều này khiến hàng hóa từ nước ngoài vào Mỹ ít hơn (do thuế cao), đồng thời thúc đẩy người dùng nước tiêu thụ hàng hóa nội địa Mỹ.

Sức mạnh của USD sẽ suy yếu dần do nhu cầu sử dụng đồng tiền này để thanh toán cho hàng nhập khẩu giảm xuống. Điều này đồng thời hỗ trợ hàng hóa Mỹ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu, và giúp kiểm soát nợ công của chính phủ.

bảng so sánh m2 và usd
Bảng so sánh M2 Global Liquidity (trên) và USD (dưới). Nguồn: Jonnie King

Ngoài ra, Jonnie cũng đề cập đến một yếu tố cuối cùng: đồng tiền của các quốc gia khác đang trở nên mạnh hơn. Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới (ECB, BOJ, PBOC) vẫn đang áp dụng chính sách Monetary Easing - chính sách tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, qua đó làm giảm giá trị USD và tăng giá trị các đồng tiền khác.

Từ hai quan điểm trên có thể thấy, thị trường crypto đang bước vào một giai đoạn phát triển phức tạp hơn. Thị trường không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố nội tại như trước, mà còn chịu tác động mạnh mẽ từ các chính sách vĩ mô toàn cầu, biến động địa chính trị, và thanh khoản tài chính quốc tế.

RELEVANT SERIES