Mt. Gox: Bài học từ sự kiện sụp đổ của kẻ khổng lồ crypto
Mt. Gox là gì?
Mt. Gox là sàn giao dịch Bitcoin có trụ sở tại Nhật Bản và đã nộp đơn phá sản vào năm 2014. Vào những năm đầu của thị trường crypto (2006 - 2014), Mt. Gox luôn giữ vững vị trí sàn giao dịch lớn nhất thế giới, khi đơn phương xử lý 70% tổng khối lượng giao dịch tại mạng lưới Bitcoin.
Tuy nhiên, tai hoạ ập đến vào năm 2014, sàn Mt. Gox bị hacker tấn công và thất thoát tới *850,000 BTC tài sản của khách hàng. Mt. Gox phải đệ đơn phá sản vì số tiền đền bù quá lớn. Vụ việc này không chỉ là nốt trầm của thị trường crypto, mà còn là bài học để đời của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, và một số chính phủ cũng từ đây ra những quy định mới về tiền mã hoá.
*Theo tài liệu từ Mt. Gox, số tiền bị đánh cắp lên tới 850,000 BTC, nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau đó đội ngũ đã tìm lại 200,000 BTC. Do đó, số tiền thực tế bị thất lạc là 650,000 BTC.
Nguồn gốc và sự thay đổi của Mt. Gox
Trước khi trở thành sàn giao dịch top đầu, số ít người biết rằng tiền thân của sàn Mt. Gox là tên viết tắt của Magic: The Gathering Online eXchange, một nền tảng mua/bán thẻ game.
Đến giữa năm 2010, phong trào thẻ game thoái trào và theo đó là từ khoá Bitcoin bắt đầu nổi lên. Founder của Mt. Gox - Jed McCaleb, lúc này nhận thấy cơ hội khi cộng đồng Bitcoin đang thiếu nơi giao dịch, nên đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của Mt. Gox, từ mua/bán thẻ game sang mua/bán BTC.
Điều hành không được bao lâu, vào tháng 3/2011, Jed đã bán sàn giao dịch Mt. Gox cho một doanh nhân tại Nhật có tên Mark Karpelès. Dưới thời của người dẫn dắt mới, Mt. Gox di dời trụ sở chính sang Nhật Bản để dễ dàng mở rộng quy mô. Chiến lược phát triển hiệu quả, kèm với số lượng đối thủ cạnh tranh ít, nên đã đưa Mt. Gox trở thành gã khổng lồ trong thị trường.
Các dữ kiện lịch sử cũng chứng minh rằng Mt. Gox xứng đáng với vị thế top 1, cụ thể như sau:
- Tỷ lệ xử lý tổng khối lượng BTC toàn cầu là 70%.
- Số lượng người dùng chạm mức 1 triệu vào năm 2013.
- Khối lượng giao dịch hàng ngày chạm mốc hàng chục nghìn BTC.
Yếu kém về quản lý, khởi đầu cho một cái kết
Từ bên ngoài, Mt. Gox hiển nhiên là sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới. Nhưng theo nhiều bài báo như CoinDesk, thời điểm bấy giờ, nội bộ của Mt. Gox lại thể hiện sự yếu kém về mặt quản lý nhân sự, tài sản và thậm chí thiếu kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp.
Theo Wired, Karpelès sẵn sàng quyên góp 5,000 BTC cho Bitcoin Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển Bitcoin, nhưng lại không hề nâng cấp cơ sở hạ tầng cho nhân viên của mình, kể cả những thứ đơn giản như Tivi hay bữa trưa của họ.
“Mark Karpelès thích được gọi là King of Bitcoin, tất cả chỉ vì vẻ hào nhoáng bên ngoài.”
Không chỉ quản lý, vấn đề về kỹ thuật cũng lớn không kém. Theo lời kể của một kỹ sư đi xin việc tại Mt. Gox đã kể lại trải nghiệm của bản thân. Ban đầu anh ngồi tại phòng chờ phỏng vấn, vui vẻ vì chuẩn bị bước vào một doanh nghiệp crypto lớn nhất hiện tại. Nhưng anh vỡ mộng khi phát hiện Mt. Gox không sử dụng bất kỳ một công cụ bảo mật cơ bản nào. Điều mà bất cứ doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều phải áp dụng.
Nếu không sử dụng, thì mọi kỹ sư tại Mt. Gox đều có khả năng ghi đè mã nguồn của họ lên hệ thống. Anh cũng tiếp tục nói rằng việc vá lỗi của sàn giao dịch Mt. Gox khả năng mất nhiều thời gian, vì Karpelès là người duy nhất được phép phê duyệt.
Điển hình có thể kể vào năm 2011, chỉ 3 tháng sau khi đổi chủ, Mt. Gox hứng chịu một vụ tấn công và đánh mất 25,000 BTC, tương đương 8.75 triệu USD. Cụ thể, hacker chiếm quyền kiểm soát máy tính của một nhân viên Mt. Gox, ghi đè dữ liệu và đưa giá BTC trên Mt. Gox thành 0.01 USD. Từ đó, kẻ tấn công chỉ việc mua BTC với giá rẻ như cho.
Mt. Gox nhanh chóng xoa dịu cộng đồng và khách hàng cũng dần quên đi sự kiện năm 2011 này. Nhưng theo Jesse Powell và Roger Ver - hai cá nhân hỗ trợ Mt. Gox chống chọi vụ hack, đã kể rằng tại thời điểm bị tấn công cho tới khi tất cả được xử lý, Karpelès luôn thể hiện sự vô trách nhiệm, thái độ thờ ơ, thậm chí một lời cám ơn Powell và Ver cũng không có.
Ngoài ra theo CoinDesk, Mt. Gox chỉ giải quyết vấn đề truyền thông, chứ không hề vá lỗ hổng bảo mật. Đây có thể được coi là một trong những lý do cho sự sụp đổ của sàn giao dịch hàng đầu thị trường.
Hồi kết của sàn giao dịch hàng đầu thị trường
Chuỗi sụp đổ của Mt. Gox bắt đầu vào mùa thu 2013, Mt. Gox gặp vấn đề pháp lý tại Mỹ khi doanh nghiệp chưa đăng ký với tư cách cung cấp dịch vụ chuyển tiền. Do đó, Mt. Gox bị tịch thu 5 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của công ty. Trong khoảng thời gian này, Mt. Gox cũng bị kiện bởi đối tác của công ty - CoinLab, và tiêu tốn gần 75 triệu USD. Thời điểm khó khăn đã khiến Mt. Gox chặn rút tiền tại Mỹ, và từ sàn giao dịch top đầu trở thành sàn giao dịch top 3 trong một đêm.
Không chỉ giới hạn tại Mỹ, vào ngày 24/2/2014, Mt. Gox đột nhiên ngừng mọi hoạt động giao dịch Bitcoin của người dùng tại tất cả quốc gia. Karpelès biện hộ rằng có lỗ hổng kỹ thuật từ hệ thống công ty. Lý do thiếu thuyết phục đã khiến làn sóng phẫn nộ xuất hiện trong cộng đồng Bitcoin, hàng loạt người biểu tình ở trước cửa trụ sở Mt. Gox.
Một khoảng thời gian ngắn sau đó, tài liệu nội bộ của Mt. Gox bị tiết lộ ra ngoài cộng đồng. Trong đó, chỉ một hacker duy nhất lợi dụng lỗ hổng và lấy tiền tại Mt. Gox trong suốt nhiều năm kể từ 2011, mà công ty không hề thông báo cho khách hàng. Thất thoát hơn 850,000 BTC của công ty và khách hàng, tương đương 460 triệu USD vào năm 2014.
Ngày 28/2/2014, Mt. Gox đệ đơn bảo hộ phá sản tại Nhật Bản và tuyên bố số nợ phải trả khoảng 6.5 tỷ Yên, tương đương 65 triệu USD. Đối với số BTC bị đánh cắp, Karpelès cũng thừa nhận trong các buổi họp báo rằng ông không hề hay biết “vị trí" của 850,000 BTC. Đến tháng 3/2014, Mt. Gox lại tìm ra một ví cứng của kẻ tấn công, chứa 200,000 BTC. Mặc dù số tiền ít ỏi, nhưng cũng đã nhen nhóm hy vọng của nhà đầu tư về kế hoạch trả nợ từ Mt. Gox.
Kế hoạch trả nợ của Mt. Gox
Cuộc khủng hoảng tài chính Mt. Gox ảnh hưởng quá lớn, khiến việc nộp đơn bảo hộ phá sản là chưa đủ và chính phủ cần mở rộng khung pháp lý liên quan tới thị trường crypto. Theo đó, ngay sau khi phá sản không bao lâu, Mark Karpelès bị kết tội tham ô, thao túng dữ liệu doanh nghiệp và nhận án 2 năm rưỡi tù treo.
Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cũng bổ nhiệm quản tài viên Nobuaki Kobayashi xử lý và hoàn tiền cho những chủ nợ của Mt. Gox. Vấn đề pháp lý chưa rõ ràng về crypto, chẳng hạn như bồi thường bằng BTC hay tiền pháp định, giá trị đền bù nên tính tại thời điểm nào… đồng thời tài sản đền bù quá lớn đã khiến quá trình hoàn tiền cho chủ nợ Mt. Gox trải dài nhiều năm liền.
Và sau hơn một thập kỷ (năm 2024), sàn giao dịch Mt. Gox cũng bắt đầu hoàn trả cho nhà đầu tư. Tính tới thời điểm cuối năm 2024, Mt. Gox đã bồi thường tổng cộng 6 tỷ USD, và thông báo phần còn lại được hoàn trả vào cuối năm 2025.
Bài học của MT. Gox dành cho nhà đầu tư crypto
Một số người đã cho rằng Mt. Gox sụp đổ là sự kiện thiên nga đen đầu tiên của thị trường crypto. Trước khi sàn giao dịch này gặp sự cố, giá BTC dao động từ 800 - 1,000 USD. Nhưng sau khi Mt. Gox ngừng giao dịch và nộp đơn phá sản, giá BTC chạm mức 400 - 600 USD trong nhiều tuần, giảm gần 50%.
Mặc dù sự kiện này chỉ khiến đa phần mọi người chịu lỗ trong thời gian vài tuần, nhưng có những câu chuyện đánh đổi cả cuộc đời vì đã lưu trữ tài sản ngay tại sàn giao dịch hàng đầu.
Do đó, để phòng tránh từ những trường hợp tương tự như Mt. Gox, nhà đầu tư nên học cách bảo vệ tài sản và quản lý rủi ro khi tham gia thị trường crypto, chẳng hạn như:
- Người dùng không nên lưu trữ toàn bộ tài sản trên sàn giao dịch. Bởi đây là nơi nhà đầu tư không nắm quyền kiểm soát tài sản của bản thân, mà chính là sản giao dịch. Trong thị trường crypto thường có câu “Not your keys, not your coins", khuyến khích người dùng sử dụng các loại ví Web3, nơi bản thân tự quản lý tài sản. Ví dụ như ví Coin98 Super Wallet.
- Đa dạng hoá nơi lưu trữ tài sản: Tương tự như đa dạng hóa danh mục đầu tư, người dùng cũng nên sử dụng nhiều ví để lưu trữ tài sản, chẳng hạn như ba ví chứa tài sản dài hạn, hai ví chứa tài sản trung hạn… Thậm chí, nếu ưu tiên sử dụng ví từ sàn giao dịch, người dùng cũng nên lưu trữ tài sản ở nhiều sàn khác nhau. Thực chất, việc đa dạng hoá nơi lưu trữ không phát sinh thêm chi phí.
- Thận trọng trong việc lựa chọn sàn giao dịch: Tại vụ việc Mt. Gox, các yếu tố minh bạch, bảo mật luôn bị ló ngơ bởi đa phần mọi người. Vì vậy, để lựa chọn một sàn giao dịch uy tín, người dùng nên xem xét các yếu tố pháp lý và tính minh bạch (PoR) của nền tảng. Theo đó, người dùng có thể kiểm tra PoR trên DefiLlama, CoinMarketCap hoặc CoinGecko.
Đọc thêm: Hiểu về “crypto hack” qua vụ hack sàn Mt.Gox chấn động thế giới crypto.