Thiên nga đen là gì? Sự kiện blackswan tác động như thế nào tới Crypto
Thiên nga đen là gì?
Thiên nga đen (hay Black Swan) là thuật ngữ mô tả những sự kiện hiếm khi hoặc xảy ra bất thường, không thể dự đoán trước và mang lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.
Thiên nga đen thường được dùng trong lĩnh vực tài chính hay thị trường chứng khoán, có thể bao gồm sự sụp đổ của tổ chức tài chính lớn, biến động giá đột ngột và khó giải thích bằng các yếu tố cơ bản/tin tức của cổ phiếu hoặc tài sản, thậm chí là sự suy giảm của chỉ số chứng khoán quốc gia…
Đối với thị trường tiền điện tử, thiên nga đen có thể xảy ra với những cuộc tấn công mạng khiến rò rỉ dữ liệu, sự sụp đổ của các sàn lớn hay các quỹ đầu tư gây thiệt hại nặng nề trên tổng vốn hóa thị trường, biến động lớn trên thị trường chung (chứng khoán, giá dầu…) ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử…
Bản chất của thiên nga đen
Thuật ngữ thiên nga đen được giới thiệu đầu tiên vào năm 2007, xuất bản trong cuốn “Thiên nga đen - Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn" của giáo sư tài chính, cựu thương nhân phố Wall - Nassim Nicholas Taleb.
Taleb mô tả bản chất của các sự kiện thiên nga đen cần đáp ứng được ba tiêu chí sau:
- Outlier: là sự kiện ngoại lệ, không thể đoán trước được, chưa từng có dữ liệu trong quá khứ chứng minh có thể xảy ra.
- Extreme Impact: tác động lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu.
- After: các nhà đầu tư hợp lý hóa sự kiện theo khuynh hướng nhận thức muộn, điều này khiến cho sự kiện có vẻ như có thể đoán trước được.
Taleb cho rằng, hầu hết các phương pháp được sử dụng để phân tích trong thị trường chủ yếu đều dùng dữ liệu từ quá khứ để đưa ra nhận định trong tương lai. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng tạo ra những bất cập. Phụ thuộc vào dữ liệu quá khứ dễ khiến cho nhà đầu tư chậm chân với các cơ hội chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Đồng thời, Taleb cũng nhận định rằng việc một sự kiện có được xem là thiên nga đen hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn và quan điểm của mỗi người.
Trong lịch sử từng chứng kiến vụ khủng bố ngày 11/09/2001 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, nhiều công ty lớn phá sản cùng hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.
Mặc dù sự kiện này có tác động lên thị trường chứng khoán Mỹ và người dân nước này nói riêng, tác động lên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, nhưng nó không được xem là thiên nga đen vì không đáp ứng được yếu tố “Outliner" - không ai có thể đoán trước được. Trong vụ việc này, nhóm khủng bố đã có kế hoạch và nắm trước toàn bộ quá trình khủng bố.
Ảnh hưởng của sự kiện thiên nga đen
Các sự kiện thiên nga đen có thể gây ra sự bất ổn trong thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường tiền điện tử. Tuy nhiên, cách mà hai thị trường này phản ứng và chịu tác động của sự kiện này có thể khác nhau.
Đối với thị trường chung
Sự kiện thiên nga đen mang lại các tác động cho thị trường chung như sau:
- Khủng hoảng tài chính: Sự kiện thiên nga đen có thể gây ra sự hỗn loạn trong thị trường tài chính. Giá trị các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa có thể giảm mạnh đột ngột. Sự biến động giá cả và sự lo sợ trên thị trường có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và suy giảm hoạt động giao dịch.
- Ảnh hưởng lên các tổ chức/định chế tài chính: Nền tài chính tổng thể không ổn định khiến các tổ chức tài chính và ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản, giảm khả năng tín dụng và gặp các nguy cơ khác như hiện tượng rút tiền hàng loạt (bank run).
- Khủng hoảng kinh tế: Bên cạnh tài chính, nền kinh tế toàn cầu cũng bị suy thoái theo và gây ảnh hưởng đến toàn xã hội. Sự kiện có thể gây ra sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, giảm tiêu dùng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng và tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, thiệt hại cho sản xuất và GDP.
- Bất ổn chính trị và xã hội: Các sự kiện thiên nga đen có mức tác động toàn cầu, vì vậy không thể tránh khỏi các bất ổn liên quan đến chính trị và xã hội. Các quốc gia cần nhìn nhận lại và đưa ra các biện pháp xử lý cho hậu quả của thiên nga đen. Điều này có thể gây ra nhiều mâu thuẫn trong xã hội và khiến cho tình hình trở nên nặng nề hơn.
- Hệ lụy trong dài hạn: Các hậu quả của sự kiện thiên nga đen sẽ lưu lại trong thời gian dài. Những thay đổi về kinh tế và xã hội không dễ dàng phục hồi ngay sau khi sự kiện diễn ra. Nền kinh tế và tài chính có thể mất nhiều năm để bền vững trở lại.
Đối với thị trường crypto
Bên cạnh đó, thiên nga đen cũng tạo nên các ảnh hưởng tới thị trường tiền điện tử ở các khía cạnh khác như:
- Biến động giá: Thị trường tiền điện tử có mức biến động giá cao. Vì vậy, một sự kiện kinh tế quan trọng hay một cuộc tấn công mạng cũng có thể làm giảm giá trị các loại tiền điện tử một cách đáng kể.
- Tâm lý thị trường: Thông thường, tâm lý của nhà đầu tư và người dùng sẽ bị tác động mạnh khi một sự kiện không mong đợi bất ngờ xảy ra. Họ có thể bị hoảng loạn và ngay lập tức bán tháo toàn bộ tài sản, khiến thanh khoản suy giảm và gây ra nhiều hệ lụy.
- Các thay đổi liên quan đến vấn đề pháp lý: Sự kiện thiên nga đen có thể gây ra các ảnh hưởng và có thể khiến một số quốc gia xem xét việc thay đổi các quy định pháp lý. Điều này tác động trực tiếp đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thị trường tiền điện tử.
- Lòng tin của nhà đầu tư: Trong thị trường tiền điện tử, lòng tin là một yếu tố quan trọng giúp cho người dùng gắn bó. Nếu như mất đi niềm tin, đa số các nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường.
- Xu hướng tiếp cận và chấp nhận tiền điện tử trên diện rộng (mass adoption): Các sự kiện thiên nga đen xảy ra có thể gia tăng rào cản trong việc chấp nhận và sử dụng tiền điện tử. Kìm hãm và giảm quy mô phát triển, kéo dài thời gian tiến đến mass adoption.
Một số sự kiện black swan nổi bật
Trong lịch sử, thị trường tài chính đã chứng kiến nhiều hiện tượng có đủ ba khía cạnh của một sự kiện thiên nga đen điển hình và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế, tài chính toàn cầu nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng.
Sự kiện bong bóng Dotcom - bong bóng Y2K năm 2001
Sự kiện bong bóng Dotcom (hay bong bóng Y2K) năm 2001 là cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu do sự sụp đổ của thị trường công nghệ thông tin Dotcom.
Khi Internet phát triển nhanh chóng vào những năm 1990, các công ty Dotcom - công ty công nghệ với tên miền kết thúc bằng ".com" - như Amazon và Google đã tạo niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng và sinh lợi nhanh của Internet, khiến hàng ngàn người đổ xô đầu tư vào các công ty này.
Tuy nhiên, vào năm 2000, khi định giá quá cao không đi liền với giá trị thực, thị trường Dotcom suy yếu. Giá cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh, công ty thậm chí sụp đổ. Nhà đầu tư mất hàng tỷ USD và hậu quả của nó đã lan nhanh đến nền kinh tế toàn cầu. Nguồn vốn đổ vào để đầu tư công nghệ và các lĩnh vực liên quan chững lại.
Sự kiện bong bóng Dotcom năm 2001 đã lưu lại một bài học quan trọng. Ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá rủi ro và quản lý đầu tư trong các ngành công nghệ và thị trường tài chính, và nó tiếp tục được đề cập trong các nghiên cứu và phân tích kinh tế hiện đại.
Đọc thêm: Bài học đầu tư từ bong bóng dotcom.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 bắt đầu từ thị trường tín dụng Mỹ và lan rộng ra toàn cầu. Nguyên nhân chính đến từ việc khách hàng không đủ năng lực trả các khoản vay mua nhà không đảm bảo và sự phát triển của các công cụ tài chính phái sinh phức tạp.
Đồng thời, khi giá nhà giảm, các khoản thế chấp nhà bị thu hồi, thanh khoản không đủ để trả nợ. Các công ty tài chính đồng loạt gặp khó khăn.
Việc thiếu niềm tin trong hệ thống tài chính dẫn đến giá cổ phiếu và tài sản giảm mạnh. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các tổ chức tài chính bắt đầu sụp đổ, điển hình là trụ cột kinh tế Lehman Brothers. Hiệu ứng domino ngay lập tức được kích hoạt, hàng loạt tổ chức tuyên bố phá sản, gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chính phủ đã phải thực hiện các biện pháp cứu trợ, bao gồm cung cấp vốn và can thiệp từ phía nhà nước để ngăn chặn sự suy sụp của các công ty tài chính quan trọng. Tuy nhiên, tác động và hậu quả của cuộc khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Đọc thêm: Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Đại dịch Corona năm 2020
Đại dịch Corona đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến kinh tế toàn cầu. Suy thoái kinh tế là hậu quả chính đến từ việc áp dụng biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại của chính phủ. Hoạt động sản xuất và thương mại trong nước ngưng trệ.
Đồng thời, hoạt động thương mại quốc tế sụt giảm. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Hàng triệu người trên thế giới bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.
Trên thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu suy yếu, giá trị của các loại tài sản rủi ro thấp như vàng và trái phiếu nhà nước ngược lại gia tăng.
Để ứng phó với tình hình này, chính phủ đã đưa ra các biện pháp can thiệp mạnh mẽ như hỗ trợ tài chính, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định. Mặc dù những biện pháp này có tác động tích cực trong việc giữ cho nền kinh tế hoạt động, nhưng việc hồi phục sau đại dịch vẫn đặt ra nhiều thách thức.
Thiên nga đen trong thị trường crypto
Trong bối cảnh năm 2021, khi hàng loạt các quốc gia và tổ chức lớn công bố chấp thuận và có tín hiệu tích cực với crypto, các loại tiền điện tử hầu như có mức tăng trưởng vượt trội, liên tục tái thiết lập mốc giá ATH.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này ngay lập tức bị kìm hãm bởi sự kiện sự sụp đổ của Terra (LUNA) cùng stablecoin UST và sàn FTX trong năm 2022. Đây cũng được xem là hai sự kiện thiên nga đen nổi bật trong thị trường crypto.
UST mất peg, đế chế Terra 40 tỷ USD sụp đổ tháng 5/2022
Ngày 9/5/2022, UST - stablecoin của hệ sinh thái Terra, từng lọt top 3 stablecoin có vốn hóa lớn nhất thị trường, mất peg và giảm mạnh về dưới 0.1 USD. Điều này là khởi nguồn gây ra sự sụp đổ của một hệ sinh thái với vốn hóa tỷ USD.
Không chỉ tác động lên một hệ sinh thái, toàn thị trường tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
- Vốn hóa toàn thị trường tiền điện tử giảm hơn 400 tỷ USD.
- Giá BTC giảm mạnh về 30,900 USD, khoảng 21% giá trị.
- TVL của các dự án trong hệ sinh thái Terra giảm hơn 90%.
- Các stablecoin khác bị bán tháo, vốn hóa giảm.
- Tác động lên các quỹ đầu tư lớn, thiệt hại lên đến hàng tỷ USD. Quỹ đầu tư Hashed mất hơn 3.5 tỷ USD và hàng loạt quỹ/dự án gần như mất trắng.
- Các hệ sinh thái có vốn hóa top đầu thị trường cũng giảm mạnh.
Đọc thêm về diễn biến về hậu quả do sự kiện này gây ra: UST mất peg - Liệu có phải do sự sụp đổ của mô hình "Ponzi"?
FTX phá sản, cơ đồ 32 tỷ USD “hóa tay không" tháng 11/2022
Sau sự kiện của Terra, thảm họa FTX xảy ra khiến cho thị trường crypto một lần nữa điêu đứng. FTX từng là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới.
Ngày 2/11/2022, báo cáo tài chính của Alameda Research cho thấy có điểm bất thường trong số lượng tài sản mà tổ chức này đang sở hữu. Số tài sản họ nắm giữ khoảng 14.6 tỷ USD, nhưng có hơn 8 tỷ là tài sản đi vay và lượng lớn token FTT của FTX.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo ngại và đặt ra dấu hỏi cho lượng tài sản dự trữ của FTX vì Alameda Research được Sam Bankman-Fried thành lập vào năm 2017 và có mối quan hệ mật thiết với FTX.
Ngày 11/11/2022, sau hàng loạt các động thái từ các tổ chức lớn và người dùng đồng loạt rút tiền khỏi sàn, mặc cho những nỗ lực gọi vốn của Sam, FTX cuối cùng phải tuyên bố phá sản.
Sự kiện này để lại nhiều tổn thất:
- Vốn hóa toàn thị trường giả hơn 60%, từ 13.2 tỷ USD xuống 5 tỷ USD.
- TVL trên Solana giảm từ 900 triệu USD còn 300 triệu USD.
- Hàng loạt các quỹ lớn gần như mất toàn bộ số tài sản họ có, thiệt hại hàng tỷ USD.
- Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bị thiệt hại nặng nề.
Đọc thêm: Sự trỗi dậy và lụi tàn của FTX - "Cơ đồ" 32 tỷ USD "hóa tay không"
Chiến lược đầu tư black swan xảy ra
Trong cuốn sách của Taleb, ông đã nêu ra những chiến lược để có thể chuẩn bị cho các sự kiện thiên nga đen. Ông nhấn mạnh, quản lý rủi ro chính là điều cần quan tâm nhất.
Đối với thị trường tài chính, Taleb khuyên sử dụng chiến lược Thanh tạ (Barbell Strategy), chia tài sản ở hai khía cạnh đầu tư, cực kỳ an toàn và cực kỳ rủi ro. Tuy nhiên, phần tài sản đầu cơ chỉ chiếm khoảng 10% toàn bộ danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, khi thị trường sụp đổ không hoàn toàn mang lại những tác động xấu. Đây là thời điểm và là cơ hội lớn đối với những người có khả năng nắm bắt. Tuy nhiên, phải dựa trên kiến thức nhất định về phân tích cơ bản trong thị trường và có chọn lọc với những quyết định đưa ra.
Ngoài ra, nhà đầu tư luôn phải đa dạng hóa danh mục để có thể chuẩn bị tốt nhất khi thị trường có biến động bất ngờ và hạn chế rủi ro tối đa. Đồng thời, khi thiên nga đen xảy ra, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Những yếu tố trên không chỉ có thể áp dụng trong thị trường tài chính mà nó cũng là những bài học mà nhà đầu tư phải nắm khi tham gia thị trường crypto. Với tính chất biến động mạnh và mức độ rủi ro cao, việc nằm lòng những “bài học tài chính" là điều tất yếu.
Cuối cùng, sự kiện thiên nga đen là con dao hai lưỡi, nó khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro nhưng cũng là những cơ hội lớn.
Đọc thêm: Bong bóng hoa Tulip là gì? Khi bông hoa trở thành “vàng”