SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Merged Mining là gì? Tìm hiểu khai thác hợp nhất trong Crypto

Trong thị trường crypto, nơi sự cạnh tranh về tài nguyên máy tính và bảo mật mạng ngày càng gia tăng, khái niệm Merged Mining (khai thác hợp nhất) đã trở thành một giải pháp tiềm năng giúp nâng cao hiệu quả khai thác và tối ưu hóa tài nguyên.
Avatar
trangtran.c98
Published Oct 01 2024
8 min read
merged mining

Merged Mining là gì?

Merged Mining (khai thác hợp nhất) là cơ chế cho phép thợ đào khai thác đồng thời nhiều blockchain mà không cần sử dụng thêm tài nguyên tính toán. Điều này có nghĩa là một thợ đào có thể đóng góp sức mạnh tính toán của mình cho nhiều blockchain cùng lúc, nhưng chỉ cần thực hiện một lần khai thác duy nhất.

Merged mining được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011 bởi Satoshi Nakamoto, người sáng lập Bitcoin. Mục đích của ông là tận dụng khả năng xử lý của các thợ đào để cải thiện tính bảo mật cho các mạng blockchain nhỏ hơn, trong khi không làm giảm hiệu suất khai thác trên mạng blockchain chính.

Các blockchain nhỏ hơn còn được gọi là blockchain phụ, thuật ngữ tiếng Anh là auxiliary blockchain. Điều này cũng khiến cho cơ chế merged mining còn được gọi là auxiliary proof-of-work.

merged mining là gì
Tìm hiểu về khái niệm Merged Mining - khai thác hợp nhất trong Crypto

Blockchain đầu tiên triển khai merged mining là Namecoin, dự án cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền phi tập trung, cho phép thợ đào vừa khai thác Bitcoin vừa khai thác Namecoin. Từ đó đến nay, khai thác hợp nhất đã được triển khai trên nhiều dự án blockchain khác nhằm nâng cao khả năng bảo mật và tối ưu hóa tài nguyên.

Merged mining đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng các dự án blockchain áp dụng cơ chế này, đặc biệt là các blockchain nhỏ hơn tìm cách tận dụng sức mạnh băm từ các blockchain lớn như Bitcoin và Litecoin.

  • Namecoin: Kể từ khi áp dụng merged mining với Bitcoin, Namecoin đã tăng cường bảo mật mạng lưới mà không cần thêm thợ đào mới. Theo số liệu từ CoinMarketCap, vốn hóa thị trường của Namecoin đã đạt hơn 20 triệu USD vào năm 2022, thể hiện sự ổn định nhờ vào merged mining.
  • Dogecoin: Sau khi chuyển sang khai thác hợp nhất với Litecoin, Dogecoin đã tăng mạnh về sức mạnh băm, giúp bảo vệ mạng lưới khỏi các cuộc tấn công 51%. Tính đến năm 2021, Dogecoin đạt mức sức mạnh băm cao nhất mọi thời đại, với hơn 500 TH/s, so với mức thấp trước đó chỉ khoảng 50 TH/s vào năm 2014.
  • Elastos: Dự án Elastos cũng đã hưởng lợi từ việc hợp nhất khai thác với Bitcoin, giúp thu hút các thợ đào tham gia và tăng cường tính bảo mật cho hệ sinh thái Elastos.
advertising

Cơ chế hoạt động của Merged Mining

Để hiểu rõ cách hoạt động của việc khai thác hợp nhất, trước tiên cần tìm hiểu về khái niệm proof-of-work (PoW) - một cơ chế đồng thuận phổ biến trong các blockchain như Bitcoin tại đây.

Khi một thợ đào tham gia vào merged mining, họ khai thác các khối cho cả blockchain chính và blockchain phụ. Quá trình này diễn ra như sau:

  • Bước 1: Thợ đào thực hiện khai thác trên blockchain chính. Ví dụ: Bitcoin sử dụng SHA-256. Nếu băm đáp ứng được yêu cầu của blockchain chính, khối mới sẽ được tạo ra trên blockchain này.
  • Bước 2: Blockchain phụ sẽ kiểm tra kết quả băm từ blockchain chính. Nếu kết quả băm này đáp ứng được yêu cầu độ khó của blockchain phụ, khối cũng sẽ được tạo trên blockchain phụ.
  • Bước 3: Nếu một khối hợp lệ được tìm thấy, thợ đào sẽ nhận phần thưởng từ cả blockchain chính và blockchain phụ mà không cần phải thực hiện băm riêng lẻ cho từng blockchain.

Merged mining chỉ khả thi nếu cả blockchain chính và blockchain phụ sử dụng cùng một thuật toán băm. Điều này có nghĩa là không phải bất kỳ blockchain nào cũng có thể kết hợp khai thác với nhau.

Ví dụ, Bitcoin và Namecoin đều sử dụng thuật toán SHA-256, cho phép thợ đào khai thác đồng thời cả hai blockchain. Tuy nhiên, Bitcoin không thể thực hiện merged mining với một blockchain sử dụng thuật toán băm khác như Ethereum (sử dụng Ethash).

Tìm hiểu thêm: Hashrate là gì? Tầm quan trọng của tỷ lệ băm trong Crypto

merged mining bitcoin namecoin
Quá trình khai thác hợp nhất giữa blockchain Bitcoin và Namecoin. Ảnh: Tari

Lợi ích và hạn chế của Merged Mining

Lợi ích của Merged Mining

Merged mining mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả thợ đào và các mạng blockchain:

  • Tối ưu hóa tài nguyên cho thợ đào: Một trong những lợi ích lớn nhất của merged mining là khả năng tối ưu hóa tài nguyên. Thợ đào có thể khai thác đồng thời nhiều blockchain mà không cần đầu tư thêm vào phần cứng, năng lượng hoặc chi phí điện. Điều này mang lại lợi thế cho các thợ đào, đặc biệt trong bối cảnh khai thác tiền mã hóa ngày càng đòi hỏi nhiều tài nguyên và yêu cầu về phần cứng nâng cấp hơn.
  • Tăng cường bảo mật cho các blockchain phụ: Các blockchain nhỏ hơn thường gặp khó khăn trong việc thu hút đủ thợ đào để duy trì một mạng lưới mạnh mẽ và an toàn. Merged mining giúp giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép các blockchain nhỏ hơn tận dụng sức mạnh tính toán từ mạng lưới của các blockchain lớn hơn (như Bitcoin). Điều này làm giảm nguy cơ bị tấn công bởi các cuộc tấn công 51%.
  • Tăng tính phi tập trung: Merged mining có thể giúp tăng cường tính phi tập trung của các mạng blockchain nhỏ hơn. Khi các thợ đào lớn tham gia khai thác kết hợp, họ giúp tăng số lượng node xác thực và thợ đào trên mạng lưới, làm giảm nguy cơ tập trung hóa sức mạnh khai thác.
  • Khuyến khích phát triển các dự án blockchain mới: Các dự án blockchain nhỏ hơn có thể sử dụng merged mining để thu hút thợ đào tham gia mà không phải lo lắng về việc cạnh tranh tài nguyên tính toán với các blockchain lớn.
  • Giảm chi phí khai thác: Merged mining có thể giúp các thợ đào giảm chi phí liên quan đến khai thác. Vì thợ đào không cần đầu tư thêm phần cứng hoặc năng lượng để khai thác các blockchain phụ, họ có thể tối đa hóa lợi nhuận từ các thiết bị hiện có. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chi phí điện và phần cứng ngày càng tăng cao.

Hạn chế của Merged Mining

Mặc dù có nhiều lợi ích, merged mining cũng có một số hạn chế cần được xem xét:

  • Yêu cầu cùng thuật toán băm: Như đã đề cập, khai thác hợp nhất chỉ khả thi nếu các blockchain sử dụng cùng một thuật toán băm. Điều này hạn chế khả năng kết hợp khai thác giữa các blockchain sử dụng thuật toán khác nhau.
  • Phức tạp trong cấu hình: Việc thiết lập hợp nhất khai thác không đơn giản và đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn so với việc khai thác đơn lẻ. Thợ đào cần phải cài đặt và cấu hình phần mềm khai thác để có thể khai thác đồng thời nhiều blockchain.
  • Phân chia phần thưởng: Merged mining có thể dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa các blockchain phụ, khi các thợ đào ưu tiên khai thác blockchain nào mang lại phần thưởng cao hơn, dẫn đến tình trạng giảm độ bảo mật của các blockchain có giá trị thấp.

Merged mining sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các blockchain nhỏ hơn và giúp chúng duy trì tính phi tập trung. Khi ngày càng có nhiều dự án tìm cách tận dụng sức mạnh băm từ các blockchain lớn như Bitcoin, cơ chế này có thể trở thành một phần không thể thiếu trong việc duy trì bảo mật và khả năng mở rộng cho các hệ thống blockchain mới.

Tuy nhiên, để merged mining phát triển mạnh mẽ, cần có thêm sự hỗ trợ từ các cộng đồng phát triển và các thợ đào. Cơ chế này cũng đòi hỏi sự cải tiến liên tục để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào blockchain chính và ngăn chặn nguy cơ tập trung hóa.

Đọc thêm: Đào coin là gì? Bỏ túi 04 kinh nghiệm đào coin hiệu quả.