Những người sẽ ảnh hưởng lớn đến thế giới tiền điện tử trong năm 2023
Changpeng Zhao & Brian Armstrong
Cú sụp đổ của FTX đã gây thiệt hại về khía cạnh tài chính, chính trị và danh tiếng. Nhưng thất bại của sàn giao dịch này không phải mối đe dọa mang tính hệ thống cho toàn ngành.
Rủi ro này được chia sẻ bởi hai ông lớn trong lĩnh vực tiền điện tử ngày nay: Binance và Coinbase - bên đang xếp thứ 1 và thứ 2 về khối lượng giao dịch giao ngay (spot trading) và tài sản tiền điện tử được lưu ký (under custody).
Tính đến tháng 11/2022, Binance chiếm gần 75% tổng khối lượng giao ngay toàn cầu (theo số liệu tại đây). Tuy nhiên, công cụ thanh khoản cho thị trường tiền điện tử khắp thế giới này lại hoạt động trong khu vực pháp lý màu xám. Sẽ nhầm lẫn khi gọi Binance là “không được quản lý”, nhưng những rủi ro pháp lý và quy định xung quanh hoạt động vận hành của nó thực sự tồn tại.
Changpeng Zhao (CZ) - CEO Binance, đã trở thành mục tiêu công kích của giới truyền thông (họ cho rằng ông đã châm ngòi vụ “bank run” trên FTX), các đối thủ cạnh tranh và cơ quan quản lý - những người muốn hoạt động của Binance hoà hợp hơn với trạng thái hiện tại của ngành.
Tương tự, vào cuối quý 3/2022 (tại đây), có 101 tỷ USD tài sản trên nền tảng Coinbase, bao gồm 40 tỷ USD Bitcoin (11% tổng nguồn cung), 25 tỷ USD Ether (16% tổng nguồn cung) và 30 tỷ USD các token khác không phải stablecoin (11% vốn hóa còn lại của thị trường tiền điện tử). Tài sản Coinbase bao gồm tất cả tài sản của Grayscale Trusts (chứng khoán tiền điện tử được giao dịch công khai lớn nhất).
Giống như CZ, Brian Armstrong - CEO Coinbase, cũng bị giám sát chặt chẽ từ giới truyền thông (những người không ưa anh vì chính sách “không bàn về chính trị tại nơi làm việc”), các đối thủ cạnh tranh và cơ quan quản lý lớn của Hoa Kỳ.
Thậm chí khi ví cá nhân, DeFi và các ứng dụng phi tập trung khác được chấp thuận rộng rãi, có lẽ không gian tiền điện tử vẫn sẽ luôn tồn tại các công ty tài chính tập trung. Đây là những bên sẽ cung cấp dịch vụ dựa trên tài khoản cho các nhà đầu tư và người dùng muốn truy cập tiền điện tử mà không phải lo lắng bảo quản private key của mình.
Theo các chuyên gia, Binance và Coinbase cũng như những người sáng lập của chúng, không thể thiếu đối với bất kỳ hoạt động tái xây dựng nào của ngành. “Trong năm 2023, khi vận may của họ tăng lên, tiền điện tử cũng sẽ vậy”, Ryan Selkis - sáng lập Messari nói.
Đọc thêm: CZ - Từ nhân viên trạm xăng đến tỷ phú crypto
Anatoly Yakovenko & Stani Kulechov
Anatoly Yakovenko
The Merge là bước ngoặt đối với các nhà phát triển và nhà đầu tư trong hệ sinh thái Ethereum. Máy ảo Ethereum (EVM) có khả năng sẽ là mảnh ghép nền tảng cho cơ sở hạ tầng của ngành, và cũng là L1 duy nhất dường như chắc chắn sẽ là “vật cố định” lâu dài cho tiền điện tử.
Theo các chuyên gia, khi nói đến khả năng mở rộng blockchain bên ngoài EVM, về cơ bản, chúng ta có thể kể đến bốn thành tố liên quan đến Ethereum: blockchain tương thích với EVM (bao gồm các rollup như Arbitrum, Optimism và zkSync), các “app chain” kiểu Cosmos, các chain Aptos/Sui sử dụng ngôn ngữ Move, và Solana.
Trong bốn nhóm này, cái tên cần được theo dõi sát sao nhất trong “trận chiến giành ngôi vị thứ hai” với EVM, có lẽ là Anatoly Yakovenko - đồng sáng lập Solana.
Phương châm nổi tiếng của Anatoly về văn hóa ở Solana (“chúng tôi nuốt kính”) sẽ phát huy tác dụng khi thị trường tiến sâu vào xu hướng giảm khắc nghiệt. Có thể Solana vẫn phải đối mặt với những cơn bão từ việc loại bỏ vị thế SOL khá lớn của FTX-Alameda, nhưng họ hứa hẹn cũng sẽ làm việc chăm chỉ hơn để duy trì đà phát triển của mình.
Có nhiều diễn tiến mới trên chiếc điện thoại mà Solana tạo ra - họ đang đặt một ván cược lớn vào giải pháp phần cứng độc quyền. Sản phẩm này sẽ giúp thu hút những người dùng tiền điện tử muốn thoát khỏi sự kìm giữ của các thiết bị Android và iOS cũng như ngăn họ truy cập các dịch vụ tiền điện tử.
Trong mùa bear market vừa rồi, chúng ta có thể thấy không dễ để hạ gục Anatoly và đội của ông. Theo các nhà quan sát, đây là chỉ báo hàng đầu dự đoán về thành công lâu dài trong lĩnh vực tiền điện tử. Đội ngũ và hệ sinh thái Solana được mong đợi sẽ tiếp tục bền chí. Nhưng liệu họ có thể đạt đến một tầm cao mới hay không, chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Đọc thêm: The Merge thành công - Tại sao crypto fan vừa mừng vừa lo?
Stani Kulechov
Stani Kulechov là một trong những nhà cách mạng của tiền điện tử. Ông đã thành lập giao thức cho vay tiền điện tử hàng đầu Aave và một trong những giao thức xã hội phi tập trung ban đầu hứa hẹn nhất - Lens.
Mặc dù thị trường giảm giá trong năm nay, Aave vẫn là bên tiên phong đáng tin cậy trong DeFi. Nó đứng thứ hai về vốn hóa thị trường (sau Uniswap), thứ hai về TVL (sau MakerDAO) và phổ biến trên các chain tương thích với EVM.
Ngoài ra, Aave còn đi đầu trong flash loan - cho phép người dùng vay một lượng lớn tiền điện tử cho các giao dịch cụ thể mà không cần cung cấp tài sản thế chấp trả trước. Đây thường là những nguyên tắc tài chính hữu ích để cải thiện tính hiệu quả trong thị trường DeFi. Vì cơ hội kinh doanh chênh lệch giá được cung cấp cho bất kỳ nhà phát triển nào đủ khả năng trả phí gas mạng, chứ không chỉ là các nhà tạo lập thị trường quy mô tổ chức.
Năm ngoái, Aave đã thể hiện rất xuất sắc trong những thời điểm sợ hãi tột độ của thị trường tiền điện tử tập trung. Vào tháng 7/2022, trong quá trình chuẩn bị phá sản, Celsius - bên cho vay gặp khủng hoảng đã phải thanh toán theo thời gian các khoản vay Aave của mình để tránh bị thanh lý theo chương trình. Vào tháng 11/2022, người dùng Aave đã có thể nhận 73% tiền gửi USD của mình trên Gemini trong bối cảnh mọi người lo ngại việc rút tiền của Gemini bị trì hoãn.
Lens Protocol có thể thậm chí còn thú vị hơn. Đây là một trong những giao thức biểu đồ xã hội phi tập trung đầu tiên của tiền điện tử và đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2022. Theo các chuyên gia, những giao thức xã hội có thể kết hợp như Lens mang lại vô số lợi ích mới cho người sáng tạo và sự giao thoa giữa chúng với danh tính và DeFi sẽ rất sâu sắc.
“Nếu tôi phải đặt cược vào ‘người cuối cùng trụ vững’ trong DeFi, đó sẽ là Stani”, Ryan Selkis của Messari nói.
Hạ nghị sĩ Patrick McHenry & Sheila Warren
Patrick McHenry
Đây có thể là hai cái tên không mấy quen thuộc nhưng lại có tác động lớn đến pháp lý tiền điện tử ở Hoa Kỳ trong năm 2023.
Với việc Đảng Cộng hòa chiếm Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tiền điện tử có một người ủng hộ nhiệt thành là Hạ nghị sĩ Bắc Carolina Patrick McHenry. Theo các nhà quan sát thì McHenry sẽ có ảnh hưởng lớn đối với chính sách tiền điện tử trong những năm tới bất kể Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng hàng hóa kỹ thuật số (DCCPA) có được thông qua thành luật trước khi Quốc hội mới tuyên thệ hay không.
Ngay cả trong trường hợp DCCPA được thông qua vào năm 2023 mà không có nhiều ý kiến đóng góp của Đảng Cộng hòa, vai trò chính của nó sẽ là thông báo việc giám sát chính đối với các sàn giao dịch tiền điện tử lớn cho Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC). Nhưng nó vẫn sẽ để lại khoảng trống đáng kể cho việc diễn dịch định nghĩa về các tài sản tiền điện tử được quản lý. Chính xác thì “hàng hóa kỹ thuật số” khác “chứng khoán kỹ thuật số” như thế nào?
Bản thân McHenry đã sớm đi đầu trong lĩnh vực này. Đơn cử, ông đã đồng tài trợ cho một dự luật điều chỉnh rõ ràng các stablecoin và thiết lập các quy tắc cơ bản để chúng được tích hợp vào hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Ngoài ra, ông và đồng minh thân cận của mình - Hạ nghị sĩ Tom Emmer, có khả năng sẽ kiểm tra và chất vấn Chủ tịch SEC Gary Gensler về cách tiếp cận của ông ấy đối với quy định tiền điện tử và mối quan hệ thân thiết với FTX.
Sheila Warren
Nhờ những khoản đầu tư trong việc giáo dục về tiền điện tử, Quốc hội Hoa Kỳ mới đã quen thuộc hơn với ngành, và đây là một tín hiệu lạc quan.
Năm 2021, Kristin Smith của Blockchain Association (BA) và Katie Haun của a16z là hai nhân vật đi đầu trong các nỗ lực chính sách công về crypto ở D.C. Mặc dù vẫn có ảnh hưởng, nhưng việc Katie rời a16z để thành lập công ty riêng Haun Ventures, đã làm chia rẽ nhóm chính sách. Trong khi đó, BA đã vận hành một cách đáng ngưỡng mộ nhưng phải vật lộn vất vả khi một số công ty lớn (như Coinbase, Binance.US) bị “tuýt còi”.
May mắn là một tổ chức thương mại đã nổi lên với tư cách lãnh đạo mới ở D.C. - Crypto Council for Innovation (CCI) là một nhóm nhỏ nhưng hiệu quả, gồm các công ty thành viên (Coinbase, a16z, Paradigm, Fidelity, Block). Sheila Warren, cựu giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã tập hợp một đội ngũ ưu tú và đặt CCI vào trung tâm các cuộc thảo luận quan trọng của DCCPA. Kristin của BA quản lý hơn 100 công ty thành viên và có thanh thế hơn, nhưng nhóm của Sheila lại sở hữu nhiều “hỏa lực” để đấu tranh cho các dự luật crypto.
Tiền điện tử sẽ có những quy định chặt chẽ hơn, và có thể sẽ xuất hiện những luật mới trong năm 2023. Và khi Hoa Kỳ nổ phát súng đầu tiên, nhiều quốc gia khác sẽ làm theo. Do đó, theo các nhà quan sát, thành công của CCI (và BA) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành trong thập kỷ tới.
Barry Silbert & anh em nhà Winklevoss
Mọi thứ dường như là vòng lặp trong tiền điện tử. Quay lại năm 2013, Barry Silbert - sáng lập & CEO của Digital Currency Group, và Cameron & Tyler Winklevoss - đứng đầu Gemini, sẽ là ba trong số những cái tên đáng để ý nhất trong năm mới.
Năm 2013, tất cả đều là cầu vồng và hoa hồng. Chỉ một tháng sau khi Fred Wilson dẫn đầu vòng Series A của Coinbase, anh em nhà Winklevoss đã công bố kế hoạch tạo ETF Bitcoin đầu tiên. Nhiều tháng sau, SecondMarket của Silbert tiếp tục ra mắt Bitcoin Investment Trust. (SecondMarket trở thành DCG, nhà môi giới kiêm đại lý của SecondMarket trở thành Genesis Trading, công ty mẹ và nhà tài trợ của Bitcoin Investment Trust trở thành Grayscale Investments vào năm 2015.)
Năm nay, mọi thứ chắc chắn đã khác.
Genesis Capital của Silbert được cho là nợ các khách hàng của Gemini Earn 900 triệu USD, và cặp song sinh Winklevoss lãnh đạo nhóm chủ nợ lớn nhất của Genesis đang tìm cách thu hồi lại tiền.
Một tỷ lệ khá lớn các khoản cho vay chưa thanh toán của Genesis Capital là của công ty mẹ DCG. Vì vậy nếu DCG không tái cấp vốn và giải quyết nhanh chóng với các chủ nợ, có nguy cơ những tên tuổi lớn trong ngành sẽ bị cuốn vào một vụ kiện tụng khổng lồ, rủi ro cao. Số phận của DCG và Gemini, chưa kể đến tác động dây chuyền diễn ra trong ngành, đang rất bấp bênh.
Thuế vụ
Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang nhìn tiền điện tử với con mắt sáng rực. Không tính đến sự sụp đổ của thị trường năm ngoái, hàng nghìn triệu phú nở rộ vào năm 2021 và một số nhà giao dịch bán lẻ cũng như những người sang tay NFT đã “gặp khó khăn” trong việc báo cáo chính xác các khoản nợ thuế của họ.
Dự luật cơ sở hạ tầng khét tiếng của Mỹ vào năm 2021 đã đưa việc thu thuế tiền điện tử vào tầm ngắm. Chính phủ Mỹ tuyên bố việc thu thuế từ các nhà đầu tư tiền điện tử tốt hơn sẽ giúp gia tăng thêm 28 tỷ USD trong khoản thu hoặc 5% tổng chi tiêu của dự luật.
Hiện tại, ở Mỹ có 87,000 nhân viên thu thuế mới đang hoạt động. Và theo luật tịch thu tài sản dân sự của nước này, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng thu giữ tài sản tiền điện tử hơn mà không bị kết án hoặc bị nộp đơn tố cáo hình sự. Từ năm 2018 - 2021 (theo số liệu tại đây), đơn vị Điều tra Hình sự IRS của Mỹ đã thu giữ 3.8 tỷ USD tiền điện tử và con số này có thể sẽ tăng đáng kể trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo thuế cho tiền điện tử là cơn ác mộng thật sự. Việc theo dõi chi phí một cách chính xác gần như không thể, chỉ riêng việc tính phí, trượt giá giao dịch, vô số ví và các tài khoản trên sàn giao dịch đã đủ khó khăn. Chưa kể NFT, hack, farm token và những hình thức phức tạp khác trong tiền điện tử… sẽ càng làm điên đầu các nhà đầu tư và giới chức.
Alexey Pertsev & Nhóm phát triển Tornado Cash
Tornado Cash là một dịch vụ DeFi sử dụng bằng chứng không có kiến thức (zero-knowledge proofs) để giúp người dùng thực hiện các giao dịch hoàn toàn riêng tư trên Ethereum. Giao thức này có thể đã thành công đến mức gây hại cho chính mình.
Các nhà điều tra tin rằng Tornado Cash có thể đã được sử dụng để giúp rửa số tiền điện tử trị giá hơn 1 tỷ USD, một số trong đó bao gồm các nhóm hacker ở các quốc gia như Triều Tiên. Một phân tích của Nansen đã chỉ ra rằng việc sử dụng các hợp đồng Tornado Cash đã tăng đột biến vào mùa xuân năm ngoái sau vụ hack 600 triệu USD từ bridge Ronin của Axie Infinity.
Nhưng những câu hỏi lớn hơn được đặt ra là: Liệu tính hữu dụng của Tornado Cash đối với tội phạm có khiến nó trở thành công cụ cho hoạt động bất hợp pháp? Hay liệu các nhà phát triển giao thức có chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với việc nó bị lạm dụng hay không?
Điều này đưa chúng ta đến với Alexey Pertsev - đồng sáng lập Tornado Cash người Hà Lan, đã bị bỏ tù từ tháng 8/2022 và sẽ tiếp tục bóc lịch cho đến tháng Hai năm nay mà chưa có cáo buộc chính thức nào về việc nghi ngờ rửa tiền.
Không rõ liệu các công tố viên Hà Lan sẽ lập luận rằng hành động viết mã Tornado Cash để xử lý các giao dịch riêng tư sẽ bị trừng phạt là hành vi rửa tiền theo luật châu Âu về giám sát giao dịch. Hay liệu họ nắm trong tay những cuộc trò chuyện của những người sáng lập Tornado Cash chứng minh rằng nhóm Tornado có biết hoặc đã hỗ trợ cho các kế hoạch bất hợp pháp.
Nếu không có đầy đủ tất cả dữ kiện liên quan thì đây là một nan đề. Trong tiền điện tử, đa số nhà phát triển xem phần mềm là quyền tự do ngôn luận và các cá nhân có quyền riêng tư trong giao dịch, nhưng cũng không ai muốn phần mềm mình sử dụng tiếp tay cho các nhóm hacker đánh cắp tiền điện tử của mình.
Vitalik Buterin và Andre Cronje
Có lẽ không cần nói nhiều về kiến trúc sư trưởng của Ethereum. Vitalik luôn giữ hình ảnh là một "builder" thực thụ của thế giới DeFi nói chung và Etherum nói riêng. Bản nâng cấp Shanghai của Ethereum hứa hẹn vẫn diễn ra trong tháng 3/2023, giúp phí gas trên mạng này giảm đáng kể. Một số thay đổi cũng giúp cho phép nhà đầu tư lâu năm rút ETH đã đặt cược khỏi lớp đồng thuận Beacon Chain. Sức ảnh hưởng của Vitalik không nằm ở thị trường, mà nằm ở niềm tin của cộng đồng dành cho hệ sinh thái Etherum.
Có chút trái ngược với Vitalik, Andre Cronje - người được mệnh danh là "bố già DeFi" hay "đấng sáng thế" của DeFi, đã trở lại với vai trò kiến trúc sư trưởng của Fantom. Fantom là blockchain EVM lâu đời nhất sau Ethereum, và có thể có nhiều sự thay đổi trong năm nay dưới bàn tay của Andre.
“Mục tiêu tổng thể của chúng tôi trong 12 tháng tới sẽ là hướng đến việc tạo ra một môi trường cho các nhà phát triển DApp để xây dựng các doanh nghiệp bền vững và có sự khác biệt với các giải pháp layer 1 khác”, Cronje cho biết trong một bài đăng trên blog.
Gần đây, Fantom đã thông qua đề xuất kiếm tiền từ phí gas, cho phép các DApp chia sẻ doanh thu dựa trên phí gas được sử dụng trong các giao dịch. Đây là một động lực tuyệt vời để các DApp nở rộ. Ngoài việc kiếm tiền từ phí gas, nền tảng này cũng sẽ giới thiệu các khoản trợ cấp gas, có thể cho phép các DApp tương tác mà không yêu cầu người dùng tự trả phí gas.
Với những gì đã làm được, dù còn nhiều tranh cãi, Andre Cronje có thể là một cái tên có tiềm năng tạo ra khác biệt trong năm 2023 không chỉ với Fantom, mà với cả thị trường.