Phân tích mô hình hoạt động của Decentral Games (DG)
Nổi lên khoảng giữa năm 2021, Play to Earn là từ khóa dùng để chỉ các dự án có hơi hướng Gaming, giúp người dùng có thể giải trí và kiếm thu nhập. Nhưng có một dự án cũng thuộc trào lưu này, nhưng được thiết kế không theo hướng Gaming, mà là Poker, đó là Decentral Games. Bài viết này phân tích cách thức hoạt động của Decentral Games, cũng như cách dự án phát triển Play to Earn.
Sơ lược về Decentral Games
Decentral Games là gì?
Decentral Games là hệ sinh thái Play to Earn được xây dựng trên Decentraland. Decentral Games xây dựng các trò chơi để giúp người dùng tham gia Play to Earn. Các trò chơi này được tổ chức trong các khu vui chơi ở Decentraland. Những nơi này là Stronghold, Dext Lounge, Chateau Satoshi, Osiris và Tominoya Casino.
Điểm nổi bật của Decentral Games là cho phép người chơi trải nghiệm các trò chơi trong thế giới Metaverse của Decentraland.
Thông tin về các khu giải trí của Decentral Games
Khu Tominoya Casino trước đây cho phép người dùng chơi nạp và trả thưởng bằng Crypto, nhưng do vấn đề pháp lý, hiện tại mở cửa miễn phí (không cần nạp tiền). Ở đây, người dùng có thể chơi Poker, Blackjack, Roulette,… nhưng không kiếm tiền được.
Các nơi còn lại người chơi phải cần NFT mới được tham gia chơi kiếm lợi nhuận. Cụ thể, tiền thưởng nhận được dựa trên bảng xếp hạng hoặc làm nhiệm vụ. Cả bốn nơi này đều dùng cho ICE Poker.
Lý do phải mở nhiều khu? Đó là vì mỗi nơi chỉ chứa được một lượng người cố định. Do đó, khi số lượng người chơi tăng lên, cần phải mở thêm những khu vực mới.
Sơ lược về ICE Poker
ICE Poker là gì?
ICE Poker mô phỏng trò chơi Poker ở đời thực, được xây dựng bởi Decentral Games. ICE Poker xoay quanh ba tài sản: ICE Wearables, Chips, ICE.
ICE Wearables là gì?
Mục này sẽ cung cấp thông tin về NFT Wearables:
- NFT Wearables là gì?
- Các cách để có được NFT Wearables.
- Làm thế nào để nâng cấp NFT Wearables.
Trong khi Chips là các thẻ tiền như anh em thường thấy, và ICE là Reward Token của ICE Poker, thì ICE wearables là các NFT bắt buộc phải có để tham gia để chơi ICE Poker.
Nguồn cung của NFT Wearables được kiểm soát bởi Decentral Games nhờ phương pháp mở bán theo đợt. Các NFT này không thể “sinh đẻ” ra NFT khác giống trong các mô hình Play&Earn khác. Khi không có đợt mở bán, người dùng chỉ có hai cách để tham gia ICE Poker:
- Mua ICE Wearables trên NFT Marketplace như Opensea.
- Được ủy quyền từ người có ICE Wearables. Những người được ủy quyền chỉ cần cung cấp địa chỉ ví và chủ NFT sẽ uỷ quyền qua hệ thống Delegation.
Hệ thống ủy quyền như sau (dựa trên NFT level 1 - tỉ lệ phân chia với NFT level cao sẽ khác chút):
NFT Holders sẽ check xem ai có khả năng chơi tốt (kiếm nhiều ICE) để ủy quyền. Sau đó, người chơi sẽ chia lại phần thưởng cho NFT Holders với tỉ lệ như hình trên, cùng với 100% XP dành cho NFT Holders.
XP mà NFT Holders nhận là gì? Đó là điểm kinh nghiệm dùng để nâng cấp NFT Wearable. Cấp độ càng cao thì phần thưởng ICE nhận được càng nhiều. Để nâng cấp, người dùng phải đốt XP + ICE + DG (token quản trị của Decentral Games). Dưới đây là phí cần thiết và ICE được cộng thêm dựa theo cấp độ của NFT Wearables.
Những hoạt động trong ICE Poker
Đầu tiên, anh em cần biết là số lượng Chips được cấp cho mỗi người/ngày dựa vào NFT Wearables đang có của họ.
Chips là item trong game không có giá trị quy đổi ra tiền thật. Lượng chips người chơi có được cuối ngày quyết định vị trí trên bảng xếp hạng, dựa vào đó game sẽ cho hệ số nhân trả thưởng tương xứng. Kết thúc với càng nhiều chips, người chơi càng có cơ hội nhận về phần thưởng lớn hơn bằng ICE token.
(1) Mỗi ngày, người chơi sẽ được làm mới số Chips dựa theo số NFT Wearables đã nói trên. Khi chơi, họ sẽ nhận được ICE và XP.
(2) Người chơi có thể dùng ICE, XP, DG để nâng cấp NFT Wearables.
(3) Họ có thể mua NFT wearables tại Marketplace bằng ETH và đốt 500 DG (hiện đã đổi thành 2500 ICE) để kích hoạt NFT.
(4) Cuối cùng là có thể đốt ICE thông qua các cơ chế đốt (ICE Sinks) trong game và tại Marketplace để nhận về các sản phẩm và dịch vụ liên quan tới game.
Cách ICE Poker mang lại giá trị cho ICE
Thực chất, ICE không có quá nhiều tác dụng cho người chơi ngoài việc thực hiện đúng chức năng “Earn” trong Play to Earn, hay nói cách khác, ICE giống như SLP của Axie Infinity, THC của Thetan Arena,…
Do đó, cách mà ICE Poker mang lại giá trị cho ICE chính là tăng sự giảm phát nhằm duy trì giá của ICE. ICE Poker đang và sẽ có các hoạt động sau để làm giảm nguồn cung của ICE:
- Nâng cấp ICE Wearables.
- ICE Sinks đã ra mắt:
- Dùng làm tiền tệ mua đồ trang trí.
- Phí kích hoạt wearables.
- Phí bản quyền royalties từ giao dịch NFT thị trường thứ cấp
- Doanh thu từ node Polygon thuộc ngân quỹ
- Doanh thu quảng cáo & tài trợ trong Metaverse Casino và In-Game
- ICE Sinks chưa ra mắt:
- Phí Native Marketplace (Q2).
- NFT tham gia tournaments được bán bằng ICE.
- NFT vật phẩm bổ sung trong game.
- Doanh thu quảng cáo & tài trợ trong Metaverse Casino và In-Game.
- Mua vé tham gia tournament (chế độ game mới sắp ra mắt).
Tuy nhiên, việc nâng cấp ICE Wearables dù được xem là giảm ICE lưu thông, nhưng cũng đồng thời là gián tiếp tăng Supply. Bởi vì NFT Wearables có cấp độ càng cao sẽ cho nhiều ICE hơn khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, ở các đợt mint NFT Wearables, ngoài số tiền mint là ETH sẽ vào Treasury, số ICE dùng để mint cũng sẽ bị đốt để loại khỏi nguồn cung.
Mô hình hoạt động của Decentral Games
Nhìn chung, Decentral Games là tập hợp nhiều khu giải trí cùng với nhiều trò chơi. Do đó, cách hoạt động của dự án cũng dễ hiểu. Decentral Games chia ra hai thời kỳ với hai cách hoạt động khác nhau.
Người chơi mua token, tham gia vào khu giải trí để chơi những trò chơi như Blackjack, Roulett, Poker,... Doanh thu sẽ đưa vào Treasury dùng để cung cấp thanh khoản cặp ICE - USDC để duy trì giá ICE.
Nhưng sau khi nhận ra luật pháp không còn ủng hộ, Decentral Games đã sử dụng mô hình Play to Earn với NFT Wearables để “lách luật” (chi tiết tại đây). Thay vì chơi bằng token, người chơi giờ đây sử dụng NFT Wearbles như một tấm vé tham gia chơi. Và dưới đây là mô hình hoạt động hiện tại:
Anh em có thể chơi tất cả trò chơi miễn phí (các trò chơi khác sau khi không dùng được token nữa thì có thể chơi miễn phí), dĩ nhiên cũng sẽ không nhận được giá trị khi thắng, hoặc tìm cách sở hữu NFT Wearables (mua, nhận ủy quyền...) để tham gia ICE Poker. Sau khi kiếm được ICE thì bán để lấy lợi nhuận hoặc tham gia các hoạt động mình đã nói ở trên.
Với việc sử dụng NFT Wearables, người chơi sẽ mang danh là chơi miễn phí, không nạp tiền vào game. Điều này giúp dự án trở nên hoạt động hợp pháp. Nhưng đổi lại, Decentral Games giờ không còn doanh thu trực tiếp từ việc người chơi nạp tiền vào. Việc này làm giảm doanh thu của dự án.
Lý do là vì giờ đây họ chỉ cần NFT Wearables, có thể được mint ra, hoặc mua trên thị trường. Số tiền này chỉ chạy từ người chơi này sang người chơi khác (mua bán), chỉ một phần vào Treasury (mint).
ICE Poker là một trong những game P2E đầu tiên có nguồn thu bên ngoài bền vững để trợ giá cho reward token. Việc sở hữu ICE Wearables có thể so sánh với việc sở hữu một dạng cổ phiếu được ‘game hoá’ trả lợi tức đến từ hoạt động quảng cáo trong metaverse và chạy node mạng Polygon. Lợi thế này khiến DG trở thành dự án P2E duy nhất hiện nay vượt ra được khỏi mô hình Ponzi thường thấy khi mà tiền thưởng cho người chơi đến từ hoạt động tái đầu tư vào game.
Treasury của Decentral Games đến từ đâu?
Treasury của Decentral Games có nguồn thu từ:
- Các đợt mở bán ICE Wearables.
- Phí kích hoạt ICE Wearables.
- Tiền bản quyền khi bán ICE Wearables từ lần thứ hai (OpenSea hoặc các Marketplace khác nếu trong tương lai có hỗ trợ).
- Nâng cấp ICE Wearables.
- Phí từ NFT Marketplace (sẽ ra mắt vào Q2 2022).
- Cung cấp thanh khoản token DG và ICE.
- Chạy node Polygon.
- Hoạt động từ Land trong Decentraland.
Doanh thu cũng như các quyết định, hướng đi của Decentral Games được đưa ra dựa trên quản trị của cộng đồng (DAO). Có thể là mua lại và đốt ICE, hoặc NFT Wearables trên thị trường...
Có thể thấy giá trị tích luỹ trong Treasury hầu hết đến từ các đợt mở bán NFT và nhờ đầu tư sớm vào Land trong Decentraland. Phần lớn doanh thu đến từ các đợt mint bằng wETH được tích luỹ vào Treasury và đã được sử dụng để cấp thanh khoản, mua lại DG…
Ở thời điểm hiện tại, các đợt mở bán NFT đã tạm ngưng do đó ngoại trừ các nguồn thu trên hình, dự án thiếu đi nguồn thu từ sản phẩm chính là ICE Poker. Ngoài ra tài sản đất Decentraland cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai.
Nói về doanh thu từ ICE Poker, mặc dù phí bản quyền rất cao, 4.9% cho mỗi giao dịch ở OpenSea (trả bằng wETH), và phí 2.5% của riêng OpenSea (trả bằng wETH), nhưng doanh thu chủ yếu là đến từ hoạt động bán NFT Wearables thông qua các đợt mint.
Cách Decentral Games mang lại giá trị cho DG
Dù là token chính của dự án, nhưng DG không thật sự nhận được nhiều giá trị. Công dụng chính của DG là Stake để nhận xDG có quyền quản trị, cũng như nhận lãi suất được trả bằng DG. Số DG thưởng này đã được phân bổ 2% trong tổng token.
Vài chức năng khác khi có DG là sử dụng tính năng Guild để quản lý khi có nhiều NFT Wearables muốn ủy quyền cho người chơi khác, hay tham gia các giải đấu Guild League,… Ngoài ra, để tham gia mint NFT Wearables, anh em cần giữ ít nhất 1,000 xDG.
Nhìn chung chỉ có tính năng mint NFT Wearables và tính năng Premium Guild là mang lại nhiều lợi ích cho DG, cũng như tỉ lệ thuận với việc ICE Poker phát triển. Khi ICE Poker có nhiều người chơi hơn, nhu cầu về NFT Wearables cũng cao lên, và nhiều người sẽ muốn mint để có NFT Wearables giá rẻ, thay vì mua ở thị trường thứ cấp, và người dùng sẽ muốn sử dụng các chức năng Premium Guild để quản lí NFT của mình.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp NFT Wearables cũng tốn 100 DG cho mỗi lần nâng cấp. Điều này cũng giúp giảm nguồn cung DG trên thị trường.
Ngoài ra, Treasury của dự án khi có hành động mua lại token hay NFT Wearables cũng ít nhiều làm giảm nguồn cung. Nhưng thực tế, Các Buy Back Proposal cho DG đều được ủng hộ, riêng buy back ICE và NFT thì không.
Tương lai của Decentral Games
Nói về token DG, vai trò của DG không thật sự quá quan trọng trong hệ sinh thái Decentral Game. Do đó, rất khó để giá DG tăng lên trong thời điểm hiện tại. Nên có thể trong tương lai, dự án sẽ ra thêm công dụng mới cho token quản trị này, và bằng cách nào đó sẽ gắn với dòng tiền trong Treasury.
Dễ thấy, Decentral Games dù là hệ sinh thái nhiều trò chơi, nhưng gần như tất cả hoạt động, doanh thu đều đến từ ICE Poker. Nên có thể nói, ICE Poker phát triển thì Decentral Games phát triển, và ngược lại.
Thông thường, một hệ sinh thái mà chỉ phụ thuộc vào một nhân tố thường gặp nhiều trở ngại. Phổ biến nhất là việc không có thứ khác “backup” khi nhân tố chính gặp trục trặc. Nhưng với Decentral Games thì khác.
Poker là trò chơi ra đời đã lâu nhưng vẫn rất thịnh hành trong thế giới thực. Do đó, khác với các tựa game Play to Earn mang chủ đề giả tưởng, Decentral Games không cần cải tiến, nâng cấp quá nhiều. Việc dự án cần tập trung là làm thế nào để cân bằng được cung cầu của ICE là thành công.
Trong tương lai, Decentral Game sẽ phát hành bản ICE Poker dạng Progressive Web App (PWA) có thể chơi trên điện thoại hay bất kì nền tảng nào trình duyệt nào, tương tự những trò chơi chúng ta thường thấy.
Theo Wikipedia, năm 2014, doanh thu Zynga Poker chiếm 61% tổng doanh thu từ thị trường game social poker, mỗi tháng thu về 9-13 triệu USD. Zynga Poker thu lợi nhuận khổng lồ từ việc người chơi thanh toán cho các vật phẩm, nâng cấp trong game - trong khi các phần thưởng trong game không hề có giá trị quy đổi ra tiền thật.
Hiện tại, DAU (daily active user) của ICE Poker ở khoảng 10.000 người chơi mỗi ngày, trong khi Zynga Poker có tới 4-6 triệu người dùng mỗi ngày. Sẽ ra sao nếu hàng triệu người hiện đang chơi và trả tiền để chơi Zynga Poker nhận ra họ có thể kiếm tiền với thời gian rảnh chơi game của họ?
Tổng kết
Decentral Games ban đầu có cách thức hoạt động khá đơn giản: dùng tiền thật để điều phối giá ICE, giúp cân bằng mô hình Play to Earn. Dù gặp rào cản từ luật pháp, dự án đã ra mắt nhiều cơ chế bền trong việc kiểm soát nguồn cung ICE, cũng như lên kế hoạch cho nhiều cách thức tăng giá trị cho ICE trong tương lai. 100% doanh thu dự án được sử dụng để duy trì giá trị cho ICE và là điểm khác biệt giữa ICE Poker và nhiều dự án P2E khác như Axie Infinity với giá trị SLP hoàn toàn đến từ hoạt động tự do trong game, liên quan tới nhu cầu của người chơi thay vì đến từ hoạt động kinh doanh ổn định khác.
Dù rằng DG mới là token chính, nhưng có vẻ ICE mới liên quan nhiều đến sự thành công của cả dự án. Điều này đi ngược với việc đầu tư, khi token chính lại không nhận được nhiều sự chú ý như token phụ. Liệu sẽ có những thay đổi lớn cho DG trong tương lai? Chúng ta cùng chờ xem.
Đọc thêm: Phân Tích Mô Hình Hoạt Động Của Nexus Mutual (NXM)