Phân tích mô hình dHedge (DHT) - Cải thiện điều gì để lấy lại đà tăng giá?
Tiếp tục series How It Works - nơi mô hình hoạt động của các dự án sẽ được phân tích, đánh giá và gợi ý những cải tiến trong tương lai, mình sẽ cùng anh em đến với một ứng dụng trong mảng quản lý tài sản (Asset Management) dHedge (DHT).
Cũng giống như các bài How It Works khác, bài viết của mình sẽ bao gồm các phần nội dung sau:
- Giới thiệu dHedge (DHT) là gì?
- Mô hình hoạt động & các giao thức của dHedge.
- DHT Tokenomics.
- Tổng quan về cách hoạt động của dHedge.
- Dự phóng tương lai của dHedge.
- Tổng kết.
Trong phần mô hình hoạt động & các giao thức của dHedge, mình sẽ phân tích kỹ từng thành phần của dHedge về 3 khía cạnh chính:
- Thành phần đó là gì?
- Mô hình hoạt động của chúng.
- Cách capture value cho dHedge token.
Anh em hãy cùng mình bắt đầu nào!
Tổng quan về dHedge (DHT)
dHedge là gì?
Về dự án dHedge, Coin98 đã có bài viết về dự án này tại đây. Anh em có thể đọc để tìm hiểu các khái niệm cơ bản về dự án.
Để anh em dễ bắt nhịp với bài viết, mình sẽ nói sơ qua về cơ chế hoạt động của dHedge. dHedge có giao thức gốc là một giao thức quản lý tài sản phi tập trung trên Ethereum, cung cấp dịch vụ quỹ đầu tư phi tập trung bằng cách sử dụng Synthetic Asset. Sau một thời gian vận hành dHedge protocol, dHedge bắt đầu cho ra mắt một giao thức khác mang tên dTOP. Trong bài viết, mình sẽ phân tích mô hình hoạt động của cả hai giao thức này.
Các thành phần bên trong
Cơ bản sẽ có hai thành phần người dùng tham gia vào giao thức của dHedge:
- Những nhà quản lý quỹ (Managers): Những nhà quản lý quỹ đầu tư. Những nhà quản lý quỹ này sẽ tạo ra các quyết định đầu tư thay cho cả quỹ đầu tư (những người góp vốn vào quỹ đầu tư). Đây là thành phần vô cùng quan trọng mà nền tảng cần thu hút ngay ở thời gian đầu, bởi nếu có nhiều nhà đầu tư có phương pháp giao dịch tốt trên thị trường tham gia, thì lượng investors đổ vào nền tảng sẽ rất nhiều, từ đó thu được nhiều phí giao dịch để phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển ứng dụng.
- Các nhà đầu tư (Investors): Các nhà đầu tư góp vốn vào các quỹ đầu tư. Để góp vốn vào quỹ đầu tư, họ deposit sUSD vào các pool họ muốn đầu tư. Để xác nhận sự đóng góp của họ vào pool, họ sẽ nhận lại một loại token chứng thực, gọi là pool token.
Phân tích hình hoạt động & các giao thức của dHedge
Ứng dụng dHedge bao gồm các giao thức:
- Giao thức dHedge;
- Chỉ số dHedge (dTOP);
- Staking DHT;
- Governance.
Anh em hãy cùng mình đi vào giao thức đầu tiên của dHedge nào!
Giao thức dHedge
Mô hình hoạt động
Mô hình hoạt động cơ bản của dHedge sẽ có 3 thành phần chính, tương tác với nhau theo cơ chế như sau:
(1) Investors sẽ deposit sUSD vào Pools được quản lý bởi các Managers.
(2) Để làm minh chứng cho việc họ deposit tiền vào pool, các pool sẽ trả lại họ pool token, với số token được tính bằng số tiền họ deposit vào chia cho giá của pool token hiện tại. Pool token tăng giá khi các chiến lược giao dịch của Managers giúp pool có lãi.
(3) Managers là những người quản lý quỹ giao dịch bằng cách sử dụng lượng tài sản có sẵn trong pool. Lượng phí quản lý mà các nhà quản lý quỹ đánh lên khoản lợi nhuận của các investors là động lực để các Managers thực hiện tốt công việc của mình. Managers có thể tùy chỉnh lượng phí quản lý trong quỹ mà họ quản lý.
Ngoài ra, Managers của quỹ có thể là người hoặc là bot, bởi có nhiều chiến thuật trading hiện tại có thể được chạy bằng bot, có độ hiệu quả và độ chính xác cao hơn gấp nhiều lần con người.
Các managers tương tác với pool interface, thông qua đó chính là tương tác với các tài sản tổng hợp - Synthetic Asset đến từ Synthetix và thông qua Oracle của ChainLink.
Về phần cơ chế hoạt động của Synthetix, Coin98 sẽ có bài viết phân tích mô hình hoạt động của Dapp này trong tương lai. Tuy nhiên, anh em cần hiểu được rằng, dHedge cho phép các Managers và các Investors tiếp xúc với những Asset để đầu tư đến từ Synthetix, và thông qua sự hoạt động của Oracle ChainLink. Điều này giúp việc giao dịch của các quỹ đầu tư sẽ có những điểm có lợi sau:
- Không có slippage;
- Không bị front-run, được giao dịch ngay tại giá mà họ nhìn thấy trên màn hình;
- Có thể giao dịch với mọi size.
Các yếu tố phụ trong giao thức
Bên trong giao thức dHedge, để tăng incentives về performance dành cho các Managers, dHedge cũng phát triển một leaderboard để xếp hạng performance của các Managers dựa trên chỉ số risk-adjusted returns.
Giao diện Leaderboard của dHedge
Điểm để xếp hạng các nhà quản lý quỹ được tính bằng công thức sau:
Score = Sortino Ratio * SQRT (Giá trị pool trung bình trong 7 ngày)
Sortino Ratio là chỉ số để đánh giá lượng lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro của các quỹ. Điều này có nghĩa là, nếu các Managers quản lý một quỹ lớn, thì khoản lợi nhuận của họ sẽ được đánh giá cao hơn những nhà quản lý quỹ có cùng một chỉ số ROI nhưng có lượng quỹ quản lý bé hơn. Theo mình, điều này phản ánh đúng tính chất của các quỹ đầu tư, bởi quỹ đầu tư có tổng vốn hóa càng lớn thì quỹ đầu tư càng khó có ROI cao trong một khoảng thời gian xác định.
Bảng xếp hạng này không chỉ có tác dụng giúp các investors có thể tìm được những nhà quản lý đang có performance tốt nhất để ủy thác, mà còn có tác dụng trong phần Governance của dHedge - điều này sẽ được mình làm rõ ở phần sau.
Ngoài ra, trên bảng Leaderboard còn có một cột thông tin về Risk Factor. Risk Factor cho đo lường biến động giảm tối đa của pool mà các quỹ quản lý trong 28 ngày gần nhất.
Ví dụ, như trong hình bên trên, cả 4 quỹ đều có risk factor cao hơn 3 trở lên, trong đó có 2 quỹ có risk factor đạt tối đa, chứng tỏ trong 28 ngày vừa qua, quỹ của họ quản lý đã có những lúc tụt giảm ROI vô cùng nghiêm trọng.
Các nhà giao dịch quỹ có thể trade hơn 40 loại tài sản Synthetic Asset thông qua Synthetix, bao gồm cả chiều buy và sell của nhiều Crypto Assets và Index Tokens, chiều buy của nhiều loại tiền tệ, chỉ số cổ phiếu và commodities như vàng và bạc. Sắp tới, các cổ phiếu của các công ty đứng đầu trên thế giới như Tesla hay Apple cũng sẽ được đưa vào danh sách.
Cách dHedge capture value cho DHT Token holders
Mỗi khi investors claim lượng lãi của mình, 10% lượng lãi đó sẽ được chuyển về Uber Pool - một pool tổng của cả ứng dụng. Người tham gia giao thức càng nhiều, volume giao dịch càng lớn, lượng lãi càng cao, thì Uber Pool sẽ càng thu được nhiều fee.
Cách duy nhất để truy cập vào Uber Pool là thông qua governance, bằng cách vote cho các lựa chọn trong proposal vào mỗi cuối quý. Khi Uber Pool càng có giá trị cao, càng nhiều người quan tâm đến việc quản trị Uber Pool thì giá trị của token DHT sẽ càng cao.
dHedge Protocol là nguồn thu chính của dự án. Tuy nhiên, buy demand này hoàn toàn có thể cải thiện, bằng cách chọn những cơ chế distribute lượng fee giao thức một cách trực tiếp hơn. Mình sẽ nói kĩ hơn về phần này trong phần hướng đi tiềm năng trong tương lai của dự án.
Giao thức dTOP
Giới thiệu giao thức và các thành phần tham gia
dTOP là một index token phản ánh performance của 10 trader tốt nhất trên dHedge thông qua hệ thống điểm trên Leaderboard. Cứ vào cuối mỗi tháng, chỉ số dTOP lại được cập nhật với chỉ số của 10 pools đang có performance tốt nhất, chỉ số của mỗi pool phụ thuộc vào score của họ trên Leaderboard.
dTOP được chạy bởi smart contract của dự án để tự động track index của Leaderboard và trả phí gas cho hoạt động update 10 pools (gọi là rebalancing) mỗi tháng. Phí performance fee của dTOP được đặt cố định là 10%. Mỗi tháng, lượng phí này lại được chia cho 10 top pool managers dựa theo score của họ trong bảng xếp hạng.
Đầu tư vào dTOP thực chất là đầu tư dàn trải vào 10 pools có performance tốt nhất của nền tảng dHedge. Tiền đầu tư của người dùng sẽ được chia vào 10 pool với lượng weight phụ thuộc vào số điểm của pool đó.
Các thành phần tham gia giao thức này bao gồm:
- 10 Pools top của dHedge: Các pool này sẽ cung cấp index về score của họ cho bot của dHedge, và chia nhau khoản performance fee 10% của dự án dựa trên score của họ.
- Investors: Các investors có thể giao dịch tài sản này như một tài sản Synthetic bình thường, và trả khoản phí 10% performance fee dành cho 10 pools có mặt trong chỉ số đó.
Mô hình hoạt động của dTOP index
dTOP index có mô hình hoạt động như sau:
(1) Investors sẽ invest dTOP bằng cách sử dụng các stablecoin như sUSD, DAI, USDC,... để mua token dTOP - token đại diện allocation của investors trong 10 pool top của dHedge.
(2) Investors sẽ được nhận token dTOP, khoản phí 10% performance fee sẽ được trích từ profit của các nhà đầu tư nếu như họ đầu tư có lãi.
(3) Manager sẽ nhận được khoản tiền đầu tư đến từ các dTOP investors; 10% performance fee thu được từ các nhà đầu tư có lợi nhuận về cho Uber Pool.
(4) Top 10 Pools sẽ cung cấp index về performance của họ thông qua hệ thống Leaderboard.
Cách dTOP capture value cho DHT Token
dTOP là một trong những sản phẩm được tạo ra để thu hút volume của investors về cho dự án dHedge. Có càng nhiều investors, volume càng lớn, thì lượng fee thu được từ investors sẽ càng cao (10% performance fee được trích từ lợi nhuận của các nhà đầu tư). Lượng fee thu được sẽ được đưa về Uber Pool, và nếu Uber Pool càng cao, thì governance của dHedge càng có nhiều người muốn tham gia. Từ đó, tạo ra buy demand cho token DHT.
dTOP index là một phần doanh thu phụ của dự án bên cạnh dHedge Protocol. Như mình đã nói bên trên, thì mình sẽ gợi ý cách capture value cho dHedge trực tiếp hơn ở phần sau của bài viết.
Staking DHT
Staking DHT hoạt động thế nào
Chương trình staking DHT cho phép DHT token holder cam kết khóa DHT một thời gian trong pool từ một tháng tới 3 năm. Thời gian khóa càng lâu, reward cho staking và voting power dưới dạng vDHT của stakers càng lớn. Bản thân mình nghĩ đây là một sáng kiến hay, bởi việc cho phép token được lock trong thời gian càng dài thì càng có APY cao và nhiều voting power sẽ giúp team dự án có thể có voting power lớn, dù họ không cầm nhiều token.
Lượng vDHT stakers nhận được được tính bằng công thức: DHT Stake * thời gian lock (tính theo tháng). Phần thưởng dành cho DHT Stakers sẽ được trả dưới dạng DHT, dTOP hoặc sUSD. Lượng yield được trả cho DHT Stakers được sinh ra từ các nguồn sau:
- 25,000 DHT một tuần, phần DHT này lấy từ hơn 51% token DHT chưa được xác định mục đích sử dụng. Theo mình thì đây ưu điểm của cách thiết kế token DHT, mình sẽ nói kĩ hơn ở phần DHT tokenomics;
- Một phần từ Uber Pool (hiện đang trị giá $2,300,000), sẽ được giải thích trong phần governance.
Ngoài ra, staking DHT cũng sẽ nhận quyền quản trị, trong đó bao gồm cả quyền quyết định cách sử dụng Uber Pool vào mỗi cuối quý.
Cách staking capture value cho DHT Token
Anh em có thể dễ dàng thấy, DHT Staking là sản phẩm capture value trực tiếp cho DHT token, thông qua việc chia số lượng DHT cho staker 25,000 DHT mỗi tuần và một phần của Uber Pool. Theo mình thấy, con số 25,000 DHT một tuần được distribute là hợp lý, nghĩa là 1,300,000 DHT một năm. Con số này không tạo ra áp lực bán quá lớn lên DHT Token, và cũng đủ để giữ APY của DHT Staker ở mức hấp dẫn (khoảng từ 30% trở lên).
Lượng DHT được stake sẽ bị lock trong một thời gian được người stake tính trước, đổi lại quyền nhận APY và quyền quản trị. Hiện tại, APY của việc staking DHT đang ở mức 46% (với gần 4 triệu DHT được stake trên tổng 15 triệu circulating token), mức APY này sẽ tăng nếu Uber Pool thu được nhiều phí hơn, đến từ việc ứng dụng có nhiều người dùng hơn với volume lớn hơn.
Mức stake 25% (Staking/Circulating) tuy chưa phải quá cao, nhưng cũng khá ấn tượng đối với dự án chưa có quá nhiều incentives cho staker như dHedge.
Governance
Cơ chế Governance của dHedge đi cùng với sự vận hành của một treasury chung của dự án, mang tên là Uber Pool. Uber Pool được lấy từ 10% của tổng các performance fee mà các managers thu được. Các duy nhất để có thể tác động lên Uber Pool là thông qua governance của dự án, thông qua stake DHT để nhận voting power vDHT.
Các staker sẽ có thể vote để cân bằng lượng treasury trong Uber Pool: Lựa chọn distribute bao nhiêu cho các stakers, để lại bao nhiêu để phục vụ phát triển dự án. Uber Pool sẽ được phân bổ bởi hoạt động governance mỗi cuối một quý.
Bên cạnh Uber Pool, có nhiều chức năng khác của giao thức có thể được đề đạt bằng proposal và vote trên governance của dHedge.
DHT Tokenomics
Mô hình của DHT có một phần lớn dành chưa được xác định và sẽ được quyết định thông qua vote của tính năng governance. Hiện tại, một phần trong số đó đã được sử dụng để làm staking reward (25,000 DHT/tuần), nhưng phần còn lại vẫn chưa rõ mục đích sử dụng token.
Đối với mình, mình nghĩ đây là một điểm cộng lớn cho tokenomics của dự án, bởi việc có một lượng token dự trữ sẵn có thể dùng để bootstrap dự án bất cứ lúc nào (khi cơ hội đến) là cực kỳ quan trọng. Độ linh hoạt của dự án sẽ được gia tăng rất nhiều. Còn lại, phần lớn token được nắm giữ bởi seed sale, strategic partners, exchange, core team và advisors với vesting dài hạn (từ 1-3 năm).
Theo ý kiến của cá nhân mình, nói về độ linh hoạt của dự án, mình đánh giá cao tính chất này của mọi dự án, bởi trong thời gian đầu, khi dự án chưa có nhiều users, TVL và volume, khi này rất cần các incentives để kích thích sự tham gia của cộng đồng vào giao thức và người dùng. Tuy nhiên, các incentives này rất khó để đoán trước khi nào nên mở, khi nào nên đóng, mà cần đi theo sát tình hình thị trường và diễn biến đối thủ.
Bởi vậy, việc có một lượng token có sẵn (mình tạm gọi là Treasury) để bootstrap bất cứ lúc nào thời cơ đến là rất quan trọng. Tuy nhiên, sự hoạt động của Treasury này phải nằm dưới sự kiểm soát của team làm dự án. Nếu dự án thực hiện decentralized quá sớm ⇒ để voting power rơi vào tay người ngoài dự án quá nhiều vào thời điểm quá sớm ⇒ nhiều người cầm token trong cộng đồng không thể hiểu được hướng đi dài hạn của dự án mà chỉ muốn có lợi nhuận càng nhanh càng tốt, sẽ khiến cho dự án đi lệch hướng, và dẫn đến việc Treasury không được sử dụng hiệu quả.
Mình nhận thấy rằng, team không hề cầm quá nhiều token đủ để có một voting power đè bẹp các bên khác (20% circulating token ở thời điểm hiện tại). Bởi vậy, việc sử dụng Treasury để bootstrap dự án có thể sẽ không thuận lợi trong tương lai. Tuy nhiên, có rất nhiều dự án không cần team có quá nhiều voting power nhưng vẫn có thể thực hiện governance theo ý của riêng họ, bởi họ có một cộng đồng mạnh và hiểu hướng đi của dự án. Nếu dHedge làm tốt việc này, thì Treasury của dự án sẽ thuận lợi để tăng giá trị dự án khi thời cơ tới.
Disclaimer: Những thông tin bên trên bao gồm cả góc nhìn của người viết bài về dự án. Anh em chỉ nên dùng góc nhìn trên dưới tính chất tham khảo, không coi là lời khuyên đầu tư.
DHT có các use cases sau:
- Staking: Staking để nhận APY và voting power để quản trị giao thức, trong đó có sự phát triển chung của giao thức và Uber Pool. Mình đã phân tích và đánh giá use cases này của DHT ở các phần trên.
- Performance Mining: DHT sẽ được dùng để reward cho các managers có performance tốt, cũng như các investors đầu tư vào các pools có performance đạt top đầu.
Như mình đã đánh giá, hiện tại, buy demand của DHT không đủ mạnh (staking và governance). dHedge chưa có những use cases trực tiếp mang lại buy demand mạnh cho token, như việc distribute trực tiếp protocol fee cho token stakers - một use case rất mạnh, được nhiều protocol sử dụng thành công; hay như việc buy back and burn token DHT để trực tiếp tăng giá token DHT.
Tổng quan về mô hình hoạt động của dHedge
Tổng quan mô hình
Sau khi đã phân tích cách hoạt động của dHedge và những thành phần trong protocol, chúng ta có được mô hình hoạt động như sau:
Cách giá trị được luân chuyển giữa các thành phần trong dHedge cụ thể như sau:
(1) dHedge protocol và dTOP Protocol thu hút người dùng sử dụng giao thức, càng nhiều investors và managers thì khoản performance fee thu được càng cao. 10% performance fee sẽ được sử dụng vào Uber Pool.
(2) DHT Token sẽ được sử dụng vào staking và quản trị - cách duy nhất để có thể tác động lên khoản quỹ trong Uber Pool. Càng nhiều người staking để nhận APY và lấy quyền quản trị, token DHT sẽ càng có giá trị.
(3) DHT tăng giá sẽ giúp Performance Mining càng hấp dẫn, khiến người dùng càng cạnh tranh khốc liệt hơn để nhận Performance Mining, điều này sẽ lại tăng performance fee của dự án, lại kiếm được nhiều fee hơn để vào Uber Pool.
Từ đó, anh em có thể thấy, flywheel của dự án phụ thuộc nhiều vào Uber Pool (một phần APY từ staking cũng được lấy từ chính Uber Pool). Tuy đây là một pool có giá trị khá lớn, được phân bổ lại cuối mỗi quý qua governance, nhưng việc phụ thuộc vào Uber Pool này lại tỏ ra không quá hiệu quả, bởi giá token DHT đã cho thấy sự tụt giảm nặng nề giữa mùa uptrend (cuối tháng 3).
Hướng đi tiềm năng trong tương lai
Để tăng trưởng trong tương lai, DHT chắc chắn phải có buy demand mới. Các cơ chế mà DHT có thể sử dụng bao gồm:
- Buy back and distribute: 1 phần trong 10% performance fee sẽ được dùng để buy back DHT và chia cho các stakers;
- Buy back and burn: 1 phần trong 10% performance fee sẽ được dùng để buy back DHT và burn để giảm tổng cung.
Bên cạnh đó, dự án tiếp tục có thể mang tới các index khác, các protocol mới cho người dùng, mục đích cuối cùng là để tăng lượng performance fee thu được từ các investors, để góp gạo cho Uber Pool lớn mạnh, từ đó đẩy mạnh sự tăng trưởng của cả ứng dụng.
Tổng kết
Tóm lại, trong bài viết trên, mình có một vài ý chính như sau:
- Với tokenomics như hiện tại, thì Uber Pool là phần quan trọng nhất trong flywheel của dHedge, mọi sự phát triển của dự án đều nhằm gia tăng giá trị cho Uber Pool.
- Buy demand của dHedge chưa tốt, điều đó được thể hiện qua sự tụt giảm thê thảm của DHT sau khi launching token không lâu.
- Điểm sáng trong tokenomics của dự án là Treasury DAO có giá trị lớn, tuy nhiên Treasury này chỉ có giá trị với dự án trong dài hạn nếu voting power phần lớn thuộc về team phát triển, bởi dự án đủ lớn để thực hiện giao đoạn decentralized.
- Phần lớn DHT Token đang được đặt trong sự kiểm soát của DAO, chưa có kế hoạch cụ thể.
- Một vài hướng đi tiềm năng của dự án có thể lựa chọn là cơ chế buy back and distribute, hoặc buy back and burn.
Bên trên là mô hình hoạt động của dự án dHedge - một ứng dụng quản lý quỹ phi tập trung trên Ethereum. Anh em thắc mắc gì có thể comment ở phía dưới bài viết, mình sẽ trả lời các thắc mắc đó. Hẹn anh em ở bài viết How it works tiếp theo!
Các nguồn thông tin tham khảo:
- Medium dự án: dHEDGE Uber Pool Governance and sUSD Rewards
- Gitbook dự án: https://docs.dhedge.org/