Ross Ulbricht: "Thủ lĩnh" chợ đen Silk Road được Trump ân xá

"Tên cướp biển" và con đường tơ lụa Bitcoin
Hậu ra tù vì được tổng thống Mỹ Donald Trump ân xá, Ulbricht gây xôn xao với việc sẽ xuất hiện tại một hội nghị Bitcoin vào tháng Năm này.
Ross William Ulbricht, sinh năm 1984 tại Mỹ, ngay từ nhỏ đã bộc lộ tố chất lãnh đạo khi đạt cấp bậc Eagle Scout cao nhất trong phong trào hướng đạo sinh. Năm 2006, Ulbricht tốt nghiệp Đại học Texas với học bổng toàn phần chuyên ngành vật lý, sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ về khoa học vật liệu và kỹ thuật tại Đại học Pennsylvania State, nơi anh nghiên cứu sâu về tinh thể học.
Trong thời gian ở trường, Ulbricht bắt đầu say mê lý thuyết kinh tế tự do, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ triết lý của Ludwig von Mises và Ron Paul. Ulbricht từng chia sẻ mong muốn “sử dụng lý thuyết kinh tế để loại bỏ sự ép buộc và xung đột giữa con người”, đồng thời tham gia nhiều cuộc tranh luận để làm rõ quan điểm của mình.
Sau khi tốt nghiệp năm 2009, Ulbricht trở về Austin và thử sức với các dự án như giao dịch chứng khoán, phát triển game, và cùng bạn sáng lập Good Wagon Books – một cửa hàng sách cũ trực tuyến.

Tuy nhiên, ý tưởng táo bạo nhất của Ulbricht chính là Silk Road - một thị trường trực tuyến ẩn danh đầy tranh cãi. Với cái tên ban đầu "Underground Brokers", Silk Road được thiết kế như nơi mà "mọi người có thể mua bất kỳ thứ gì một cách ẩn danh mà không để lại dấu vết".
Cái tên "Silk Road" được lấy cảm hứng từ con đường tơ lụa lịch sử, với tham vọng tạo nên một mạng lưới toàn cầu. Ulbricht xây dựng Silk Road không chỉ như một thị trường mà còn là thí nghiệm kinh tế và xã hội dựa trên các nguyên tắc tự do.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, Ulbricht dựa vào hai công nghệ tiên tiến: mạng Tor giúp che giấu danh tính người dùng, và Bitcoin - phương thức thanh toán điện tử mang tính ẩn danh cao. Đặc điểm này biến Silk Road trở thành hệ sinh thái giao dịch an toàn nhưng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật.
Sau khi ra mắt vào tháng 2/2011, Silk Road nhanh chóng trở thành thị trường trực tuyến nổi tiếng, thu hút hàng nghìn người bán và hơn 100,000 người mua toàn cầu.
Ulbricht điều hành mọi khía cạnh của nền tảng, từ quản lý giao dịch đến chỉ đạo đội ngũ lập trình viên và quản trị viên. Dưới biệt danh “Dread Pirate Roberts” – lấy cảm hứng từ nhân vật huyền thoại trong phim “The Princess Bride“, Ross tự coi mình là “người gác cổng niềm tin” cho hệ thống này.
Dù Silk Road là thị trường vô chính phủ, Ulbricht vẫn vạch ra ranh giới. Anh viết ra bộ quy tắc cơ bản: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử, và đừng làm điều gì tổn hại hay lừa đảo họ”. Trang web cũng cấm tuyệt đối việc rao bán nội dung mang tính ấu dâm, hàng giả, bằng cấp giả và hàng hóa bị đánh cắp.
Silk Road là ước vọng của Ulbricht về một xã hội tự do có trách nhiệm, nơi luật chơi xuất phát từ cộng đồng chứ không từ quyền lực cưỡng chế.
Săn tìm và sa lưới
Tuy nhiên, sau khi ra đời một thời gian, Silk Road rẽ sang một bước ngoặt đen tối: trở thành nơi mua bán các chất cấm.
Theo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), sàn Silk Road từng bày bán gần 13,000 danh mục chất cấm, bao gồm cần sa, thuốc phiện, thuốc lắc và các chất gây nghiện khác, cùng các danh mục dịch vụ hack máy tính, làm giấy tờ giả mạo và phát triển phần mềm độc hại.
Trong suốt thời gian hoạt động, Silk Road đã tạo điều kiện cho việc phân phối hàng trăm cân ma túy và hàng hóa bất hợp pháp khác. Reuters ước tính giá trị các giao dịch bất hợp pháp trên Silk Road đạt hơn 200 triệu USD, với số tiền hoa hồng thu về đạt hơn 13 triệu USD dưới dạng Bitcoin.
Sự phát triển của Silk Road đi kèm hậu quả nghiêm trọng. ICE báo cáo rằng các chất ma túy được mua bán trên trang web có liên quan đến ít nhất 6 trường hợp tử vong do dùng thuốc quá liều, bao gồm một nhân viên Microsoft 27 tuổi và hai thiếu niên 16 tuổi ở Úc và Mỹ.
Mặc dù được thiết kế để hoạt động ẩn danh hoàn toàn, Silk Road dần bị lộ diện. Một đặc vụ của cơ quan phòng chống ma túy đã xâm nhập và trở thành quản trị viên của nền tảng nhằm thu thập thông tin nội bộ.
Dựa vào các cuộc trò chuyện, điều tra viên phát hiện giờ hoạt động của Ulbricht khớp với múi giờ Thái Bình Dương, giúp thu hẹp khu vực tìm kiếm. Đồng thời, một máy chủ quan trọng của Silk Road đã bị thu giữ tại Iceland, cung cấp thêm bằng chứng cho nhà chức trách.
Bước ngoặt lớn nhất là khi Gary Alford - điều tra viên Sở Thuế vụ Mỹ, phát hiện mối liên hệ giữa Ulbricht và bí danh “Dread Pirate Roberts”. Theo The New York Times, Alford đã liên kết biệt danh “altoid” – được sử dụng để quảng bá Silk Road trong những ngày đầu, với một bài đăng tìm kiếm trợ giúp lập trình trên diễn đàn - nơi Ulbricht để lại địa chỉ email với tên họ đầy đủ.
Chính sai lầm này đã phơi bày danh tính thực sự của Ulbricht. Ngày 1/10/2013, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành bắt giữ Ulbricht tại thư viện công cộng Glen Park ở San Francisco.
Theo Business Insider, để đảm bảo Ulbricht không kịp mã hóa hoặc xóa dữ liệu, các đặc vụ đã tạo một cuộc gây rối giả nhằm đánh lạc hướng. Trong khi Ulbricht phân tâm, một đặc vụ nhanh chóng thu giữ laptop của anh, nơi chứa những dữ liệu quan trọng liên quan đến hoạt động của Silk Road.
Sau khi bị bắt, Ulbricht đối mặt một loạt cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm tham gia tổ chức tội phạm, âm mưu phân phối ma túy, rửa tiền, buôn bán giấy tờ giả và tấn công máy tính.
Các công tố viên liên bang còn cáo buộc Ulbricht chi 730,000 USD cho các hợp đồng thuê giết người nhằm vào ít nhất 5 đối tượng, dù không có bằng chứng rõ ràng.
Phiên tòa xét xử Ulbricht bắt đầu vào ngày 13/1/2015 và kết thúc vào ngày 4/2 cùng năm với bản án nghiêm khắc: hai án tù chung thân cùng 40 năm tù bổ sung, không cơ hội ân xá. Ngoài ra, Ulbricht còn bị yêu cầu bồi thường 183 triệu USD, số tiền ước tính từ doanh thu bất hợp pháp của Silk Road.
12 năm kháng cáo
Bản án tù chung thân của Ross Ulbricht đánh dấu sự khởi đầu cho 12 năm kháng cáo.
Theo Wired, năm 2016, Ulbricht đệ đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Mỹ Khu vực thứ hai, lập luận rằng trong quá trình điều tra Silk Road, hai đặc vụ DEA đã thu thập bằng chứng một cách bất hợp pháp. Ulbricht cũng cho rằng bản án tuyên cho mình quá nặng. Tuy nhiên, vào năm 2017, tòa đã bác bỏ kháng cáo và giữ nguyên bản án.
Không từ bỏ, vào tháng 12 cùng năm, Ulbricht tiếp tục đưa vụ án lên Tòa án Tối cao Mỹ, tập trung vào hai vấn đề: quyền riêng tư dữ liệu theo Tu chính án thứ tư và quyền xét xử công bằng theo Tu chính án thứ sáu. Dù có sự ủng hộ từ hơn 20 tổ chức, bao gồm Reason Foundation và Drug Policy Alliance, vào tháng 6/2018, Tòa án Tối cao vẫn từ chối xét xử, khép lại cơ hội pháp lý cuối cùng của Ulbricht.
Trong khi các nỗ lực pháp lý đều thất bại, phong trào cộng đồng “Free Ross” lại lan toả mạnh mẽ. Forbes ghi nhận phong trào đã thu hút hơn 600,000 chữ ký kiến nghị trực tuyến và nhận được ủng hộ từ các nhà cải cách nhà tù, chính trị gia tự do, và cộng đồng crypto.
Phong trào “Free Ross” dần tạo ra thay đổi khi một số chính trị gia bắt đầu lên tiếng ủng hộ việc giảm án cho Ulbricht. Theo Reason.com, vào năm 2022, Dân biểu Thomas Massie công khai kêu gọi chính quyền giảm án cho Ulbricht, trong khi Jo Jorgensen - ứng cử viên tổng thống đảng Tự do, cam kết ân xá cho Ulbricht.
Vào tháng 5/2024, Donald Trump - lúc này vẫn còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, tuyên bố giảm án cho Ulbricht nếu tái đắc cử. Lời hứa này đã trở thành hiện thực vào ngày 21/1/2025, khi Trump ký quyết định ân xá hoàn toàn và vô điều kiện cho Ulbricht.
Sau khi được ân xá, Ulbricht từ bỏ quyền sở hữu hơn 50,000 Bitcoin bị thu giữ, trị giá hơn 5 tỷ USD, để trả các khoản nợ pháp lý và phục vụ các mục đích công khác.
Đọc thêm: Donald Trump và "Trò chơi vương quyền" trong crypto