“Hiệp sĩ trắng” SBF “ngã ngựa”, liệu FTX có trở thành Lehman Brothers thứ hai?
Trong crypto, chỉ cần ngủ dậy sau một đêm bạn đã có thể trở thành “người tối cổ”, và điều này vô cùng chính xác chiếu theo những biến động kinh hoàng diễn ra trong thị trường gần đây.
Sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, được ví như “khoảnh khắc Lehman” của ngành crypto. Ví von này ám chỉ đến việc ngân hàng Lehman Brothers phá sản vào năm 2008, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phanh phui những câu chuyện trước giờ nằm “trong bóng tối” của Phố Wall.
Quả thực, sự lụi tàn của đế chế FTX - bao gồm cuộc “bán mình” bất thành cho Binance - có thể làm thành một “drama” nhiều kỳ về những tỷ phú “không đội trời chung”, thuyết âm mưu và cuộc chiến gây cấn quyết định tương lai của crypto. Cú “rơi từ ngai” bất thần của FTX - một trong những ngôi sao sáng giá nhất của tiền điện tử - đã làm cả thị trường choáng váng. Đây cũng là chỉ báo cho thấy: crypto - vốn đã nhận nhiều “cú đấm thép” trong năm nay - sẽ phải trân mình chịu đựng một khoảng thời gian còn khó khăn hơn nữa.
FTX tốn 3 năm để gầy dựng vị thế và chỉ mất vỏn vẹn 7 ngày để “về mo” - bất chấp nỗ lực “cầu cứu” Binance - đối thủ nặng ký nhất của mình trong thị trường.
SBF vs. CZ: “kỳ phùng địch thủ”
Sàn giao dịch FTX có trụ sở chính tại Bahamas và do Sam Bankman-Fried (SBF) - tỷ phú người Mỹ 30 tuổi điều hành. Sàn đã được định giá 32 tỷ USD kể từ vòng gọi vốn cuối cùng. Cho đến tuần này, FTX vẫn được xem là một trong những công ty “blue chip” của tiền điện tử với hoạt động kinh doanh ổn định, có vốn hóa tốt ngay trong thời điểm cả thị trường đang “rơi tự do”.
Thực tế, FTX đã dành phần lớn năm nay để cứu trợ cho những công ty crypto khác và thường được các nhà đầu tư nhìn nhận là một công ty trưởng thành, có trách nhiệm, không tham gia vào các giao dịch rủi ro, đầu cơ hay đánh bạc với tiền của khách hàng.
Về phía SBF, anh trở nên nổi tiếng nhờ sự thành công của FTX và được xem như một hình mẫu cho toàn bộ không gian crypto. SBF là một anh trai kỳ quặc, không phô trương, hay mặc quần ngắn, áo thun, để tóc bù xù và có tiếng trong ngành là “ông trùm” crypro rất tuân thủ luật pháp.
Tìm hiểu thêm về SBF: Sam Bankman-Fried (SBF) là ai?
Trong khi đó Binance, sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới do CZ - tỷ phú gốc Hoa điều hành, lại hoạt động khá “mập mờ”. Sàn Binance không có trụ sở chính thức và thường gặp rắc rối với các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia họ đang hoạt động. Nhưng sàn làm ăn cực kỳ thành công và hiện đang kiểm soát khoảng một nửa thị trường trao đổi của tiền điện tử.
Trái ngược với SBF, CZ lại được biết đến như một người “sống ngoài vòng pháp luật”. Ông đã kháng cự nhiều lời kêu gọi biến crypto trở thành nơi được quản lý chặt chẽ hơn, bản thân Binance cũng bị cấm ở một số quốc gia vì hoạt động mà không có giấy phép phù hợp. Tiêu biểu, vào năm 2019, dưới áp lực từ phía các nhà quản lý, Binance đã chặn người dùng Hoa Kỳ khỏi nền tảng chính của mình và thành lập Binance.us, một sàn giao dịch riêng biệt hoạt động hợp pháp ở Mỹ.
Tìm hiểu thêm về CZ: Changpeng Zhao (CZ) là ai?
Năm nay, khi Mỹ ngày càng để ý nhất cử nhất động của crypto, SBF và FTX đã bắt đầu vận động hành lang trong quốc hội, chi hàng triệu USD để “lấy lòng” các nhà lập pháp hoài nghi và thuyết phục họ đưa ra các quy định thân thiện với tiền điện tử.
Những nỗ lực vận động hành lang này đã gây chia rẽ trong cộng đồng crypto. Một số bên ủng hộ FTX thúc đẩy việc đưa ra nhiều quy định hơn, trong khi những bên khác cáo buộc SBF đang cố gắng “chơi đểu” phần còn lại của thị trường bằng cách thúc đẩy các luật có thể gây tổn hại đối thủ cạnh tranh của FTX trong khi họ không hề hấn gì.
CZ là một trong những người phản đối việc vận động hành lang này của FTX. “Chúng tôi sẽ không ủng hộ những bên vận động hành lang để ‘chơi sau lưng’ những người chơi khác trong ngành”, ông tweet.
CZ và SBF từng có mối quan hệ êm đẹp - Binance là nhà đầu tư ban đầu vào FTX và đã nhận về một lượng lớn FTT token - token của sàn giao dịch FTX, khi họ bán cổ phần của mình trong công ty vào năm ngoái. Nhưng hai tỷ phú đã “đường ai nấy đi” khi hai công ty họ điều hành theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Và bây giờ họ chính thức trở nên thù địch với nhau vì việc vận động hành lang này.
SBF “ngã ngựa”: Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Tuần trước, CoinDesk tung ra một tài liệu cho thấy Alameda Research - quỹ đầu cơ tiền điện tử của SBF đang giữ một lượng token FTT lớn bất thường. Bài báo cho rằng FTX và Alameda, trên danh nghĩa là hai doanh nghiệp độc lập, thực tế có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau “quả bom” này, một số người đã suy đoán rằng chính CZ và Binance đứng sau rò rỉ tài liệu để gieo nghi ngờ về sự ổn định của FTX. Tuy nhiên Binance đã phủ nhận điều này.
Sau bài báo, CZ thông báo Binance sẽ bán toàn bộ số FTT họ đang nắm giữ - trị giá khoảng 500 triệu USD - vì “những tiết lộ gần đây” về Alameda và FTX. Thông báo này đã khiến giá trị của FTT giảm mạnh.
Lo sợ bị mất tiền, trong khoảng thời gian ba ngày, các nhà đầu tư đã rút hơn 6 tỷ USD khỏi FTX, khiến sàn giao dịch phải “giật gấu vá vai” để tìm tiền trả lại. SBF đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư, ông tweet: “FTX vẫn ổn” và “một đối thủ đang cố gắng hạ bệ chúng tôi bằng những tin đồn thất thiệt”. Nhưng hoảng loạn vẫn tiếp diễn. Sau nỗ lực “cầu cứu” các nhà đầu tư tư nhân bất thành, vào ngày 8/11, SBF đã tuyên bố sẽ bán công ty của mình (ngoại trừ FTX.us) cho CZ và Binance.
Vào thứ Tư ngày 9/11, Binance đổi ý và thông báo từ bỏ thỏa thuận, vì sau khi xem xét sổ sách của công ty, họ quyết định rằng “các vấn đề của FTX nằm ngoài tầm kiểm soát hay khả năng trợ giúp của chúng tôi”.
Khi cả thị trường quay cuồng với tin tức FTX sụp đổ, các nhân viên và nhà đầu tư của FTX đã cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trong một lá thư gửi các nhà đầu tư, SBF xin lỗi vì đã không thực hiện các biện pháp quản lý tốt hơn.
“Tôi xin lỗi vì mình đã không làm tốt hơn”, anh viết.
Trong khi đó, CZ đã tweet đưa ra những bài học “xương máu” như: “Không bao giờ dùng token bạn tạo ra làm tài sản thế chấp”.
Chi tiết về diễn biến sự việc, bạn có thể tìm hiểu tại: Toàn cảnh drama giữa Binance và FTX
Cập nhật ngày 12/11/2022, Sam đã chính thức từ chức CEO của FTX, FTX và Alameda Research đã nộp đơn phá sản.
Tương lai crypto sẽ đi về đâu?
Cú sập bất thần của FTX đặt ra rất nhiều câu hỏi về tương lai của tiền điện tử.
Đầu tiên, thị trường crypto có bị “chặt cánh” khi thiếu đi những nguồn đầu tư từ phía các tổ chức truyền thống không? Vì sự sụp đổ của FTX (vốn được hậu thuẫn bởi vô số “ông lớn” CeFi) là cú đánh mạnh vào niềm tin của những tổ chức này với crypto.
Thứ hai, điều gì sẽ xảy ra với khách hàng FTX và tiền của họ?
Không giống như tiền gửi trong tài khoản ngân hàng truyền thống, tiền gửi trên các sàn giao dịch crypto không được chính phủ bảo hiểm. Có thể đây sẽ là phiên bản thứ hai của Mt. Gox - người dùng sẽ phải chờ nhiều năm để lấy lại tiền (hoặc một phần tiền) của mình hoặc nói lời “vĩnh biệt” với chúng.
Thứ ba, liệu sự sụp đổ của FTX có gây ra phản ứng dây chuyền trên diện rộng như vụ của Lehman Brothers vào năm 2008 không?
Hiện tại, hoang mang đã bao trùm cả crypto.
- Giá BTC và ETH đều giảm, vào ngày 9/11, giá SOL (thuộc hệ Solana mà FTX hỗ trợ) đã giảm gần 40%.
- Cổ phiếu của các công ty tiền điện tử được giao dịch công khai, chẳng hạn như Coinbase, cũng suy giảm.
- Các nhà đầu tư của FTX, bao gồm Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và SoftBank, rất có thể sẽ mất gần hết hoặc toàn bộ các khoản đầu tư của họ.
- Hơn nữa, với những mối quan hệ “dây mơ rễ má” của FTX với phần còn lại của nền kinh tế crypto, có thể “lỗ đen” này còn sâu hơn.
Năm 2008, sự kiện Phố Wall sụp đổ đã kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến việc hàng triệu người Mỹ mất nhà cửa và việc làm. Tuy nhiên, sự sụp đổ của FTX có lẽ chủ yếu chỉ nằm trong không gian tiền điện tử, nhưng cũng có thể “ba mươi chưa phải là tết”.
Thứ tư, liệu những quy định pháp lý của crypto trong tương lai có lâm vào thế ngặt nghèo không?
Nói cho cùng thì FTX là một trong số ít các công ty crypto của Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào việc vận động hành lang. Riêng SBF được xem là “hiệp sĩ trắng” - người có cơ hội tốt nhất để thuyết phục các nhà lập pháp hoài nghi về giá trị của tiền điện tử. Bây giờ, có vẻ như những nỗ lực đó đã bị ngưng lại, và có thể trong tương lai sẽ càng khó để thuyết phục những nhà quản lý tin vào crypto.
Cuối cùng, bước đường tương lai của SBF sẽ đi về đâu? Cho đến tuần này, anh vẫn là một “vị vua không ngai” của crypto và là một thế lực ngày càng mạnh mẽ trong nền chính trị Mỹ - nhờ những khoản đóng góp lớn cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ.
Trước khi tai họa xảy đến, SBF đã dùng tài sản mình (ước tính 15 tỷ USD) để hỗ trợ các hoạt động từ thiện và đầu tư vào các công ty cả trong và ngoài crypto (anh là cổ đông lớn của ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood). Thế nhưng, chàng “kỵ sĩ trắng” của crypto nay đã “ngã ngựa”. Vào ngày 8/11, Bloomberg ước tính giá trị tài sản ròng của SBF đã giảm 94% và anh không còn là tỷ phú.
Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang đối mặt với một câu hỏi lớn hơn: Đế chế của SBF sụp đổ là một sự kiện bất thường hay nó chỉ là quân domio tiếp theo bị đẩy ngã và sẽ không phải quân domio cuối cùng? Đây có phải là tín hiệu “reset game” cho chu kỳ 2022-2025 kế tiếp của crypto?