Socket Protocol: Giao thức Chain Abstraction với cơ chế MOFA
Socket Protocol là gì?
Socket Protocol là giao thức cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép nhà phát triển xây dựng DApp có khả năng tương tác đa chuỗi một cách liền mạch, đơn giản. Người dùng khi sử dụng DApp được xây dựng với Socket Protocol có trải nghiệm đơn giản như đang tương tác trên một blockchain thống nhất nhờ việc áp dụng công nghệ Chain Abtraction.
Socket Protocol giải quyết một số vấn đề cho các giao thức và người dùng như:
Đối với giao thức:
- Giải quyết vấn đề phân tán thanh khoản khi có quá nhiều blockchain được phát triển.
- Giúp DApp không phải chọn lựa giữa việc phát triển đa chuỗi (phát sinh chi phí vận hành cao) hay tập trung vào một chuỗi (có thể bỏ lỡ người dùng).
Đối với người dùng: Giảm thiểu sự phức tạp khi tương tác với nhiều blockchain khác nhau.
Mô hình hoạt động của Socket Protocol
Socket Protocol được thiết kế với 4 thành phần chính:
- Plugs: DApps xây dựng trên Socket Protocol.
- Gateway: Điểm ra/vào cho các DApp. Đây là nơi yêu cầu từ người dùng được gửi đến và cũng là điểm bắt đầu quá trình xử lý yêu cầu giữa các blockchain.
- Switchboard: Hợp đồng thông minh chịu trách nhiệm xác thực các gói dữ liệu và kiểm tra tính hợp lệ của chúng, đảm bảo rằng chỉ những dữ liệu đã được ủy quyền và kiểm duyệt mới có thể thực thi.
- Socket: Kết nối và điều phối hoạt động của các thành phần khác trong hệ thống.
Socket Protocol hoạt động như sau:
- Người dùng gửi yêu cầu đến Gateway của DApp. Yêu cầu này sau đó được phân tích và giải quyết thành các hành động khả thi trên nhiều blockchain.
- Gateway kích hoạt, lựa chọn một transmitter (thực thể thực thi yêu cầu người dùng) để thực thi giao dịch, sau đó truyền gói dữ liệu (chain-abstracted packet) cho các chuỗi. Gói này chứa yêu cầu của người dùng, phản hồi từ transmitter và chữ ký từ Watcher - đơn vị lưu trữ và giám sát các gateway của DApp và theo dõi hoạt động blockchain.
- Socket thực hiện các Plugs, xác thực gói dữ liệu thông qua Switchboard. Nếu Switchboard ủy quyền gói dữ liệu, yêu cầu và hành động của transmitter cho mạng này sẽ được thực thi.
- Sau khi transmitter hoàn tất giao dịch trên chuỗi nguồn, Gateway sẽ kích hoạt bước tiếp theo với chữ ký mới từ Watcher.
- Các bước trên được lặp lại và xác nhận liên tục trên nhiều mạng cho đến khi toàn bộ gói dữ liệu hoàn tất quá trình thực thi.
Nhìn chung, Socket Protocol cung cấp một cơ sở hạ tầng linh hoạt cho các nhà phát triển, cho phép họ dễ dàng tạo ra các DApp có khả năng tương tác với nhiều blockchain mà người dùng không cần quan tâm đến sự phức tạp đằng sau, giúp trải nghiệm trở nên liền mạch và thuận tiện.
Sản phẩm của Socket Protocol
Socket Protocol cung cấp 4 công nghệ chính để các nhà phát triển có thể sử dụng và xây dựng DApp. Các sản phẩm này bao gồm: Gateway, Switchboard, Watcher (như đã nói ở trên) và Modular Order Flow Auctions (MOFA) - công nghệ được Socket Protocol phát triển trọng tâm.
Hiện tại, đối với các blockchain phát triển theo hướng modular, chúng sẽ bao gồm nhiều tác nhân quản lý các phần khác nhau của mạng (như DA, sequencing, relaying, Account Abstraction…). Mô hình modular mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho blockchain, nhưng chúng khiến cho mạng hoạt động riêng lẻ, có thể gây ra vấn đề thiếu liên kết và có sự tham gia của các bên thứ ba trong kiến trúc mạng.
MOFA được Socket phát triển nhằm phần nào giải quyết vấn đề này khi tạo ra một thị trường mở, cho phép các tác nhân ngoài chuỗi (gọi là transmitter) cạnh tranh nhau để thực hiện giao dịch của người dùng trên nhiều blockchain khác nhau (Layer 1, Layer 2, Layer 3). Các transmitter này cũng được khuyến khích tự động gom tác vụ của người dùng on-chain, giúp giảm chi phí cho người dùng, hạn chế giao dịch thất bại.
Với cấu trúc này, MOFA giúp:
- Tăng hiệu quả thực thi: Mỗi transmitter có lợi thế riêng, khi các transmitter cạnh tranh với nhau, người dùng có thể nhận được dịch vụ nhanh hơn và chi phí thấp hơn.
- Đơn giản hóa cho người dùng: MOFA tạo ra một giao diện chung, giúp người dùng không cần hiểu sâu về cách mỗi blockchain hoạt động mà vẫn có thể thực hiện các giao dịch trên nhiều blockchain.
Nhìn chung, MOFA giúp các tác nhân khác nhau trong hệ sinh thái blockchain có thể phối hợp và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn, mang lại lợi ích về tốc độ, chi phí và bảo mật cho người dùng mà không làm phức tạp quá trình giao dịch trên nhiều blockchain.
Ứng dụng của Socket Protocol
Theo Socket Protocol, công nghệ của dự án đã được áp dụng trên 100 giao thức, hỗ trợ thực hiện khối lượng giao dịch trên 10 tỷ USD. Trong đó:
- Các ví tiền mã hóa như Metamask và Coinbase đã tích hợp Socket Protocol để giúp người dùng thực hiện giao dịch xuyên chuỗi mà không cần chuyển đổi blockchain thủ công, mang lại trải nghiệm liền mạch và thuận tiện hơn.
- Các nền tảng như Rainbow Wallet, Layer3 và Zapper cũng đã sử dụng Socket để đơn giản hóa quy trình onboard, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nền tảng Base một cách nhanh chóng.
- Đáng chú ý, Bungee Exchange tích hợp SocketGateway, cung cấp giải pháp trao đổi nhanh và tiện lợi cho người dùng.
Nhìn chung, Socket Protocol đã thể hiện tiềm năng vượt trội trong việc hỗ trợ DApp tương tác và kết nối đa chuỗi, mang lại lợi ích lớn không chỉ cho các nhà phát triển mà còn nâng cao trải nghiệm cho người dùng cuối.
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác dự án Socket Protocol
Đội ngũ dự án
- Vaibhav Chellani: CEO và Đồng sáng lập của Socker Protocol. Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain, từng làm tại Toshblocks, Karachain, Matic Network.
- Rishabh Khurana: Đồng sáng lập Socker Protocol. Trước đây, anh từng làm việc cho công ty công nghệ InMobi trụ sở tại Ấn Độ.
Nhà đầu tư và đối tác
Vào tháng 9/2023, Socket Protocol đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn trong thị trường crypto như Coinbase Ventures, Framework Ventures và Lightspeed.
Với khoản đầu tư này, Socket sẽ tích hợp công nghệ kết nối chuỗi chéo vào các sản phẩm của Coinbase như Coinbase Wallet và Base.
Một số dự án tương tự
- Polkadot: Nền tảng blockchain đa chuỗi, giúp kết nối các blockchain độc lập với nhau. Nó sử dụng một cấu trúc chuỗi chính và nhiều chuỗi phụ (parachains) để tạo ra một mạng lưới blockchain có thể giao tiếp và chia sẻ dữ liệu với nhau.
- Cosmos: Nền tảng giúp các blockchain giao tiếp với nhau thông qua giao thức IBC (Inter-Blockchain Communication).
- Wormhole: Giao thức cross-chain giúp kết nối các blockchain khác nhau, đặc biệt là giữa các blockchain thuộc hệ sinh thái Solana, Ethereum và Binance Smart Chain.