Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Từ Fantom tới Sonic: Phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn?

Với quyết định đổi tên cùng những phát triển mới, liệu Sonic có giúp Fantom quay trở lại thời kỳ hoàng kim như giai đoạn 2020-2021?
linhnt
Published a day ago
6 min read
hệ sinh thái sonic tăng trưởng

Fantom: Nhìn lại hành trình đã qua

Giai đoạn 2020-2021, Fantom nổi lên như một trong những blockchain layer 1 hàng đầu với khả năng xử lý giao dịch nhanh (1-2 giây) và chi phí thấp (dưới 0.01 USD).

Đặc biệt trong lĩnh vực DeFi, sự tham gia của Andre Cronje - người được mệnh danh "bố già DeFi" với các dự án như Yearn Finance và SpookySwap, đã thu hút lượng lớn người dùng và vốn đầu tư, đưa TVL của Fantom đạt đỉnh 7 tỷ USD vào cuối năm 2021 và giá FTM lên 3 USD.

Bước sang 2022, Fantom đối mặt thách thức dồn dập. Việc Andre Cronje tuyên bố rời hệ sinh thái để lại khoảng trống khó lấp đầy, khiến cộng đồng mất phương hướng.

Cùng lúc, sự cạnh tranh từ các blockchain layer 1 khác như Solana hay Avalanche, cùng các vấn đề bảo mật, đặc biệt là vụ hack Multichain gây thiệt hại 650 triệu USD vào tháng 7/2023 đã làm suy yếu vị thế của Fantom.

tvl fantom giảm mạnh

Hệ quả kép từ yếu tố nội sinh và ngoại sinh khiến TVL Fantom giảm mạnh, từ 7 tỷ USD cuối năm 2021 xuống còn khoảng 70 triệu USD vào Q3/2024, trong khi giá FTM rơi tự do về mốc 0.3 - mức thấp nhất kể từ 2020, phản ánh sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư sau hàng loạt sự kiện tiêu cực.

Tưởng chừng hệ sinh thái sẽ rơi vào quên lãng, nhưng tháng 8/2024, Fantom Foundation quyết định tái cấu trúc toàn diện: đổi tên thành Sonic Labs và ra mắt blockchain Sonic với tốc độ giao dịch cao hơn (dự kiến 10,000 TPS) và thời gian xác nhận dưới 1 giây. Thay đổi này nhằm cải thiện hiệu suất, khả năng mở rộng của nền tảng và lần nữa thu hút cộng đồng người dùng và nhà phát triển.

sonic token s
Giao diện mới của hệ sinh thái Sonic

Tiến bộ then chốt của Sonic nằm ở các cải tiến công nghệ: Máy ảo Sonic (SonicVM) tối ưu hóa việc thực thi hợp đồng thông minh, hệ thống dữ liệu hiệu suất cao SonicDB tăng cường hiệu quả lưu trữ, và cầu nối Sonic Gateway tạo điều kiện tương tác với các blockchain khác. Không chỉ vậy, sự trở lại của Andre Cronje cùng Sonic cũng góp phần thu hút sự quan tâm từ cộng đồng.

Đọc thêm: Andre Cronje tái xuất với Sonic: "Đừng phát minh lại bánh xe"

advertising

Sonic: Cuộc cải tổ toàn diện

Các chỉ số ban đầu cho thấy phản ứng tích cực của thị trường đối với thay đổi chiến lược của Sonic. Bằng chứng là trong Q1/2025, TVL hệ sinh thái tăng từ 153 triệu USD lên 565 triệu USD, khối lượng giao dịch DEX đạt 2.3 tỷ USD, và vốn hóa thị trường ổn định ở mức 2 tỷ USD.

sonic tăng trưởng mạnh

Thị trường stablecoin của Sonic cũng phát triển mạnh mẽ, đạt vốn hóa 139 triệu USD với sự thống trị của USDC.e (75%). Điều này phản ánh chiến lược của Sonic trong việc tập trung vào tính an toàn thanh khoản và khắc phục rủi ro từ sự kiện multichain bị hack trước đó.

Đằng sau đà tăng trưởng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố then chốt, được triển khai có hệ thống và hiệu quả. Đầu tiên, vào tháng 12/2024, Sonic triển khai chương trình airdrop phân phối 190.5 triệu token S, với hai cơ chế chính: Sonic Points dành cho người dùng và Sonic Gems dành cho nhà phát triển.

Chương trình kéo dài đến tháng 6/2025, trong đó 25% token được phân bổ ngay lập tức và 75% được vesting trong 270 ngày dưới dạng NFT. Thiết kế này không chỉ khuyến khích sự tham gia dài hạn của người dùng mà còn giúp giá token S ổn định, dao động ở mức 0.5 - 0.7 USD, tránh hiện tượng bán tháo thường thấy trong các đợt airdrop.

Hiệu ứng tích cực từ chương trình airdrop cũng giúp số lượng địa chỉ ví hoạt động tăng mạnh, từ khoảng 800 lên hơn 4,000 chỉ trong 1 tháng, theo Glassnode.

sonic tăng trưởng

Thứ hai, chương trình Fee Monetization cho phép nhà phát triển nhận tới 90% phí giao dịch, trong khi 50% phí từ ứng dụng không tham gia sẽ bị đốt. Hoạt động đã thu hút hơn 40 dự án dApp mới, bao gồm SpookySwap, Silo Finance, BEETS… dẫn đến việc lưu lượng giao dịch trên chuỗi tăng 58% so với quý trước.

Thứ ba, việc Sonic ra mắt mainnet-alpha vào tháng 2/2025 đã mang đến ba cải tiến quan trọng:

  • Sonic Bridge: Kết nối đa chuỗi với Ethereum và BNB Chain thông qua công nghệ zk-SNARKs, xử lý 17 triệu giao dịch chỉ trong tuần đầu tiên.
  • Sonic DEX: Tích hợp thanh khoản liền mạch, hỗ trợ NFT và tài sản tổng hợp nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
  • Sonic Arcade: Nền tảng GameFi thu hút 25,650 ví hoạt động mỗi ngày nhờ các mini-game tích hợp airdrop.

Những nâng cấp này không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn mở rộng phạm vi ứng dụng của Sonic sang các lĩnh vực như GameFi. Ngoài ra, Sonic còn chú trọng xây dựng cộng đồng thông qua các chương trình như Sonic Accelerator hay hackathon.

Sự kiện Meme Mania cũng là ví dụ điển hình cho thấy nỗ lực của Sonic trong việc thu hút và gắn kết cộng đồng. Meme Mania khuyến khích người dùng nắm giữ memecoin trên nền tảng để nhận phần thưởng 1 triệu token OS - liquid staking của token S.

Hiệu ứng tích cực từ chương trình này được chứng minh qua việc khối lượng giao dịch memecoin trên Sonic tăng đột biến, đạt 655,080 USD trong vòng 24 giờ tính đến ngày 24/03/2025.

meme coin sonic

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, song song với những tín hiệu tích cực, Sonic cũng đang đối mặt thách thức không nhỏ trong việc duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Solana và Sui.

Bên cạnh đó, thông báo về việc triển khai stablecoin thuật toán vào ngày 23/03/2025, với mức APR dự kiến lên tới 23% theo thông tin từ Andre Cronje cũng đặt ra những vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.

Bài học từ sự sụp đổ của Terra-Luna cho thấy rõ những rủi ro tiềm ẩn của stablecoin thuật toán nếu không được quản lý một cách thận trọng. Dù vậy, nếu được triển khai thành công, stablecoin này có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp Sonic củng cố vị thế trong không gian Web3.

RELEVANT SERIES