'Tài liệu mật Hinman' đang gây xôn xao cộng đồng Crypto
“Tài liệu Hinman” cực kỳ được trông đợi cuối cùng đã được tiết lộ. Thông tin này đã trở thành đề tài bàn tán của cộng đồng crypto những ngày qua.
Đây là tài liệu thể hiện quan điểm ETH không phải chứng khoán của William Hinman - Giám đốc Bộ phận Tài chính Doanh nghiệp thuộc SEC - vào năm 2018. Một số người tin động thái này có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến pháp lý giữa SEC và Ripple khi công ty bị cáo buộc bán bất hợp pháp 1.3 tỷ USD XRP.
Ripple đã đấu tranh hết mình để đưa những tài liệu này vào hồ sơ tòa án, theo đó chúng giúp chứng minh SEC đang chĩa mũi dùi vào công ty một cách không công bằng.
Hôm qua, Brad Garlinghouse, CEO của Ripple, cho biết việc kết xuất tài liệu “rất đáng để chờ đợi”. Không phải ai cũng tin tài liệu chứng minh các tuyên bố của Ripple là đúng, tuy nhiên hàng trăm tin nhắn nội bộ của nhân viên SEC cho thấy cơ quan này luôn mập mờ trong cách điều chỉnh các loại crypto ra đời sau Bitcoin.
SEC có thể bị cho “vô đạo đức” khi cố tình bịt đầu mối
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018, khi William Hinman có bài phát biểu ở Yahoo! Summit. Tại đây, ông lập luận ETH về cơ bản không nên được phân loại là chứng khoán, vì mạng đã “hoàn toàn phi tập trung” kể từ thời điểm ra đời.
Dù ETH là chứng khoán lúc ra mắt, do Ethereum đã bán token thông qua ICO như SEC lưu ý, hoàn cảnh vẫn có thể thay đổi và mạng có thể trở nên phi tập trung hơn.
Bài phát biểu công khai của Hinman dựa trên hiểu biết của ông về mạng Ethereum thời điểm đó. Mặc dù Ripple lập luận XRP không phải chứng khoán, nhưng công ty không xem trọng suy nghĩ của Hinman. Họ không tranh luận trên cơ sở tương tự rằng XRP đã “phi tập trung” theo thời gian, thay vào đó họ cho rằng lý thuyết của Hinman không dựa trên hiểu biết đúng về luật chứng khoán.
Tóm lại, Ripple đã đấu tranh để có thể xem những tài liệu này và tiếp tục đấu tranh để đưa chúng ra ánh sáng. Trên Twitter, Garlinghouse nói việc Hinman phát ngôn như thế dù thiếu nhất trí từ SEC là “hoàn toàn vô lương tâm”, đồng thời cho biết rằng bài phát biểu “cố tình gây nhầm lẫn”.
It’s absolutely unconscionable that a regulator – when presented with so much pushback on what he was about to say / how he compiled this fake “test” in the first place – decided to move forward anyway, and throw an entire industry into chaos. https://t.co/9qzKOiPWsA
— Brad Garlinghouse (@bgarlinghouse) June 13, 2023
Lập luận này càng được củng cố bởi thực tế SEC kiện Ripple không dựa trên cơ sở pháp lý nào rõ ràng. Ngoài ra, Ripple lập luận SEC đã vi phạm các thủ tục khi không cung cấp cho công ty “fair notice” (thông báo cho ai đó về khiếu nại hoặc hành động pháp lý chống lại họ) về khả năng vi phạm luật chứng khoán.
Trong nhiều tháng, SEC, hiện do Chủ tịch Gary Gensler điều hành, đã đấu tranh để giữ kín những tài liệu của Hinman, bởi vì cơ quan này cho rằng phát ngôn của Hinman không đại diện cho SEC cũng như không liên quan đến vụ kiện.
Những tin nhắn nội bộ tại SEC xoay quanh bài phát biểu của Hinman cho thấy nhiều quan chức SEC đồng lòng với ý kiến của Hinman. Nhưng bất chấp điều này, thật khó để nói bài phát biểu đại diện cho quan điểm của tất cả mọi người.
Chẳng hạn, Giám đốc SEC Brett Redfearn, đề nghị Hinman sử dụng từ ngữ minh bạch hơn để làm rõ rằng vào khoảng năm 2018, ETH không phải chứng khoán. Trong khi đó, những người khác lưu ý bài phát biểu của Hinman có thể khiến cơ quan này “há miệng mắc quai” nếu họ muốn có “lập trường khác với ETH trong tương lai”. Tuy nhiên, lo ngại này không hề hấn gì đối với Gensler, vì dường như ông không quan tâm đến sự trái ngược trong quan điểm của mình và những người tiền nhiệm.
Có lẽ tại SEC đây là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong cuộc đấu tranh dài hơi của Ripple để đưa các bản nháp bài phát biểu của Hinman ra công chúng, thẩm phán giám sát vụ án cho biết SEC đã hành động vô đạo đức khi cố gắng “bịt đầu mối”.
Ngoài ra, một trong những lập luận chính của Ripple là bài phát biểu của Hinman cho thấy xung đột lợi ích rõ ràng. Bởi vì thời điểm đó ông ta có cổ phần trong một công ty luật là thành viên của Enterprise Ethereum Alliance (công ty luật mà ông đã tham gia lại sau khi rời SEC) - theo một email trao đổi giữa Hinman và văn phòng đạo đức của SEC.
Về phần mình, Ripple lập luận một số điều về XRP. Đầu tiên, trong nhiều năm, công ty (đang hoạt động vì lợi nhuận) đã nói họ không hề khởi tạo mạng hoặc token, mặc dù sự thật là một nhà phát triển chính và có lẽ tổ chức sẽ thu nhiều lợi ích nhất từ việc XRP được chấp nhận. Ngoài ra, một cách hơi gây hoang mang, công ty lập luận XRP là tiền hàng hóa, một loại tài nguyên có giá trị thương mại đối với nhiều nhà đầu tư, lập trình viên và công ty - như BTC và ETH.
Đọc thêm: Thẩm phán từ chối yêu cầu của SEC, Binance US tạm thoát lệnh đóng băng
Ripple không quan tâm mạng có phi tập trung hay không
Có một số điều ủng hộ ý tưởng rằng mạng Ripple đã phi tập trung hóa theo thời gian. Giống như bất kỳ blockchain công khai nào, ai cũng có khả năng dùng XRP để xây dựng hoặc sử dụng mạng cho việc chuyển tài sản. Cuối năm 2013, Ripple Labs đã phát hành bảng mã cơ sở đầy đủ của Ripple - thứ không phải lúc nào cũng được công khai. Trên lý thuyết, hành động này cung cấp cho cộng đồng công cụ cần thiết để duy trì mạng mà không có sự tham gia của bên cụ thể nào. Một số công ty, đáng chú ý nhất là MoneyGram, đã dùng mạng cho một số loại giao dịch xuyên biên giới.
Tuy nhiên, đối với nhiều người bên ngoài đội quân XRP, Ripple giống “kẻ phá bĩnh” của ngành công nghiệp blockchain. Điều này có lẽ bắt đầu với kế hoạch phân phối token của Ripple Labs, động thái đang bị SEC nghi ngờ. Tương tự một số token treasury ngày nay, Ripple quyết định kiểm soát việc giải ngân 100 tỷ đơn vị XRP đang tồn tại, phân phối chúng cho cộng đồng, nhà đầu tư ban đầu và những người sáng lập công ty. Đây là một phần lý do mà Jed McCaleb, người sáng lập Ripple đã rời đi để thành lập Stellar, blockchain tập trung vào thanh toán cạnh tranh, có sẵn rất nhiều XRP để “xả lên đầu” thị trường trong những năm qua.
Công ty có thể tranh luận về điểm này, nhưng sự thật rằng mạng Ripple đã không phi tập trung lắm kể từ thời điểm ra đời. Trong nhiều năm, tất cả ứng dụng khách của Ripple (xây dựng bằng mã của mạng) được mặc định chỉ tin cậy các node xác thực của Ripple. Với Bitcoin hoặc Ethereum, về cơ bản, “các giao dịch không cần niềm tin (trustless)” là toàn bộ lý do mạng tồn tại. Nhưng Ripple không giống vậy, nó sử dụng validator để giúp đối tác tìm con đường giao dịch phụ thuộc vào niềm tin: nghĩa là nếu công ty Ripple kiểm soát các validator, về cơ bản họ kiểm soát sổ cái XRP.
Đây là một điểm mà SEC đã chốt trong vụ kiện của mình. “Trong quá trình đi đến đồng thuận liên quan trạng thái được đề xuất mới của Sổ cái XRP, mỗi máy chủ trên mạng sẽ đánh giá các giao dịch được đề xuất từ một tập hợp con các máy chủ mà nó tin sẽ không lừa mình, còn được gọi là UNL của máy chủ”, SEC viết, đề cập đến Unique Node Lists (UNL) hoặc các cổng kiểm soát những người có thể tham gia vào cơ chế đồng thuận blockchain. Mặc dù người dùng có thể kiểm soát UNL của riêng mình, hầu hết đều sử dụng dUNL của XRP Foundation (“d” là viết tắt của default - mặc định).
Trong vụ kiện của SEC với Ripple, hiếm khi có những tranh luận thuần về kỹ thuật như thế này. Thực tế, hầu hết tranh luận dường như bắt nguồn từ sự hiểu lầm trong chiến lược của công ty. Đây là một phần lý do khiến đội quân XRP đã lôi Vitalik Buterin vào cuộc. Bởi vì người sáng lập Ethereum từng có cuộc điện thoại với SEC khi Hinman đang soạn bài phát biểu - một ví dụ khác về sự thiên vị.
Trường hợp của Ripple có ý nghĩa lớn đối với tương lai ngành công nghiệp blockchain. Nó càng quan trọng hơn nữa khi Coinbase và các sàn giao dịch khác ở Mỹ hủy niêm yết XRP vào năm 2020, khi SEC lần đầu cáo buộc token này là chứng khoán. Đây là loại hành động thật khó tưởng tượng sẽ xảy ra ngày hôm nay (Coinbase thậm chí không thèm hủy niêm yết những token được gọi là “chứng khoán” mà Ishan Wahi, cựu giám đốc sản phẩm của sàn và sau này trở thành giao dịch nội gián, bị cáo buộc “frontrun”).
Vụ kiện này đặc biệt liên quan đến việc diễn giải crypto về mặt pháp lý với Bài kiểm tra Howey của SEC, trong đó hỏi liệu “hợp đồng đầu tư” có phải là khoản đầu tư tiền vào một doanh nghiệp chung với kỳ vọng thu lại lợi nhuận từ nỗ lực của người khác không. Ripple nói XRP không đủ điều kiện là chứng khoán, bởi vì không có “hợp đồng đầu tư” nào và XRP có nhiều điểm chung với kim cương, vàng, đậu nành và ô tô (tức là hàng hóa).
Nói cách khác, Ripple quan tâm đến việc SEC đúng hay sai, chứ không đoái hoài đến việc mạng có phi tập trung hay không.