SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Founder Telegram & Binance: Người bị bắt, kẻ sắp tại ngoại

Trong lúc cộng đồng crypto đang mong chờ sự quay trở lại của CZ, sáng lập Binance, sau 4 tháng trong tù, thì có tin Pavel Durov, sáng lập Telegram, bị bắt giữ ở Pháp.
writer
Published Aug 27 2024
Updated Nov 12 2024
10 min read
founder binance và telegram

CZ rời nhà tù ở Mỹ trước thời hạn

CZ, cựu CEO Binance, đã được chuyển đến một cơ sở hành chính ở khu vực Greater Los Angeles, 38 ngày trước thời hạn tại ngoại của ông.

Vào tháng 11/2023, CZ nhận tội vi phạm Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) và đồng ý trả 4.3 tỷ USD tiền phạt. Tháng 4/2024, thẩm phán liên bang Mỹ tuyên ông mức án ngắn hơn ba năm mức án mà các công tố viên yêu cầu, nhưng dài hơn bản án mà các CEO crypto khác phải chịu vì những tội danh tương tự.

Ông cũng bị cấm làm CEO tại bất kỳ công ty crypto nào khác trong tương lai. Thời gian giam giữ của CZ bắt đầu vào 31/5 và kết thúc vào 29/9.

CZ thụ án tại Lompoc II, nhà tù liên bang ở Quận Santa Barbara của California. Cơ sở này đang giam giữ khoảng 2,160 tù nhân với an ninh không quá nghiêm ngặt - khác xa với nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt ở New York, nơi Sam Bankman-Fried, cựu CEO FTX, đang thụ án 25 năm tù.

Lý do CZ được chuyển đến cơ sở RRM Long Beach trước thời điểm mãn hạn tù vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, động thái này cho thấy có thể chính quyền đang chuẩn bị chuyển ông đến một ký túc xá cho người mới ra tù, như một phần trong quá trình tái hòa nhập, tờ Bitcoinsensus cho biết.

cz in jail
CZ bị tuyên phạt bốn tháng tù. Ảnh: Bloomberg

Trước khi vào tù, CZ tiết lộ kế hoạch thực hiện một dự án viết lách trong thời gian bị giam giữ. Cộng đồng hiện đang mong chờ những hoạt động mới của ông trong không gian crypto sau khi ông được tại ngoại.

Tuy nhiên, còn hơn 1 tháng trước ngày ra tù, CZ lại đối mặt với một vụ kiện tập thể mới. Ba nhà đầu tư crypto kiện ông và Binance, với lý do họ không thể thu hồi tài sản bị đánh cắp vì sàn giao dịch không ngăn chặn được việc rửa tiền.

Cụ thể, trong vụ kiện ngày 16/8 được đệ trình lên Tòa sơ thẩm Mỹ tại Quận phía Tây Washington, Seattle, các nguyên đơn cáo buộc tiền của mình bị trộm đánh cắp và gửi đến Binance để “xóa kết nối giữa sổ cái và tài sản kỹ thuật số của họ”, khiến không thể truy tìm được dấu vết số tiền này.

Các nguyên đơn lập luận rằng một thuộc tính chính của các giao dịch crypto là “một bản ghi vĩnh viễn về các giao dịch đó” trên blockchain, khiến chúng “có khả năng được theo dấu”.

“Do đó, nếu không có nơi nào để rửa tiền, chẳng hạn như Binance.com, thì khi một kẻ xấu đánh cắp crypto của người khác, chính quyền sẽ có khả năng lần theo dấu vết những kẻ này trên blockchain”, đơn kiện cho biết.

Các nguyên đơn cáo buộc Binance là một phần thiết yếu của quá trình rửa tiền, vi phạm Đạo luật về các tổ chức tham nhũng và chịu ảnh hưởng của tội phạm tống tiền. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại vụ kiện có thể đẩy CZ lại vào tù sau khi mới được trả tự do.

advertising

Sáng lập Telegram bị bắt, giá TON giảm, lo ngại về tương lai phần mềm

Vào 24/8, Pavel Durov, sáng lập kiêm CEO của Telegram, đã bị chính quyền Pháp bắt giữ tại sân bay Le Bourget phía bắc Paris sau khi hạ cánh trên máy bay phản lực riêng, khởi hành từ Azerbaijan - theo Le Monde và các phương tiện truyền thông khác của Pháp.

Theo các báo cáo, L'Office Mineurs (OFMIN) của Pháp — cơ quan giám sát các tội phạm chống lại người vị thành niên — đã ban hành lệnh khám xét, đây là một phần của cuộc điều tra sơ bộ đối với Telegram.

AFP đưa tin các hành vi bị cáo buộc bao gồm gian lận, buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng và tội phạm có tổ chức. Nhiều báo cáo lưu ý rằng cuộc điều tra bắt nguồn từ việc Telegram bị cáo buộc thiếu kiểm duyệt nội dung. Với đó, Durov có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.

Cùng ngày, Elon Musk - nhà sáng lập Tesla và chủ sở hữu X, đã đăng bài trên X với hashtag #FreePavel (trả tự do cho Pavel).

Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này trên X. Ông cho biết trước đây mình đã chỉ trích các tiêu chuẩn mã hóa của Telegram, nhưng những thông tin ban đầu liên quan đến các cáo buộc đối với nền tảng này có vẻ “rất tệ và dấy lên lo ngại cho tương lai phần mềm và quyền tự do liên lạc ở châu Âu".

vitalik tweet
Vitalik bày tỏ lo ngại về các cáo buộc chống lại Telegram. Nguồn: Balaji Srinivasan

Chính trị gia người Mỹ Robert F. Kennedy Jr cũng lên tiếng rằng, vụ bắt giữ Durov nêu bật nhu cầu bảo vệ các nền tảng cho phép tự do ngôn luận và quyền riêng tư.

Ngoài Pháp, Durov và Telegram cũng gặp vấn đề với chính quyền Mỹ. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Durov cho biết mỗi lần ông nhập cảnh vào Mỹ, Telegram lại bị FBI và các cơ quan an ninh khác để mắt đến. Họ còn từng cố thuê một kỹ sư của Telegram.

“Các sĩ quan an ninh mạng hoặc đặc vụ bí mật của Mỹ đã từng cố thuê một kỹ sư của Telegram sau lưng tôi. Họ muốn biết những thư viện nguồn mở nào được tích hợp vào nền tảng, và cố gắng thuyết phục kỹ sư này sử dụng một số công cụ nguồn mở đóng vai trò là cửa hậu”, Durov nói.

Thông tin chi tiết xung quanh vụ bắt giữ Durov và các cuộc điều tra về Telegram vẫn còn ít ỏi, và các nhóm trong ngành tập trung đặt câu hỏi về các tính năng bảo mật của Telegram.

GrapheneOS, công ty hệ điều hành di động tập trung vào quyền riêng tư và bảo mật mã nguồn mở, đăng bài trên X thể hiện lo ngại về quyền truy cập của Telegram vào các cuộc trò chuyện nhóm và riêng tư.

GrapheneOS khẳng định Telegram có toàn quyền truy cập vào nội dung tin nhắn nhóm do thiếu mã hóa đầu cuối. Bài đăng cho rằng nền tảng tự phát triển các tính năng trò chuyện bí mật sử dụng mã hóa đầu cuối chứa các lỗ hổng.

Xóa nội dung khỏi ứng dụng có thể cũng không xóa hết mọi dấu vết của tin nhắn. Công ty nói thêm rằng Telegram có khả năng cung cấp tin nhắn cá nhân và nhóm cho các cơ quan chức năng ở Pháp.

Sau tin tức bắt giữ của Durov, Toncoin - token của The Open Network, ban đầu do Telegram phát triển, đã mất khoảng 3 tỷ USD giá trị thị trường. Một ngày sau (25/8), giá Toncoin đã giảm tới 25%, chạm mức thấp kỷ lục 5.24 USD.

Ứng dụng Telegram giữ vai trò quan trọng trong việc tích hợp Toncoin vào hệ sinh thái của mình, với Durov là nhân vật trung tâm cho sự tăng trưởng tương lai của token. Do đó, vụ bắt giữ Durov đã gây ra làn sóng bán tháo của các nhà giao dịch Toncoin hoảng loạn.

Xu hướng giảm giá này cũng từng được chứng kiến với token BNB của Binance. BNB từng giảm mạnh trước khi phục hồi mạnh mẽ sau khi những rắc rối pháp lý của CZ lắng xuống.

Cụ thể, BNB đã giảm khoảng 15% trước khi CZ bị tuyên án vào tháng Tư, nhưng sau khi thị trường tiếp nhận tin tức, token này đã tăng gần 35%. Giá Toncoin có thể đi theo quỹ đạo tương tự - ban đầu giảm nhưng sau đó phục hồi khi các nhà giao dịch đánh giá lại tình hình.

Trong khi đó, tài khoản X của blockchain The Open Network (TON) đã đăng tuyên bố về vụ bắt giữ Durov tại Pháp. Dòng tweet đảm bảo với người dùng rằng “cộng đồng TON vẫn mạnh mẽ và hoạt động hết công suất”.

“Là cộng đồng cam kết với quyền tự do ngôn luận và phi tập trung, chúng tôi vững lòng ủng hộ Pavel trong khoảng thời gian khó khăn này”, tuyên bố của TON cho biết.

Cập nhật mới nhất: Vào thứ Sáu ngày 6/9, kể từ khi bị bắt giữ vào tháng trước, Durov có bình luận công khai đầu tiên trên kênh Telegram của mình. Theo đó, ông cho biết chính quyền Pháp nên tiếp cận công ty của ông để khiếu nại thay vì bắt giữ ông. Ông gọi vụ bắt giữ là "sai lầm".

Tỷ phú gốc Nga nói thêm rằng cuộc điều tra về Telegram rất đáng ngạc nhiên vì chính quyền Pháp có quyền truy cập vào "đường dây nóng" mà ông đã giúp thiết lập và họ có thể liên hệ với đại diện EU của Telegram bất kỳ lúc nào.

“Nếu một quốc gia không hài lòng với một dịch vụ internet, thói thường là họ bắt đầu một hành động pháp lý chống lại chính dịch vụ đó”, ông viết.

“Sử dụng luật từ thời tiền điện thoại thông minh để buộc tội một CEO về những tội do bên thứ ba gây ra trên nền tảng mà ông ấy quản lý là cách tiếp cận sai lầm”.

Durov nói rằng Telegram không hoàn hảo, nhưng ông phủ nhận mọi hành vi lạm dụng liên quan đến ứng dụng này.

“Những tuyên bố trên một số phương tiện truyền thông rằng Telegram là một kiểu thiên đường hỗn loạn hoàn toàn sai sự thật”, ông viết. “Mỗi ngày chúng tôi xóa hàng triệu bài đăng và các kênh có hại”.

Đọc thêm: Pavel Durov: ‘Mark Zuckerberg’ của Nga và kế hoạch biến 900 triệu người dùng Telegram thành crypto degen