Top các dự án GPU trong crypto nổi bật
Tổng quan các dự án GPU trong crypto
GPU - nhân tố quan trọng trong sự phát triển của các dự án AI và DePIN trong crypto. Mới đây, tỷ phú Elon Musk còn cho xây dựng các bộ làm mát GPU khổng lồ ở Texas, cho thấy tiềm năng phát triển của GPU trong tương lai.
Các dự án crypto có thể sử dụng GPU để:
- Làm trung gian, tạo ra môi trường giao dịch giữa cá nhân/ tổ chức thừa sức mạnh tính toán từ GPU với cá nhân/ tổ chức thiếu sức mạnh tính toán từ GPU.
- Cung cấp phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), phát triển nhờ GPU.
- Tăng cường hiệu suất hoạt động của dự án.
Tìm hiểu thêm: GPU - Chìa khóa khám phá giới hạn của trí tuệ nhân tạo và blockchain.
Nhóm dự án làm trung gian giao dịch GPU
Các dự án này đóng vai trò là trung gian, cung cấp môi trường thuê và cho thuê sức mạnh tính toán của GPU giữa những người dư thừa và những người thiếu sức mạnh tính toán. Người dùng cung cấp sức mạnh tính toán từ GPU của mình cho những dự án này sẽ nhận được token của dự án. Một số dự án nổi bật:
- Render Network (RNDR): Dự án cung cấp môi trường cho phép các nghệ sĩ, nhà phát triển video, hình ảnh 3D… thuê GPU của người dùng khác để thực hiện công việc rendering với hiệu suất cao hơn, chi phí rẻ hơn.
- Akash Network (AKT): Dự án được xây dựng bằng bộ phần mềm Cosmos SDK, cho phép người dùng mua và bán các sức mạnh tính toán an toàn, hiệu quả và phi tập trung. Người dùng có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn trên Akash Network.
- io.net (IO): Dự án thuộc lĩnh vực DePIN, cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây với GPU để hỗ trợ các tác vụ tính toán phức tạp như AI, học sâu. Khách hàng chính của dự án là các kỹ sư học máy (machine learning engineer). Hiện tại, dự án có lượng người dùng cung cấp GPU từ hơn 138 quốc gia, có cả những GPU nổi tiếng như NVIDIA H100. io.net cũng hợp tác với Solana, Aptos và Render Network.
- Aethir (ATH): Dự án cho phép người dùng thuê và cho thuê GPU. Người thuê trên Aethir chủ yếu sử dụng GPU này để đào tạo mô hình, tinh chỉnh, suy luận mô hình, phát triển game… Hệ sinh thái của Aethir rộng khắp gồm Magic Eden, Mocaverse, io.net, Animoca Brands, Merit Circle… Người dùng của Aethir đến từ trên 23 quốc gia.
- Nosana (NOS): Nosana được phát triển trên blockchain Solana, cho phép người dùng thuê và cho thuê GPU. Khách hàng thuê GPU của Nosana chủ yếu là các nhà phát triển huấn luyện và sử dụng mô hình AI. Đáng chú ý, token NOS của dự án có mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 700 lần trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024.
- Netmind (NMT): Netmind cũng cho phép người dùng thuê và cho thuê GPU của mình. Khách hàng của dự án chủ yếu thuê GPU để đào tạo mô hình, tinh chỉnh, suy luận mô hình.
- Gensyn: Giao thức Layer 1 được đầu tư bởi quỹ đầu tư mạo hiểm a16z. Gensyn cho phép các nhà phát triển đào tạo các mô hình deep learning sử dụng sức mạnh tính toán từ những người dư thừa sức mạnh tính toán GPU.
Nhóm dự án cung cấp SaaS từ GPU
Các dự án trong nhóm này sử dụng GPU để phát triển các phần mềm, ứng dụng phục vụ người dùng, chủ yếu trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu, DePIN. Các dự án đáng chú ý:
- Filecoin (FIL): Filecoin cho phép người dùng có thể lưu trữ hầu hết các loại dữ liệu như video, websites, dApp, contract… Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Filecoin cần có CPU hoặc GPU mạnh mẽ. Filecoin áp dụng công nghệ Bằng chứng sao chép (PoRep) và Bằng chứng không thời gian (PoSt), giúp đảm bảo tính toàn vẹn và sẵn có của dữ liệu.
- Arweave (AR): Dự án cung cấp nền tảng lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn với chi phí thấp. Người dùng có thể góp phần giúp Arweave phát triển bằng việc sử dụng GPU của mình để đào trên Arweave.
- Storj (STORJ): Dự án cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu trên đám mây tương tự như Arweave nhưng với lượng khí thải carbon thấp. Storj cũng áp dụng công nghệ zero-trust và zero-knowledge. Người dùng có thể sử dụng GPU để bắt đầu đào trên Storj.
- Together.ai: Dự án hỗ trợ người dùng thu thập dữ liệu, xây dựng và huấn luyện mô hình, cho phép người dùng là người sở hữu mô hình phát triển từ Together.ai, không phải nhà cung cấp dịch vụ. Các GPU trên Together.ai có hiệu năng rất cao như GPU H100, GPU A0…
- Bittensor (TAO): Mạng lưới tương tự như Bitcoin, cung cấp quyền truy cập chống kiểm duyệt vào mạng lưới các mô hình học máy phi tập trung, tạo ra thị trường giao dịch trí thông minh của máy tương tự như hàng hoá. Người dùng có thể sử dụng GPU của mình để giúp tăng khả năng xử lý dữ liệu của Bittensor.
Nhóm dự án sử dụng GPU để tăng hiệu suất hoạt động
Các dự án này sử dụng GPU để tăng hiệu suất hoạt động của mình. Một số dự án bao gồm:
Liverpeer (LPT): Dự án xây dựng một mạng lưới phân phối và xử lý video phi tập trung trên blockchain Ethereum, cho phép phát triển ứng dụng video livestream, cung cấp một giải pháp rẻ hơn và hiệu quả hơn so với các dịch vụ truyền thống như YouTube hay Twitch nhờ tận dụng GPU để mã hóa và xử lý video theo thời gian thực.
Tổng kết
Trong bối cảnh công nghệ blockchain trong lĩnh vực AI và DePIN không ngừng phát triển, các dự án GPU trong crypto ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng. Đối với những ai có CPU/ GPU mạnh nhưng không sử dụng hết sức mạnh tính toán của chúng, đây là thời kỳ hoàng kim để sử dụng hết khả năng từ máy tính của mình.