Trung Quốc hạn chế crypto nhưng dẫn đầu trong cuộc đua về CBDC
Tại sao Trung Quốc hạn chế tối đa crypto?
Từ sau tháng 9/2021, từ khóa “Trung Quốc cấm Bitcoin” xuất hiện ngày càng dày đặc trên các tiêu đề của giới truyền thông. Vào ngày 24/9/2021, 10 cơ quan bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Cục quản lý không gian mạng, Bộ Công an….đã quyết định lập cơ chế phối hợp để ngăn chặn nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động giao dịch liên quan tiền mã hoá (cryptocurrency). Quyết định trên nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm do rủi ro ngày càng tăng đối với hệ thống tài chính.
Đây là quy định có khuôn khổ trực tiếp và toàn diện nhất của Trung Quốc tác động vào thị trường crypto
Winston Ma - Giáo sư trợ giảng của trường Luật NYU
Các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại rằng, đầu cơ tiền mã hóa có thể phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính của đất nước, một trong những ưu tiên hàng đầu của phía Bắc Kinh.
Nguồn vốn nội địa của Trung Quốc đã phải đương đầu với tình trạng “bốc hơi” cao trong thời gian dài. Trước đây, giới thượng lưu tại quốc gia tỷ dân thường né tránh vấn đề kiểm soát nguồn vốn bằng cách mua bất động sản, xe cộ… giá trị tại nước ngoài. Khi các loại tiền mã hóa xuất hiện, không chỉ người giàu tại Trung Quốc mà mọi tầng lớp đều có thể sở hữu tài sản nước ngoài một cách dễ dàng.
Theo Chainalysis, giai đoạn 2019-2020 đánh dấu hơn 50 tỷ USD tiền mã hoá rời bỏ khu vực Đông Á, phần lớn xuất phát từ Trung Quốc. Do đó, PBOC cho rằng cần đưa ra thêm cách quy định nhằm hạn chế tối đa việc chảy máu nguồn vốn và khuyến khích luân chuyển tài sản trong nước.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên quốc gia tỷ dân đưa ra những quy định siết chặt thị trường crypto. Điển hình như vào tháng 6/2019, PBOC đã tuyên bố chặn quyền truy cập vào tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử trong và ngoài Trung Quốc. Động thái trên nhằm ngăn chặn toàn bộ giao dịch tiền mã hóa với các sàn giao dịch nước ngoài.
Họ thậm chí không cho phép người dân của mình tham gia vào thị trường được cho là sự đổi mới thú vị nhất trong lĩnh vực tài chính.
Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa Mỹ Pat Toomey
Chính quyền Trung Quốc lo ngại về sự phổ biến ngày càng tăng của coin/token và stablecoin. Phía Bắc Kinh cho rằng tiền mã hóa là mối đe dọa đối với đồng nhân dân tệ điện tử của quốc gia.
Trung Quốc với e-CNY dẫn đầu xu hướng CBDC
Tiền mã hóa của ngân hàng trung ương quốc gia (Central bank digital currency - CBDC) là tài sản mã hóa của tiền pháp định được chính phủ hậu thuẫn. e-CNY (Electronic China Yuan - Nhân dân tệ điện tử) là CBDC của quốc gia tỷ dân, được phát hành với mục đích hạn chế rửa tiền trong vấn đề giao dịch trên không gian mạng không có các loại tiền pháp định. e-CNY được chính quyền PBOC phát hành và kiểm soát.
e-CNY được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2014, hiện loại tài sản này đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm bởi Viện nghiên cứu Tiền mã hóa trực thuộc PBOC. Thử nghiệm được bắt đầu từ cuối năm 2019, tuy nhiên đến những tháng đầu năm 2021 người dân tại một số khu vực như Thâm Quyến hay Thượng Hải vẫn tỏ ra khá thờ ơ với e-CNY.
Các tiện ích của e-CNY điển hình là thanh toán điện nước, mua sắm, dịch vụ chính phủ… đều có thể thực hiện thông qua ứng dụng quen thuộc như Alipay hoặc WeChat với sự quen thuộc vốn và đi kèm nhiều khuyến mãi hơn. Ngay cả mức chiết khấu 10% dành cho những người tham gia thử nghiệm tại Thâm Quyến cũng chưa thể thu hút họ chuyển hoàn toàn qua sử dụng e-CNY.
Do mức độ chấp nhận của người dân chưa ổn định, phía Bắc Kinh tích cực đưa ra những chính sách nhằm mở rộng thị trường cho e-CNY. Vào đầu năm 2022, Trung Quốc quảng bá e-CNY tới cộng đồng quốc tế thông qua Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 với những chính sách như chuyển đổi tiền pháp định sang nhân dân tệ điện tử hay trang bị các máy thanh toán cho nhiều tiện ích (cửa hàng 24/7, coffee, nhà hàng…) gần khu vực thi đấu.
“Việc thay thế tiền mặt bằng đồng nhân dân tệ điện tử có thể làm giảm mức độ tiếp xúc trực tiếp giữa mọi người, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19”.
Theo thông báo của Ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022.
Ngoài ra, PBOC còn tổ chức những đợt tuyển dụng lớn nhằm mở rộng việc thử nghiệm e-CNY sang nhiều tỉnh thành khác như Thiên Tân, Trùng Khánh… Qua đó, thúc đẩy số lượng giao dịch tích lũy tới hết tháng 5/2022 của e-CNY đạt 264 triệu giao dịch, với tổng khối lượng rơi vào khoảng 83 tỷ nhân dân (tương đương 12,35 tỷ USD).
Cũng trong năm 2022, Trung Quốc đã phát hành ứng dụng nhân dân tệ điện tử cho hai hệ máy iOS và Android. Ứng dụng nằm trong top đầu của bảng xếp hạng với 4,4/5 điểm và đạt hơn 250 triệu lượt tải xuống. Với những điểm nổi bật như:
- Người dùng kết nối nhiều tài khoản ngân hàng với một ứng dụng, họ không cần ứng dụng e-CNY cho mỗi ngân hàng nữa.
- Ứng dụng này cho phép thanh toán bằng mã QR
Gần đây nhất, eCNY đã được nâng cấp chức năng hợp đồng thông minh cùng với những tính ứng dụng mới như đặt đồ ăn hay mua cổ phiếu. Theo trang tin 8btc, khi người dùng đặt hàng và thanh toán bằng ví e-CNY trên ứng dụng bán lẻ và giao hàng - Meituan, một hợp đồng thông minh sẽ kích hoạt. Qua đó, hỗ trợ ứng dụng tìm kiếm các từ khóa cũng như các mặt hàng đã mua trong đơn của họ. Nếu người dùng mua được đơn có từ khóa trúng của ngày, họ sẽ được thưởng phong bao trị giá gần 9 ngàn nhân dân tệ (khoảng 1,3 ngàn USD).
Vào ngày 10/1, PBOC tiết lộ CBDC chiếm khoảng 0,13% trong số 10,47 nghìn tỷ nhân dân tệ đang lưu hành vào cuối năm 2022. Khối lượng giao dịch e-CNY tích lũy chỉ đạt hơn 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,7 tỷ USD).
“Kết quả thử nghiệm e-CNY không được lý tưởng khi mức sử dụng thấp và rất ít hoạt động”.
Xie Ping - Cựu giám đốc nghiên cứu của PBOC nhận xét.
Sẽ vẫn còn nhiều thứ cần phải làm đối với e-CNY để phát triển đồng tiền này được như kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, thông qua tính ứng dụng đang ngày càng được phổ biến hơn trong nhiều lĩnh vực, có thể thấy rằng Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu trong việc phát triển CBDC trên toàn thế giới.