Khủng hoảng ngân hàng là một 'wake-up call' để chúng ta mua Bitcoin?
Khủng hoảng ngân hàng và sự “trở lại” của Bitcoin
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hai ngân hàng “thân thiện” nhất đối với cộng đồng crypto là Silvergate và Signature, cùng ngân hàng được xem là lớn nhất đối với giới khởi nghiệp công nghệ là Silicon Valley Bank (SVB) đã lâm vào một cơn khủng hoảng mang tính dây chuyền. Trong bối cảnh đó, Fed đã phải tung khoản hỗ trợ 2,25 ngàn tỷ USD để ngăn lửa không cháy lan ra toàn ngành ngân hàng.
Cùng lâm vào tình cảnh tương tự là ngân hàng gần 170 tuổi Credit Suisse của Thụy Sĩ, khi được ngân hàng trung ương nước này “bơm” hơn 50 tỷ USD tiền cứu trợ, và cuối cùng phải nhờ đến đối thủ UBS mua lại nhằm tránh cảnh phá sản.
Tuy về bản chất, ít nhất đối với riêng trường hợp của SVB, cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023 khác với năm 2008 ở chỗ đây không phải một cuộc khủng hoảng nợ xấu, mà là cuộc khủng hoảng về lãi suất.
Nhờ quan hệ tốt với các khách hàng cũng là những quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Bay Area ở San Francisco, SVB nghiễm nhiên “hớt” được tệp khách hàng chính là những công ty khởi nghiệp (startup) được rót vốn bởi những quỹ này.
Chỉ mới cách đây vài năm, khi mọi thứ vẫn đang là “thời hoàng kim” của ngành công nghệ. Hàng loạt phi vụ IPO và gọi vốn thành công đem về rất nhiều tiền cho các startup này, rồi họ cũng lại đem gửi vào SVB. Tiếp đến, trong suốt đại dịch Covid-19, nước Mỹ được hưởng lãi suất thấp như một biện pháp giúp nền kinh tế vượt qua được đại dịch, ban lãnh đạo SVB quyết định mua (và mua rất nhiều) trái phiếu Kho bạc (Treasuries), thứ tài sản vẫn được xem như nằm trong nhóm “an toàn” nhất thế giới, và để có lời nhiều, SVB chọn thời gian đáo hạn rất dài.
Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, như tất cả đã biết, là một kịch bản hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của SVB: Chiến tranh Nga-Ukraina nổ ra, giá năng lượng tăng vọt, lạm phát tăng cao, và Fed liên tục tăng lãi suất của đồng đô la Mỹ.
Kết cục: Tuy không dính nợ xấu, SVB chết chìm trong chính tài sản họ đang sở hữu. Sự sụp đổ của SVB, vốn là nơi nhận tiền gửi của hơn một nửa các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, đã tạo ra hiệu ứng rút tiền hàng loạt tại Signature và Silvergate, vốn có tệp khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp crypto.
"Nguồn gốc vấn đề của ngân hàng trong những năm 2008 bắt nguồn từ chứng khoán bất động sản (Mortgage Backed Securities), còn những vấn đề mà các ngân hàng Mỹ gặp phải gần đây là do trái phiếu chính phủ dài hạn. Cụ thể, các ngân hàng như SVB thua lỗ khi nắm giữ quá nhiều trái phiếu dài hạn trong bối cảnh Fed tăng lãi suất còn người gửi tiền đột ngột rút tiền", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập và quản lý RMIT Fintech-Crypto Hub, chủ nhiệm chuyên ngành Kinh doanh Ứng dụng Blockchain ở đại học RMIT Vietnam, nhận xét.
Trong bối cảnh này, Mỹ được cho sẽ bước vào một giai đoạn kinh tế khó khăn với lạm phát sẽ còn kéo dài, và giới đầu tư được khuyên nên tránh bỏ nhiều tiền vào các khoản đầu tư sinh lãi cố định, thay vào đó nên đầu tư vào trái phiếu chính phủ ngắn hạn, vàng và những tài sản khác có thể đóng vai trò chống lại lạm phát, theo lời khuyên của Nouriel Roubini, nhà kinh tế học lừng danh từng dự báo cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 tại Mỹ, hiện là giám đốc điều hành hãng Roubini Macro Associates kiêm giáo sư tại Đại học NYU trên truyền thông Mỹ những ngày qua.
“Những tài sản” khác này, tuy không trực tiếp nhắc tên bởi Roubini, có thể bao gồm tiền crypto nói chung, và Bitcoin nói riêng, khi giữa lúc ngành ngân hàng toàn cầu đang chao đảo trong những tuần qua, cũng là lúc người ta nhìn thấy khối lượng giao dịch Bitcoin trên thị trường thực và phái sinh tăng mạnh, hiện đang ở mức 28,131.42 đô la Mỹ, tương đương các mức tăng 1.3%, 3.8% và 17.5% lần lượt trong 24 giờ, bảy ngày, và ba mươi ngày qua, theo dữ liệu từ Coingecko.
Trước đó, giá trị đồng Bitcoin đã tăng khá ổn định kể từ trung tuần tháng Ba, do những bất ổn và quan ngại quanh hàng loạt vụ sụp đổ của các ngân hàng SVB, Signature, và Silvergate cùng lòng tin vào tính ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.
Có cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình đánh giá “sau các diễn biến gần đây, Bitcoin có thể sẽ được hệ thống tài chính truyền thống công nhận hơn. Bitcoin có thể trở thành một loại công cụ bảo vệ rủi ro thị trường tương tự như vàng, và cũng như vàng, nó không có rủi ro đối tác (counterparty risk) như vàng.”
Sau các diễn biến gần đây, Bitcoin có thể sẽ được hệ thống tài chính truyền thống công nhận hơn. Bitcoin có thể trở thành một loại công cụ bảo vệ rủi ro thị trường tương tự như vàng, và cũng như vàng, nó không có rủi ro đối tác (counterparty risk) như vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập và quản lý RMIT Fintech-Crypto-Hub kiêm chủ nhiệm chuyên ngành Kinh doanh Ứng dụng Blockchain ở đại học RMIT Vietnam.
Bitcoin ra đời trong giai đoạn khủng hoảng tài chính lớn năm 2008 và tạo ra một nền tảng tài chính mới cho thế giới mạng, không cần trung gian. Bây giờ, khi nhiều ngân hàng đang bị lung lay, giá trị của Bitcoin được nhận ra rõ ràng hơn.
Bất chấp việc chủ tịch FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) Jerome Powell quyết định tăng thêm 25 điểm phần trăm, sự gia tăng giao dịch gần đây đối với Bitcoin, từ đó báo hiệu một thị trường tăng giá (bull market) có thể đang đến, cây viết Joel Frank của Cryptonews bình luận.
Cụ thể, theo dữ liệu từ The Block, đường trung bình động (moving average) trong 7 ngày qua của khối lượng giao dịch Bitcoin trên các sàn giao dịch đã đạt mức cao nhất kể từ giứa năm 2021 khi đạt khoảng 24 tỷ USD vào đầu tuần này.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch Bitcoin tương lai (future trade) trên các sàn giao dịch trong tháng Ba này đã vượt qua mức của tháng 9.2022 với gần 1,000 tỷ USD. Sự tăng vọt trong khối lượng các giao dịch quyền chọn (options market) này cũng cho thấy sự gia tăng trong hoạt động giao dịch Bitcoin của các tổ chức tài chính, vốn đang gia nhập thị trường với số lượng và quy mô lớn hơn.
Do đó, có nhiều lý do cho thấy những “cú” tăng giá Bitcoin trong những ngày qua khả năng rất cao không phải xu hướng ngắn hạn. Trước cả khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ và trước cả khi Fed nâng lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã kết luận rằng thị trường giá xuống (bear market) của suốt năm 2022 đã kết thúc.
“Tuy nhiên, xu hướng cơ bản tích cực (nhu cầu tăng cho Bitcoin như một lựa chọn thay thế cho tiền tệ định danh (fiat) và trong kỳ vọng về việc giảm lãi suất của FED), các tín hiệu tích cực trên chuỗi khối (như tăng hoạt động mạng) và các xu hướng tích cực trong giao dịch (chỉ ra sự gia tăng của nhà đầu tư mua vào) sẽ tiếp tục là một động lực hỗ trợ cho tương lai, mặc dù có thể sẽ gặp phải biến động trong những tháng sắp tới,” Joel Frank nhận xét.
Về phần mình, Michael J. Casey, giám đốc nội dung của CoinDesk gọi thời khắc hiện tại là một “Khoảnh khắc đảo Síp” của Bitcoin, khi so sánh những gì đang xảy ra đối với ngành ngân hàng cùng phản ứng của thị trường với những gì từng xảy ra tại đảo Síp cách đây 10 năm, khi chính quyền nước này áp đặt mức thuế 10% lên mọi khoản tiền được rút khỏi ngân hàng và khiến người dân phẫn nộ, từ đó khuyến khích họ tìm đến một giải pháp tiền không cần lưu trữ tại ngân hàng.
Tương tự, theo Casey, đà tăng giá của Bitcoin đang phản ánh chân thực việc người ta đang ngày càng đánh giá cao các tính năng “không cần trung gian” và “chống lại kiểm duyệt” của Bitcoin, giữa bối cảnh các ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu đang gặp khủng hoảng.
Sự khác biệt là ngày hôm nay đã có nhiều người biết đến Bitcoin hơn 10 năm trước, dù họ không phải là không có những quan điểm tiêu cực về nó. Thách thức lớn nhất đối với crypto chính là việc nó đang phải đối đầu trực tiếp: Hệ thống tài chính truyền thống.
Michael J. Casey - CoinDesk
Có ý kiến tương đồng, nhà đầu tư thiên thần kiêm cây bút xã luận của CoinDesk Tatiana Koffman đã viết trong một bài viết nhan đề “Bitcoin is made for this moment” (Bitcoin được làm ra cho chính thời khắc này) rằng nếu người ta tiếp tục mất niềm tin vào khả năng giữ tiền an toàn của các ngân hàng, mô hình không trung gian như Bitcoin sẽ ngày càng tỏa sức hấp dẫn hơn.
Con đường sắp tới cho crypto và DeFi?
Bitcoin được tạo ra để loại bỏ trung gian trong thanh toán, như một sự lựa chọn thay thế cho tiền tệ định danh tập trung. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây như sự sụp đổ của các ngân hàng Silvergate và Signature, vốn có liên quan mật thiết đến tiền crypto, đã dẫn đến sự quan tâm cao và những chế tài ngặt nghèo từ phía chính quyền, Casey bình luận.
Theo đó, tình hình hiện nay là một “cuộc đấu tranh quyền lực phức tạp,” thúc đẩy chính phủ với tăng tốc độ tạo ra các quy tắc mới cho tiền crypto.
Sự sụp đổ các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu trong thời gian gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tách thanh toán khỏi hệ thống ngân hàng dự trữ một phần (fractional reserve bankinh - tức là những định chế ngân hàng truyền thống tại bất cứ thời điểm nào cũng chỉ nắm một phần rất nhỏ trong tổng số tiền gửi của khách hàng, và dùng phần lớn khoản tiền còn lại cho vay và những hoạt động đầu tư khác).
Và stablecoin chính là câu chuyện hoàn toàn ngược lại khi giải quyết được vấn đề cố hữu nói trên của ngân hàng truyền thống, và bởi vì stablecoin chính là một phần quan trọng không thể tách rời của DeFi (tài chính phi tập trung), do đặc tính giúp người dùng và các nền tảng chuyển khoản cho nhau trực tiếp mà không cần quy đổi sang tiền định danh (fiat), nên rất có thể tương lai sắp tới sẽ là một thời gian đầy hào hứng và nhiều sự kiện đối với crypto lẫn DeFi.
"Sau sự phát triển gần đây của thị trường tài chính truyền thống, chúng ta đã nhận thấy giá trị mà DeFi có thể mang lại rõ ràng hơn. Trong thập kỷ tới, DeFi sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa. Trước mắt, DeFi sẽ được áp dụng nhiều hơn ở những nơi không bị quy định chặt chẽ hoặc có khung pháp lý rộng rãi cho DeFi. Tuy nhiên, những thử nghiệm này sẽ gặp phải những vấn đề và cần hy vọng sẽ đạt được thành công," tiến sĩ Bình nhận xét.
"Các công nghệ như ZKP (Zero-knowledge proof) có thể hứa hẹn về tăng tính riêng tư và an ninh, nhưng tôi nghĩ đó là các tính năng sẽ cần thiết trong tương lai hơn là hiện tại. Nếu bây giờ chúng ta nhận ra tiềm năng của DeFi rõ ràng hơn, tôi hy vọng rằng trong 5-10 năm tới, nếu hệ thống tài chính gặp vấn đề lớn, DeFi có thể trở thành một sự lựa chọn thay thế phù hợp mà hàng tỷ người có thể sử dụng được. Cho đến khi đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng DeFi," tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định.
Trong một bình luận có liên quan, nhà đầu tư tên tuổi Tim Draper (người đã rót tiền từ rất đúng thời điểm vào những Coinbase, Twitch, Hotmail và Tesla) chỉ nói ngắn gọn: "Vụ sụp đổ của SVB chính là tiếng chuông báo thức (Wake-up Call) dành cho những ai còn ngần ngại chưa chịu mua Bitcoin," Draper trả lời trang BeInCrypto.