Vấn đề của GameFi hiện nay: Vực dậy GameFi liệu có quá khó?
GameFi là một trong những từ khóa bùng nổ từ giữa năm 2021. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, các dự án trong mảng này bắt đầu không mang lại sự hào hứng cho cộng đồng. Có thể một phần do thị trường ảm đạm, không có dòng tiền mới, nhưng cũng có một phần lý do đến từ chính những tựa game này.
Vậy đó là những lý do nào? Dưới đây là ý kiến cá nhân của mình về thực trạng GameFi hiện tại, cũng như cách để GameFi phát triển.
Khái niệm GameFi
GameFi là từ kết hợp giữa Gaming và DeFi, dùng để chỉ những dự án làm về mảng Gaming, nhưng thêm vào những yếu tố liên quan đến tài chính phi tập trung (DeFi). GameFi mà nhiều người biết đến hiện nay còn được gọi là Play to Earn, tức là có thể vừa chơi game, vừa kiếm được lợi nhuận.
Các vấn đề của GameFi đang gặp phải
Thiếu tính phi tập trung
Tính phi tập trung đã có ở Gaming truyền thống
“Phi tập trung” là cụm từ anh em đã nghe rất nhiều khi giải nghĩa DeFi. Tuy nhiên, có lẽ nhiều anh em không để ý, phi tập trung cũng được áp dụng ở trong game. Một điều thú vị là nó đã xuất hiện từ rất lâu trong thế giới Gaming truyền thống.
Đó là việc người chơi có thể thay đổi (custom) một thứ gì đó trong game mà không cần sự phê duyệt của team dev. Điều dễ thấy nhất là các bản đồ (maps) của các tựa game như Warcraft 3, Dota 2,...
Trước đây, Warcraft 3 là một trò chơi chiến thuật, xây nhà, nuôi lính, mục đích cuối cùng là đánh sập nhà đối phương qua việc điều khiển đội quân. Nhưng sau đó, IceFrog - một người vô danh, đã tạo ra map Dota (Defense of The Acients), đặt nền móng cho một thể loại game đỉnh cao trong hơn 10 năm qua. Đó là MOBA (Multiplayer Online Battle Arena).
Custom Map này đạt được thành công ngoài mong đợi. Người người chơi Dota, nhà nhà chơi Dota. Vào khoảng năm 2010 - 2011, khi ra bất kì hàng net nào ở Việt Nam, chiếc máy nào cũng đều hiển thị giao diện của Dota. Rất nhiều giải đấu do các bên thứ ba tổ chức với tổng giải thưởng trị giá vài chục nghìn đô ra đời, cùng với đó là nhiều tuyển thủ tài giỏi, các tổ chức lớn lần lượt lập đội để so tài.
Tiếp theo, khi Dota đạt đỉnh cao, Valve - một “tay to” của làng Gaming truyền thống bắt đầu sản xuất Dota 2, với nhiều cải tiến hơn Dota 1. Và trong khi người người bắt đầu hứng thú với Dota 2, có một bản Custom Map của Dota 2 ra đời, đó là Dota Auto Chess.
Dota Auto Chess là tựa game “Cờ nhân phẩm”, lấy chính nhân vật của Dota 2 làm cờ. Người chơi đánh nhau, kết hợp các tướng cùng model để tạo ra phiên bản mạnh hơn. Sở dĩ gọi là “nhân phẩm” bởi vì sẽ có xác xuất người chơi không quay ra được tướng cần thiết, từ đó dẫn đến thua cả trận.
Từ khi ra mắt vào tháng 2/2019, Dota Auto Chess đã kéo thêm người chơi về cho chính Dota 2 hơn 30%, tính từ tháng 12/2018. Điều này cho thấy, dù là một game riêng, Custom Map cũng vô tình kéo rất nhiều users cho game chính.
Liệu GameFi có thật sự phi tập trung hơn so với Game truyền thống?
Trở lại với GameFi, hiện tại đã qua hơn nửa năm, từ thời điểm Axie Infinity “gây sốt” vì giúp cộng đồng kiếm tiền giữa mùa dịch, nhưng các tựa game vẫn chỉ tập trung phát triển dựa vào team hoàn toàn.
Một số game trong Roadmap tương lai có thêm mục DAO, nghĩa là giao quyền quyết định cho cộng đồng. Nhưng DAO ở đây cũng chỉ có nghĩa là lập Proposal để biểu quyết về những thông số của game, sau đó dev sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nó, chứ không phải đưa hẳn công cụ thiết kế cho người dùng.
Có thể các game này cũng chỉ mới ra nên tinh chỉnh các thông số sẽ là điều cần thiết hơn. Nhưng với tựa game lâu đời nhất là Axie Infinity, chúng ta vẫn chỉ mỗi ngày login, cầm ba con thú đi đánh nhau theo lượt.
Đã bao giờ anh em nghĩ đến việc người chơi sử dụng các Axie theo góc nhìn thứ nhất chưa? Hay một Axie Infinity với lối chơi của Liên Quân? Dĩ nhiên một tựa game khác có thể code điều này dễ dàng, nhưng nên nhớ chúng sẽ không có các Axie.
So với Gaming truyền thống, GameFi có lẽ vẫn còn thua xa về mảng này, điều này làm người dùng rất dễ chán, dù team dev có cố gắng đổi mới thông qua các bản cập nhật.
Thiếu tính sáng tạo
Đã bao nhiêu lần anh em bấm vào một tựa game Play to Earn nhìn có vẻ hấp dẫn, nhưng sau khi đọc kĩ thì thấy nó chẳng khác gì Axie Infinity (cơ chế hai token, cách chơi turn base, đồ họa,...), ngoại trừ tuyến nhân vật, cốt truyện?
Tính sáng tạo, hay Innovation, là những gì mang tính đột phá mà các sản phẩm hiện tại không có, hoặc không đáp ứng thị trường. Dưới đây là một vài ví dụ về Innovation của các sản phẩm truyền thống, theo cảm nhận của riêng mình.
Cách đây khoảng 20 năm, khi thế giới chỉ vừa làm quen được với Internet, Yahoo đã đi tiên phong trong việc kết nối mọi người thông qua Yahoo! Messenger, Yahoo! Mail,.... Để nói về độ to của Yahoo, công ty được định giá $125B vào năm 2000, trong khi Google lúc bấy giờ chỉ có khoảng $5B.
Tiếp theo, kết hợp việc giao tiếp bất kể địa lý của Yahoo, cùng với phong cách kiếm hiệp của những bộ phim TVB, Vinagame (VNG hiện tại) đã cực kì thành công khi mang về tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ.
Hay như ở ví dụ trên, Dota cũng là tựa game tiên phong cho thể loại MOBA, nơi người chơi phải vận dụng nhiều kĩ năng cá nhân, kết hợp với tính đồng đội, để dành chiến thắng. Dota Auto Chess thì là tựa game đầu tiên kết hợp việc chơi như đánh cờ và chiến thuật, kèm với... hên xui.
Đối với GameFi, không phải là không có Innovation, một ví dụ điển hình là Axie Infinity. Nhiều người sẽ bảo Axie Infinity tiên phong trong việc đưa game vào Blockchain, nhưng đối với mình, thứ thật sự đưa Axie Infinity lên đỉnh cao chính là Earn - lần đầu tiên người dùng có thể Earn thông qua chơi game.
Nhưng GameFi chỉ có thế, hiện tại, các tựa game đều không có quá nhiều tính sáng tạo. Họ chủ yếu tập trung vào việc chứng minh mình có thể cung cấp cho cộng đồng “Earn” nhiều hơn đối thủ.
Một ví dụ dễ thấy nhất là Crabada trên Avalanche có lối chơi y hệt Axie Infinity, từ việc đánh theo lượt cho đến mỗi đội hình có ba nhân vật. Chỉ khác nhau là những nhân vật này là cua đối với Crabada, và Axie cho Axie Infinity.
Sóng GameFi bùng nổ mạnh mẽ nhờ vào Axie Infinity, cũng như đúng vào lúc dịch bệnh làm nhiều người thất nghiệp. Nhưng sóng đó đã hoàn thành nhiệm vụ trong nửa năm qua. Giờ đây, để GameFi có thể thu hút thêm dòng tiền, chúng ta cần một ý tưởng mới.
Marketing nhạt nhòa
Suy cho cùng, các game trong Crypto cũng có thể coi là dự án. Mà dự án Crypto thì cũng quanh đi quẩn lại có vài cách Marketing, như công bố quỹ đầu tư, giới thiệu IDO, ra mắt NFT Marketplace, AMA, ra mắt Staking,...
Với các dự án đơn thuần, họ còn có những tính năng độc đáo riêng. Ví dụ như gần đây các AMM bắt đầu có thêm hỗ trợ mua Bond, hay một số dự án thì làm về Laas (Liquidity as a service),... Nên người dùng sẽ bị thu hút bởi những đặc điểm này.
Vậy các tựa game truyền thống có những cách Marketing nào? Lại nói về Dota, khi các giải đấu Dota 1, hay những giải đấu game khác lúc bấy giờ, trị giá chỉ vài chục nghìn đô, thì Dota 2 đã bắn phát pháo mở màn bằng giải đấu The International (TI) với giải nhất lên đến … một triệu đô (tổng giải thưởng là $1.6M), con số không tưởng lúc bấy giờ.
Vào năm 2012, Garena đưa Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) về Việt Nam, nhưng để tên là Dota 2, mình không rõ đây là nhầm lẫn hay cố tình, nhưng thật trùng hợp khi Dota 2 cũng ra mắt vào thời điểm gần đó, và rất nhiều người đã tải LMHT về chơi, và tưởng đây là Dota 2 thật.
Mình không bàn về việc đúng sai, nhưng rõ ràng, cách tiếp cận này đã đạt được thành công ngoài mong đợi, khi lượng người chơi sau một tháng phát hành đạt 30,000 người chơi cùng lúc, cũng như kết thúc năm 2012 với 70,000 người chơi. GameFi được nhận định là mảng vô cùng tiềm năng nhưng vẫn gặp phải nhiều sự cản trở.
Vậy cần làm gì để GameFi tiếp tục phát triển?
Cho phép cộng đồng sáng tạo trên nền tảng của mình
Sẽ ra sao nếu Axie Infinity hỗ trợ các công cụ cần thiết để cộng đồng tham gia sáng tạo map? Mình tin rằng với hàng triệu bộ não của cộng đồng, chắc chắn sẽ có những ý kiến hay hơn hàng chục thành viên team dev của Axie Infinity. Đến lúc đó, cộng đồng sẽ tha hồ sáng tạo theo ý mình, các Custom Map nổi bật cũng sẽ kéo theo rất nhiều người chơi. Đây là nước đi được lợi cả đôi bên.
Đó cũng là một trong những bước đi kích thích sự sáng tạo của cộng đồng nhằm tìm ra những “làn gió mới”, thứ hiện đang thiếu trầm trọng trong hàng trăm dự án GameFi bây giờ.
Bên cạnh đó, các tựa game khác tốt nhất nên tìm kiếm những điều mới mẻ thông qua lối chơi, thay vì chỉnh sửa một chút cốt truyện, làm lại một chút tạo hình, bản đồ,... rồi gấp rút ra mắt sản phẩm.
Một câu hỏi đặt ra, là liệu các Custom Maps này có làm giảm đi giá trị của token không? Chắc chắn là không, bởi vì team dự án có thể đưa ra một điều khoản là chỉ sử dụng các token của mình trong các Custom Maps; ngoài ra, lượng người chơi nhiều hơn thì một phần cũng đổ về game chính.
Tập trung vào chơi game trước
Theo cá nhân mình, game là để chơi, không phải để kiếm sống. Các dự án hiện tại đã bị cuốn theo dòng xoáy Play to Earn nên dường như chỉ toàn nói về token. Lúc này nên gọi đây là các sản phẩm tài chính, thay vì mang tiếng là Game.
Dĩ nhiên anh em sẽ phản biện rằng GameFi là Game + Finance, tức là phải có tài chính trong đó. Nhưng anh em nhìn lại xem, những game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Phong Thần, Mu, hay gần đây là Dota và Liên Minh Huyền Thoại, họ có Play - to - Earn không?
Kết quả là gì? Họ trở thành những tượng đài trong làng Gaming. Và dù Free to Play, nhưng Valve trở thành một trong những “tay to” trong mảng Gaming. Mùa TI nào cũng đều được game thủ tự nguyện “hiến máu”.
Do đó, các dự án có thể tập trung phát triển ý tưởng, nếu không nghĩ ra thì có thể thuê những người có kinh nghiệm ở mảng Gaming truyền thống, nhằm tạo ra một nội tại mạnh mẽ cho game. Sau khi được cộng đồng chấp nhận, lúc đó hẳn thiết kế tính năng Earn.
Marketing nhiều hơn
Về việc Marketing, một cách đơn giản đó là tổ chức giải đấu. Giải đấu với số tiền càng lớn, sẽ càng thu hút nhiều người tìm hiểu game đó là gì, chơi như thế nào, làm sao để thắng giải. Đặc biệt trong lúc thị trường điều chỉnh như thế này, có lẽ không ai chê việc kiếm một khoản tiền to thông qua đấu giải cả.
Một gợi ý khác, dựa theo thể lệ cuộc thi The Perpfect Game của Perpetual Protocol, chúng ta có thể làm các Campaign đại loại như: Trong một khoảng thời gian nhất định, số lượng game đấu PvP trong Axie đạt đến một mốc, Sky Mavis sẽ quyên góp một lượng tiền cho các trung tâm điều trị Covid chẳng hạn.
Tổng kết
Nếu GameFi chỉ đơn thuần là một cơn gió chợt đến, chợt đi như trend Foodcoin, Dogecoin, Safemoon, thì có lẽ bài viết này được viết vào những chương cuối cùng của tiểu thuyết “Play to Earn”. Nhưng nếu cộng đồng muốn vực dậy nó, thì có lẽ ngoài những khuyết điểm trên, sẽ còn nhiều điều chúng ta cần phải giải quyết.