GameFi là gì? Sự kết hợp giữa Tài Chính và Giải Trí
GameFi là gì?
GameFi là sự kết hợp giữa "Game" (trò chơi) và "Finance" (tài chính), tạo ra một khái niệm mới trong thế giới blockchain, thường được gọi là "Game Finance". GameFi tận dụng công nghệ blockchain và các yếu tố tài chính phi tập trung (DeFi) để cho phép người chơi không chỉ chơi game mà còn kiếm thu nhập thực tế thông qua các phần thưởng trong game.
Thuật ngữ GameFi được giới thiệu lần đầu tiên bởi Andre Cronje (nhà sáng lập của Yearn Finance) sau sự nổi lên của các mô hình Play-to-Earn.
Trong đó:
- Các trò chơi được phát triển trên mạng lưới blockchain phi tập trung, với tài sản on-chain kết hợp cùng các tính năng DeFi như giao dịch qua marketplace, staking, farming…
- Người chơi có quyền sở hữu, kiểm soát thực sự đối với tài sản trong trò chơi.
Lợi ích của GameFi
Có nhiều lý do và lợi ích khiến GameFi trở nên hấp dẫn với cả người chơi hơn so với game truyền thống, có thể kể đến như:
- Vừa chơi game vừa kiếm tiền: Với GameFi, người chơi có thể dễ dàng kiếm tiền ngay trong cả khoảng thời gian đang tận hưởng trò chơi.
- Sở hữu thực sự đối với vật phẩm trong game: Kể cả khi trò chơi không hoạt động hay có chỉnh sửa, thay đổi thế nào thì NFT mà người chơi đang sở hữu cũng không bị mất đi.
- Không giới hạn phần lớn phạm vi lãnh thổ: Các dự án GameFi được phát triển dựa trên công nghệ blockchain, cho phép bất kỳ ai cũng có thể tham gia chơi game và thực hiện các giao dịch đối với tài sản trong game mà không bị giới hạn ở phần lớn các lãnh thổ.
Các thành phần trong GameFi
Mặc dù cơ chế và tính kinh tế của từng dự án GameFi riêng lẻ có thể khác nhau, nhưng về cơ bản chúng sẽ có các thành phần như sau:
Công nghệ blockchain
Hầu hết các trò chơi trong GameFi đều được xây dựng trên mạng blockchain hỗ trợ hợp đồng thông minh. Blockchain giúp đảm bảo rằng tất cả giao dịch mua bán hay trao đổi vật phẩm trong game đều công bằng, minh bạch và mở.
Trong bối cảnh của GameFi, blockchain sẽ lưu dữ liệu về việc ví nào sở hữu vật phẩm nào trong game, có nghĩa là người chơi thực sự được quyền sở hữu tài sản trong game, chứ không phải các nhà phát triển game.
Ethereum là một trong những nền tảng blockchain phổ biến nhất cho sự phát triển của GameFi. Tuy nhiên, blockchain Ethereum lại tồn tại vấn đề liên quan đến không gian khối (block space) có giới hạn, dẫn đến chi phí giao dịch tăng cao mỗi khi có quá nhiều giao dịch cần thực hiện và nhu cầu về block space tăng mạnh.
Điều này đã khiến các nhà phát triển game chuyển sang các blockchain nhanh hơn, với dung lượng cao hơn như Polygon Network, Solana, Polkadot… thậm chí phát triển các blockchain riêng biệt cho mảnh ghép gaming.
Mô hình Play-to-Earn (P2E)
Trong các trò chơi ứng dụng mô hình play-to-win (chơi game để thắng) hay pay-to-earn (trả tiền để chơi game và kiếm tiền), nhà phát triển thường là bên kiếm được tiền nhờ vào tính năng mua bán vật phẩm hay hàng hoá trong game (in-app purchase).
Tuy nhiên, trong các trò chơi blockchain ứng dụng mô hình play-to-earn, không chỉ nhà phát triển game mà người chơi cũng có thể kiếm tiền, bằng cách nhận được phần thưởng dưới dạng token hoặc NFT khi hoàn thành các nhiệm vụ trong trò chơi, ví dụ như chiến thắng trận chiến, giải đấu...
Hơn nữa, các dự án GameFi ứng dụng mô hình play-to-earn còn cho phép người dùng giao dịch và trao đổi các tài sản có giá trị của họ trong game. Điều này làm tăng khả năng sử dụng của tài sản và vật phẩm, đồng thời góp phần làm tăng thêm nhu cầu đối với các ứng dụng mới về DeFi để gia tăng cơ hội kiếm tiền của người dùng khi chơi game, cuối cùng tạo ra một nền kinh tế mở trong game.
Ví dụ: Game Axie Infinity thưởng cho người chơi một phần token AXS khi họ đạt được mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ trong game. Người dùng có thể swap token AXS sang stablecoin hoặc tiền fiat để thu về lợi nhuận, hoặc dùng AXS để tham gia các hoạt động DeFi.
NFT (Non-fungible Token)
Trong các trò chơi play-to-earn trên blockchain, tất cả mọi vật phẩm như ảnh đại diện, đất, vũ khí, trang bị, quần áo, tài nguyên… đều được đại diện bởi NFT.
Người chơi thu thập được các vật phẩm NFT này trong quá trình chơi game và có thể giao dịch chúng trên marketplace để đổi thành NFT khác hoặc tiền điện tử, sau đó có thể chuyển đổi thành tiền fiat.
Thừa hưởng tính chất của NFT, các nhân vật hoặc vật phẩm trong trò chơi blockchain sẽ là độc nhất (nghĩa là chúng không thể bị sao chép hoặc làm giả), không thể tách nhỏ và thuộc quyền sở hữu của chính người chơi đó.
Ngoài ra, NFT trong các dự án GameFi còn có nhiều cấp độ để phát triển, cho phép người chơi tăng thu nhập bằng nhiều cách khác nhau, có thể kể đến như:
- Dành thời gian để nâng cấp nhân vật.
- Kiếm tiền từ tài sản trên đất của mình thông qua việc phát triển các công trình và yêu cầu người chơi khác phải trả tiền để ghé thăm.
- Chiến đấu với những người chơi khác trong các giải đấu.
Quyền sở hữu tài sản
Như đã đề cập phía trên, trong GameFi, các tài sản trong game tồn tại dưới dạng NFT thuộc quyền sở hữu của người chơi và không thể bị làm giả.
Quyền sở hữu tài sản được xem là một sự cải tiến đáng kể của GameFi so với việc các tính năng mua bán vật phẩm trong ứng dụng (in-app purchase) của các game truyền thống.
Việc sở hữu tài sản thực sự trong GameFi đã tạo ra trải nghiệm chơi game hấp dẫn và mạnh mẽ hơn, nơi người chơi có thể tận hưởng cảm giác được tham gia trò chơi một cách chân thật và có quyền kiểm soát, gây ảnh hưởng đối với các vật phẩm của họ.
Ví dụ: Trong The Sandbox, một người dùng đã chi 450,000 USD cho một lô đất ảo ở Snoopverse – thế giới kỹ thuật số nơi mà các rapper đang rất phát triển. Bằng cách sở hữu lô đất này, người dùng có thể kiếm tiền từ các cửa hàng ảo, sòng bạc, địa điểm hòa nhạc… được xây dựng phía trên.
Giải pháp DeFi
Thành phần cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng trong GameFi là DeFi (tài chính phi tập trung). Việc tích hợp các yếu tố DeFi góp phần tạo ra một nền kinh tế trong thế giới GameFi với các cơ hội tối ưu lợi nhuận như staking, liquidity mining, yield farming, lending...
Nói cách khác, người chơi có thể dùng token hoặc NFT kiếm được từ trò chơi để stake, cung cấp thanh khoản hoặc farm để nhận được lợi nhuận APY/APR, vật phẩm độc quyền hoặc được mở khoá các cấp độ mới trong trò chơi… Thông qua những tính năng này, dự án có thể khuyến khích người chơi giữ (hoặc luân chuyển) tài sản kiếm được từ game ở trong phạm vi hệ sinh thái sản phẩm của họ, từ đó tích luỹ và duy trì giá trị trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc tích hợp DeFi còn giúp game blockchain trở nên phi tập trung hơn, loại bỏ khả năng bị thao túng hay quyền lực tập trung vào một thực thể.
Một số dự án GameFi đã kết hợp các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) cho phép chủ sở hữu token trong cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định và bỏ phiếu cho các bản cập nhật trong tương lai của giao thức. Với sự kết hợp này, thị trường tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của xu hướng mới trong lĩnh vực GameFi, được gọi là Guild Game. Ví dụ: Yield Guild Games, GuildFi, Merit Circle, Avocado Guild…
Tìm hiểu thêm: Guild Game là gì?
Thách thức của GameFi
Bất kỳ công nghệ mới nào cũng phải đối mặt với những thách thức riêng, GameFi không phải ngoại lệ. Dưới đây là một số thách thức của GameFi:
Tính biến động trong thị trường
Sự phụ thuộc vào tiền điện tử và công nghệ blockchain khiến GameFi phải đối mặt với sự biến động vốn có của thị trường này.
Giá trị của tiền điện tử có thể trải qua những biến động khó đoán trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng đến giá trị thực tế của tài sản trong game và thu nhập của người chơi. Cả người chơi và nhà phát triển đều phải đối mặt với khả năng biến động giá trị tài sản đột ngột, điều này có thể gây ra rủi ro tài chính và tác động đến sự ổn định chung của hệ sinh thái GameFi.
Hãy tưởng tượng bạn chơi game và kiếm được token với giá trị tại thời điểm nhận được là 1 USD, nhưng đến lúc muốn chuyển đổi token thành USDT để thu lợi nhuận thì giá token đã giảm mạnh xuống còn 0.1 USD, liệu bạn có còn động lực chơi game nữa không?
Đọc thêm: Chìa khóa thành công của một dự án GameFi.
Chi phí đầu vào
Một thách thức đáng kể khác của GameFi là chi phí đầu vào cao. Mặc dù GameFi thu hút nhờ mô hình play-to-earn, nhưng việc đi kèm với tính năng pay-to-play (trả tiền để chơi game) cũng khiến người chơi cảm thấy dè chừng và ái ngại.
Nhiều trò chơi play-to-earn yêu cầu người chơi mua hoặc mint NFT trước khi tham gia chơi. Và khi game dần trở nên phổ biến hơn, chi phí tham gia cũng sẽ tăng lên.
Ví dụ: Game Axie Infinity yêu cầu người chơi mới phải sở hữu ít nhất ba NFT nhân vật khác nhau, được gọi là Axies, để tạo thành đội và bắt đầu chơi game.
Ban đầu, người dùng có thể mua các NFT với giá thấp, nhưng khi càng có nhiều người chơi, game càng phổ biến hơn và giá NFT càng tăng cao hơn. Đỉnh điểm vào năm 2021, có những lúc người chơi mới phải trả khoảng 350 USD chỉ để lập đội và bắt đầu chơi.
Vấn đề bảo mật
GameFi hoạt động hoàn toàn dựa trên công nghệ blockchain, do đó bảo mật của hợp đồng thông minh, ví và ứng dụng phi tập trung cũng là những vấn đề đáng chú ý.
Trong thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 08/2021, TVL của GameFi đạt hơn 70 triệu USD, khiến lĩnh vực này trở thành một trong những mục tiêu hấp dẫn của các hacker.
Đáng chú ý nhất, tháng 03/2022, cầu nối Ronin của game Axie Infinity đã bị tấn công với tổng thiệt hại 173,600 Ethereum cùng 25.5 triệu USDC, tương đương 615 triệu USD. Sự cố này khiến nó trở thành một trong những vụ tấn công lớn nhất trong thế giới tiền điện tử nói chung và lĩnh vực GameFi nói riêng.
Mặc dù đội ngũ Sky Mavis (nhà phát triển Axie Infinity và Ronin) đã hoàn trả lại cho người dùng số tiền bị đánh cắp, tuy nhiên vụ hack vẫn khiến người chơi phần nào bị mất dần niềm tin vào nền tảng dự án.
Ngoài ra, vấn đề liên quan đến pháp lý cũng là một thách thức lớn đối với GameFi. Theo báo cáo thị trường crypto Việt Nam được thực hiện bởi Coin98 Insights (tại đây), việc chấp nhận và có khung pháp lý cho crypto được chia làm ba mức độ, trong đó:
- Các quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp và phần đông các nước châu Âu công nhận crypto là tài sản hợp pháp.
- Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan và một số quốc gia khác cấm crypto.
- Việt Nam, Thái Lan, Indonesia thuộc nhóm nằm giữa khi đưa ra quy định cấm một phần (cấm sử dụng crypto như phương thức thanh toán nhưng chưa cấm cá nhân nắm giữ crypto).
Vì vậy, đối với các quốc gia cấm hoàn toàn hoặc một phần đối với crypto, việc GameFi tích hợp lợi ích tài chính trong thế giới thực (như tiền điện tử) vào môi trường ảo trong game có thể tạo ra những lo ngại liên quan đến việc tuân thủ pháp lý.
Tất cả những điều này dẫn đến những thách thức tiềm ẩn về vấn đề pháp lý đối với các dự án GameFi. Việc hạn chế rủi ro dính dáng pháp lý đòi hỏi dự án phải cân bằng giữa việc đổi mới trong khuôn khổ mà vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý của chính phủ và cơ quan nhà nước.
GameFi có phải Metaverse không?
Về cơ bản, có thể nói metaverse là một thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất.
Và câu hỏi "GameFi có phải là Metaverse không?" được rất nhiều người quan tâm.
GameFi không phải là Metaverse, tuy nhiên cũng có thể nói rằng nó là một phần trong Metaverse.
Metaverse là một thế giới mở. Nơi đây cho phép người dùng có thể thỏa sức sáng tạo và tương tác.
Nếu nhìn vào thực tế hiện nay, những hệ sinh thái Metaverse đơn giản đều tồn tại dưới dạng game như Minecraft, Roblox, GTA V… và rất nhiều ví dụ khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy đâu đó một vài sự xuất hiện của Metaverse dưới dạng các mạng xã hội.
Hơn nữa, hiện tại các công ty truyền thống có tầm nhìn xây dựng một Metaverse đúng nghĩa đều dựa trên cơ sở một tựa game. Do vậy, có thể khẳng định rằng, game là một mảnh ghép rất quan trọng để hình thành nên Metaverse.
Quay trở lại với câu hỏi “GameFi có phải Metaverse hay không?” thì có thể khẳng định lại một lần nữa đó là không. Bởi vì GameFi nói chung còn thiếu khá nhiều thứ để có thể trở thành Metaverse thực sự. Một vài khía cạnh để xem xét như sau:
- Một cách hiểu đơn giản, Metaverse là một thế giới mở. Nhưng các dự án GameFi thì là thế giới đóng, chúng ta không thể tác động cũng như xây dựng gì ở trên đó.
- Hơn nữa, khả năng sáng tạo cũng sẽ rất hạn chế và khả năng tối ưu nguồn vốn cũng như yếu tố "earn" hay "finance" cũng sẽ được đề cao nhiều hơn.
- Nếu nhìn lại thì chúng ta cũng phải đồng ý rằng, trong một Metaverse ắt hẳn một nền kinh tế thu nhỏ được sinh ra là điều tất yếu. Và theo đó, yếu tố "finance" cũng sẽ phải tồn tại, nhưng đó không phải là tất cả, vì trong vũ trụ mở đó, ngoài finance chúng ta còn rất nhiều các khía cạnh khác như sự sáng tạo, khả năng tương tác, phát triển…
Do vậy đây cũng là một lý do mà khá nhiều các dự án GameFi trên thị trường Marketing bản thân hoặc có tầm nhìn là một Metaverse. Tuy nhiên, cũng sẽ cần phải cân nhắc cũng như đánh giá rất kỹ về khả năng của đội ngũ cũng như cơ sở nào để dự án GameFi đó đi theo hướng Metaverse.
Nếu dự án đó từ đầu đã phát triển theo hướng như Decentraland hay The Sandbox - những mô hình cho phép người tham gia xây dựng và tương tác thì việc phát triển Metaverse khá dễ dàng.
Nhưng nếu dự án đó ban đầu là những tựa game với mô hình khá “đóng" thì dường như đó là một thách thức không hề nhỏ để phát triển theo hướng Metaverse. Vì giờ đây, mô hình ban đầu của game cũng sẽ phải thay đổi sao cho phù hợp. Điều này cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về cái chất nói riêng ban đầu của game đó.
Tóm lại, GameFi tuy không phải là Metaverse, nhưng nếu chúng ta nhìn dưới góc độ thị trường crypto thì có khả năng rất lớn rằng những Metaverse sẽ được phát triển từ các dự án GameFi.
Tương lai của GameFi
Theo thống kê dữ liệu mới nhất của DemandSage (tại đây), trong năm 2024 ước tính sẽ có khoảng 3.24 tỷ người chơi (gamer) trên toàn cầu. Điều này mang lại cơ hội phát triển rất lớn cho lĩnh vực GameFi.
Chỉ riêng năm 2021, các nhà đầu tư đã rót hơn 5.5 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực game crypto, khiến năm 2021 trở thành một năm mang tính bước ngoặt đối với ngành công nghiệp đang phát triển này.
Mặc dù, dòng vốn đầu tư trong 2023 có thể giảm xuống khoảng 2.3 tỷ USD do xu hướng giảm (downtrend) của toàn thị trường crypto, nhưng tổng số vốn đầu tư từ năm 2021 đến 2023 đã lên đến con số ấn tượng 16.3 tỷ USD.
Đọc thêm: Báo cáo Blockchain Gaming: Tầm nhìn và các yếu tố thành công.
Cho đến thời điểm tháng 1/2024, thị trường GameFi đã bước vào giai đoạn bão hoà và dẫn xuất hiện thêm những xu hướng mới mang tính đột phá, phải kể đến là Fully On-chain Game (FOCG) và On-chain Game Asset. Trong đó:
- FOCG không bị hạn chế bởi một client (thiết bị chơi game như trình duyệt web của người chơi) cụ thể do nhà phát hành game phát triển. Bất kỳ ai cũng có thể tạo một client thay thế để tương tác với các smart contract của trò chơi.
- On-chain Game Asset là các tài sản trong game tồn tại on-chain.
Nói một cách dễ hiểu, FOCG cho phép cộng đồng thay đổi nội dung của trò chơi (mod) và tạo ra phiên bản trò chơi mà họ mong muốn, ví dụ như lối chơi, hình ảnh hoặc chức năng mới cho trò chơi.
Điều này giúp mở rộng khả năng của trò chơi ngoài những gì mà nhà phát triển cung cấp, tạo ra những trải nghiệm mới và thú vị hơn.
Dự án nổi bật và đi đầu trong mảng Fully On-chain Game (FOCG) có thể kể đến là Dark Forest.
Tìm hiểu thêm: Báo cáo Fully On-Chain Game (FOCG).
Mặc dù FOCG được xem là bước tiến tiếp theo của GameFi, nhưng nó vẫn là một không gian mới và đang trong quá trình khai phá. Bản thân các FOCG và cơ sở hạ tầng như FOC game engine cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
Hãy cùng quan sát xem trong tương lai các xu hướng này sẽ phát triển như thế nào, và liệu chúng ta sẽ thấy thêm những sự xuất hiện của xu hướng mới nào GameFi.